Nghị định số 08/2017/NĐ-CP, ngày 8/2/2017 của Chính phủ quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí
  • Quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí
  • 08/2017/NĐ-CP
  • Nghị định
  • Thông tin - Truyền thông
  • 08/02/2017
  • 30/03/2017
  • Chính phủ
  • Nguyễn Xuân Phúc
Nội dung:

 

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ LƯU CHIỂU ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI LOẠI HÌNH BÁO NÓI, BÁO HÌNH VÀ BÁO ĐIỆN TỬ ĐỘC LẬP VỚI CƠ QUAN BÁO CHÍ

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về hoạt động lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình, báo điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương.

2. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương, các cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động lưu chiểu điện tử.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Lưu chiểu là việc lưu giữ nguyên trạng nội dung các tác phẩm báo nói, báo hình và báo điện tử để đối chiếu, kiểm tra.

2. Lưu chiểu điện tử là việc sử dụng các phương tiện điện tử để thực hiện việc lưu chiểu.

3. Hoạt động lưu chiểu điện tử là việc cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương tổ chức tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản và sử dụng các tác phẩm báo nói, báo hình, báo điện tử.

Điều 3. Thẩm quyền lưu chiểu điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí

Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử.

Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử

1. Xây dựng, vận hành và quản lý hệ thống lưu chiểu điện tử để lưu giữ, bảo quản và sử dụng tác phẩm báo chí theo quy định của pháp luật.

2. Đánh giá, nhận xét về nội dung tác phẩm báo chí được lưu chiểu theo yêu cầu của công tác quản lý.

3. Kiểm tra nội dung tác phẩm báo chí lưu chiểu, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử

1. Thực hiện chế độ lưu chiểu theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 52 Luật báo chí.

2. Cung cấp tín hiệu truyền dẫn (đối với báo nói, báo hình), quyền truy xuất dữ liệu (đối với báo điện tử) theo yêu cầu của cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử.

3. Đảm bảo tính thống nhất, chính xác giữa nội dung tác phẩm đăng, phát với nội dung tác phẩm cung cấp cho cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử.

Chương II

HOẠT ĐỘNG LƯU CHIỂU ĐIỆN TỬ

Điều 6. Tiếp nhận tác phẩm báo chí để thực hiện lưu chiểu điện tử

1. Người đứng đầu cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận các tác phẩm báo nói, báo hình, báo điện tử để thực hiện việc lưu chiểu điện tử.

2. Việc tiếp nhận tác phẩm báo nói, báo hình, báo điện tử được thực hiện theo quy trình sau:

a) Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử có văn bản thông báo cho cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử để kết nối theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

Trong văn bản thông báo phải nêu phương án kết nối, truyền dẫn tín hiệu phát sóng (đối với báo nói, báo hình), phương án kết nối và truy xuất các tác phẩm báo chí đăng tải trên trang báo điện tử (đối với báo điện tử) về hệ thống lưu chiểu điện tử của cơ quan thực hiện lưu chiểu; thời gian, địa điểm thực hiện việc kết nối.

b) Chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo về phương án kết nối, cơ quan báo nói, báo hình và báo điện tử phải có văn bản trả lời, thống nhất việc kết nối với cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử.

c) Sau khi kết nối, cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử kiểm tra, đảm bảo tác phẩm đã được lưu tại hệ thống và xác nhận với cơ quan báo chí sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tác phẩm báo chí.

d) Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử tổ chức lưu giữ nguyên trạng nội dung tác phẩm báo chí trên hệ thống lưu chiểu; tổ chức phân loại nội dung để lưu giữ phục vụ công tác quản lý.

Điều 7. Thời gian lưu giữ tác phẩm báo chí được lưu chiểu điện tử

1. Đối với báo nói, báo hình, thời gian lưu giữ nguyên trạng tối thiểu là 06 tháng kể từ ngày được phát sóng lần đầu.

2. Đối với báo điện tử, thời gian lưu giữ nguyên trạng tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày đăng tải lần đầu.

Điều 8. Bảo quản tác phẩm báo chí được lưu chiểu điện tử

1. Các tác phẩm trong hệ thống lưu chiểu điện tử phải được bảo quản an toàn và lưu giữ nguyên trạng về nội dung thông tin.

2. Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn, tính toàn vẹn, khả năng truy xuất và sử dụng các biện pháp kỹ thuật để việc phân loại, lưu giữ được thuận lợi nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm.

3. Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử xây dựng giải pháp bảo đảm chất lượng kỹ thuật, giải pháp an toàn thông tin cho hệ thống lưu chiểu điện tử.

Điều 9. Sử dụng tác phẩm báo chí được lưu chiểu điện tử

1. Tác phẩm báo chí lưu chiểu điện tử được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về báo chí, gồm: Đánh giá, nhận xét về nội dung thông tin theo chuyên đề, sự kiện, cho các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu.

2. Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử được sử dụng tác phẩm báo chí lưu chiểu điện tử làm căn cứ để xử lý trong trường hợp tác phẩm có nội dung sai phạm.

Điều 10. Kinh phí cho hoạt động lưu chiểu điện tử

1. Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động lưu chiểu điện tử của cơ quan quản lý nhà nước và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Ngân sách nhà nước cho hoạt động lưu chiểu điện tử, gồm:

a) Mua sắm công cụ, dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện để quản lý, duy trì hệ thống lưu chiểu điện tử.

b) Tổng hợp, phân tích, báo cáo về kết quả đánh giá chất lượng nội dung thông tin trên báo nói, báo hình, báo điện tử.

c) Các hoạt động khác phục vụ hoạt động lưu chiểu điện tử.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 3 năm 2017.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
2045 - CV/BTCTW
29/12/2016
29/12/2016
22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT
30/06/2016
01/12/2016

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website