THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:1029/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN DO QUỸ KHÍ HẬU XANH TÀI TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LIÊN HỢP QUỐC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 5172/BKHĐT-KTĐN ngày 26 tháng 6 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”, do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) như sau:
1. Cơ quan chủ quản Dự án ô: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Cơ quan chủ quản các dự án thành phần: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân (UBND) 07 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam và Cà Mau.
2. Mục tiêu của Dự án:
a) Mục tiêu tổng quát: Tăng cường năng lực chống chịu với những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra cho các cộng đồng dân cư ven biển dễ bị tổn thương tại Việt Nam.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Tăng cường khả năng chống chịu cho hạ tầng nhà ở dân sinh trước những tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân tại những vùng thường xuyên bị thiên tai vùng duyên hải.
- Tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng ngập mặn, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển, góp phần hấp thụ khí carbon để giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao đa dạng sinh học.
- Thiết lập và tăng cường ứng dụng hệ thống thông tin rủi ro thiên tai và rủi ro khí hậu để hỗ trợ quá trình ra quyết định và lập quy hoạch, kế hoạch có tính tới các rủi ro và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
3. Các hợp phần và kết quả chủ yếu của dự án
- Dự án có 3 hợp phần: Hỗ trợ xây nhà chống bão, lụt; Trồng rừng ngập mặn; Thông tin và dữ liệu rủi ro thiên tai.
- Kết quả chủ yếu của dự án
+ Hợp phần 1: Bổ sung những tính năng thiết kế chống chịu bão, lụt cho 4.000 nhà xây mới, tại các điểm an toàn, tương ứng với khoảng 20.000 người hưởng lợi là người nghèo và dễ bị tổn thương với thiên tai trong khoảng 100 xã.
+ Hợp phần 2: Hỗ trợ trồng bổ sung, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng và trồng mới một phần đối với 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển, để nâng cao chức năng phòng hộ chắn sóng, tác động của triều cường và nước biển dâng, chủ yếu ứng dụng các kinh nghiệm và kỹ thuật đã thực hiện thành công trong nước.
+ Hợp phần 3: Tăng cường khả năng tiếp cận các dữ liệu về tổn thất và thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu để sử dụng cho mục đích phát triển ở toàn bộ 28 tỉnh ven biển Việt Nam.
4. Thời gian và địa điểm thực hiện dự án:
a) Địa điểm thực hiện: Hà Nội và 7 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Cà Mau.
b) Thời gian thực hiện: từ năm 2017 đến năm 2021, kể từ khi văn kiện Dự án được phê duyệt.
5. Hạn mức vốn của dự án:
Tổng mức đầu tư dự án là 41,796.578 triệu USD, tương đương 929.412.603.000 đồng. Trong đó:
a) Vốn ODA viện trợ không hoàn lại: 31,123 triệu USD, bao gồm:
- Vốn ODA viện trợ không hoàn lại bằng tiền mặt: 29,723 triệu USD:
+ Vốn viện trợ không hoàn lại của GCF: 29,523 triệu USD
+ Vốn đồng tài trợ của UNDP: 200.000 USD
- Vốn tài trợ ghi danh (thông qua các chương trình, dự án hiện đang thực hiện) của UNDP: 1,4 triệu USD.
b) Vốn đối ứng: 10,861.578 triệu USD (tương đương 208,243 tỷ đồng), bao gồm:
- Vốn đối ứng bằng tiền mặt: 1,454.578 triệu USD tương đương 32,2 tỷ đồng:
+ Vối đối ứng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 14,5 tỷ đồng
+ Vốn đối ứng của Bộ Xây dựng: 5,3 tỷ VNĐ
+ Vốn đối ứng của các địa phương: 12,4 tỷ đồng: trong đó: Nam Định: 2 tỷ đồng, Thanh Hóa: 2,8 tỷ đồng, Quảng Bình: 1,6 tỷ đồng, Quảng Nam: 2 tỷ đồng, Quảng Ngãi: 2 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế: 0,8 tỷ đồng, Cà Mau: 1,2 tỷ đồng
- Vốn đối ứng ghi danh (thông qua các chương trình, dự án hiện đang thực hiện của các các cơ quan có liên quan): 9,407 triệu USD.
6. Cơ chế tài chính trong nước:
a) Vốn ODA: 100% Ngân sách nhà nước cấp phát
b) Vốn đối ứng: do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và 07 tỉnh tự bố trí theo quy định.
c) Loại hình dự án: Dự án ô
7. Các hoạt động thực hiện trước:
- Chuẩn bị kế hoạch đấu thầu, tài liệu đấu thầu, hồ sơ mời thầu: mua sắm trang thiết bị, mua sắm phương tiện, thuê tư vấn.
- Xây dựng các tài liệu, sổ tay hướng dẫn.
- Lập kế hoạch: khảo sát, rà soát, thiết kế chi tiết các hoạt động.
Điều 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện các công việc sau:
- Rà soát, đảm bảo thực hiện Dự án không trùng lặp (về địa bàn, nội dung thực hiện...) với các dự án sử dụng vốn nước ngoài và vốn ngân sách nhà nước khác.
- Xây dựng cơ chế quản lý Dự án phù hợp; xác định rõ trách nhiệm của Cơ quan chủ quản, Chủ dự án trong triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của Dự án
- Hoàn thiện văn kiện Dự án, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về quản lý nợ công, về sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho các chương trình dự án và các văn bản liên quan khác; Thẩm định, phê duyệt văn kiện Dự án theo quy định.
Điều 3. Cơ quan chủ quản Dự án và các cơ quan, địa phương liên quan triển khai, thực hiện việc giải ngân Dự án theo quy định hiện hành.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Ngoại giao, Chủ tịch UBND các tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Cà Mau và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Phạm Bình Minh
|