BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/2017/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2017
|
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 56/2014/TT-BGTVT NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2014 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUY ĐỊNH THI, KIỂM TRA, CẤP, CẤP LẠI, CHUYỂN ĐỔI GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN, CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA VÀ ĐẢM NHIỆM CHỨC DANH THUYỀN VIÊN PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Căn cứ Luật Giao thông đường thuỷ nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và đảm nhiệm chức danh thuyền viên phương tiện thủy nội địa (sau đây viết tắt là Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT).
1. Sửa đổi Điều 6 như sau:
"Điều 6. Điều kiện cụ thể dự thi, kiểm tra lấy giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn
Ngoài các điều kiện chung quy định tại Điều 5 của Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT, người dự thi, kiểm tra lấy GCNKNCM, CCCM còn phải bảo đảm điều kiện cụ thể sau:
1. Điều kiện dự kiểm tra lấy chứng chỉ thuỷ thủ hạng nhất, hạng nhì; chứng chỉ thợ máy hạng nhất, hạng nhì: đủ 16 tuổi trở lên.
2. Điều kiện dự kiểm tra lấy chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất, hạng nhì: đủ 18 tuổi trở lên.
3. Điều kiện dự kiểm tra lấy chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển, phương tiện chở xăng dầu, chở hoá chất, chở khí hoá lỏng: đủ 18 tuổi trở lên, có chứng chỉ thuỷ thủ hoặc chứng chỉ thợ máy hoặc chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất.
4. Điều kiện dự kiểm tra lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện loại I tốc độ cao, chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển: có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng từ hạng ba trở lên, có thời gian nghiệp vụ theo chức danh thuyền trưởng hạng ba đủ 18 tháng trở lên.
5. Điều kiện dự kiểm tra lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện loại II tốc độ cao: có chứng chỉ thuỷ thủ hoặc chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất.
6. Điều kiện dự thi lấy GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư: có chứng chỉ thủy thủ hoặc chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất hoặc hạng nhì, có thời gian nghiệp vụ đủ 18 tháng trở lên. Đối với người đã có thời gian thực tế làm công việc của thuỷ thủ hoặc lái phương tiện hạng nhất hoặc hạng nhì đủ 30 tháng trở lên được quy đổi tương đương với thời gian nghiệp vụ để dự thi lấy GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư.
7. Điều kiện dự thi lấy GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba:
a) Có chứng chỉ thủy thủ hoặc chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất hoặc bằng thuyền trưởng hạng ba chương trình hạn chế hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư, có thời gian nghiệp vụ đủ 18 tháng trở lên. Đối với người đã có thời gian thực tế làm công việc của thủy thủ hoặc lái phương tiện hạng nhất đủ 30 tháng trở lên được quy đổi tương đương với thời gian nghiệp vụ để dự thi lấy GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba;
b) Đối với người đã có chứng chỉ sơ cấp nghề được đào tạo nghề điều khiển tàu thuỷ, nghề thuỷ thủ, hoàn thành thời gian tập sự đủ 06 tháng trở lên được dự thi lấy GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba, không phải dự học chương trình tương ứng.
8. Điều kiện dự thi lấy GCNKNCM máy trưởng hạng ba:
a) Có chứng chỉ thợ máy hạng nhất hoặc hạng nhì, có thời gian nghiệp vụ đủ 18 tháng trở lên. Đối với người đã có thời gian thực tế làm công việc của thợ máy hạng nhất hoặc hạng nhì đủ 30 tháng trở lên được quy đổi tương đương với thời gian nghiệp vụ để dự thi lấy GCNKNCM máy trưởng hạng ba;
b) Đối với người đã có chứng chỉ sơ cấp nghề được đào tạo theo nghề máy tàu thuỷ, nghề thợ máy, hoàn thành thời gian tập sự đủ 06 tháng trở lên được dự thi lấy GCNKNCM máy trưởng hạng ba, không phải dự học chương trình tương ứng.
