Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam
  • Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam
  • 109/2017/NĐ-CP
  • Nghị định
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • 21/09/2017
  • 11/10/2017
  • Chính phủ
  • Nguyễn Xuân Phúc
Nội dung:

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ VÀ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI Ở VIỆT NAM

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (sau đây gọi chung là di sản thế giới) là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (sau đây gọi chung là UNESCO) ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

2. Di sản văn hóa thế giới là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

3. Di sản thiên nhiên thế giới là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về thiên nhiên được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

4. Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗn hợp là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam đáp ứng được tiêu chí của cả Di sản văn hóa thế giới và Di sản thiên nhiên thế giới, được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

5. Giá trị nổi bật toàn cầu là sự biểu hiện những ý nghĩa văn hóa và thiên nhiên đặc biệt của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế đối với các thế hệ hiện tại và tương lai.

6. Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu là sự khẳng định của Ủy ban Di sản thế giới về giá trị, tiêu chí, tính toàn vẹn, tính xác thực và việc quản lý, bảo vệ bền vững di sản mà nhờ đó nó được ghi vào Danh mục Di sản thế giới.

7. Tính toàn vẹn là sự biểu hiện một cách đầy đủ các yếu tố gốc cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới.

8. Tính xác thực là sự biểu hiện một cách trung thực và đáng tin cậy của yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa của di sản thế giới, giúp nhận biết được bản chất, đặc tính, ý nghĩa và lịch sử của di sản thế giới đó.

9. Khu vực di sản thế giới là vùng chứa đựng các yếu tố gốc tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới.

10. Vùng đệm của khu vực di sản thế giới là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực di sản thế giới, có tác dụng tạo thêm một lớp bảo vệ cho di sản thế giới và là nơi tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di sản thế giới.

11. Cộng đồng là tập hợp những người đang sinh sống ổn định và lâu dài trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới.

12. Kế hoạch quản lý di sản thế giới là văn bản tổng hợp các biện pháp bảo tồn giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới, bao gồm cả việc phân công trách nhiệm cụ thể đến mọi đối tượng liên quan tới việc thực hiện các biện pháp bảo tồn đó.

13. Quy chế bảo vệ di sản thế giới là văn bản chi tiết hóa các quy định liên quan tới những biện pháp bảo tồn của kế hoạch quản lý di sản thế giới nhằm giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện mọi hoạt động trong khu vực di sản thế giới một cách thuận lợi nhất.

14. Ủy ban Di sản thế giới là tổ chức được Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước Di sản thế giới bầu chọn theo nhiệm kỳ 04 năm để thực thi Công ước Di sản thế giới.

15. Trung tâm Di sản thế giới là cơ quan của UNESCO, có trách nhiệm hỗ trợ và cộng tác với các quốc gia thành viên Công ước Di sản thế giới, các cơ quan tư vấn và phân ban chuyên môn khác của UNESCO để điều phối mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý và bảo vệ di sản thế giới.

Chương II

BẢO VỆ VÀ QUẢN LÝ DI SẢN THẾ GIỚI

Điều 4. Bảo vệ khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới

1. Khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

2. Vùng đệm của khu vực di sản thế giới được bảo vệ như đối với khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Điều 5. Chỉ số giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản thế giới

1. Tính toàn vẹn và tính xác thực.

2. Tính bền vững của công trình kiến trúc và địa điểm khảo cổ.

3. Sự bảo tồn và phát triển của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài bị đe dọa.

4. Chất lượng nguồn nước.

5. Tính bền vững của di sản văn hóa phi vật thể.

6. Các yếu tố gốc khác cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới cần được giám sát.

Điều 6. Quy hoạch tổng thể di sản thế giới

1. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với việc lập quy hoạch tổng thể di sản thế giới theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về di sản văn hóa.

