Giá trị và sức sống của phương pháp luận trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ”

Phương pháp luận cơ bản và chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và phương pháp luận trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” nói riêng, không có gì khác đó là phương pháp sử dụng phép biện chứng duy vật để nghiên cứu lịch sử. Hay nói cách khác, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” C. Mác và Ph. Ăngghen đã quán triệt phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật về lịch sử để phân tích xã hội tư bản chủ nghĩa, từ đó đề ra những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học. Vậy phương pháp luận mà C. Mác và Ph. Ăngghen đã sử dụng cụ thể trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là những gì? chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau đây.

1. Cách thức vận dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”

Phép biện chứng Mác xít hay còn gọi là phép biện chứng duy vật được tạo thành từ một loạt những nguyên lý, những quy luật và những cặp phạm trù được khái quát từ hiện thực, cho nên, nó có khả năng phản ánh đúng sự liên hệ, sự vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy.

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” C. Mác và Ph. Ăngghen đã đánh giá một cách khách quan và toàn diện vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản, cả những thành tựu to lớn cũng như cả những mâu thuẫn, những tai hoạ mà nó đem lại cho loài người. Các ông đánh giá chủ nghĩa tư bản không phải từ thiên kiến mà xem nó như một giai đoạn phát triển  tất yếu của lịch sử loài người. Từ đó rút ra kết luận: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”[1]

Các quy luật phổ biến của phép biện chứng duy vật mà các ông sử dụng trong khi viết tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” gồm ba quy luật cơ bản và một số quy luật khác được thể hiện trong các phạm trù.

-Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là quy luật mà C. Mác và Ph. Ăngghen đã sử dụng rất nhiều khi viết tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Các ông đã phân đôi cái thống nhất thành các mặt đối lập, chỉ cho chúng ta thấy các mặt đối lập đó tạo thành mâu thuẫn biện chứng: tư sản và vô sản, xã hội phong kiến và xã hội tư bản, xã hội tư bản và xã hội công sản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất v.v. Nhờ có lý luận mâu thuẫn biện chứng và sự vận dụng lý luận đó vào đời sống xã hội đương thời, hai ông đã phát hiện đúng mâu thuẫn nội tại của xã hội tư bản, làm sáng tỏ nội dung, tính chất của những mâu thuẫn đối kháng trong xã hội đó, trước hết là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn kinh tế nêu trên được thể hiện trên lĩnh vực xã hội thành mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản. Qua đó các ông chỉ ra rằng, lực lượng xã hội cơ bản có thể lãnh đạo cuộc cách mạng nhằm xoá bỏ chế độ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa – là giai cấp vô sản.

- Sử dụng quy luật  lượng – chất trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C. Mác và Ph. Ăngghen đã phân tích cho chúng ta thấy quá trình ra đời, hình thành, phát triển và diệt vong của chủ nghĩa tư bản. Chủ ngghĩa tư bản ra đời từ trong lòng xã hội phong kiến. Cách thức vận động của xã hội là do sự tích luỹ về lượng dẫn đến sự ra đời của chất. Cụ thể ở đây là do sự vận động biến đổi lực lượng sản xuất của xã hội phong kiến dần dần dẫn đến sự ra đời quan hệ sản xuất của chủ nghĩa tư bản. Các ông viết: “Vậy là chúng ta thấy rằng, những tư liệu sản xuất và trao đổi, làm cơ sở cho giai cấp hình thành, đã được tạo ra từ trong lòng xã hội phong kiến. Những tư liệu sản xuất và trao đổi ấy, phát triển tới một trình độ nhất định nào đó thì…đều biến thành xiềng xích, phải đập tan xiềng xích ấy đi. Thay vào đó là sự cạnh tranh tự do, với một chế độ xã hội và chính trị thích ứng, với sự thống trị kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản”[2]. Vì vậy, sự ra đời của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là tất yếu khách quan. Nhưng theo quy luật, chủ nghĩa tư bản tiếp tục phát triển đến khi nó lại trở thành vật cản của văn minh nhân loại thì nó sẽ bị thay thế bằng một xã hội khác, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa.