9. Điều kiện dự thi lấy GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhì hoặc máy trưởng hạng nhì:
a) Có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba hoặc máy trưởng hạng ba, có thời gian nghiệp vụ theo chức danh hạng ba đủ 18 tháng trở lên hoặc có chứng chỉ sơ cấpnghề thuyền trưởng hạng ba hoặc máy trưởng hạng ba, có thời gian tập sự đủ 12 tháng trở lên;
b) Đối với người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp được đào tạo nghề điều khiển tàu thủy hoặc nghề máy tàu thủy, hoàn thành thời gian tập sự theo chức danh hạng ba đủ 12 tháng trở lên được dự thi lấy GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhì hoặc máy trưởng hạng nhì, không phải dự học chương trình tương ứng.
10. Điều kiện dự thi lấy GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhất hoặc máy trưởng hạng nhất:
a) Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương, có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhì hoặc máy trưởng hạng nhì, có thời gian nghiệp vụ theo chức danh hạng nhì đủ 30 tháng trở lên;
b) Đối với người đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề, cao đẳng trở lên được đào tạo nghề điều khiển tàu thủy hoặc nghề máy tàu thủy, hoàn thành thời gian tập sự theo chức danh hạng nhì đủ 18 tháng trở lên được dự thi lấy GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhất hoặc máy trưởng hạng nhất, không phải dự học chương trình tương ứng."
2. Sửa đổi Điều 20 như sau:
"Điều 20. Chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn
1. Người có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hoặc chứng chỉ về thuyền trưởng, máy trưởng do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có bằng thuyền trưởng, máy trưởng hoặc chứng chỉ về thuyền trưởng, máy trưởng do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, nếu có nhu cầu làm việc trên các phương tiện thủy nội địa thì phải làm thủ tục chuyển đổi sang GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng, CCCM phương tiện thủy nội địa tương ứng theo quy định tại Thông tư này.
2. Đối với chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn tàu cá:
a) Người có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư từ 400 cv trở lên, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư đủ 18tháng trở lên được chuyển đổi sang GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì phương tiện thủy nội địa nhưng phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghề tương ứngvới thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì, dự thi các môn thi tương ứng với thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì và phải đạt yêu cầu theo quy định;
b) Người có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng năm từ 90 cv đến dưới 400 cv, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng năm đủ 18 tháng trở lên được chuyển đổi sang GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng hạng ba phương tiện thủy nội địa nhưng phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghề tương ứng với thuyền trưởng, máy trưởng hạng ba, dự thi các môn thi tương ứng với thuyền trưởng, máy trưởng hạng ba và phải đạt yêu cầu theo quy định;
c) Người có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá hạng nhỏ từ 20 cv đến dưới 90 cv, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh thuyền trưởng tàu cá hạng nhỏ đủ 18 tháng trở lên được chuyển đổi sang GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư phương tiện thủy nội địa nhưng phảihoàn thành chương trình bồi dưỡng nghề tương ứng với thuyền trưởng hạng tư, dự thi các môn thi tương ứng với thuyền trưởng hạng tư và phải đạt yêu cầu theo quy định;
d) Người có chứng chỉ máy trưởng tàu cá hạng nhỏ từ 20 cv đến dưới 90 cv, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh máy trưởng tàu cá hạng nhỏ đủ 18 tháng trở lên được chuyển đổi sang GCNKNCM máy trưởng hạng ba phương tiện thủy nội địa nhưng phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghề tương ứng với máy trưởng hạng ba và phải đạt yêu cầu theo quy định;
đ) Người có chứng chỉ thủy thủ, thợ máy tàu cá được chuyển đổi tương ứng sang chứng chỉ thủy thủ, thợ máy hạng nhất phương tiện thủy nội địa nhưng phải hoàn thành chương trình đào tạo nghề tương ứng với thủy thủ, thợ máy hạng nhất, dự kiểm tra các môn kiểm tra tương ứng với thủy thủ, thợ máy hạng nhất và phải đạt yêu cầu theo quy định;
e) Người có chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ hạng nhỏ trở lên, đủ sức khỏe theo quy định, được chuyển đổi sang chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất không hoạt động kinh doanh vận tải nhưng phải hoàn thành chương trình đào tạo nghề tương ứng với lái phương tiện hạng nhất, dự kiểm tra các môn kiểm tra tương ứng với lái phương tiện hạng nhất và phải đạt yêu cầu theo quy định.
