Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
  • Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
  • 87/2017/NĐ-CP
  • Nghị định
  • Cơ cấu - Tổ chức
  • 26/07/2017
  • 26/07/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Nguyễn Xuân Phúc
Nội dung:

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:87/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ TÀI CHÍNH

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính - ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn, hàng năm về các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

3. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được ban hành, phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

5. Về quản lý ngân sách nhà nước:

a) Tổng hợp, lập, trình Chính phủ kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm quốc gia; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm, bao gồm chi thường xuyên, chi dự trữ quốc gia, chi trả nợ lãi, chi viện trợ; điều chỉnh kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương trong trường hợp cần thiết; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán chi đầu tư phát triển, phương án phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi hỗ trợ tín dụng nhà nước, chi góp vốn cổ phần và liên doanh của ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng, trình Chính phủ phương án bổ sung dự toán số tăng thu của ngân sách nhà nước, phương án phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương và phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước theo quy định;

c) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương, nhiệm vụ thu, chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia đối với các khoản thu phân chia và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước;

d) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, sử dụng quỹ dự trữ tài chính của trung ương và các nguồn dự trữ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc quy định theo thẩm quyền các định mức phân bổ và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

e) Hướng dẫn về yêu cầu, nội dung, thời hạn lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm, dự toán ngân sách nhà nước; thông báo số kiểm tra dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước về tổng mức và từng lĩnh vực thu, chi ngân sách đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; dự toán chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; tổng số thu ngân sách trên địa bàn và dự toán chi cân đối ngân sách địa phương đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

g) Tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước, điều hành ngân sách trung ương theo thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện dự toán ngân sách các cấp;

h) Kiểm tra việc phân bổ dự toán ngân sách được giao của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; hướng dẫn việc quản lý, điều hành ngân sách của các bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các địa phương;

i) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước và định kỳ báo cáo việc thực hiện dự toán thu, chi ngân sách theo quy định của pháp luật;

k) Thẩm định, tổng hợp quyết toán ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; tổng hợp quyết toán ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; tổng hợp, trình Chính phủ để trình Quốc hội phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước;

l) Chi ứng trước ngân sách trung ương theo thẩm quyền hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

m) Thu hồi các khoản chi ứng trước của ngân sách trung ương;

n) Chủ trì báo cáo Chính phủ tình hình giải ngân, quyết toán kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư công;

o) Lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

p) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ quyết định chính sách và giải pháp tài chính trong phạm vi được phân công để kiềm chế và chống lạm phát hoặc thiểu phát trong nền kinh tế.

6. Về quản lý thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước:

a) Thống nhất quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật đối với cơ quan thuế, hải quan và cơ quan khác được nhà nước giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí hoặc thu khác của ngân sách nhà nước;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, phí, lệ phí, thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, mặt nước, tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, lệ phí trước bạ và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

c) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, truy thu thuế, xóa nợ thuế, tiền phạt và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước hoặc bãi bỏ các hình thức xử phạt khác đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương về thuế;

d) Ban hành quy định về thủ tục, quy trình nghiệp vụ thu, nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các nghiệp vụ: Khai thuế, tính thuế, nộp thuế, phát hành lệnh thu thuế và các nghiệp vụ khác có liên quan;

đ) Kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu của ngân sách nhà nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật về thu, nộp ngân sách nhà nước và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Đánh giá sự phù hợp của chính sách thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước với các cơ chế, chính sách khác hiện hành và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

7. Về quản lý quỹ ngân sách, quỹ dự trữ nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và quản lý ngân quỹ nhà nước:

a) Thống nhất quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm đối với quỹ ngân sách, ngân quỹ nhà nước tại Kho bạc Nhà nước; quản lý quỹ dự trữ nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo đúng dự toán được giao và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Kiểm soát, thanh toán, chi trả, quyết toán các khoản chi từ ngân sách nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật;

d) Hướng dẫn nghiệp vụ thu nộp và chi trả, thanh toán, báo cáo thu, chi quỹ ngân sách nhà nước; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ nhà nước và quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách;

đ) Ban hành các quy định về chế độ quản lý tài chính của các quỹ tài chính nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động thu, chi và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chế độ tài chính của các quỹ tài chính nhà nước;

e) Kiểm tra việc thực hiện nghiệp vụ in, đúc, tiêu hủy tiền và kiểm tra việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ.

