Tuyên ngôn độc lập năm 1945 – văn bản pháp lý – chính trị, nền tảng của nước Việt Nam mới

Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta; là bản Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập thoát khỏi xiềng xích áp bức, bóc lột của thực dân Pháp gần một thế kỷ và chế độ phong kiến thống trị hàng bao thế kỷ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc được giải phóng, Nhà nước đã ban hành bản Hiến pháp thứ hai - Hiến pháp 1960 để làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng và cả nước thống nhất, bản Hiến pháp thứ ba - Hiến pháp 1980 đã được ban hành. Đó là bản Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp hiện hành được Quốc hội thông qua năm 1992; là bản Hiến pháp thứ tư và là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới. 

Xét về lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thì bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là việc kế thừa, phát huy, nâng lên một tầm cao mới truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Thật vậy, ngay từ thế kỷ XI (1077), người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt lãnh đạo nhân dân ta chống quân Tống đã làm thơ động viên quân sĩ chống giặc, bảo vệ chủ quyền đất nước: 

“Sông núi nước Nam vua Nam ở, 

Rành rành định phận ở sách trời. 

Cớ sao quân giặc sang xâm lược, 

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. 

Đến thế kỷ XV, sau khi cuộc chiến tranh chống quân Minh kéo dài 10 năm kết thúc thắng lợi, Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, người có công giúp vua Lê Lợi đánh thắng quân Minh, cũng đã tự viết bản Bình Ngô đại cáo nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ tự cường của dân tộc Việt Nam có một truyền thống hàng ngàn năm văn hiến. Với thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 một lần nữa nêu cao tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc, đồng thời khẳng định từ nay chính quyền về tay nhân dân; nhân dân là người chủ của đất nước. 

Xét về lịch sử phát triển của nhân loại thời kỳ hiện đại, năm 1776 có bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Đây là bản Tuyên ngôn về sự ra đời của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sau khi đã kết thúc nội chiến. Tiếp đó, năm 1791 có bản Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân của nước Pháp, khẳng định thắng lợi của Cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến. Sau Cách mạng tháng Mười Nga thành công năm 1917 cũng đã có bản Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị áp bức. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam, mở đầu cho thời kỳ nhân dân các nước thuộc địa vùng lên giành độc lập, làm tan rã chế độ thực dân cũ. 

Bản Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng lời nói bất hủ của Tuyên ngôn độc lập Mỹ (1776): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên ngôn độc lập cũng viện dẫn câu mở đầu nổi tiếng của Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân của Cách mạng Pháp (1791): “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Nhân dân Việt Nam gần một thế kỷ rên xiết dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và suốt mấy trăm năm bị đè nén trong chế độ phong kiến nên đã nhận thức rõ quyền con người và quyền công dân không thể có được nếu dân tộc không được độc lập và tự do. Chính vì vậy, trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách đanh thép: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. 

Sau khi điểm lại quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta cho đến cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại (8-1945), bản Tuyên ngôn đã kết luận “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên Nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà”. 

Bản Tuyên ngôn kết thúc bằng lời khẳng định sâu sắc và mạnh mẽ có ý nghĩa như một lời thề: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”. Thực hiện lời thề đó, nhân dân Việt Nam đã đấu tranh lâu dài hàng mấy chục năm dầu phải chịu đựng những hy sinh to lớn để giữ vững độc lập và tự do. Ngày nay, cũng với tinh thần ấy, nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng và bất khả xâm phạm (Điều 1 và Điều 13 Hiến pháp 1992). 

Khi đã giành được độc lập, chính quyền đã về tay nhân dân, thì các quyền con người, quyền của công dân phải được đảm bảo bằng một cơ chế thực hiện dân chủ. Cơ chế đó chính là bộ máy nhà nước đủ mạnh; thật sự dân chủ được lập ra thể theo nguyện vọng của nhân dân và phục vụ nhân dân. Tư tưởng về quyền tự do, dân chủ của bản Tuyên ngôn độc lập đã trở thành nguyên tắc hiến định của nhà nước ta, và ngày càng được quy định đầy đủ, cụ thể hơn trong Hiến pháp. Trong Hiến pháp 1992 đây là chương có tới 34 điều (Hiến pháp 1980 có 29 điều). Có những điều mà trước đây chưa ghi như Điều 50 về quyền con người, Điều 57 về quyền tự do kinh doanh, Điều 68 về quyền tự do đi lại, cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước, Điều 72 về quyền không bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật... Đáng chú ý là Điều 50 nói về quyền con người. Ngay từ khi nước Việt Nam mới ra đời, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, tư tưởng về quyền con người đã được quán triệt trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì độc lập, tự do của dân tộc cũng chính là để bảo vệ quyền của con người. Hiến pháp 1992 có Điều 50 nói về quyền con người chỉ là để khẳng định rõ thêm và bác bỏ những luận điệu thù địch xuyên tạc, vu cáo Việt Nam trên vấn đề nhân quyền. Nói về vấn đê nhân quyền thì Việt Nam không phải là nước bị mắc nợ đối với thế giới mà trái lại chính là nước chủ nợ, có quyền đòi nợ ở những nước đã gây ra bao nhiêu đau thương, tang tóc cho dân tộc Việt Nam trong nửa thế kỷ vừa qua. 

Tóm lại, tư tưởng độc lập cho dân tộc, tự do, dân chủ cho nhân dân, quyền của con người mà bản Tuyên ngôn độc lập đã nêu vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, chúng ta đang phấn đấu để xây dựng “Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, cũng chính là thực hiện và phát triển những tư tưởng của bản Tuyên ngôn độc lập - 1945. 

Theo Luật gia Phùng Văn Tửu, cuốn Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - những giá trị và ý nghĩa thời đại

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website