Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng thông qua)

 

ĐIỀU LỆ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

(Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1991) 

 

Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, đưa cả nước chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa và cuối cùng là thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn và phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Đảng kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.

Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ và chịu sự giám sát của nhân dân, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng tôn trọng vai trò của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đảng là một khối thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, thực hiện dân chủ đầy đủ và kỷ luật chặt chẽ trong sinh hoạt đảng; giữ vững đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Việt Nam và góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Chương I

Đảng viên

Điều 1:

Những công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng, nếu: thừa nhận và tự nguyện phấn đấu thực hiện Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đảng, phục tùng kỷ luật Đảng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao; gương mẫu trong lao động, chiến đấu, học tập, có lối sống lành mạnh, không bóc lột; có kiến thức và năng lực thực hiện nhiệm vụ đảng viên; gắn bó mật thiết với quần chúng, được quần chúng tín nhiệm, qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú.

Điều 2:

Nhiệm vụ của đảng viên:

1. Tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ được giao.

2. Tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tích cực tham gia công tác quần chúng, công tác xã hội ở nơi làm việc và nơi ở; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách và pháp luật.

3. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức cách mạng; đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực.

4. Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng; phục tùng kỷ luật, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, trung thực với Đảng; tuyên truyền phát triển ảnh hưởng của Đảng, làm công tác kết nạp đảng viên mới, tham gia sinh hoạt đảng và đóng đảng phí theo quy định.

Điều 3:

Quyền của đảng viên:

1. Được thông tin và thảo luận các vấn đề về đường lối, chính sách và công tác của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng.

2. Được ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.

3. Được phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, đề đạt ý kiến hoặc khiếu nại với các cơ quan lãnh đạo của Đảng và yêu cầu được trả lời.

4. Được trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.

Đảng viên dự bị có các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Điều 4:

Thủ tục kết nạp người vào Đảng:

a) Người xin vào Đảng phải:

- Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;

- Báo cáo lý lịch với chi bộ;

- Được hai đảng viên giới thiệu;

ở nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thì người xin vào Đảng còn trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên thanh niên, được ban chấp hành Đoàn cơ sở và một đảng viên giới thiệu.

b) Người giới thiệu phải:

- Có ít nhất hai tuổi đảng và cùng công tác với người xin vào Đảng ít nhất một năm.

- Báo cáo với chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người xin vào Đảng và chịu trách nhiệm về lời bảo đảm của mình. Có điều gì chưa rõ thì báo cáo để chi bộ và cấp trên xem xét.

c) Trách nhiệm của chi bộ và cấp ủy:

- Trước khi chi bộ xét và quyết định kết nạp, chi ủy phải kiểm tra lại điều kiện của người xin vào Đảng và lấy ý kiến nhận xét của quần chúng về người đó. Nếu người xin vào Đảng có vấn đề lịch sử chính trị thì giải quyết theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương

- Chi bộ tổ chức hội nghị xét và quyết định kết nạp từng người một, với sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức trong chi bộ.

- Nghị quyết của chi bộ về kết nạp đảng viên phải được đảng ủy cơ sở (nếu có) tán thành, cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc đảng ủy cơ sở được ủy quyền chuẩn y từng người một.

d) Nơi chưa có tổ chức cơ sở đảng, chưa có đảng viên hoặc có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện giới thiệu thì cấp ủy cấp trên trực tiếp cử đảng viên về làm công tác tuyên truyền, thẩm tra, giới thiệu, để xem xét kết nạp người vào Đảng.

Điều 5:

Người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị mười hai tháng, tính từ ngày chi bộ tuyên bố kết nạp. Trong thời kỳ dự bị, chi bộ tiếp tục giáo dục, rèn luyện và phân công đảng viên chính thức giúp đảng viên đó tiến bộ.

Khi hết thời kỳ dự bị, chi bộ xét công nhận đảng viên chính thức từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp; nếu thấy không đủ tư cách đảng viên thì quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên dự bị và báo cáo lên cấp ủy đã chuẩn y kết nạp để thẩm tra lại.

Nghị quyết của chi bộ về việc công nhận đảng viên chính thức phải được cấp ủy có thẩm quyền chuẩn y theo điểm c điều 4.

Tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày được chi bộ công nhận là đảng viên chính thức.

Điều 6:

Việc phát và quản lý thẻ đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định.

Điều 7:

Đảng viên già yếu xin được miễn công tác và sinh hoạt đảng do chi bộ xem xét, quyết định.