- Quy luật phủ định của phủ định được các ông sử dụng trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” để chứng minh sự thay thế xã hội cũ bằng xã hội mới là đúng quy luật, xã hội luôn phát triển là một tất yếu khách quan. Chủ nghĩa tư bản phát triển sẽ tạo điều kiện, tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là sự phủ định sạch trơn mà là phủ định biện chứng, tức là tự thân phủ định, sự phủ định có kế thừa, có lọc bỏ, phát huy những nhân tố tích cực, loại bỏ cái cũ cái lỗi thời. Chẳng hạn, trong khi phủ định chủ nghĩa tư bản với tư cách là một chế độ lỗi thời, chủ nghiã xã hội cũng kết thừa toàn bộ những thành quả phát triển tiến bộ xã hội đã đạt được trong chủ nghĩa tư bản. Song, những yếu tố được giữ lại đó cũng phải được cải tạo, được biến đổi trên cơ sở những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội để trở thành những yếu tố nội tại của xã hội xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, phương pháp luận quan trọng nhất mà “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” để lại cho chúng ta chính là C. Mác và Ph. Ăngghen đã sử dụng phép biện chứng duy vật để nghiên cứu lịch sử, xây dựng nên học thuyết hình thái kinh tế xã hội.

Nội dung đầu tiên của hình thái kinh tế xã hội thể hiện trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là quy luật vềsự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, sự tác động lẫn nhau giữa quan hệ sản xuất với lực lựơng sản xuất biểu hiện mối quan hệ mang tính biện chứng. Khuynh hướng của sản xuất xã hội là không ngừng biến đổi theo chiều hướng tiến bộ. Sự biến đổi đó xét cho cùng, bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi và phát triển của lực lượng sản xuất. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tồn tại trong một xã hội nhất định tạo thành mâu thuẫn biện chứng. Nhưng do lực lượng sản xuất là yếu tố động, nó liên tục phát triển dẫn đến trạng thái không phù hợp, tới một giai đoạn nào đó, lực lượng sản xuất phát triển sang một trình độ mới với tính chất xã hội hoá ở mức cao hơn. Lúc đó tình trạng phù hợp sẽ bị phá vỡ. Mâu thuẫn sẽ ngày càng gay gắt, đến một lúc nào đó quan hệ sản xuất “trở thành xiềng xích của lực lượng sản xuất”. Sự phát triển khách quan của lực lượng sản xuất tất yếu dẫn đến việc xã hội cũ phải được xoá bỏ bằng cách này hay cách khác nhằm mở đường cho lực lượng sản xuất mới phát triển.

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” các ông đã khẳng định sự xuất hiện và phát triển giai cấp tư sản là do sự phát triển của lực lượng sản xuất đến mức quan hệ sản xuất phong kiến không còn phù hợp. Chế độ sở hữu phong kiến biến thành xiềng xích cản trở sự phát triến của lực lượng sản xuất. Vì vậy, xã hội phong kiến được thay thế bằng xã hội tư sản. Các ông viết: “những tư liệu sản xuất và trao đổi, làm cơ sở cho giai cấp tư sản hình thành, đã được tạo ra từ trong lòng xã hội phong kiến. Những tư liệu sản xuất và trao đổi ấy phát triển tới một trình độ nhất định nào đó thì những quan hệ mà trong đó xã hội phong kiến tiến hành sản xuất và trao đổi, tổ chức công nghiệp và nông nhiệp theo lối phong kiến, - nói tóm lại, những quan hệ sở hữu phong kiến không còn phù hợp với những lực lượng sản xuất đã phát triển. Những cái đó đã cản trở sản xuất, chứ không làm cho sản xuất tiến lên. tất cả những cái đó đều biến thành xiềng xích. Phải đập tan những xiềng xích ấy, và quả nhiên những xiềng xích ấy đã bị đập tan”[3].

Mặc dù quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã giải phóng lực lượng sản xuất như vậy. Song, thực ra đó chỉ là sự thay thế chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của giai cấp địa chủ bằng chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản. Thay thân phận làm thuê, làm mướn của giai cấp nông dân bằng cuộc đời làm thuê của giai cấp vô sản. Vì thế, mâu thuẫn về mặt lợi ích giữa hai giai cấp tư sản và vô sản, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đạt trình độ xã hội hoá với quan hệ sản xuất tư bản tư nhân tương tự như xã hội phong kiến lại diễn ra trong lòng xã hội tư bản. Mâu thuẫn này không thể giải quyết trong xã hội tư bản và là nguyên nhân của cuộc đấu tranh giai cấp của tư sản và vô sản. Cuộc đấu tranh giai cấp trên sẽ tất yếu dẫn đến ra đời một phương thức sản xuất, một xã hội mới đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa. C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định: “Ngày nay, trước mắt chúng ta, đang diễn ra một quá trình tương tự. Xã hội tư sản hiện đại, với những quan hệ sản xuất và trao đổi tư sản của nó, với những quan hệ sở hữu tư sản, đã tạo ra những tư liệu sản xuất và trao đổi hết sức mạnh mẽ như thế, thì giờ đây, giống như một tay phù thuỷ không ..còn đủ sức trị những âm binh mà y đã triệu lên”[4]. “Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản”[5] và “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”[6]. Nghĩa là, lịch sử đã tạo ra chủ nghĩa tư bản hiện đại và đến lượt nó, lại trở thành vật cản của văn minh nhân loại, nên nó phải được thay thế bằng một xã hội tiến bộ hơn trong tiến trình phát triển của nhân loại.