2. Trường hợp di sản thế giới đồng thời có khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển thì chỉ lập 01 quy hoạch tổng thể di sản thế giới, trong đó lồng ghép nội dung giữa bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh với bảo vệ tài nguyên du lịch, tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên địa chất, địa mạo, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về di sản văn hóa và quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 7. Nguyên tắc lập, thời hạn của kế hoạch quản lý di sản thế giới

1. Nguyên tắc lập kế hoạch quản lý di sản thế giới:

a) Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chiến lược phát triển văn hóa, chiến lược bảo vệ và phát triển rừng và chiến lược khác có liên quan;

b) Phù hợp với hồ sơ di sản thế giới đã được đệ trình và lưu giữ tại UNESCO và quy hoạch tổng thể di sản thế giới;

c) Bảo đảm việc gắn kết, lồng ghép giữa bảo vệ di sản thế giới với bảo vệ môi trường và các yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ di sản thế giới với phát triển bền vững;

d) Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập kế hoạch quản lý;

đ) Bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

e) Phù hợp với nguồn lực thực hiện và bảo đảm tính khả thi.

2. Thời hạn của kế hoạch quản lý di sản thế giới là 05 năm, tầm nhìn 20 năm.

Điều 8. Nội dung cơ bản của kế hoạch quản lý di sản thế giới

1. Mô tả di sản thế giới

a) Điểm di tích, cụm di tích, cảnh quan thiên nhiên, địa chất, đa dạng sinh học và những yếu tố gốc cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới;

b) Hiện trạng khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới;

c) Cộng đồng sinh sống trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới;

d) Giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di sản thế giới;

đ) Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới đã được Ủy ban Di sản thế giới công nhận.

2. Thực trạng bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

3. Mục tiêu của kế hoạch quản lý di sản thế giới.

4. Quy định pháp lý trong nước và quốc tế có liên quan đến việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới; cơ chế, chính sách áp dụng đối với việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

5. Giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn của di sản thế giới: Chỉ số cần giám sát; chu kỳ và thời gian giám sát; tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm giám sát; những biện pháp bảo vệ cần thực hiện để ngăn chặn các nguy cơ tác động, ảnh hưởng tới di sản thế giới.

6. Xác định nguy cơ tác động tới di sản thế giới và đời sống cộng đồng để đề xuất xây dựng quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định này.

7. Quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

8. Phương án kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới.

9. Đề xuất nhiệm vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di sản thế giới và nguồn kinh phí thực hiện.

10. Kế hoạch quản lý di sản thế giới phải phân thành định kỳ 05 năm để đánh giá lại, xem xét điều chỉnh (nếu cần thiết) bảo đảm phù hợp với thực tiễn bảo vệ và quản lý di sản thế giới của từng thời điểm.

Điều 9. Thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới

1. Trường hợp di sản thế giới phân bố trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới được thực hiện như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới chịu trách nhiệm tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới thuộc thẩm quyền;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thẩm định kế hoạch quản lý di sản thế giới.

2. Trường hợp di sản thế giới thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới được thực hiện như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc chọn Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức lập kế hoạch quản lý di sản thế giới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp lập kế hoạch quản lý di sản thế giới. Sau khi đạt được sự thống nhất đối với nội dung của kế hoạch quản lý di sản thế giới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì lập kế hoạch quản lý di sản thế giới và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thẩm định và phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới.

Điều 10. Thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 7 Điều này đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị, kèm theo 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 7 Điều này, đề nghị các bộ, ngành, hội chuyên ngành có liên quan góp ý nội dung kế hoạch quản lý di sản thế giới.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hồ sơ, các bộ, ngành, hội chuyên ngành được đề nghị có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với nội dung kế hoạch quản lý di sản thế giới.

4. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của các bộ, ngành, hội chuyên ngành, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định kế hoạch quản lý di sản thế giới và gửi văn bản thông báo kết quả thẩm định đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới.

5. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới hoàn thiện kế hoạch quản lý di sản thế giới và phê duyệt theo thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định này và báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

6. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ nhận được kết quả thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định này hoàn thiện kế hoạch quản lý di sản thế giới và đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt theo thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

7. Hồ sơ đề nghị thẩm định kế hoạch quản lý di sản thế giới gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định (trường hợp di sản thế giới thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phân bổ trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên thì trong văn bản cần nêu rõ sự thống nhất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan đối với kế hoạch quản lý di sản thế giới);

b) Dự thảo kế hoạch quản lý di sản thế giới;

c) Dự thảo Quyết định phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới;

d) Bản tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng địa phương về nội dung kế hoạch quản lý di sản thế giới.

8. Kế hoạch quản lý di sản thế giới và Quyết định phê duyệt được gửi và lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức sau:

a) Trung tâm Di sản thế giới;

b) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới;

đ) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao nơi có di sản thế giới;

e) Tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới.

Điều 11. Điều chỉnh kế hoạch quản lý di sản thế giới

1. Việc điều chỉnh kế hoạch quản lý di sản thế giới được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Theo yêu cầu của Ủy ban Di sản thế giới và Trung tâm Di sản thế giới;

b) Có sự điều chỉnh lớn về khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới;

c) Xuất hiện những yếu tố, nguy cơ có khả năng tác động và ảnh hưởng xấu tới sự bền vững của di sản thế giới.

2. Thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch quản lý di sản thế giới và thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch quản lý di sản thế giới thực hiện theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định này.

Điều 12. Nguyên tắc xây dựng quy chế bảo vệ di sản thế giới

1. Được xây dựng trên cơ sở xác định những yếu tố, nguy cơ thường xuyên có khả năng ảnh hưởng xấu tới di sản thế giới để đưa ra các quy định cụ thể nhằm bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

2. Tuân thủ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

3. Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia, góp ý rộng rãi của cộng đồng, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng.

4. Được sửa đổi, bổ sung kịp thời trong quá trình thực hiện để bảo đảm sự phù hợp, khả thi đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới.

Điều 13. Nội dung quy chế bảo vệ di sản thế giới

1. Quy định những vấn đề chung về:

a) Bảo vệ khu vực di sản thế giới;

b) Bảo vệ vùng đệm của khu vực di sản thế giới.

2. Quy định những vấn đề cụ thể về:

a) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới;

b) Cơ chế hỗ trợ tu bổ, tôn tạo di tích;

c) Phối hợp cấp phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm;

d) Phòng chống rủi ro, thiên tai; thảm họa thiên nhiên; cháy, nổ;

đ) Tổ chức tham quan du lịch; phát triển du lịch bền vững và dịch vụ du lịch;

e) Hoạt động quảng cáo;

g) Những vấn đề quan trọng khác cần xây dựng thành quy định trong việc phối hợp, thực hiện bảo vệ di sản thế giới.

3. Các thủ tục cụ thể cần triển khai, thực hiện đối với những quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trách nhiệm phối hợp bảo vệ di sản thế giới giữa tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới với tổ chức liên quan ở địa phương và cộng đồng tại di sản thế giới.

Điều 14. Thẩm quyền xây dựng và phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng quy chế bảo vệ di sản thế giới và phê duyệt sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan.

2. Trường hợp di sản thế giới thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, thẩm quyền xây dựng và phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới được thực hiện như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc chọn Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức xây dựng quy chế bảo vệ di sản thế giới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan chịu trách nhiệm phối hợp xây dựng quy chế. Sau khi đạt được sự thống nhất đối với nội dung của quy chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xây dựng quy chế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới;

b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới được phân bổ trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên quy định tại khoản này.

