Không quá 24 người ở các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh, thành ủy

Tải văn bản tại đây.

Quy định 137 thay thế quy định 04 năm 2018 của Ban Bí thư Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy.

6 cơ quan giúp việc

Cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy trong quy định 137 gồm: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ủy ban kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính.

Ngoài các cơ quan nêu trên, khi Bộ Chính trị quyết định thành lập thêm cơ quan khác, Ban Bí thư sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cho cơ quan đó.

Nguyên tắc tổ chức quy định nêu rõ việc bảo đảm tham mưu, giúp việc, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tỉnh ủy; không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Bên cạnh đó, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không nhất thiết cơ quan tham mưu, giúp việc ở trung ương có vụ, cục... nào thì ở cấp tỉnh cũng có tổ chức tương ứng.

Tối thiểu có 5 người mới thành lập một đầu mối

Việc thực hiện mô hình văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp tỉnh do ban thường vụ tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Đầu mối bên trong (phòng và tương đương) của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy được thống nhất thành lập trên một số cơ sở.

Như chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao; tối thiểu có 5 người mới thành lập một đầu mối, trường hợp chưa bố trí đủ biên chế thì ít nhất có 4 người mới được thành lập.

Tổng số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy không quá 18 người (riêng tỉnh ủy các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có không quá 21 người; Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP.HCM không quá 24 người).

Phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và không quá 2 phó; có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 3 phó trưởng phòng.

Trước đó, tại quy định 04/2018 quy định phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng, có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng.

Tổng số cấp phó của các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy không quá 15 người. Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP.HCM không quá 18 người. Số lượng cụ thể cấp phó của mỗi cơ quan do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định...

Biên chế của các cơ quan tham mưu, giúp việc do ban thường vụ tỉnh ủy xem xét, quyết định trên cơ sở tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Quy định cũng yêu cầu bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của mỗi cơ quan theo quy định. Bám sát yêu cầu, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm đã được phê duyệt...

Quy định 137 nêu rõ về tiêu chuẩn chức danh và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, việc xác định tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong mỗi cơ quan do các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy xây dựng, ban tổ chức tỉnh ủy thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Về cơ cấu cán bộ, công chức viên chức phải bố trí hợp lý, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan.

Đối với cơ quan ủy ban kiểm tra tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc phải bảo đảm cơ cấu cán bộ, công chức làm công tác nghiên cứu, tham mưu chiếm đa số và giảm tối đa số lượng người phục vụ.

Quy định 137 cũng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của 6 cơ quan giúp việc cho tỉnh ủy, thành ủy./.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Liên kết website