Điều 8:

Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng, hoặc đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục và định thời hạn sửa chữa mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên.

Đảng viên xin ra khỏi Đảng do chi bộ xem xét quyết định.

Các trường hợp trên, chi bộ báo cáo lên cấp ủy có thẩm quyền chuẩn y kết nạp đảng viên để thẩm tra lại.

Chương II

Nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng

Điều 9:

Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:

1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng đều do bầu cử lập ra.

2. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng thực hiện nguyên  tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách.

3. Ban chấp hành đảng bộ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước ban chấp hành đảng bộ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình.

4. Nghị quyết của Đảng phải được chấp hành nghiêm chỉnh. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc, Hội nghị đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.

5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải được biểu quyết với sự tán thành của trên một nửa số thành viên trong cơ quan đó. Trước khi biểu quyết, các đảng viên được phát biểu hết ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó, nếu thấy thực tiễn chứng minh là đúng thì tiếp thu. Tổ chức đảng không được phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.

6. Tổ chức đảng cấp dưới được quyền quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.

Điều 10:

Hệ thống tổ chức của Đảng về cơ bản được tổ chức theo hệ thống hành chính của Nhà nước; tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam theo quy định tại điều 29; ngành có đặc điểm riêng được tổ chức đảng bộ ngành dọc theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương.

Tổ chức cơ sở đảng được lập ra theo đơn vị cơ sở hành chính, kinh tế hoặc công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trường hợp cần thiết, Ban Chấp hành Trung ương có thể quyết định thành lập đảng bộ (gồm một số tổ chức cơ sở đảng có tính chất, đặc điểm riêng) trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương. ở các tỉnh, thành phố nếu được sự đồng ý của Trung ương cũng được thành lập đảng bộ tương tự trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy. Cấp ủy quyết định thành lập đảng bộ quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của đảng bộ này với cấp ủy địa phương nơi đơn vị đóng theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.

Thành lập hoặc giải thể một đảng bộ do cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định.

Điều 11:

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng bộ mỗi cấp là đại hội đại biểu; ở cơ sở là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên.

Các cấp ủy triệu tập đại hội đúng kỳ hạn, thông báo trước cho đảng bộ về thời gian và nội dung đại hội, nêu các vấn đề thảo luận ở đại hội để cấp dưới đóng góp ý kiến trước.

Khi ban chấp hành đảng bộ xét thấy cần, hoặc khi có trên một nửa số cấp ủy trực thuộc yêu cầu và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập đại hội bất thường.

Cấp ủy triệu tập đại hội quyết định số lượng đại biểu và phân bổ cho các đảng bộ trực thuộc căn cứ vào số lượng đảng viên, số lượng đảng bộ trực thuộc, vị trí quan trọng của từng đảng bộ, theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.

Đại biểu dự đại hội đại biểu gồm các ủy viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội và đại biểu do đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên cấp dưới bầu.

Việc chỉ định đại biểu chỉ thực hiện đối với tổ chức đảng hoạt động trong điều kiện đặc biệt không thể mở đại hội để bầu cử được, theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Đại biểu dự đại hội phải được đại hội thẩm tra về tư cách và biểu quyết công nhận. Cấp ủy triệu tập đại hội không được bác bỏ tư cách đại biểu do đại hội đảng bộ cấp dưới bầu, trừ trường hợp đại biểu bị đình chỉ sinh hoạt đảng, bị truy tố trước pháp luật hoặc bị tạm giam. Nếu bầu không đúng nguyên tắc, thủ tục thì phải bầu lại.

Đại hội hoặc hội nghị đại biểu, đại hội hoặc hội nghị đảng viên ở tổ chức cơ sở đảng chỉ có giá trị khi có ít nhất hai phần ba số đại biểu hoặc đảng viên được triệu tập tham dự, thay mặt cho ít nhất hai phần ba số tổ chức đảng trực thuộc.

Đại hội, hội nghị bầu đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch để điều hành công việc của đại hội, hội nghị.

Điều 12:

Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo là ban chấp hành đảng bộ (gọi tắt là cấp ủy) do đại hội cùng cấp bầu ra.

Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội đại biểu toàn quốc quyết định; số lượng ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp nào do đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên của đảng bộ cấp đó quyết định, theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.

Ban chấp hành đảng bộ các cấp cần được đổi mới một bộ phận và bảo đảm tính kế thừa qua mỗi lần đại hội. Người được bầu vào ban chấp hành phải có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, nhất là có bản lĩnh chính trị vững vàng và tinh thần đổi mới, đã qua rèn luyện trong thực tế, có kiến thức và năng lực tham gia lãnh đạo tập thể và hoàn thành nhiệm vụ được giao, có khả năng quy tụ cán bộ để thực hiện nhiệm vụ, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm.