8. Về quản lý dự trữ quốc gia:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ danh mục hàng dự trữ quốc gia, tổng mức dự trữ quốc gia, kế hoạch dự trữ quốc gia;

b) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật và quản lý chất lượng đối với hàng dự trữ quốc gia và tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia (trừ tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) theo quy định của pháp luật;

c) Ban hành quy định về chế độ quản lý tài chính, giá mua tối đa, giá bán tối thiểu, giá bồi thường thiệt hại đối với hàng dự trữ quốc gia, mức chi phí cho việc mua, bán, nhập, xuất, bảo quản, bảo hiểm, cứu trợ, viện trợ hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật;

d) Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch dự trữ quốc gia được duyệt, đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động dự trữ quốc gia của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; thẩm định và tổng hợp quyết toán ngân sách chi cho dự trữ quốc gia;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động dự trữ quốc gia của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định;

e) Tổ chức thực hiện các quy định về quản lý, bảo quản, nhập, xuất, mua, bán, luân phiên đổi hàng đối với các mặt hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

9. Về quản lý tài sản công:

a) Thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công;

c) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mua sắm, xác lập sở hữu, giao, khai thác, thu hồi, điều chuyển, thanh lý, bán, chuyển nhượng tài sản công theo quy định của pháp luật;

d) Xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức kiểm tra đối với công tác mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật và phân công của Thủ tướng Chính phủ;

đ) Tham gia ý kiến về dự thảo tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản chuyên dùng do các bộ, cơ quan khác ở trung ương xây dựng trước khi ban hành;

e) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật; tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản công trong cả nước, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội.

10. Về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp:

a) Xây dựng, trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ chế giám sát về tài chính đối với các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; cơ chế, chính sách tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế tài chính phục vụ chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; cơ chế quản lý, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; cơ chế quản lý, sử dụng các nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp từ ngân sách nhà nước và các nguồn quỹ khác của Nhà nước;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách của Nhà nước về tài chính doanh nghiệp;

c) Chủ trì hoặc tham gia thẩm định việc đầu tư vốn, hỗ trợ tài chính của Nhà nước vào các doanh nghiệp và theo dõi, giám sát việc thực hiện đầu tư của Nhà nước đối với các doanh nghiệp sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giải quyết chính sách khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

đ) Phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu lập và thực hiện kế hoạch giám sát các doanh nghiệp; giám sát theo chuyên đề hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị, đề xuất giải pháp với cơ quan đại diện chủ sở hữu về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

e) Theo dõi, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản và phân tích, cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính và đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

h) Tổng hợp, phân tích, đánh giá và xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch điều hòa nguồn vốn, quỹ của các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; xử lý theo thẩm quyền những vấn đề về vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo phân cấp của Chính phủ;

i) Tổng hợp, báo cáo Chính phủ về hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sản phẩm công ích được giao; về hoạt động đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc; xem xét cụ thể báo cáo tài chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khi được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu;

k) Tổng hợp, kiến nghị, đề xuất giải pháp về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và báo cáo Chính phủ;

l) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Kiểm soát viên tài chính tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo quy định của pháp luật.

11. Về quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.

a) Xây dựng, trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền chính sách, chế độ về quản lý vay nợ và trả nợ trong nước và ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì xây dựng chỉ tiêu an toàn nợ công, chiến lược, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm và kế hoạch vay trả nợ hàng năm của Chính phủ, hạn mức bảo lãnh Chính phủ, nợ công hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vay và trả nợ của Chính phủ, nợ công, vay và trả nợ nước ngoài của quốc gia; quản lý tài chính đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ bao gồm: Vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi, vay thương mại của Chính phủ; quản lý, giám sát các chỉ số nợ (nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và của doanh nghiệp);

d) Tổ chức huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua phát hành công trái, trái phiếu chính phủ trong và ngoài nước và từ các nguồn tài chính hợp pháp khác;

