THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:372/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng
|
---------------------------
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, bảo đảm thống nhất, hiệu quả; tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đến cán bộ, công chức, viên chức và cho nhân dân, nhất là cán bộ, chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam, Điều tra tội phạm, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu pháp luật.
2. Yêu cầu
a) Các Bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì hoặc tham gia phối hợp thực hiện phải tích cực, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
b) Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Kế hoạch này.
c) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác tạm giữ, tạm giam; kiện toàn tổ chức, cơ sở vật chất, biên chế bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
II. NỘI DUNG, PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam; cán bộ làm công tác Điều tra tội phạm, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu pháp luật và cho nhân dân.
b) Biên soạn, in, cấp phát sách, tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam cho lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ cơ quan, đơn vị làm công tác tham mưu, trực tiếp làm công tác tạm giữ, tạm giam; cán bộ làm công tác Điều tra tội phạm.
c) Phân công:
- Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
- Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ cơ quan, đơn vị làm công tác tham mưu, trực tiếp làm công tác tạm giữ, tạm giam; cán bộ làm công tác Điều tra tội phạm trong Quân đội nhân dân.
- Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Công an tổ chức tập huấn chuyên sâu, quán triệt nội dung của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho lực lượng làm công tác kiểm sát hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tổ chức tập huấn, phổ biến, quán triệt nội dung của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong ngành mình.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, gắn việc triển khai thi hành Luật với việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tình hình mới nhằm nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam cho các hội viên và các tầng lớp xã hội.
2. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về tạm giữ, tạm giam
a) Nội dung:
Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác tạm giữ, tạm giam, thống kê những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam gửi Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Cơ quan chủ trì: Bộ Công an và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Thời gian: Quý I năm 2016.
3. Xây dựng, triển khai thi hành các văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam
a) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Trước mắt, xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn trình Chính phủ ban hành các văn bản sau đây:
- Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Thời gian trình: Tháng 4 năm 2016.
- Nghị định của Chính phủ quy định xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam. Thời gian trình: Tháng 4 năm 2016.
b) Bộ Công an tiến hành rà soát, xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật hoặc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương
a) Bộ Công an
- Khẩn trương tổ chức việc tập huấn chuyên sâu về Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật về công tác tạm giữ, tạm giam; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập huấn nội dung của Luật cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thuộc quyền quản lý, đặc biệt là đối với các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, cán bộ làm công tác Điều tra, cán bộ làm công tác quản lý thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định tại Điểm a Mục 3 Phần II Kế hoạch này.
- Rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành cho phù hợp với quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, bảo đảm việc quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác Điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới.
- Khảo sát toàn diện, đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và lực lượng cho cơ sở giam giữ; xây dựng, cải tạo, nâng cấp Trại tạm giam, Nhà tạm giữ đã xuống cấp, lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh; hướng dẫn cụ thể về số lượng biên chế đối với Trại tạm giam, Nhà tạm giữ.
b) Bộ Quốc phòng
- Phối hợp với Bộ Công an xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; tiến hành rà soát, xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật hoặc chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.
- Tổ chức việc tập huấn về Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật về công tác tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân cho các cán bộ, chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam; triển khai thực hiện các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân; chỉ đạo, hướng dẫn việc áp dụng các quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân công.
c) Bộ Y tế
Phối hợp với Bộ Công an xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh xây dựng hoặc bố trí khu, buồng riêng để khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chỉ đạo các cơ sở y tế, cơ quan y tế hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại các cơ sở giam giữ.
d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Bộ Công an xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có thân nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định.
đ) Bộ Tài chính
Phối hợp với Bộ Công an xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xây dựng, tổng hợp dự toán bảo đảm Điều kiện cho hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong dự toán chi ngân sách nhà nước giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Bộ Công an xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
g) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
h) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Có trách nhiệm giao đất, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương, tạo Điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và quản lý cơ sở giam giữ tại địa phương mình và chỉ đạo các cơ quan nhà nước ở địa phương phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho cơ sở giam giữ; phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân làm tốt công tác tạm giữ, tạm giam trên địa bàn.
i) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Giám sát, kiểm sát hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của phápluật.
III. KINH PHÍ BẢO ĐẢM
Kinh phí triển khai Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. Riêng năm 2016, các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước được giao đầu năm để triển khai thực hiện.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan được phân công chủ trì có trách nhiệm hoàn thành các nội dung công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; các cơ quan phối hợp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung nhiệm vụ cụ thể được phân công.
2. Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này./.