Đoàn chủ tịch đại hội tổ chức và hướng dẫn bầu cử. Đại biểu có quyền nhận xét, chất vấn về người ứng cử và người được đề cử. Danh sách bầu cử phải được đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua. Bầu cử bằng phiếu kín. Người trúng cử phải được số phiếu tín nhiệm bằng trên một nửa số đại biểu hoặc đảng viên được triệu tập.

Điều 13:

Nhiệm kỳ của ban chấp hành đảng bộ các cấp là thời gian giữa hai kỳ của đại hội từng cấp.

Ban chấp hành và bí thư ban chấp hành cấp dưới phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y.

Trường hợp thật cần thiết, cấp ủy cấp trên trực tiếp được điều động hoặc chỉ định bổ sung một số ủy viên ban chấp hành cấp dưới, song không được quá một phần ba số ủy viên do đại hội đã bầu. Trước khi điều động hoặc chỉ định bổ sung, cấp ủy cấp trên lấy ý kiến của cấp ủy cấp dưới. Hội nghị đại biểu được bầu bổ sung số ủy viên ban chấp hành thiếu và được bầu tăng thêm, nhưng số lượng bầu tăng thêm không quá 10% số ủy viên ban chấp hành do đại hội đảng bộ đã bầu.

Đối với đảng bộ mới thành lập, nếu chưa tiến hành đại hội ngay được, ban chấp hành cấp trên trực tiếp chỉ định ban chấp hành lâm thời; chậm nhất trong vòng một năm phải tổ chức đại hội bầu chính thức.

Điều 14:

Ban chấp hành các cấp lập các cơ quan giúp việc (ban, tiểu ban) và quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc của các cơ quan này theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương. Khi cần, cấp ủy có thể lập các cơ quan giúp việc và giải thể khi hoàn thành công việc.

Điều 15:

Giữa hai kỳ đại hội đại biểu, ban chấp hành đảng bộ các cấp (trừ đảng bộ cơ sở) triệu tập hội nghị đại biểu.

Thành phần hội nghị đại biểu gồm các ủy viên của ban chấp hành cấp triệu tập hội nghị và các đại biểu do ban chấp hành cấp dưới cử lên.

Hội nghị đại biểu có nhiệm vụ thảo luận báo cáo của ban chấp hành; quyết định những chủ trương, biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết đại hội hoặc bổ sung nghị quyết đại hội cho phù hợp với tình hình mới trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, nghị quyết của cấp trên; bầu bổ sung hoặc bầu tăng thêm ủy viên ban chấp hành theo quy định tại điều 13.

Nghị quyết của hội nghị đại biểu phải được cấp ủy triệu tập hội nghị, các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên chấp hành.

Các uỷ viên ban chấp hành được bầu bổ sung hoặc tăng thêm phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y.

Chương III

Cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Trung ương

Điều 16:

Đại hội đại biểu toàn quốc do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ năm năm một lần, khi có tình hình đặc biệt, có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, và thông báo rõ lý do cho toàn Đảng biết; thời gian triệu tập chậm không được quá một năm.

Điều 17:

Đại hội đại biểu toàn quốc có nhiệm vụ xét và chuẩn y báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định đường lối đối nội, đối ngoại và nhiệm vụ cơ bản của Đảng; quyết định hoặc bổ sung sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương.

Điều 18:

Ban Chấp hành Trung ương có nhiệm vụ lãnh đạo công tác của Đảng giữa hai kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đại hội và của Hội nghị đại biểu toàn quốc; quyết định những vấn đề quan trọng về công tác đối nội và đối ngoại, công tác quần chúng và công tác xây dựng Đảng; quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, các đảng phái và tổ chức chính trị tiến bộ trên thế giới; quyết định và thực hiện chính sách cán bộ và quản lý cán bộ; lập các ban, đảng đoàn, ban cán sự và chỉ đạo các cơ quan đó hoạt động; quy định các nguyên tắc thu nộp đảng phí và quản lý tài chính của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương họp thường lệ sáu tháng một lần; khi cần, họp bất thường; sáu tháng một lần báo cáo tình hình chung và công việc đã làm cho cấp dưới; khi cần, nêu vấn đề để cấp dưới góp ý kiến.

