Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo

I- TÌNH HÌNH TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO

Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ, chính sách “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước.

Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, vấn đề tôn giáo có những nội dung mới. Năm 1990, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 về công tác tôn giáo, xác định “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”, “các giáo hội và tổ chức tôn giáo nào có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, có tôn chỉ, mục đích, điều lệ phù hợp với luật pháp Nhà nước, có tổ chức phù hợp và bộ máy nhân sự đảm bảo tốt về cả hai mặt đạo, đời thì sẽ được Nhà nước xem xét trong từng trường hợp cụ thể để cho phép hoạt động”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, công tác vận động đồng bào có đạo, các tín đồ, chức sắc... hưởng ứng tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đạt được nhiều tiến bộ.

Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo, hoạt động theo pháp luật; các tôn giáo được Nhà nước công nhận đã hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị ở các vùng đồng bào tôn giáo, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động tôn giáo còn có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Một số người chưa tuân thủ pháp luật, còn tổ chức truyền đạo trái phép; còn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan. Việc khiếu kiện và tranh chấp liên quan đến đất đai và cơ sở vật chất của tôn giáo ở một số nơi tăng lên, có nơi gay gắt, phức tạp. ở một số nơi, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, một số người đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành những hoạt động chống đối, kích động tín đồ nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị.

Có tình hình trên đây là do: công tác tôn giáo chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, trong khi các thế lực thù địch ráo riết tranh thủ, giành giật, lôi kéo quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo. Một số cấp ủy, chính quyền các cấp, một số cán bộ có trách nhiệm chưa nhận thức, quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo. Có nơi chủ quan, nóng vội, giản đơn trong giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến tôn giáo; có nơi lại hữu khuynh, thụ động, buông lỏng quản lý. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo chậm được thể chế hóa. Tổ chức, bộ máy làm công tác tôn giáo của hệ thống chính trị, nhất là bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo chưa xác định rõ được mô hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp, thiếu sự quan tâm đầu tư bảo đảm các điều kiện hoạt động; đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo và hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng đông tín đồ tôn giáo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn yếu, việc tập hợp quần chúng còn hạn chế.

II- QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TÔN GIÁO

Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Để thực hiện phương hướng trên, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức về các quan điểm và chính sách sau đây:

1. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

2. Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc

Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

3. Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng

Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác vận động quần chúng các tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo.

4. Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn. Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo có trách nhiệm trực tiếp, cần được củng cố và kiện toàn. Công tác quản lý nhà nước đối với các tôn giáo và đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo để chống đối chế độ chỉ thành công nếu làm tốt công tác vận động quần chúng.

5. Vấn đề theo đạo và truyền đạo

Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

III- NHIỆM VỤ CÔNG TÁC TÔN GIÁO

- Thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo.

- Tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành ở cơ sở. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, tự giác và phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ.

- Hướng dẫn các tôn giáo thực hiện quan hệ đối ngoại phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đấu tranh làm thất bại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch bên ngoài đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo ở nước ta.

- Tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo. Tăng cường nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách trước mắt và lâu dài đối với tôn giáo.

IV- CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề tôn giáo

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo.

- Giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc, làm cho các tôn giáo gắn bó với dân tộc, với đất nước và chủ nghĩa xã hội, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân; tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo, thông qua đó tăng cường sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không tín ngưỡng, tôn giáo; giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; đồng thời, tạo cơ sở để đấu tranh chống những tà đạo, những hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo làm hại đến lợi ích của Tổ quốc, dân tộc và nhân dân.

2. Tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị ở cơ sở

- Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức công tác vận động đồng bào tín đồ các tôn giáo, phù hợp với đặc điểm của đồng bào có nhu cầu luôn gắn bó với sinh hoạt tôn giáo và tổ chức tôn giáo.

- Tăng cường hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo.

3. Tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo

- Tăng cường đầu tư và thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân các vùng khó khăn, đặc biệt quan tâm các vùng đông tín đồ tôn giáo và vùng dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn.

- Sớm ban hành Pháp lệnh về tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thực hiện; chuẩn bị để tiến tới xây dựng Luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

- Tăng cường cảnh giác cách mạng, xây dựng phương án cụ thể, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

- Giải quyết việc tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... của Nhà nước, theo nguyên tắc:

Khuyến khích các tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật.

Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Thống nhất chủ trương xử lý vấn đề nhà, đất sử dụng vào mục đích tôn giáo hoặc có liên quan đến tôn giáo:

Đối với đất đai, thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đối với việc khiếu kiện liên quan đến nhà và cơ sở tôn giáo đã chuyển giao cho chính quyền hoặc đoàn thể sử dụng: về nguyên tắc, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành; riêng đối với những trường hợp nhà, đất do tôn giáo đã hiến tặng có văn bản xác nhận thì không đặt vấn đề trả lại.

- Đối với hội đoàn tôn giáo, thực hiện theo nguyên tắc mọi tổ chức tôn giáo phải được Nhà nước công nhận và hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Tăng cường công tác tổ chức, cán bộ làm công tác tôn giáo

- Củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác tôn giáo của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình tổ chức quản lý nhà nước về tôn giáo ở các cấp; xây dựng quy chế phối hợp phát huy sức mạnh và hiệu quả công tác.

- Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng, sử dụng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo.    

- Quan tâm thỏa đáng việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp. Cán bộ làm công tác tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được bồi dưỡng, huấn luyện để hiểu biết phong tục tập quán, tiếng nói của dân tộc nơi mình công tác.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy đảng tổ chức quán triệt Nghị quyết về công tác tôn giáo đồng thời với Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộcNghị quyết về công tác dân tộc. Tổ chức nghiên cứu sâu trong cán bộ làm công tác tôn giáo và trong những địa phương có đông đồng bào theo đạo và những địa phương có vấn đề tôn giáo phát sinh. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch phổ biến tinh thần Nghị quyết trong chức sắc và tín đồ các tôn giáo.

2. Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành chính sách, pháp luật; xây dựng chương trình hành động của Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương thực hiện. Đối với các luật, pháp lệnh mà phạm vi điều chỉnh có liên quan đến tôn giáo cần có điều khoản riêng quy định những nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề về tôn giáo.

3. Các cấp ủy căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

4. Đảng đoàn Mặt trận và các đoàn thể nhân dân xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, tổ chức đoàn viên, hội viên thực hiện.

5. Ban Dân vận Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết; trong quá trình thực hiện, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

 

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
TỔNG BÍ THƯ

 

 

Nông Đức Mạnh

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website