đ) Là đại diện “Bên cho vay” của Chính phủ đối với các khoản Chính phủ nước ngoài vay; đại diện “Bên vay” của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam, trừ những khoản vay mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được ủy quyền đàm phán và ký kết; tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn nước ngoài của Chính phủ theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì xác định cơ chế tài chính trong nước đối với dự án vay nước ngoài; tổ chức cho vay lại đối với các chương trình, dự án theo danh mục đã được phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát quá trình giải ngân và quản lý nguồn vay nợ, viện trợ nước ngoài của Chính phủ;

e) Chủ trì xây dựng kế hoạch bố trí nguồn vốn trả nợ nước ngoài từ ngân sách nhà nước; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, lập kế hoạch giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi, kế hoạch vốn đối ứng hàng năm từ nguồn ngân sách đối với các chương trình, dự án ODA;

g) Thực hiện cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay vốn theo quy định của pháp luật; bảo lãnh phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn trong nước;

h) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc trả nợ từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của Chính phủ, thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh; quản lý Quỹ tích lũy trả nợ;

i) Tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình vay, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia theo quy định của pháp luật;

k) Thống nhất quản lý tài chính nhà nước đối với các nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; tổ chức tiếp nhận, phân phối và thực hiện quản lý tài chính đối với các nguồn viện trợ quốc tế theo quy định của Chính phủ;

l) Là đầu mối tổng hợp và công bố thông tin về nợ của Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

12. Về kế toán, kiểm toán:

a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, chính sách phát triển hoạt động kế toán, kiểm toán, các quy định về kế toán, kiểm toán (bao gồm kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ), chế độ báo cáo, công khai tài chính - ngân sách;

b) Ban hành quy định về nguyên tắc, chuẩn mực, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kế toán, kiểm toán;

c) Trình cấp có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, điều kiện của kế toán viên, kế toán trưởng, kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề, kế toán viên hành nghề; tiêu chuẩn, điều kiện thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập;

d) Cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập; giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán, kiểm toán độc lập; đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập và đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán, hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập; hành nghề kế toán, kiểm toán độc lập và xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán, hoạt động hành nghề kế toán, kiểm toán độc lập; có ý kiến về các bất đồng và tranh chấp về kế toán và kiểm toán độc lập.

13. Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán:

a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển thị trường chứng khoán;

b) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án thành lập, đình chỉ hoạt động, giải thể hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu, phương thức hoạt động, mô hình tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán;

c) Cấp hoặc thu hồi Giấy phép hoạt động đối với công ty kinh doanh chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty chứng khoán, các tổ chức phát hành chứng khoán ra công chúng và tổ chức lưu ký, dịch vụ chứng khoán theo quy định của pháp luật;

d) Kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức có liên quan đến việc phát hành, kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm cho các hoạt động thị trường chứng khoán diễn ra an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật.

14. Quản lý nhà nước về bảo hiểm:

a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển thị trường bảo hiểm;

b) Cấp hoặc thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; cấp phép và quản lý hoạt động đối với Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam;

c) Kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân có liên quan;

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm cho các hoạt động thị trường bảo hiểm thực hiện đúng pháp luật;

đ) Quản lý việc sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

15. Về quản lý tài chính các tổ chức tài chính và dịch vụ tài chính:

a) Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên thị trường tài chính; xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với tổ chức định mức tín nhiệm, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tự nguyện và các trung gian tài chính hoạt động trên thị trường tài chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính;

b) Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách và mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino, trò chơi điện tử có thưởng;

c) Ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh xổ số, đặt cược, casino, trò chơi có thưởng;

d) Kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số, đặt cược, casino, trò chơi điện tử có thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành;

đ) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; chính sách tín dụng ưu đãi khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các quỹ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

g) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức hoạt động dịch vụ tài chính, tư vấn thuế, thẩm định giá và các dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

16. Về hải quan:

a) Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

b) Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hải quan; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phòng, chống buôn lậu và thống kê hải quan theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ của ngành hải quan theo quy định của Luật hải quan và các quy định khác của pháp luật; kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan.