Điều 19:

Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng Bí thư trong số uỷ viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm một số uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số bí thư Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương bầu; bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Số lượng uỷ viên Bộ Chính trị; bí thư Trung ương và uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Bộ Chính trị lãnh đạo hoạt động của Đảng giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương trên cơ sở nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Hội nghị đại biểu toàn quốc và nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc của mình trước hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.

Ban Bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chỉ đạo công tác xây dựng đảng, công tác cán bộ và công tác quần chúng; tổ chức chỉ đạo việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.

Chương IV

Cơ quan lãnh đạo của Đảng ở địa phương

Điều 20:

Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do cấp uỷ cùng cấp triệu tập thường lệ năm năm một lần; khi có tình hình đặc biệt, được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý, có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn và thông báo rõ lý do cho toàn đảng bộ biết; thời gian triệu tập chậm không được quá một năm.

Điều 21:

Đại hội đại biểu đảng bộ có nhiệm vụ thảo luận các vấn đề do cấp uỷ cấp trên nêu ra; xét và chuẩn y báo cáo của ban chấp hành; quyết định các nhiệm vụ, chủ trương công tác quan trọng thuộc phạm vi địa phương; bầu ban chấp hành đảng bộ và bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

Điều 22:

Ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương (gọi tắt là tỉnh uỷ, thành uỷ, đặc khu uỷ), ban chấp hành đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, thành uỷ) có nhiệm vụ lãnh đạo hoạt động của đảng bộ giữa hai kỳ đại hội đại biểu; chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, các nghị quyết của đại hội đại biểu, hội nghị đại biểu và các nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ cấp trên; tham gia xây dựng và cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng; quyết định những vấn đề về chủ trương, nhiệm vụ quan trọng của đảng bộ; lập các ban, đảng đoàn và chỉ đạo các cơ quan đó hoạt động; quản lý cán bộ; quản lý tài chính của đảng bộ.

Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, đặc khu uỷ, huyện uỷ, quận uỷ... do ban thường vụ triệu tập ba tháng một lần; khi cần, có thể triệu tập bất thường.

Ban chấp hành đảng bộ các cấp báo cáo tình hình hoạt động của mình lên cấp trên theo quy định, ba tháng một lần báo cáo tình hình chung và công việc đã làm với tổ chức đảng cấp dưới; khi cần, nêu vấn đề để cấp dưới góp ý kiến.

Điều 23:

Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, đặc khu uỷ, huyện uỷ, quận uỷ... bầu ban thường vụ, bầu bí thư và phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ, bầu uỷ ban kiểm tra.

Số lượng uỷ viên ban thường vụ và uỷ viên uỷ ban kiểm tra do hội nghị ban chấp hành quyết định theo hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương.

Ban thường vụ lãnh đạo hoạt động của đảng bộ giữa hai kỳ họp ban chấp hành trên cơ sở các nghị quyết của đại hội đại biểu, hội nghị đại biểu, hội nghị ban chấp hành và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; báo cáo tình hình chung và công việc đã làm trong phiên họp thường lệ của ban chấp hành hoặc theo yêu cầu của ban chấp hành; chuẩn bị các vấn đề đưa ra hội nghị ban chấp hành thảo luận và quyết định.

Bí thư và phó bí thư căn cứ vào nghị quyết của ban chấp hành, của ban thường vụ và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên để chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện; giải quyết công việc hằng ngày của đảng bộ; chuẩn bị các vấn đề đưa ra ban thường vụ thảo luận và quyết định.

Chương V

Tổ chức cơ sở Đảng

Điều 24:

Các chi bộ cơ sở và đảng bộ cơ sở (gọi chung là tổ chức cơ sở đảng) lập thành nền tảng của Đảng. Đơn vị cơ sở (xã, phường, thị trấn, cơ quan, hợp tác xã, xí nghiệp, công ty, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu khoa học, đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang và các đơn vị cơ sở khác) có từ ba đảng viên chính thức trở lên được thành lập chi bộ; nếu không đủ ba đảng viên chính thức thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp giới thiệu đảng viên sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở đảng gần đó.

ở những đơn vị cơ sở hoặc một bộ phận trong đơn vị cơ sở (phân xưởng ở xí nghiệp, thôn ấp ở xã, khoa ở trường học, v.v.) có từ ba mươi đảng viên trở lên có thể lập nhiều chi bộ, đặt trực thuộc đảng uỷ cơ sở.

Những trường hợp sau đây, cấp uỷ cơ sở phải báo cáo và phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý mới được thực hiện:

- Tổ chức nhiều chi bộ trong một đơn vị cơ sở hoặc một bộ phận trong đơn vị cơ sở chưa đủ ba mươi đảng viên.

