THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2014/QĐ-TTg
|
Hà nội, ngày 24 tháng 10 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT AN TOÀN KHU (ATK) ĐỊNH HÓA GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại tờ trình số 186/TTr-BVHTTDL ngày 21 tháng 9 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi, quy mô và ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch
Phạm vi nghiên cứu, lập quy hoạch có tổng diện tích 171 ha, bao gồm toàn bộ các điểm di tích của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, thuộc địa bàn các xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên, Bảo Linh, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và một số khu vực cảnh quan, di tích phụ cận có liên quan, cụ thể:
a) Tại xã Phú Đình
- Cụm di tích trung tâm xã Phú Đình, diện tích khoảng 100 ha, bao gồm các di tích: Di tích Bác Hồ ở Khuôn Tát (gồm cây đa, đoạn suối Khuôn Tát, nhà sàn và hầm Bác ở đồi Nà Đình); di tích Bác ở và làm việc trong giai đoạn 1948 - 1954 tại đồi Tỉn Keo; thắng cảnh thác Khuôn Tát; địa điểm đồi Pụ Đồn, nơi Bác chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp vào năm 1948 và khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp khu dân cư thôn Tỉn Keo; phía Tây giáp khu dân cư thôn Đèo De; phía Nam giáp đất rừng đặc dụng thôn Đèo De; phía Bắc giáp đất rừng đặc dụng thôn Khuôn Tát.
- Di tích nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh giai đoạn 1951 - 1953 tại đồi Nà Mòn, diện tích trên 34 ha, bao gồm khu vực bảo vệ di tích và khu vực dự kiến xây dựng Làng kháng chiến.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp khu dân cư thôn Đồng Hoàng; phía Tây giáp đất khu dân cư thôn Đồng Hoàng và đất rừng; phía Nam giáp quốc lộ 264 và hồ Tý; phía Bắc giáp đất rừng sản xuất thôn Đồng Hoàng.
- Di tích địa điểm làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một bộ phận cơ quan Văn phòng Chính phủ trong giai đoạn 1949 - 1954 tại đồi Thẩm Khen, xã Phú Đình, diện tích 2 ha.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp đất rừng sản xuất thôn Quan Lạng; phía Tây giáp đồi chè thôn Quan Lạng; phía Nam giáp đất rừng sản xuất thôn Phú Hà; phía Bắc giáp đất đồi chè thôn Quan Lạng.
b) Tại xã Điềm Mặc
- Địa điểm Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc giai đoạn 1947 - 1949 tại Phụng Hiển, diện tích 3 ha, bao gồm khu vực bảo vệ di tích và cảnh quan xung quanh.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp xóm Đồng Vinh 4; phía Tây và phía Nam giáp đất rừng đặc dụng xóm Đồng Vinh 4; phía Bắc giáp đất ở, đất trồng chè xóm Đồng Vinh 4.
- Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương, diện tích 2 ha.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp cánh đồng xóm Đồng Vinh 2 và 3; phía Tây giáp cánh đồng Bản Bắc 5; phía Nam giáp đường giao thông xã và đồi Khau Cuộng; phía Bắc giáp cánh đồng Bản Bắc 5.
- Di tích nơi ở và làm việc đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khau Tý, xóm Bản Quyên, diện tích 3 ha.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp hồ nước và cánh đồng lúa xóm Bản Tiến; phía Tây giáp suối Khau Tý; phía Nam giáp cánh đồng lúa Thom Hà; phía Bắc giáp cánh đồng lúa xóm Nà Cho.
- Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam và các di tích xung quanh, diện tích 15 ha, gồm 07 di tích: Địa điểm thành lập hội nhà báo Việt Nam; địa điểm thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam (Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam); địa điểm nơi ở, làm việc của đồng chí Hoàng Quốc Việt ở xóm Roòng Khoa; địa điểm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; địa điểm Cơ quan Tổng bộ Việt Minh; địa điểm Nhà họp Bác Hồ ở đồi Khâu Ngoại và địa điểm Cơ quan Tiểu ban Nông vận Trung ương và Hội Nông dân Cứu Quốc Việt Nam ở xóm Roòng Khoa.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp xã Đồi Đính; phía Tây giáp đồi xóm Đồng Lá; phía Nam giáp xóm Bản Giáo và phía Bắc giáp xóm Đồng Lá.
c) Tại xã Định Biên
- Địa điểm thành lập Việt Nam Giải phóng quân, diện tích 2 ha.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp khu dân cư thôn Làng Quặng A; phía Tây giáp khu dân cư thôn Làng Quặng B; phía Nam giáp cánh đồng lúa Đồng Pài; phía Bắc giáp rừng đặc dụng xã Định Biên.
- Địa điểm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên vào ngày 20 tháng 10 năm 1950, diện tích 1 ha.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp thôn Khau Diều; phía Tây giáp rừng đặc dụng và đất dân cư thôn Thâm Tắng; phía Nam giáp rừng đặc dụng và đất dân cư thôn Làng Quặng A; phía Bắc giáp đất trồng lúa cánh đồng Pa Kháng.
d) Tại xã Bảo Linh
Di tích địa điểm cơ quan Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 1949 - 1954 và di tích nơi ở làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thôn Bảo Biên, diện tích 3 ha.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp đường liên xã; phía Tây giáp đất rừng sản xuất thôn Bảo Biên; phía Nam giáp đất dân cư và đất trồng lúa thôn Bảo Biên; phía Bắc giáp đất rừng sản xuất và đất trồng lúa thôn Bảo Biên.
