Hướng dẫn số 30-HD/BTGTW ngày 13/4/2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức kỷ niệm năm tròn một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong hai năm 2017 - 2018
  • Về việc tổ chức kỷ niệm năm tròn một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong hai năm 2017 - 2018
  • 30-HD/BTGTW
  • Hướng dẫn
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • 13/04/2017
  • 13/04/2017
  • Ban Tuyên giáo Trung ương
  • Lâm Phương Thanh
Nội dung:

 

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

BAN TUYÊN GIÁO

*

Số 30 - HD/BTGTW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

Về việc tổ chức kỷ niệm năm tròn một số ngày lễ lớn

và sự kiện lịch sử quan trọng trong hai năm 2017 - 2018

 

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 3581-CV/VPTW ngày 23/3/2016 của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn việc tổ chức kỷ niệm năm tròn một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong hai năm 2017 - 2018 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Giáo dục chính trị tư tưởng, lịch sử, truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước.

- Thông qua các hoạt động kỷ niệm tạo không khí phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

- Các hoạt động kỷ niệm cần tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm với quy mô, hình thức phù hợp theo tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) và Kết luận số 88-KL/TW ngày 18/02/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI).

II. CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM

1. Một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2017

1.1. Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017)

- Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ tại Hà Nội.

Danh nghĩa tổ chức Lễ kỷ niệm: Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội.

Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các ban, bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm; lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm.

- Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất chủ trương, chính sách về công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.

- Các cấp, các ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tùy điều kiện cụ thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm thích hợp, như: Tổ chức gặp mặt, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; tổ chức hội nghị biểu dương những điển hình tiên tiến trong thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống, lịch sử và đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sỹ.

- Các tỉnh, thành phố - nơi có nhà tù của đế quốc, như: tỉnh Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hà Nội, Sơn La… căn cứ vào điều kiện cụ thể, chủ trì phối hợp với Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trong nhà tù đế quốc.

- Xây dựng phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ: Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội biên soạn, phát hành Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ.

- Các phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các hoạt động kỷ niệm.

Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức phát thanh và truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm, tổ chức phát sóng phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ vào dịp kỷ niệm, trong khung giờ phù hợp; Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố tổ chức tiếp sóng.

1.2. Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2017)

- Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga tại Hà Nội.

Danh nghĩa tổ chức Lễ kỷ niệm: Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội.

Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm; lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm.

- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương liên quan và đại diện lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội dâng hoa tại tượng đài V.I.Lênin ở Hà Nội vào ngày 7/11/2017. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hoạt động này.

- Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn và phát hành.

- Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa xã hội hiện thực - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.

- Xây dựng phim tài liệu về 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga: Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện.

- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt - Nga và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hoạt động gặp mặt nhân chứng, giao lưu, tọa đàm, chủ đề về Cách mạng Tháng Mười Nga.

- Các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga; đồng thời có các bài viết, phóng sự, phỏng vấn, phản ánh các hoạt động tuyên truyền về kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức phát thanh và truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm, tổ chức phát sóng phim tài liệu kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vào dịp kỷ niệm, trong khung giờ phù hợp; Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng.

1.3. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 2/5/2017)

- Tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Văn Tiến Dũng theo quy mô cấp ban, bộ, ngành: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan thực hiện; lãnh đạo Bộ Quốc phòng đọc diễn văn kỷ niệm.

- Tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Văn Tiến Dũng: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và thành phố Hà Nội thực hiện.

- Xuất bản sách về đồng chí Văn Tiến Dũng: Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia thực hiện.

- Xây dựng phim tài liệu về đồng chí Văn Tiến Dũng: Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện.

- Các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tuyên truyền về cuộc đời, hoạt động cách mạng và những cống hiến của đồng chí Văn Tiến Dũng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phát sóng phim tài liệu về đồng chí Văn Tiến Dũng vào dịp kỷ niệm, trong khung giờ phù hợp.

- Việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhà lưu niệm thực hiện (nếu có) theo quy định hiện hành.

1.4. Kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947 – 10/2017)

- Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “70 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay”, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện.

- Ban Tuyên giáo Trung ương lồng ghép nội dung tuyên truyền về tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào trong sinh hoạt chuyên đề năm 2017 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giá trị, ý nghĩa tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (viết tắt là NQTW4-KXII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (viết tắt là CT05 của BCT-KXII).

1.5. Kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Đời sống mới” (20/3/1947 - 20/3/2017)

- Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “70 năm tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2017).

- Các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giá trị, ý nghĩa tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện NQTW4-KXII và CT05 của BCT-KXII.