- Chỉ lập một chi bộ trong một đơn vị cơ sở hoặc một bộ phận trong đơn vị cơ sở có trên năm mươi đảng viên.

- Lập đảng bộ bộ phận trong đảng bộ cơ sở.

Đảng bộ xã, phường, thị trấn bao gồm các chi bộ ở các thôn, ấp, bản, đường phố và các đơn vị kinh tế - xã hội của xã, phường, thị trấn.

Tổ chức đảng ở những bộ phận hoạt động cách xa đơn vị cơ sở, đặt trực thuộc cấp uỷ địa phương nơi bộ phận ấy hoạt động.

Điều 25:

Đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên của tổ chức cơ sở đảng do cấp uỷ cơ sở triệu tập năm năm hai lần. Đại hội thảo luận các vấn đề do cấp trên đưa xuống; xét và chuẩn y báo cáo của cấp uỷ; quyết định nhiệm vụ, chủ trương công tác; bầu cấp uỷ; bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

Đảng uỷ cơ sở họp thường lệ mỗi tháng một lần và họp bất thường khi cần.

Đảng uỷ cơ sở có từ chín uỷ viên trở lên bầu ban thường vụ; bầu bí thư, phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ.

Điều 26:

Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng:

1. Quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và căn cứ vào tình hình của đơn vị đề ra chủ trương, nhiệm vụ của đảng bộ; kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm cho nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh.

2. Lãnh đạo quần chúng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng, xây dựng mối liên hệ mật thiết với quần chúng; xây dựng chính quyền, bộ máy quản lý, lực lượng dân quân tự vệ, an ninh nhân dân và các đoàn thể nhân dân.

3. Xây dựng đảng bộ và đội ngũ cán bộ ở đơn vị: chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ kiến thức và năng lực công tác của đảng viên; tuyên truyền phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng và kết nạp đảng viên mới; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, kiểm tra đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất của Đảng; xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên; thu nộp đảng phí.

4. Tham gia và lãnh đạo quần chúng tham gia xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nắm vững ý kiến, nguyện vọng của quần chúng để kịp thời giải quyết, báo cáo trung thực tình hình và hoạt động của đảng bộ lên cấp trên.

Cấp uỷ của đảng bộ cơ sở có từ một trăm đảng viên trở lên, nếu được cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng quyết định, được quyền như đảng uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng trong việc chuẩn y kết nạp người vào Đảng và thi hành kỷ luật khai trừ đảng viên.

Điều 27:

Chi bộ là nơi trực tiếp nối liền Đảng với quần chúng, được tổ chức theo nơi làm việc hoặc nơi ở của đảng viên. Chi bộ có nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện, quản lý, phân công và kiểm tra công tác của đảng viên, kết nạp đảng viên mới và thi hành kỷ luật đảng viên, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi đơn vị.

Đại hội chi bộ do chi uỷ triệu tập mỗi năm một lần. Đại hội thảo luận các vấn đề do cấp trên đưa xuống và báo cáo của chi uỷ, quyết định nhiệm vụ của chi bộ; bầu cấp uỷ và bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

Chi bộ có dưới chín đảng viên chính thức, bầu bí thư chi bộ; nếu cần, bầu phó bí thư. Chi bộ có chín đảng viên chính thức trở lên, bầu ban chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi uỷ); bầu bí thư và phó bí thư chi bộ trong số chi uỷ viên.

Bí thư chi bộ, chi uỷ phải được đảng uỷ cơ sở chuẩn y; nếu là chi uỷ của chi bộ cơ sở phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng chuẩn y.

Chi uỷ họp thường lệ mỗi tháng một lần.

Chi bộ họp thường lệ mỗi tháng một lần để thảo luận quán triệt và bàn biện pháp thi hành nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; kiểm điểm và đề ra nhiệm vụ công tác của chi bộ; phân công công tác cho đảng viên.

Chi bộ đông đảng viên có thể chia thành nhiều tổ đảng; tổ đảng bầu tổ trưởng; tổ trưởng làm việc dưới sự chỉ đạo của chi uỷ.

Chương VI

Tổ chức Đảng trong quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân Việt Nam

Điều 28:

Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt theo quy chế do Ban Chấp hành Trung ương quy định.

Đảng lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tham gia xây dựng đất nước.

Các ban của cấp uỷ đảng theo chức năng giúp cấp uỷ đảng hướng dẫn, kiểm tra công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam.

Điều 29:

Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức theo hệ thống dọc, hoạt động theo Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.

