BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 31/2017/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2017
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ CHO HỌC SINH TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;
Căn cứ Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức, điều kiện đảm bảo và tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.
2. Thông tư này áp dụng đối với người học, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ tư vấn tâm lý, nhân viên cơ sở giáo dục phổ thông cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp có dạy chương trình bổ túc trung học cơ sở, trung học phổ thông (gọi chung là trường phổ thông) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Tư vấn tâm lý cho học sinh là sự hỗ trợ tâm lý, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn học sinh gặp phải khi đang học tại nhà trường.
2. Tham vấn tâm lý cho học sinh là sự tương tác, trợ giúp tâm lý, can thiệp (khi cần thiết) của cán bộ, giáo viên tư vấn đối với học sinh khi gặp phải tình huống khó khăn trong học tập, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ với người khác hoặc nhận thức bản thân, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự lựa chọn và thực hiện quyết định trong tình huống đó.
Điều 3. Mục đích của công tác tư vấn tâm lý cho học sinh
1. Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
2. Hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện
1. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong nhà trường và sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh (gọi chung là cha mẹ học sinh) và các lực lượng ngoài nhà trường có liên quan trong các hoạt động tư vấn tâm lý học sinh.
2. Đảm bảo quyền được tham gia, tự nguyện, tự chủ, tự quyết định của học sinh và bảo mật thông tin trong các hoạt động tư vấn tâm lý theo quy định của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ CHO HỌC SINH
Điều 5. Nội dung
1. Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi.
2. Tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
3. Tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác.
4. Tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học).
5. Tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời. Giới thiệu, hỗ trợ đưa học sinh đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường.
Điều 6. Hình thức thực hiện
1. Xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh và bố trí thành các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Tổ chức dạy tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
2. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn về các chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn cho học sinh.
3. Thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh.
4. Tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn; tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác.
5. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.
Điều 7. Công tác phối hợp trong tư vấn tâm lý
1. Phối hợp trong nhà trường
Cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giáo viên bộ môn và các lực lượng giáo dục khác trong nhà trường khi triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.
2. Phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng bên ngoài
a) Phối hợp với cha mẹ học sinh: Thường xuyên trao đổi thông tin về học sinh; nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh về đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và tác động của những thay đổi đó đối với học sinh; thường xuyên quan tâm, phát hiện và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp đối với những biểu hiện bất thường của học sinh.
b) Phối hợp với các chuyên gia, trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, cơ sở y tế, cơ quan tư pháp và bảo vệ pháp luật để trị liệu tâm lý, xử lý kịp thời các trường hợp học sinh cần can thiệp chuyên sâu;
c) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức về khoa học tâm lý giáo dục, các trường sư phạm đủ điều kiện, chuyên gia, nhà khoa học nhằm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ tư vấn tâm lý về kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn, cần thiết để thực hiện công tác tư vấn, tham vấn tâm lý trong nhà trường;
d) Phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã hội khác để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý;
đ) Phối hợp với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có chức năng để tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý phù hợp với nhu cầu của học sinh và yêu cầu giáo dục của nhà trường.
Chương III
ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯ VẤN TÂM LÝ CHO HỌC SINH
Điều 8. Tổ chức, cán bộ
1. Nhà trường có Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thành phần Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.
2. Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 9. Cơ sở vật chất, kinh phí
1. Nhà trường bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng (đối với trường tiểu học có thể bố trí phòng hoặc góc tư vấn tùy theo quy mô và điều kiện nhà trường) đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn.
2. Kinh phí thực hiện công tác tư vấn tâm lý được lấy từ:
a) Nguồn chi thường xuyên của nhà trường;
b) Các khoản tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;
c) Các nguồn thu hợp pháp khác.
3. Kinh phí chi cho công tác tư vấn tâm lý được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường
1. Thành lập Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh của nhà trường; quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh.
2. Tổ chức khảo sát, xây dựng dữ liệu tâm lý ban đầu đối với học sinh đầu cấp học; phân loại, theo dõi, cập nhật thường xuyên đặc điểm, diễn biến tâm lý của học sinh.
3. Sơ kết, tổng kết, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo định kỳ từng năm học.
Điều 11. Trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo
1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Thông tư này tại các nhà trường thuộc phạm vi quản lý.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác tư vấn tâm lý tại các nhà trường thuộc phạm vi quản lý.
3. Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp về chế độ chính sách liên quan để hỗ trợ, động viên các cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm thực hiện công tác tư vấn tâm lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
4. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ công tác tư vấn tâm lý học sinh đối với cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm, hợp đồng chuyên trách công tác tư vấn tâm lý và các cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên chủ nhiệm và các thành viên khác thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.
5. Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo định kỳ từng năm học hoặc báo cáo đột xuất về việc thực hiện Thông tư này trong các nhà trường thuộc phạm vi quản lý.
Điều 12. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc triển khai Thông tư này của các sở giáo dục và đào tạo gắn với thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên hàng năm; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông. Chủ trì, phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chỉ đạo, kiểm tra việc bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học đường.
2. Các vụ Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn giảng dạy lồng ghép các nội dung cần tư vấn cho học sinh vào các môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường và các vấn đề khác có liên quan của Thông tư này thuộc phạm vi quản lý.
3. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan xây dựng chương trình bồi dưỡng đối với giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông.
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các chuyên ngành về khoa học tâm lý giáo dục
1. Tổ chức khảo sát và xây dựng kế hoạch đào tạo, nội dung giảng dạy về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh để phục vụ hiệu quả nhu cầu của các địa phương, cơ sở giáo dục.
2. Xây dựng tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học đường cho cán bộ, giáo viên các trường phổ thông nếu đủ điều kiện.
Điều 14. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 02 năm 2018.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo các chuyên ngành về khoa học tâm lý giáo dục và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Thị Nghĩa
|