II. Một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2018

2.1. Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968

- Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968 (viết tắt là cuộc Tổng tiến công nổi dậy) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Danh nghĩa tổ chức Lễ kỷ niệm: Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm; lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm.

- Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về cuộc Tổng tiến công nổi dậy: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

- Xây dựng phim tài liệu kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy: Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện.

- Các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh từ Quảng Trị trở vào tổ chức gặp mặt truyền thống, tọa đàm, hội thảo khoa học,… về chiến thắng của cuộc Tổng tiến công nổi dậy gắn với các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử của đất nước, của địa phương trong Quý I năm 2018.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm; chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam biên soạn, phát hành Tài liệu tuyên truyền 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy.

-  Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức phát thanh và truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm, tổ chức phát sóng phim tài liệu kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy vào dịp kỷ niệm, trong khung giờ phù hợp; Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố tổ chức tiếp sóng.

2.2. Kỷ niệm 170 năm ra đời tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” (24/2/1848 - 24/2/2018)

- Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về tác phẩm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng tuyên truyền kỷ niệm trong Đảng và xã hội; chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn và phát hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 170 năm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”.

- Các phương tiện thông tin đại chúng có các bài viết, phóng sự, phỏng vấn, phản ánh các hoạt động tuyên truyền về kỷ niệm 170 năm “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”.

2.3. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018)

-  Tổ chức Lễ dâng hương: Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang chủ trì tổ chức dâng hương tại nơi lưu niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

- Tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh An Giang thực hiện.

- Các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương gắn với quá trình hoạt động và công tác của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, tùy điều kiện cụ thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm thích hợp, như tọa đàm, hội thảo khoa học, hành hương về khu lưu niệm…

- Việc bổ sung thông tin, tư liệu bảo đảm tính thời sự của phim tài liệu về Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng: Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện.

- Các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền về cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; về các hoạt động kỷ niệm diễn ra ở Trung ương và địa phương.

Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phát sóng phim tài liệu về Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vào dịp kỷ niệm, trong khung giờ phù hợp.

- Việc trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm, nhà lưu niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành.

2.4. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 – 2/2/2018)

- Tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (lần đầu tiên) theo quy mô cấp tỉnh: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình chủ trì tổ chức.

- Xây dựng phim tài liệu về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện.

- Tổ chức hội thảo hoặc tọa đàm kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức.

- Các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương gắn với quá trình hoạt động, công tác của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, tùy điều kiện cụ thể để tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm thích hợp, như: tọa đàm, hội thảo khoa học,…

- Các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức phát sóng phim tài liệu về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vào dịp kỷ niệm, trong khung giờ phù hợp.

- Việc trùng tu, tôn tạo nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành.

2.5. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (3/12/1998 - 3/12/2018)

- Tổ chức Lễ dâng hương: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Ninh chủ trì tổ chức dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự.

- Xây dựng phim tài liệu về đồng chí Ngô Gia Tự: Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện.

- Tổ chức hội thảo hoặc tọa đàm kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức.

- Các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí Ngô Gia Tự đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phát sóng phim tài liệu về đồng chí Ngô Gia Tự vào dịp kỷ niệm, trong khung giờ phù hợp.

- Việc trùng tu, tôn tạo Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các tỉnh, thành phố, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giao chủ trì tổ chức các hoạt động kỷ niệm nêu trên xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

2. Văn phòng Trung ương Đảng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự và đọc diễn văn tại các lễ kỷ niệm cấp quốc gia (70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, 50 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968); dự lễ kỷ niệm, hội thảo khoa học kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện lịch sử quan trọng.

3. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, kỷ niệm; biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền về các ngày lễ lớn và các sự kiện lịch sử trong hai năm 2017 – 2018; thẩm định diễn văn kỷ niệm; các bài phát biểu tại lễ kỷ niệm cấp quốc gia; theo dõi, kiểm tra việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm và thường xuyên báo cáo Ban Bí thư.

4. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các đoàn thể chính trị - xã hội; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong hai năm 2017 - 2018.

5. Ngoài các hoạt động nêu trên, các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố tùy vào điều kiện cụ thể có thể tổ chức các hoạt động kỷ niệm thích hợp bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu theo tinh thần của Hướng dẫn này.

6. Kinh phí tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm thực hiện theo quy định hiện hành (bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương).

Văn phòng Trung ương Đảng cấp kinh phí làm phim, sách, tài liệu tuyên truyền.

 

 

 

K/T TRƯỞNG BAN

PHÓ TRƯỞNG BAN

(Đã ký)

Lâm Phương Thanh


Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website