Đảng uỷ Quân sự Trung ương (Quân uỷ Trung ương) do Ban Chấp hành Trung ương chỉ định, gồm một số uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương công tác trong quân đội và một số uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương công tác ngoài quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Quân uỷ Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất để Ban Chấp hành Trung ương quyết định những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng, đồng thời lãnh đạo mọi mặt công tác trong quân đội.

Ban chấp hành đảng bộ cấp nào do đại hội cấp đó bầu, có nhiệm vụ lãnh đạo các đơn vị thuộc cấp mình về mọi mặt; trường hợp đặc biệt do đảng uỷ cấp trên chỉ định theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Tổng cục Chính trị đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị đối với toàn quân, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư và trực tiếp thường xuyên của Quân uỷ Trung ương. ở mỗi cấp có cơ quan chính trị và cán bộ chính trị đảm nhiệm công tác tư tưởng và công tác tổ chức dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng cấp mình và sự chỉ đạo của cơ quan chính trị cấp trên.

Điều 30:

Tổ chức đảng ở cơ quan quân sự địa phương và đơn vị bộ đội địa phương đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương về mọi mặt, đồng thời có nhiệm vụ chấp hành nghị quyết của đảng uỷ quân sự cấp trên về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương. Cơ quan chính trị cấp trên phối hợp với cấp uỷ địa phương về chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng trong lực lượng vũ trang địa phương.

Điều 31:

Tổ chức đảng trong lực lượng Công an nhân dân Việt Nam do Ban Chấp hành Trung ương quy định.

Chương VII

Ủy ban kiểm tra các cấp

Điều 32:

Uỷ ban kiểm tra các cấp do ban chấp hành đảng bộ cùng cấp bầu, gồm một số đồng chí trong cấp uỷ và một số đồng chí ngoài cấp uỷ.

Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp dưới phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y, nếu điều động sang công tác khác phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý.

Uỷ ban kiểm tra các cấp làm việc theo nguyên tắc tập thể dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ cùng cấp, báo cáo trước hội nghị thường kỳ của cấp uỷ và hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn do Điều lệ Đảng quy định.

Điều 33:

Nhiệm vụ của uỷ ban kiểm tra các cấp:

1. Kiểm tra đảng viên (kể cả cấp uỷ viên cùng cấp) và tổ chức đảng cấp dưới chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên; xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật và căn cứ thẩm quyền quy định tại điều 36 mà quyết định hoặc đề nghị cấp uỷ quyết định thi hành kỷ luật.

2. Kiểm tra việc chấp hành quy chế làm việc của cấp uỷ cấp dưới.

3. Kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới.

4. Kiểm tra tài chính của cấp uỷ cấp dưới và của cơ quan tài chính của cấp uỷ cùng cấp.

5. Giải quyết thư tố cáo về những nội dung quy định tại điểm 1 điều 33 đối với đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới.

6. Giải quyết thư khiếu nại về việc thi hành kỷ luật trong Đảng theo thẩm quyền quy định tại điều 36.

Điều 34:

Uỷ ban kiểm tra các cấp được quyền yêu cầu các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên báo cáo những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.

Uỷ ban kiểm tra cấp trên được quyền kiểm tra hoạt động của uỷ ban kiểm tra cấp dưới.

Chương VIII

Việc thi hành kỷ luật trong Đảng

Điều 35:

Việc thi hành kỷ luật trong Đảng phải công minh, chính xác, kịp thời nhằm giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng và giáo dục đảng viên.

Tuỳ mức độ, tính chất sai lầm của đảng viên và của tổ chức đảng, áp dụng các hình thức kỷ luật sau đây:

Đối với đảng viên: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

Điều 36:

Về thẩm quyền thi hành kỷ luật:

a) Đối với đảng viên:

1. Việc thi hành kỷ luật đảng viên phải được chi bộ chủ động xem xét. Chi bộ có quyền quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên; kỷ luật khai trừ đảng viên phải được hội nghị chi bộ biểu quyết với sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức của chi bộ và phải được đảng uỷ cơ sở (nếu có) tán thành, uỷ ban kiểm tra cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền chuẩn y.

2. Đối với đảng viên là cán bộ do cấp uỷ cấp trên quản lý nhưng không phải là cấp uỷ viên các cấp, phạm kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ hoặc về lối sống, chi bộ có quyền thi hành kỷ luật như quy định tại điểm 1 điều 36, song phải báo cáo với uỷ ban kiểm tra cấp quản lý cán bộ đó để thẩm tra lại.

