Nghị quyết số 19/2016/QH14, ngày 28/7/2016 của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”
  • Thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”
  • 19/2016/QH14
  • Nghị quyết
  • Cơ cấu - Tổ chức
  • 28/07/2016
  • 28/07/2016
  • Quốc hội
  • Nguyễn Thị Kim Ngân
Nội dung:

QUỐC HỘI

Nghị quyết số: 19/2016/QH14

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------------


NGHỊ QUYẾT

THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT

“VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2011-2016”

 

 

QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 14/2016/QH14 ngày 27 tháng 7 năm 2016 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

1. Thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”.

2. Thành phần Đoàn giám sát và kế hoạch giám sát được ban hành kèm theo Nghị quyết này.

3. Đoàn giám sát có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2017; trình báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 3.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 2

1. Giao ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát, chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Đoàn giám sát.

Giao ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn thường trực, chủ trì giúp Đoàn giám sát về nội dung của chuyên đề giám sát.

Giao bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn, phối hợp giúp Đoàn giám sát về nội dung của chuyên đề giám sát.

Giao bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng đoàn.

Giao Văn phòng Quốc hội giúp Đoàn giám sát về xây dựng chương trình, kế hoạch, công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.

Giao Trưởng Đoàn giám sát dự kiến danh sách Ủy viên Đoàn giám sát trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

2. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương và yêu cầu của Đoàn giám sát,  Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức giám sát tại địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát.

Điều 3

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 28 tháng 7 năm 2016.

 

  CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

(đã ký)

Nguyễn Thị Kim Ngân

 

 

 

 

 

 

-------------


THÀNH PHẦN ĐOÀN GIÁM SÁT

“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

giai đoạn 2011 - 2016”

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 19/2016/QH14 của Quốc hội)

 

I. THÀNH VIÊN ĐOÀN GIÁM SÁT

1.     Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn;

2.     Ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực;

3.     Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn;

4.     Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng đoàn;

5.     05 Ủy viên là Thường trực Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội;

6.     02 Ủy viên là Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội;

7.     01 Ủy viên là Thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội;

8.     01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội;

9.     01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội;

10.   01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội;

11.   01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội;

12.   01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội;

13.   01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội;

14.   01 Ủy viên là Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội;

15.   05 Ủy viên là đại biểu Quốc hội am hiểu về nội dung chuyên đề giám sát;  

16.   Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát.

II. ĐẠI BIỂU MỜI THAM GIA ĐOÀN GIÁM SÁT

1.   Đại diện Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

2.   05 chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (do Đoàn giám sát quyết định);

3.   Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát.

 

----------

 

KẾ HOẠCH GIÁM SÁT

“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

giai đoạn 2011 - 2016”

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 19/2016/QH14 của Quốc hội)

 

 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn từ 2011 đến 31/12/2016.

- Đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.

- Xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các cá nhân liên quan; đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm; đề xuất giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.

2. Yêu cầu

- Xem xét, đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

- Đảm bảo thực hiện đúng thời gian và tiến độ đã đề ra trong Kế hoạch giám sát này.

II. PHẠM VI

Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016.

III. ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT

1. Cơ quan chịu giám sát ở trung ương

Chính phủ; Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo; các cơ quan hữu quan khác.

2. Cơ quan chịu giám sát ở địa phương

Tất cả địa phương (63 tỉnh, thành phố).

IV. NỘI DUNG GIÁM SÁT

Đoàn giám sát thực hiện các nội dung giám sát sau đây:

1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm;

2. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm;

3. Đánh giá việc thực hiện chính sách, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm;

4. Xem xét, đánh giá các nhân tố liên quan ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm (như thực trạng môi trường tại các địa bàn chế biến thực phẩm; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát, quản lý hóa chất, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư phục vụ nông nghiệp, chế biến thực phẩm…);

5. Làm rõ nguyên nhân của kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm.

V. PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT

Đoàn giám sát thực hiện giám sát thông qua các hoạt động sau đây:

1. Yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân liên quan gửi báo cáo;

2. Nghe Chính phủ và các cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016;

3. Tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

4. Yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc) tổ chức giám sát và gửi báo cáo đến Đoàn giám sát;

5. Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương và địa phương;

6. Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

7. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị tham vấn, phiên giải trình để thu thập thông tin, đóng góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát.

8. Quốc hội ra nghị quyết về chuyên đề giám sát.

VI - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Triển khai công tác chuẩn bị (trước tháng 10/2016)

Đoàn giám sát triển khai các hoạt động sau:

- Công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát (kèm thành phần và kế hoạch giám sát) theo quy định; gửi văn bản đến các cơ quan hữu quan;

- Thành lập Tổ giúp việc;

- Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định danh sách Ủy viên Đoàn giám sát;

- Xây dựng Đề cương báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát;

- Gửi văn bản đến các cơ quan:

+ Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo đến Đoàn giám sát;

+ Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc) tổ chức giám sát tại địa phương, gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát;

- Trên cơ sở Kế hoạch giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết, Đoàn giám sát xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết để triển khai thực hiện cho cả quá trình hoạt động của Đoàn giám sát. Trong đó, thể hiện rõ cách thức tổ chức, tiến độ cụ thể thực hiện các hoạt động giám sát; xây dựng báo cáo kết quả giám sát; thành lập các Đoàn công tác; phân công nhiệm vụ và các vấn đề liên quan khác;

- Chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho Đoàn giám sát thực hiện Kế hoạch giám sát;

- Thu thập cơ sở pháp lý, tư liệu, thông tin liên quan đến chuyên đề giám sát; chuẩn bị bộ tài liệu phục vụ thành viên Đoàn giám sát;

- Tổ chức họp triển khai công tác của Đoàn giám sát, phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát, tuyên truyền về hoạt động giám sát chuyên đề.

2. Tổng hợp báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị (tháng 11/2016 – 2/2017)

- Đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị gửi báo cáo theo nội dung đã được yêu cầu.

- Tiếp nhận và nghiên cứu báo cáo, tài liệu của các cơ quan gửi cho Đoàn giám sát.

- Tổng hợp báo cáo của các cơ quan theo Đề cương báo cáo kết quả giám sát được duyệt; yêu cầu báo cáo bổ sung (nếu có).

- Đoàn giám sát làm việc với đại diện Chính phủ, các cơ quan có liên quan để xem xét báo cáo.

- Đoàn giám sát tổ chức các đoàn công tác tiến hành giám sát tại một số địa phương, đơn vị liên quan.

- Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành giám sát tại địa phương và báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát.

3. Xây dựng báo cáo kết quả giám sát (tháng 3-4/2017)

- Đoàn giám sát tổng hợp và xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát.

- Tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị tham vấn, phiên giải trình lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đóng góp vào dự thảo Báo cáo.

- Đoàn giám sát làm việc với đại diện Chính phủ về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát.

- Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2017.

4. Phục vụ Quốc hội giám sát tối cao và ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề (tháng 5-6/2017)

- Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 3.

- Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3.

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
09-HD/BTCTW
02/03/2012
02/03/2012
139/2016/NĐ-CP
04/10/2016
01/01/2017
138/2016/NĐ-CP
01/10/2016
01/10/2016

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website