3. Đối với GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng, CCCM tàu biển:
a) Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc cao đẳng trở lên được đào tạo nghề điều khiển tàu biển hoặc nghề máy tàu biển, có GCNKNCM thuyền trưởng tàu biển từ 500 GT trở lên hoặc có GCNKNCM máy trưởng tàu biển từ 750 kW trở lên, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh thuyền trưởng, máy trưởng tàu biển tương ứng đủ 06 tháng trở lên được chuyển đổi sang GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất phương tiện thủy nội địa nhưng phải dự thi các môn thi lý thuyết tổng hợp tương ứng với thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất và phải đạt yêu cầu theo quy định;
b) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề hoặc trung cấp được đào tạo nghề điều khiển tàu biển hoặc nghề máy tàu biển, có GCNKNCM thuyền trưởng tàu biển từ 50 GT đến dưới 500 GT hoặc có GCNKNCM máy trưởng tàu biển từ 75 kW đến dưới 750 kW, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh thuyền trưởng, máy trưởng tàu biển tương ứng đủ 06 tháng trở lên được chuyển đổi sang GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì phương tiện thủy nội địa nhưng phải dự thi các môn thi lý thuyết tổng hợp tương ứng với thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhì và phải đạt yêu cầu theo quy định;
c) Người có GCNKNCM thuyền trưởng tàu biển dưới 50 GT hoặc có GCNKNCM máy trưởng tàu biển dưới 75 kW, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh thuyền trưởng, máy trưởng tàu biển tương ứng đủ 06 tháng trở lên được chuyển đổi sang GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng hạng ba phương tiện thủy nội địa nhưng phải dự thi các môn thi lý thuyết tổng hợp tương ứng với thuyền trưởng, máy trưởng hạng ba và phải đạt yêu cầu theo quy định;
d) Người có GCNKNCM thuyền trưởng tàu biển dưới 50 GT, có thời gian đảm nhiệm theo chức danh thuyền trưởng tàu biển tương ứng đủ 06 tháng trở lên được chuyển đổi sang GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư phương tiện thủy nội địa nhưng phải dự thi môn thi lý thuyết tổng hợp tương ứng với thuyền trưởng hạng tư và phải đạt yêu cầu theo quy định;
đ) Người có chứng chỉ thủy thủ, thợ máy tàu biển được chuyển đổi tương ứng sang chứng chỉ thủy thủ, thợ máy hạng nhất phương tiện thủy nội địa nhưng phải dự kiểm tra các môn kiểm tra lý thuyết tổng hợp tương ứng với chứng chỉ thủy thủ, thợ máy hạng nhất và phải đạt yêu cầu theo quy định;
e) Người có GCNKNCM thuyền trưởng tàu biển từ 50 GT trở lên, đủ sức khỏe theo quy định, được chuyển đổi sang chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất phương tiện thủy nội địa không hoạt động kinh doanh vận tải nhưng phải dự kiểm tra môn kiểm tra lý thuyết tổng hợp tương ứng với loại chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất và phải đạt yêu cầu theo quy định;
g) Người có GCNKNCM thuyền trưởng tàu biển đã chuyển đổi sang GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhất, nhì, ba phương tiện thủy nội địa theo quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản này, được cấp chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển, chứng chỉ điều khiển phương tiện đi ven biển;
h) Người có GCNKNCM máy trưởng tàu biển đã chuyển đổi sang GCNKNCM máy trưởng hạng nhất, nhì, ba phương tiện thủy nội địa theo quy định tại các điểm a, b và điểm c khoản này, được cấp chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển."