đ) Tại thị trấn Chợ Chu
Nhà Tù Chợ Chu, diện tích 6 ha, bao gồm di tích Nhà tù chợ Chu, cảnh quan xung quanh và đường vào.
Ranh giới nghiên cứu, lập quy hoạch: Phía Đông giáp đất dân cư xã Kim Phượng; phía Tây giáp Trung tâm y tế thị trấn Chợ Chu, phía Nam giáp đường giao thông TL254; phía Bắc giáp suối và khu dân cư xã Kim Phượng.
2. Đối tượng nghiên cứu, lập quy hoạch
a) Các địa điểm thuộc di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa và các khu vực cảnh quan có liên quan, bao gồm:
- Các di tích là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan của Chính phủ, quân đội, các đoàn thể... trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954;
- Các khu vực cảnh quan thiên nhiên bao quanh các di tích và gắn liền với cuộc sống, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh tụ và các cơ quan đoàn thể tại ATK và các công trình phát huy giá trị di tích.
b) Các giá trị văn hóa phi vật thể: Lễ hội truyền thống, tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thuyết, dân ca...
c) Các yếu tố liên quan về kinh tế - xã hội, dân cư, cộng đồng các dân tộc, môi trường, các thể chế, chính sách liên quan khác.
d) Công tác quản lý, bảo tồn và đầu tư xây dựng tại các di tích.
3. Mục tiêu và tính chất
a) Mục tiêu lập quy hoạch
- Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử ATK Định Hóa thông qua các cụm di tích, di tích hiện còn nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam.
- Làm cơ sở cho việc khai thác các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của khu vực trở thành điểm hành hương về nguồn; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử của tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc.
- Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư và khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
- Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
- Làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo Quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch được duyệt, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan khu vực di tích, các biện pháp quản lý và bảo vệ di tích.
b) Tính chất của khu di tích
- Là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
- Trung tâm của Chiến khu cách mạng An toàn khu (ATK) liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang- Bắc Kạn;
- Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng trong vùng.
- Điểm du lịch quan trọng với sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử của tỉnh Thái Nguyên.
4. Nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu
a) Khảo sát, đo vẽ và đánh giá hiện trạng; nghiên cứu tư liệu và hoàn thiện hồ sơ hệ thống di tích
- Khảo sát, đo vẽ và đánh giá hiện trạng quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực quy hoạch, bao gồm: khảo sát vị trí, cấu trúc địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng; hệ thống động thực vật, mối quan hệ giữa cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan nhân tạo; xác định cấu trúc quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan khu vực; hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch (hạ tầng giao thông, nguồn nước và cấp nước, nước thải và vệ sinh môi trường, cấp điện và thông tin liên lạc...).
- Hoàn thiện hồ sơ từng di tích; phân loại, đánh giá, xác định giá trị và cấp độ bảo tồn sơ bộ của các di tích; biên tập và tổng hợp hồ sơ di tích.
- Đánh giá chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dân số, lao động; lưu lượng khách du lịch trong khu vực quy hoạch giai đoạn đến năm 2016; nghiên cứu, khảo sát cộng đồng dân cư tại địa phương, trong đó có cộng đồng các dân tộc gắn bó với di tích; phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
- Nghiên cứu xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, đánh giá giá trị văn hóa phi vật thể tại địa phương (sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán...).
b) Dự báo phát triển và xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khu vực quy hoạch trong quá trìnhquản lý di tích, gồm: tăng trưởng kinh tế xã hội, quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch và các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật.
c) Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch
- Đề xuất việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp các khu vực bảo vệ di tích. Xác định các vùng cảnh quan thiên nhiên cần phải bảo vệ để không ảnh hưởng đến di tích; các khu vực cho phép xây dựng mới; các khu vực hạn chế, kiểm soát phát triển.
- Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: trong đó đề xuất định hướng chung đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của khu vực quy hoạch; xác định danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục di tích; nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
- Định hướng tổ chức không gian, khu cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc xây dựng mới, độ cao, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng; định hướng cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích;
- Định hướng phát triển đô thị, dân cư nông thôn trong vùng di tích gắn với việc bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội khác;
- Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
d) Dự báo tác động môi trường và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong khu vực quy hoạch tổng thể di tích.
đ) Đề xuất các dự án thành phần, dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư đến năm 2030 (dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ di tích; dự án nghiên cứu di tích và di sản văn hóa phi vật thể; dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích) và đề xuất nguồn vốn, giải pháp huy động các nguồn lực, phân bổ nguồn vốn và lộ trình đầu tư.
e) Đề xuất các giải pháp quản lý, cơ chế thực hiện, các chính sách ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực di tích; cơ chế phối hợp liên ngành, bảo đảm triển khai thành công quy hoạch tổng thể.
5. Hồ sơ sản phẩm
Hồ sơ sản phẩm bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật di sản văn hóa; Nghị định số70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
6. Tổ chức thực hiện
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Cơ quan quản lý lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
- Cơ quan chủ đầu tư: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên.
Thời gian lập quy hoạch: Không quá 18 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập và trình duyệt đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch TháiNguyên đến năm 2030 theo quy định; bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí liên quan đến công tác lập quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Vũ Đức Đam
|