Điều 15. Tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới

1. Tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới là tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ và giữ gìn toàn diện di sản thế giới, được thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Việc kiện toàn bộ máy tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới cần căn cứ vào loại hình, giá trị, quy mô, yêu cầu bảo vệ và giữ gìn di sản thế giới; bảo đảm tinh gọn để thực hiện toàn bộ hoặc một số chức năng sau: Bảo vệ; nghiên cứu khoa học; tu bổ di tích; hóa nghiệm bảo quản, phục chế, tu sửa hiện vật; tôn tạo cảnh quan và kiểm soát môi trường, giám sát nguồn nước; bảo vệ tài nguyên rừng, thủy sản, địa chất, địa mạo; cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; kiểm lâm, kiểm ngư; thuyết minh, giáo dục; bảo tàng, thư viện; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể; truyền thông, đối ngoại; tư vấn bảo tồn, quản lý dự án; hợp tác cộng đồng; phát triển du lịch bền vững, dịch vụ và xúc tiến du lịch.

Điều 16. Nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới

1. Lập phương án và tổ chức triển khai thực hiện phương án bảo vệ và quản lý di sản thế giới ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn của di sản thế giới theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại di sản thế giới và báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền những nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới di sản thế giới.

3. Triển khai chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới.

4. Tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá, trưng bày, giới thiệu về di sản thế giới; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, lưu trữ tài liệu về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể liên quan phục vụ công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di sản thế giới; bảo quản, nghiên cứu, sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, mẫu vật địa chất, động vật, thực vật tại di sản thế giới và trưng bày, triển lãm lưu động bên ngoài phạm vi di sản thế giới; tổ chức trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể gắn với di sản thế giới.

5. Ứng dụng khoa học công nghệ vào việc bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di sản thế giới; bảo tồn giá trị địa chất, địa mạo, giá trị thẩm mỹ; bảo tồn và phát triển hệ động, thực vật để duy trì giá trị đa dạng sinh học của di sản thế giới; tổ chức hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thu gom, xử lý chất thải, bảo vệ, ngăn chặn tác nhân gây nguy hại tới môi trường và nguồn nước tại di sản thế giới; góp phần nâng cao đời sống cộng đồng; tham gia nghiên cứu đề xuất quy trình, quy phạm bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản thế giới.

6. Hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách tham quan du lịch tại di sản thế giới; tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động du lịch dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập, giải trí tại di sản thế giới; đánh giá tác động của hoạt động du lịch đối với di sản thế giới và đề xuất phương án giảm thiểu tác động làm suy giảm giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới (nếu có).

7. Tổ chức bán vé, thu phí tham quan và dịch vụ; quản lý, sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật.

8. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức, người lao động.

9. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

10. Tham gia quản lý, liên kết và giám sát các hoạt động đầu tư, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển sinh vật trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới; phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới.

11. Phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới theo quy định hiện hành; tổ chức thông tin, thảo luận, thu thập ý kiến của cộng đồng về quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến di sản thế giới.

12. Tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế.

13. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và quản lý di sản thế giới với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền giao.

Điều 17. Nguồn tài chính

1. Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Khoản thu từ phí tham quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước;

c) Khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại di sản thế giới;

d) Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;

đ) Các nguồn tài chính hợp pháp khác.

2. Các khoản thu nêu tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật, được sử dụng để chi trả cho hoạt động trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

Chương III

TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ VÀ QUẢN LÝ DI SẢN THẾ GIỚI

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về di sản thế giới, cụ thể:

1. Thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới, quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định tại Điều 9 và Điều 14 Nghị định này.

2. Thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di sản thế giới, quy hoạch tổng thể di sản thế giới, đề án, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di sản thế giới, dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Thỏa thuận việc điều chỉnh khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và đề nghị UNESCO.

4. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

5. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong việc:

a) Giải quyết khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, Trung tâm Di sản thế giới và tổ chức tư vấn của Ủy ban Di sản thế giới;

b) Thực hiện chủ trương, chính sách của UNESCO về di sản thế giới trên toàn cầu nói chung, di sản thế giới ở Việt Nam nói riêng;

c) Thực hiện trách nhiệm là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới trong nhiệm kỳ được bầu và thành viên của tổ chức tư vấn của UNESCO về lĩnh vực di sản thế giới;

d) Chỉ đạo tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới lập báo cáo định kỳ việc thực hiện Công ước Di sản thế giới.

6. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và quản lý di sản thế giới; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

Điều 19. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tại khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới theo quy định của pháp luật có liên quan;

b) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc hướng dẫn thực hiện quy hoạch tổng thể di sản thế giới trong trường hợp di sản thế giới có khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới là một phần hoặc toàn bộ diện tích của rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, địa chất, khoáng sản tại khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới theo quy định của pháp luật có liên quan;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án triển khai trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc hướng dẫn thực hiện quy hoạch tổngthể di sản thế giới trong trường hợp di sản thế giới có khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên.

3. Bộ Xây dựng

Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di sản thế giới, đồ án quy hoạch tổng thể di sản thế giới.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân đối, xác định tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện quy hoạch tổng thể di sản thế giới trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể di sản thế giới;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân đối và bố trí nguồn vốn cho việc triển khai quy hoạch tổng thể di sản thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di sản thế giới, đồ án quy hoạch tổng thể di sản thế giới.

5. Bộ Tài chính

a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân đối, xác định tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện quy hoạch tổng thể di sản thế giới trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể di sản thế giới;

b) Bố trí vốn cho việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di sản thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di sản thế giới, đồ án quy hoạch tổng thể di sản thế giới.

6. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về di sản thế giới theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và quản lý di sản thế giới trong phạm vi địa phương.

2. Lập, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới; xây dựng, phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới theo quy định tại Điều 9 và Điều 14 Nghị định này.

3. Tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể di sản thế giới, kế hoạch quản lý di sản thế giới, quy chế bảo vệ di sản thế giới theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bộ, ngành liên quan.

4. Tổ chức xây dựng hồ sơ điều chỉnh khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và đề nghị UNESCO.

5. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và quản lý di sản thế giới; ngăn chặn và xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại di sản thế giới trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội ở khu vực di sản thế giới và vùng đệm của khu vực di sản thế giới.

6. Quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả và tránh thất thoát; phân bổ nguồn thu quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 17 cho các hoạt động bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

7. Huy động các nguồn lực thực hiện dự án thành phần thuộc quy hoạch tổng thể di sản thế giới, kế hoạch quản lý di sản thế giới.

8. Quyết định việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản thế giới theo quy định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện nhằm thu hút tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

9. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về di sản thế giới ở trung ương và địa phương khác trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản thế giới.

10. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những vướng mắc về chế độ, chính sách trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

11. Định kỳ quý I hằng năm, gửi báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện của năm trước đó đối với quy hoạch tổng thể di sản thế giới, kế hoạch quản lý di sản thế giới và đề xuất kế hoạch triển khai tiếp theo của việc thực hiện quy hoạch tổng thể di sản thế giới, kế hoạch quản lý di sản thế giới về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và bộ, ngành liên quan.

12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ tổ chức bảo vệ và quản lý di sản thế giới thuộc phạm vi địa phương mình theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Trách nhiệm của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

1. Tư vấn những vấn đề khoa học liên quan đến việc lập và triển khai quy hoạch tổng thể di sản thế giới, kế hoạch quản lý di sản thế giới theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Phối hợp kiểm tra việc thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ, quản lý di sản thế giới khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị.

3. Thực hiện nhiệm vụ khác liên quan đến di sản thế giới theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Điều khoản chuyển tiếp

Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới chịu trách nhiệm xây dựng và phê duyệt đề án kiện toàn bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới hiện có theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định này.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 11 năm 2017.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, kiểm tra tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến bảo vệ và quản lý di sản thế giới ở Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 



TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc


Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
105/2017/NĐ-CP
14/09/2017
01/11/2017

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website