3. Đối với đảng viên là cán bộ do cấp uỷ cấp trên quản lý nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp hoặc cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp, phạm kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao, chi bộ và đảng uỷ cơ sở có quyền đề nghị các hình thức kỷ luật; uỷ ban kiểm tra các cấp quản lý cán bộ đó quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo; cấp uỷ cấp quản lý cán bộ đó quyết định các hình thức kỷ luật cách chức, khai trừ.

4. Đối với đảng viên là uỷ viên ban chấp hành các cấp (kể cả uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương):

- Phạm kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của chi bộ hoặc về lối sống thì chi bộ quyết định các hình thức khiển trách, cảnh cáo; nếu cần xử lý hình thức kỷ luật cao hơn thì chi bộ đề nghị lên cấp uỷ cấp trên.

- Phạm kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ do cấp uỷ giao, cấp uỷ nào giao nhiệm vụ thì cấp uỷ đó quyết định các hình thức kỷ luật; riêng kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng hoặc cách chức uỷ viên ban chấp hành, do ban chấp hành quyết định với sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số uỷ viên ban chấp hành, được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y và báo cáo với đại hội đảng bộ trong kỳ họp gần nhất; nếu đảng viên tham gia nhiều cấp uỷ thì cấp uỷ quyết định kỷ luật phải báo cáo lên cấp uỷ cao nhất mà đảng viên đó tham gia để chuẩn y.

Các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo do chi bộ hoặc cấp uỷ cấp dưới quyết định phải được báo cáo lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp và cấp uỷ cao nhất mà đảng viên đó tham gia để thẩm tra lại.

Việc thi hành kỷ luật chi uỷ viên do chi bộ quyết định; riêng kỷ luật cách chức chi uỷ viên phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y.

5. Trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật, tuy đã được cấp trên nhắc nhở, song tổ chức đảng cấp dưới không xử lý kỷ luật hoặc xử lý chưa đúng mức, thì cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên có thẩm quyền trực tiếp quyết định thi hành kỷ luật hoặc sửa đổi mức kỷ luật đối với đảng viên đó.

6. Khi giải quyết các khiếu nại về kỷ luật do tổ chức đảng cấp dưới quyết định đối với đảng viên (kể cả cấp uỷ viên cấp dưới) và khi kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới, uỷ ban kiểm tra cấp trên được quyết định chuẩn y, sửa đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật do tổ chức đảng cấp dưới quyết định, trừ hình thức khai trừ ra khỏi Đảng và cách chức uỷ viên ban chấp hành đảng bộ cấp dưới trực tiếp.

7. Quyết định của cấp trên thi hành kỷ luật cấp uỷ viên và cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý được thông báo đến chi bộ, đảng bộ cơ sở nơi đảng viên đó sinh hoạt.

b) Đối với tổ chức đảng:

Kỷ luật khiển trách, cảnh cáo một tổ chức đảng do cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định.

Kỷ luật giải tán một tổ chức đảng do cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định với sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số uỷ viên ban chấp hành và phải được cấp uỷ cấp trên cách một cấp chuẩn y.

Quyết định đó phải được báo cáo lên Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Chỉ giải tán một chi bộ, đảng bộ hoặc ban chấp hành nếu vi phạm một trong ba trường hợp sau đây: có ít nhất hai phần ba số đảng viên (đối với chi bộ, đảng bộ) hoặc  ít nhất hai phần ba số uỷ viên ban chấp hành (đối với ban chấp hành) phạm sai lầm đến mức phải khai trừ; tập thể tổ chức đó đã có hành động chống lại đường lối, chính sách của Đảng một cách có ý thức; có đủ bằng chứng tập thể đó không đủ tin cậy về chính trị.

ở chi bộ, đảng bộ bị giải tán, đảng viên không có khuyết điểm, hoặc có khuyết điểm nhưng chưa đến mức phải khai trừ, được cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định chuyển sinh hoạt đảng vào chi bộ mới thành lập, hoặc đến một chi bộ khác.

Điều 37:

Trước khi quyết định kỷ luật, tổ chức đảng có trách nhiệm nghe đảng viên hoặc người đại diện cho tổ chức đảng bị xem xét về kỷ luật trình bày ý kiến.

Sau khi quyết định về kỷ luật đã được công bố, nếu không đồng ý thì trong vòng ba tháng, đảng viên hoặc tổ chức bị thi hành kỷ luật có quyền yêu cầu tổ chức đã quyết định kỷ luật đó xem xét lại và được khiếu nại lên cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên cho đến Ban Chấp hành Trung ương.

