Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình
  • Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình
  • 47-NQ/TW
  • Nghị quyết
  • Chính sách
  • 22/03/2005
  • 22/03/2005
  • Bộ Chính trị
Nội dung:

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số: 47-NQ/TW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

 

I- Tình hình thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua

Tháng 1 năm 1993, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình nhằm giải quyết cơ bản vấn đề dân số, tiến tới ổn định quy mô dân số của nước ta.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết này, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng: nhận thức của toàn xã hội đã có bước chuyển biến rõ rệt, quy mô gia đình có một hoặc hai con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; nhịp độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ trên 3,5 con năm 1992, xuống 2,28 con năm 2002, tỉ lệ tăng dân số giảm tương ứng từ hơn 2% còn 1,32%.

Kết quả của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân. Với những thành tựu của công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, năm 1999, Việt Nam đã được nhận Giải thưởng Dân số của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, từ sau năm 2000 đến nay, kết quả thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình chững lại và giảm sút. Trong hai năm 2003 và 2004, tỉ lệ phát triển dân số, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng mạnh trở lại. Đặc biệt là tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên tăng nhiều ở hầu hết các địa phương, gây tác động tiêu cực đến phong trào nhân dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tình hình này đã làm chậm thời gian đạt mức sinh thay thế (trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hai con).

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do chúng ta chưa nhận thực đầy đủ tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác này trong bối cảnh kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước, dẫn đến chủ quan, thỏa mãn với những kết quả ban đầu, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiên định trong tổ chức thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số thiếu ổn định, quá tải; cơ chế quản lý kém hiệu quả; tổ chức, điều hành chương trình lúng túng, chậm đổi mới; việc ban hành Pháp lệnh Dân số và một số chính sách khác thiếu chặt chẽ.

Trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội nước ta chưa phát triển, tình trạng nghèo đói còn nhiều, tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, quy mô dân số hiện nay khá lớn với hơn 82 triệu người, mật độ dân số vào hàng cao nhất thế giới, chất lượng dân số chưa được cải thiện đáng kể v.v... thì việc dân số tăng nhanh trở lại sẽ phá vỡ những thành quả đã đạt được, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội và việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm chậm quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đặt nước ta trước nguy cơ tụt hậu xa hơn.

Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong thời gian tới.

II- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình

A- Quan điểm chỉ đạo

Tiếp tục quán triệt và kiên quyết thực hiện các quan điểm cơ bản của Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; phấn đấu sớm đạt được mục tiêu về ổn định quy mô dân số, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Toàn Đảng, toàn dân kiên trì thực hiện chủ trương mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con để có điều kiện nuôi dạy tốt.

Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

B- Mục tiêu

1- Nhanh chóng đạt mức sinh thay thế (trung bình mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hai con), tiến tới ổn định quy mô dân số nước ta ở mức 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI.

2- Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam về thể chất, trí tuệ, tinh thần, cơ cấu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

C- Nhiệm vụ và một số giải pháp chủ yếu

1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền

Các cấp ủy đảng và chính quyền phải nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của địa phương, đơn vị; có kế hoạch và biện pháp khắc phục những yếu kém, bất cập, kiên quyết ngăn chặn khuynh hướng sinh nhiều con.

Đưa công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình thành một nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, xem đây là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của địa phương, đơn vị, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác này theo mục tiêu đã để ra.

Huy động toàn xã hội tham gia công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của cáccấp, các ngành, đoàn thể nhân dân, đồng thời huy động các tổ chức xã hội và các thành phần kinh tế tích cực tham gia công tác này. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho mỗi gia đình, mỗi người dân tự nguyện thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.

Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện, đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình và quần chúng nhân dân thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, xem xét đề bạt, đề cử cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo của các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.

Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình theo Nghị quyêt Hội nghị Trung ương 4 và Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 06-3-1995 của Ban bí thư Trung ương Đảng (khóa VII).

2- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giáo dục

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lí, tập quán sinh đẻ trong toàn xã hội. Vận động toàn xã hội chấp nhận và thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con, coi việc dừng ở hai con là nghĩa vụ của mọi người dân để góp phần giảm bớt gánh nặng về dân số của đất nước. Việc tuyên truyền, vận động phải sâu sát, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Chú ý vận động những gia đình đã có hai con để họ không sinh con thứ ba.

Mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình trong và ngoài nhà trường cho vị thành niên và thanh niên. Vận động, thuyết phục những người cao tuổi nhắc nhở con, cháu thực hiện chính sách sinh đẻ có kế hoạch.

Phối hợp các cơ quan truyền thông và sử dụng đa dạng các loại hình tuyên truyền để vận động, giáo dục đến từng gia đình, người dân.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng địa phương, đơn vị và cộng đồng dân cư. Khen thưởng những gia đình có nhiều thế hệ chấp hành nghiêm túc quy định của Nhà nước về dân số và kế hoạch hóa gia đình.

3- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và nâng cao hiệu lực quản lý

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số, gia đình và trẻ em từ Trung ương đến cơ sở đủ mạnh để quản lý và tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động và đưa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến tận người dân. Đặc biệt quan tâm củng cố, ổn định, nâng cao năng lực và nhiệt tình cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân số, gia đình và trẻ em ở các xã, phường, thị trấn và đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở các thôn, xóm, bản, làng. Có chính sách khuyến khích thỏa đáng về tinh thần và vật chất đối với đội ngũ này. Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đối với cán bộ dân số, gia đình và trẻ em xã, phường, thị trấn.

Thực hiện quản lý, điều hành công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình theo chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục áp dụng cơ chế phân cấp và phối hợp liên ngành đã khẳng định được hiệu quả cao trong thời gian qua, đồng thời nghiên cứu và áp dụng các cơ chế mới phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Thực hiện việc đăng ký dân số, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về dân số đầy đủ, chính xác, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành chương trình, đồng thời phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

4- Chính sách và đầu tư nguồn lực

Sớm sửa đổi Pháp lệnh dân số và các chính sách, quy định hiện hành không phù hợp với cuộc vận động thực hiện mục tiêu bình quân mỗi cặp vợ chồng có hai con. Nghiên cứu, ban hành và bổ sung các chính sách khuyến khích về vật chất và tinh thần đối với các cộng đồng, gia đình, cá nhân làm tốt công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình; tạo môi trường tâm lý, xã hội tích cực thúc đẩy phong trào thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Hướng dẫn và khuyến khích cộng đồng làng, bản, thôn, ấp xây dựng các hương ước, quy ước nhằm tạo phong trào toàn xã hội thực hiện các mục tiêu của chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Tăng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tích cực tranh thủ các nguồn viện trợ và huy động sự đóng góp của nhân dân, bảo đảm đủ kinh phí thực hiện công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình. Thực hiện phân bổ công khai và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí.

Ưu tiên đầu tư cho các vùng đông dân có mức sinh cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và các đối tượng là người nghèo, vị thành niên, thanh niên.

5- Mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Hoàn thiện hệ thống dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và thực hiện KHHGĐ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người sử dụng về các biện pháp tránh thai. Chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao trình độ cán bộ y tế, tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ này. Đẩy mạnh tiếp thị xã hội và bán rộng rãi các phương tiện tránh thai.

Tập trung triển khai các loại hình cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình phù hợp đối với từng vùng. Tăng cường các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình đối với vùng nông thôn, vùng đông dân có mức sinh cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chú ý đúng mức đến việc đáp ứng nhu cầu dịch vụ đối với vị thành niên, thanh niên. Lồng ghép hoạt động cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình với phòng, chống HIV/AIDS.

6- Nâng cao chất lượng dân số Việt Nam

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thanh thiếu niên và người cao tuổi. Nâng cao năng lực, hướng dẫn tổ chức, phát động các phong trào rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khỏe, giữ gìn vệ sinh và cải thiện môi trường sống tại cộng đồng.

Triển khai các hoạt động kiểm tra sức khỏe di truyền, tư vấn tiền hôn nhân, đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; giảm tỉ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, giảm nhanh tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; mở rộng các dịch vụ chăm sóc người già, người tàn tật, tổ chức phục hồi chức năng cho trẻ em và người khuyết tật.

Ưu tiên triển khai các chương trình, dự án nâng cao chất lượng cuộc sống đối với các dân tộc thiểu số, vùng nghèo, vùng khó khăn, người di cư và các nhóm đối tượng thiệt thòi.

Tiến hành nghiên cứu về chất lượng dân số Việt Nam đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

III- Tổ chức thực hiện

Các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng và đảng đoàn các bộ, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị-xã hội tổ chức phổ biến Nghị quyết này đến cán bộ lãnh đạo, đảng viên và nhân dân; xây dựng và triển khai chương trình hành động, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.

Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật phù hợp với tình hình mới, trong đó có việc sửa đổi một số điểm trong Pháp lệnh Dân số.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách cụ thể về dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng chương trình hành động, phát động các phong trào toàn dân tham gia thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Ban Khoa giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị về tình hình thực hiện nghị quyết này.

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
22-NQ/TW
10/04/2013
10/04/2013
86/2015/QH13
19/11/2015
01/07/2016
83/2015/QH13
25/06/2015
25/06/2015
81/2015/QH13
24/06/2015
01/01/2016
80/2015/QH13
22/06/2015
01/07/2016
79/2015/QH13
19/06/2015
01/07/2016

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website