(ĐCSVN) - Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định 118-QĐ/TW về Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (sau đây gọi tắt là hội). Theo đó, có 30 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.
Tải văn bản tại đây.
Theo đó, về tổ chức của hội, quy chế quy định các cơ quan lãnh đạo của hội gồm: đại hội toàn quốc, ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực hội (gồm chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách) là cơ quan điều hành công việc hằng ngày của hội.
Về số lượng phó chủ tịch, hội có Đảng đoàn được bố trí không quá 3 phó chủ tịch chuyên trách, hội không có Đảng đoàn được bố trí không quá 2 phó chủ tịch chuyên trách.
Theo yêu cầu hoạt động, có thể bố trí một số phó chủ tịch không chuyên trách, số lượng do hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về tiêu chuẩn, điều kiện, chủ tịch, phó chủ tịch hội phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực lãnh đạo, quản lý, có uy tín và kinh nghiệm công tác, đối với các hội chuyên ngành cần có chuyên môn phù hợp.
Đối với lãnh đạo hội là người đã nghỉ hưu, nếu tiếp tục làm việc phải có đủ sức khỏe, uy tín cao, được ban thường vụ, ban chấp hành đồng thuận, nhất trí giới thiệu.
Về độ tuổi, chủ tịch, phó chủ tịch hội là người đã nghỉ hưu thì tuổi giới thiệu lần đầu hoặc tái cử không quá 65 tuổi. Đối với chủ tịch hội, trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi, do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về nhiệm kỳ, chủ tịch, phó chủ tịch hội giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp; trường hợp đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp mà chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quy chế nêu rõ về hoạt động của hội. Trong đó, tổ chức hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của hội, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ hoạt động của các pháp nhân trực thuộc hội.
Quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản được giao, các loại quỹ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội, chấp hành hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng...
Định kỳ 6 tháng, 1 năm và khi có yêu cầu gửi báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động đến các ban đảng được phân công theo dõi, chỉ đạo, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu hội là tổ chức thành viên), Bộ Nội vụ, bộ quản lý nhà nước đối với hội...
Quy chế quy định rõ Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hội và quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội.
Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý nhà nước; quyết định biên chế, kinh phí hoạt động, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách của hội gắn với nhiệm vụ được giao.
Ban Cán sự đảng các bộ, ngành trung ương chỉ đạo công tác quản lý nhà nước đối với hội; thanh tra, kiểm tra hoạt động của hội và pháp nhân trực thuộc hội, xử lý nghiêm vi phạm. Ban Tổ chức Trung ương theo dõi, hướng dẫn công tác nhân sự đối với hội.