Khi nhận được thư khiếu nại kỷ luật, cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên báo cho người khiếu nại biết; trong vòng một tháng phải tổ chức xem xét. Ba tháng một lần, uỷ ban kiểm tra cấp dưới báo cáo lên uỷ ban kiểm tra cấp trên về tình hình giải quyết thư khiếu nại kỷ luật. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên thường xuyên kiểm tra việc giải quyết thư khiếu nại của cấp dưới.

Điều 38:

Trong khi nghị quyết về khai trừ đảng viên hoặc giải tán một tổ chức đảng chưa được cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền chuẩn y, đảng viên đó vẫn được sinh hoạt đảng, tổ chức đó vẫn hoạt động. Việc tạm đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên, hoạt động của tổ chức đảng chỉ được áp dụng  trong trường hợp đặc biệt và phải được cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền chuẩn y theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Đảng viên bị hình phạt từ hình thức cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng.

Điều 39:

Từ sáu tháng đến một năm, sau khi đảng viên bị thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức, chi bộ nghe đảng viên đó báo cáo để xem xét; nếu đảng viên đó thật sự đã sửa chữa khuyết điểm, chi bộ công nhận và báo cáo lên cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên; cấp nào quyết định thi hành kỷ luật thì cấp đó chuẩn y công nhận đảng viên đã sửa chữa khuyết điểm.

Chương IX

Đảng đối với tổ chức nhà nước và các đoàn thể nhân dân

Điều 40:

Đảng lãnh đạo Nhà nước và các đoàn thể nhân dân bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và các chủ trương công tác; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Đảng giới thiệu những cán bộ đủ tiêu chuẩn để cơ quan nhà nước và đoàn thể nhân dân lựa chọn và sử dụng.

Tổ chức đảng và đảng viên công tác trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể nhân dân phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết, chỉ thị của cấp uỷ; tôn trọng chức năng của các tổ chức đó; ủng hộ sáng kiến của quần chúng; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ được giao; góp phần tích cực xây dựng Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.

Điều 41:

Trong các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và đoàn thể nhân dân do bầu cử lập ra, cấp uỷ cùng cấp lập đảng đoàn gồm một số đảng viên công tác trong tổ chức đó. Nơi không lập đảng đoàn, cấp uỷ phân công đảng viên công tác trong tổ chức đó làm nhiệm vụ của đảng đoàn.

Đảng đoàn có bí thư; nếu cần, có phó bí thư do cấp uỷ cùng cấp chỉ định. Đảng đoàn phục tùng sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, làm việc tập thể và chịu trách nhiệm trước cấp uỷ.

Đảng đoàn có nhiệm vụ vận động, thuyết phục những thành viên trong cơ quan lãnh đạo và quần chúng trong tổ chức mình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; tăng cường ảnh hưởng của Đảng và mối liên hệ mật thiết giữa đảng viên với người ngoài Đảng, nghiên cứu đề đạt với cấp uỷ đảng về phương hướng, nhiệm vụ và tổ chức, cán bộ của tổ chức đó.

Khi cần, đảng đoàn được triệu tập các đảng viên trong tổ chức đó để thảo luận chủ trương của cấp uỷ và bàn biện pháp thực hiện.

Chương X

Đảng đối với đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Điều 42:

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa và đại diện quyền lợi của thanh niên.

Ban chấp hành đảng bộ các cấp lãnh đạo trực tiếp ban chấp hành đoàn cùng cấp.

Điều 43:

Đảng viên còn trong tuổi đoàn phải sinh hoạt và công tác trong tổ chức đoàn, tích cực góp phần xây dựng Đoàn vững mạnh.

Chương XI

Tài chính của Đảng

Điều 44:

Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, thu từ các xí nghiệp sản xuất, kinh doanh của Đảng và các khoản thu khác.

Điều 45:

Ban Chấp hành Trung ương quy định thống nhất nguyên tắc, chế độ thu chi, quản lý tài chính của Đảng, mức đóng đảng phí của đảng viên, chế độ thu nộp và sử dụng đảng phí.

Hằng năm, ban chấp hành các cấp nghe báo cáo và quyết định nhiệm vụ công tác tài chính của cấp mình.

Chương XII

Chấp hành điều lệ Đảng

Điều 46:

Mọi đảng viên và tổ chức của Đảng có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh và kịp thời đấu tranh chống mọi biểu hiện vi phạm Điều lệ Đảng.

Điều 47:

Chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Đảng.


 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website