THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:2551/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO XỬ LÝ CÁC TỒN TẠI, YẾU KÉM CỦA MỘT SỐ DỰ ÁN VÀ DOANH NGHIỆP CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ THUỘC NGÀNH CÔNG THƯƠNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Xét đề nghị của Văn phòng Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vướng mắc, tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp lớn thuộc ngành công thương với thành phần như sau:
1. Trưởng Ban: Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.
2. Phó trưởng Ban thường trực: Đồng chí Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
3. Phó trưởng Ban: Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính.
4. Các Ủy viên gồm:
a) Một Thứ trưởng hoặc cấp tương đương của các Bộ, cơ quan sau:
- Bộ Công Thương;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Công an;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước.
b) Mời một Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương tham gia Ban Chỉ đạo.
c) Mời một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham gia Ban Chỉ đạo.
d) Mời một Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước tham gia Ban Chỉ đạo.
Thủ trưởng các bộ, cơ quan nêu trên có trách nhiệm cử lãnh đạo bộ, cơ quan mình tham gia Ban Chỉ đạo và bảo đảm hiệu quả hoạt động của người được cử tham gia; gửi về Bộ Công Thương trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Tùy tình hình thực tế, Trưởng Ban Chỉ đạo có thể mời thêm Lãnh đạo một số cơ quan (Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành, địa phương) tham gia góp ý kiến cho Ban Chỉ đạo hoặc yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương liên quan dự họp và báo cáo những vấn đề cần thiết theo đề nghị của các thành viên Ban Chỉ đạo.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
1. Nhiệm vụ:
- Chỉ đạo Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị liên quan thực hiện các yêu cầu cụ thể và các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các văn bản liên quan để xử lý các vướng mắc, khó khăn; đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, cũng như tình hình nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm có liên quan đến từng dự án để đề xuất những giải pháp cụ thể cho từng dự án, nghiên cứu vận dụng các qui định linh hoạt trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia để bảo vệ tốt nhất thị trường trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế; rà soát và đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát chi phí sản xuất giảm giá thành sản phẩm; đàm phán với các đối tác về phương án hợp tác đầu tư và chuyển nhượng dự án.
- Tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty đánh giá kỹ hơn, rõ hơn toàn bộ dự án từ chủ trương đến việc thực hiện đầu tư, vận hành dự án, đặc biệt về công nghệ xem xét tính đồng bộ của công nghệ, thiết bị sử dụng, đội ngũ cán bộ quản lý dự án, chất lượng nhà thầu; có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án nhà thầu chậm tiến độ, không đúng cam kết; kiểm tra lại sự phù hợp của tăng vốn đầu tư của từng công đoạn từng dự án, xác định rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục và đề xuất xử lý các vi phạm.
- Đề xuất Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ thực trạng hoạt động, thực trạng tài chính của các doanh nghiệp, dự án làm căn cứ xây dựng các phương án tái cơ cấu, xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp và làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo qui định của pháp luật.
- Bộ Công Thương thống nhất với các cơ quan liên quan về thành viên tham gia Ban Chỉ đạo báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo để chính thức danh sách các thành viên.
2. Quyền hạn:
a) Trưởng Ban chỉ đạo thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định những cơ chế, chính sách và giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém; giải quyết các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến việc triển khai các dự án, hoạt động của doanh nghiệp; kịp thời báo cáo các nội dung vượt quá thẩm quyền, kiến nghị giải pháp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Định kỳ và đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả và tiến độ thực hiện việc tháo gỡ khó khăn cho từng dự án, doanh nghiệp cụ thể hoặc tổng thể tình hình thực hiện của Ban Chỉ đạo.
c) Trưởng Ban Chỉ đạo ký các văn bản chỉ đạo, sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Phó Trưởng ban và Thứ trưởng, Ủy viên Ban Chỉ đạo ký các văn bản chỉ đạo, sử dụng con dấu của bộ, cơ quan mình phụ trách.
Điều 3. Quy chế và tổ chức hoạt động.
1. Ban Chỉ đạo hoạt động theo quy chế do Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành.
2. Trưởng ban, Phó trưởng ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
3. Giúp việc Ban Chỉ đạo có Tổ giúp việc đặt tại Bộ Công Thương.
- Tổ giúp việc là tổ công tác liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Phó trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ và biên chế của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo.
- Bộ Công Thương dự thảo quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
4. Ban Chỉ đạo được mời các chuyên gia trong và ngoài nước để tham khảo ý kiến khi cần thiết.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Trưởng Ban Chỉ đạo, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Nguyễn Xuân Phúc
|