17. Về lĩnh vực giá:

a) Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện định hướng điều hành giá hàng năm, 05 năm và 10 năm; quy hoạch phát triển dịch vụ thẩm định giá;

b) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy định về phân cấp quản lý giá, cơ chế quản lý giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức sản xuất, kinh doanh lập phương án giá và làm cơ sở thẩm định các phương án giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá; phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn phương pháp định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành;

d) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; danh mục mặt hàng được lập quỹ bình ổn giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá;

đ) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật;

e) Thẩm định phương án giá do các bộ, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định; theo dõi, giám sát, phối hợp trong việc định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của các bộ, ngành; kiểm tra, thẩm định giá đất theo quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chính sách, biện pháp về giá và các quyết định về giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc phê duyệt;

g) Quyết định theo thẩm quyền giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; hướng dẫn việc quyết định mức giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá theo quy định của pháp luật;

h) Hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệp thương giá. Tổ chức hiệp thương giá theo quy định của pháp luật;

i) Trình cấp có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn thẩm định viên về giá;

k) Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đình chỉ việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

l) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá, kê khai giá; hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ đăng ký giá, kê khai giá thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện;

m) Hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá, thẩm định giá;

n) Thẩm định giá tài sản của Nhà nước theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

18. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, công tác thống kê trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

19. Về hợp tác quốc tế:

a) Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng phương án và tổ chức đàm phán về các dự thảo điều ước quốc tế song phương, đa phương về thuế (thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tránh đánh thuế hai lần và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật), dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán, hải quan và các lĩnh vực tài chính khác theo ủy quyền của Chính phủ;

c) Đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về tài chính theo ủy quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ; đại diện của Chính phủ Việt Nam tại các diễn đàn tài chính quốc tế song phương, đa phương theo phân công của Chính phủ.

20. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ quản lý trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

21. Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc bộ.

22. Quản lý nhà nước đối với các hoạt động của hội và tổ chức phi chính phủ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

23. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong sử dụng tài sản, kinh phí được giao; kiểm tra và theo dõi tình hình thi hành pháp luật tài chính theo quy định của pháp luật; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chế độ quản lý tài chính, ngân sách và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý của bộ.

24. Về cải cách hành chính:

a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành chương trình đổi mới cơ chế quản lý tài chính công phục vụ chương trình cải cách hành chính nhà nước từng thời kỳ;

b) Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

25. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật; chế độ chính sách; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

26. Quản lý và tổ chức thực hiện công tác tài chính, tài sản nhà nước, đầu tư phát triển và xây dựng trong toàn ngành thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.

27. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Vụ Ngân sách nhà nước.

2. Vụ Đầu tư.

3. Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I).

4. Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp.

5. Vụ Chính sách thuế.

6. Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.

7. Vụ Hợp tác quốc tế.

8. Vụ Pháp chế.

9. Vụ Tổ chức cán bộ.

10. Vụ Thi đua - Khen thưởng.

11. Thanh tra.

12. Văn phòng.

13. Cục Quản lý công sản.

14. Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.

15. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

16. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.

17. Cục Quản lý giá.

18. Cục Tin học và Thống kê tài chính.

19. Cục Tài chính doanh nghiệp.

20. Cục Kế hoạch - Tài chính.

21. Tổng cục Thuế.

22. Tổng cục Hải quan.

23. Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

24. Kho bạc Nhà nước.

25. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

26. Viện Chiến lược và chính sách tài chính.

27. Thời báo Tài chính Việt Nam.

28. Tạp chí Tài chính.

29. Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

Các tổ chức quy định từ khoản 1 đến khoản 25 Điều này là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ khoản 26 đến khoản 29 Điều này là các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ.

Vụ Ngân sách nhà nước có 5 phòng, Vụ Chính sách thuế có 5 phòng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng, Vụ Đầu tư có 4 phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng, Vụ Pháp chế có 5 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại có 9 phòng, Cục Quản lý giá có 6 phòng, Cục Quản lý công sản có 5 phòng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có 7 phòng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán có 5 phòng, Cục Tài chính doanh nghiệp có 9 phòng, Cục Tin học và Thống kê tài chính có 8 phòng, Cục Kế hoạch - Tài chính có 10 phòng, Thanh tra Bộ có 11 phòng, Văn phòng Bộ có 6 phòng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và danh sách các tổ chức sự nghiệp khác thuộc bộ.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành và thay thế Nghị định số 215/2013/NĐ-CPngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website