3. Sửa đổi Điều 22 như sau:
"Điều 22. Đảm nhiệm chức danh thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
1. Thuyền viên có bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng và thuyền viên có chứng chỉ thủy thủ hạng nhì được đảm nhiệm chức danh thủy thủ của các loại phương tiện sau:
a) Phương tiện chở khách ngang sông có sức chở đến 50 người;
b) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần đến 50 tấn;
c) Phương tiện có công suất máy chính đến 50 sức ngựa.
2. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau đây:
a) Tàu khách có sức chở đến 50 người;
b) Phà có trọng tải toàn phần đến 50 tấn;
c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần đến 150 tấn;
d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 400 tấn;
đ) Phương tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này có tổng công suất máy chính đến 150 sức ngựa.
3. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhì được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện sau đây:
a) Tàu khách có sức chở đến 100 người;
b) Phà có trọng tải toàn phần đến 150 tấn;
c) Phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần đến 1000 tấn (nhưng phải hoàn thành thời gian tập sự theo chức danh hạng nhì trên phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 500 tấn đủ 03 tháng trở lên);
d) Đoàn lai có trọng tải toàn phần đến 1000 tấn;
đ) Phương tiện không thuộc loại quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này có tổng công suất máy chính đến 400 sức ngựa.
4. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhất được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng và thuyền viên có chứng chỉ thủy thủ hạng nhất được đảm nhiệm chức danh thủy thủ của các loại phương tiện.
5. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng cao hơn được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng hạng thấp hơn.
6. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng được đảm nhiệm chức danh thuyền phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng cao hơn một hạng.
7. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng hạng ba được đảm nhiệm chức danh máy trưởng và thuyền viên có chứng chỉ thợ máy hạng nhì được đảm nhiệm chức danh thợ máy của phương tiện có tổng công suất máy chính đến 150 sức ngựa.
8. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng hạng nhì được đảm nhiệm chức danh máy trưởng của phương tiện có tổng công suất máy chính đến 400 sức ngựa.
9. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng hạng nhất được đảm nhiệm chức danh máy trưởng và thuyền viên có chứng chỉ thợ máy hạng nhất được đảm nhiệm chức danh thợ máy của các loại phương tiện.
10. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng hạng cao hơn được đảm nhiệm chức danh máy trưởng của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng hạng thấp hơn.
11. Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng được đảm nhiệm chức danh máy phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng cao hơn một hạng.
12. Phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính đến 150 sức ngựa hoặc lắp máy trong có tổng công suất máy chính đến 50 sức ngựa thì không nhất thiết phải bố trí chức danh máy trưởng. Nếu không bố trí máy trưởng độc lập thì thuyền trưởng phải có chứng chỉ thợ máy hạng nhất. Trường hợp phương tiện lắp máy ngoài có tổng công suất máy chính trên 150 sức ngựa đến 400 sức ngựa nếu không bố trí máy trưởng độc lập thì thuyền trưởng phải có bằng hoặc GCNKNCM máy trưởng phù hợp với tổng công suất máy chính.
13. Người có chứng chỉ lái phương tiện hạng nhất được trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc phương tiện có sức chở đến 12 người hoặc bè.
14. Người có chứng chỉ lái phương tiện hạng nhì được trực tiếp điều khiển phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người.
15. Người điều khiển phương tiện loại I, loại II tốc độ cao, phương tiện đi ven biển, người làm việc trên phương tiện đi ven biển, phương tiện chở xăng dầu, chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, ngoài GCNKNCM, chứng chỉ nghiệp vụ quy định theo chức danh, phải có CCCM đặc biệt tương ứng.
16. Người được cấp chứng chỉ nghiệp vụ loại nào thì chỉ được phép đảm nhiệm chức danh tương ứng theo quy định.".
4. Bỏ cụm từ “bổ túc” tại khoản 2 Điều 5, điểm a khoản 1 Điều 17 và tại Phụ lục V của Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT.
5. Bãi bỏ Điều 23.
6. Thay thế Phụ lục I về Mẫu giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT bằng Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2017.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
|
BỘ TRƯỞNG
(đã ký)
Trương Quang Nghĩa
|