Không dừng lại ở quy luật sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” C. Mác và Ph. Ăngghen còn chỉ cho chúng ta thấy cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng. Theo các ông thì toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật, … cùng với những thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, … là cái được hình thành trên nền tảng của cơ sở kinh tế hay cơ sở hạ tầng, hợp thành kiến trúc thượng tầng xã hội. Các ông viết: “Mỗi bước phát triển của giai cấp tư sản đều có một bước tiến bộ chính trị tương ứng”[7], “Thay vào đó là sự cạnh tranh tự do, với một chế độ xã hội và chính trị thích ứng, với sự thống trị kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản”[8]. Sau này khi viết lời tựa cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1883 và lời tựa viết cho bản tiếng Anh xuất bản năm 1888, Ph. Ăngghen đã nhắc lại tư tưởng chủ đạo của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” như sau: “Trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra.- cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”[9].

Quan điểm này đã khắc phục những quan niệm duy tâm giải thích sự vận động của đời sống kinh tế – xã hội bằng những nguyên nhân thuộc về ý thức, tư tưởng hoặc thuộc về vai trò của nhà nước và pháp quyền.

Vận dụng phép biện chứng duy vật và nghiên cứu lịch sử, C. Mác và Ph. Ăngghen đã xây dựng lý luận đấu tranh giai cấp. Theo các ông, nguyên nhân của đấu tranh giai cấp là kết quả tất yếu của mâu thuẫn về mặt lợi ích của hai giai cấp cơ bản trong xã hội. Sự hình thành các giai cấp cũng là sự hình thành các lợi ích khác nhau. Do địa vị, kinh tế xã hội của mình, lợi ích cơ bản của người vô sản đòi hỏi phải thực hiện phân phối theo lao động, nhưng nhà tư bản đòi hỏi lợi nhận tối đa. Điều đó khiến cho lợi ích của người vô sản và nhà tư bản trở nên đối lập, mâu thuẫn ấy không thể giải quyết trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Vì vậy tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp và đấu tranh giai cấp là tất yếu trong xã hội có giai cấp.

Với quan niệm duy vật về lịch sử, với sự phân tích các quy luật của tiến trình lịch sử, biện chứng khách quan của chủ nghĩa tư bản và các mâu thuẫn đặc trưng cho nó, C. Mác và Ph. Ăngghen còn đi đến một khám phá vĩ đại – học thuyết về cách mạng xã hội. Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa là phương thức tất yếu và duy nhất để thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội. Chính điều đó đã làm cho chủ nghĩa Mác khác với tất cả các nhà tư tưởmg trước đó là “không chỉ nhận thức xã hội mà vấn đề là cải tạo xã hội”. Điều này cũng đã làm tiêu tan ảo tưởng của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng về khả năng cải tạo xã hội bằng con đường cải lương, bằng sự điều hoà các lợi ích giai cấp.

2. Giá trị khoa của phương pháp luận trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa Mác, trong đó, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác được trình bày một cách thiên tài, thống nhất hữu cơ với các quan điểm kinh tế và các quan điểm chính trị - xã hội. Sau này chính V. I. Lênin đã nhận định: “Tác phẩm này trình bầy một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để – chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội, - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng– trong lịch sử toàn thế giới– của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo một xã hội mới, xã hội cộng sản ”[10]. Vì vậy khi nghiên cứu tác phẩm này chúng ta rút ra những giá trị như sau:

Khi nhận thức một xã hội nào đó, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về xã hội đó bằng cách chúng ta cần xem xét toàn bộ quan hệ xã hội của nó, đặc biệt là quan hệ sản xuất của nó trong mối liên hệ qua lại với các quan hệ xã hội khác. Từ đó rút ra cái mâu thuẫn cơ bản, bản chất của xã hội mà chúng ta đang nghiên cứu. Tránh chủ nghĩa chiết trung, không biết rút ra mặt bản chất, mối liên hệ cơ bản nên rơi vào chỗ cào bằng các mặt, kết hợp một cách vô nguyên tắc các mối liên hệ khác nhau, do đó hoàn toàn bất lực khi cần phải có quyết sách đúng đắn.

Phát triển là một quy luật khách quan, sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội trong thực tế là một quá trình biện chứng đầy mâu thuẫn. Do vậy, quan điểm xã hội phát triển được vận dụng vào quá trình nhận thức cũng đòi hỏi chúng ta phải thấy rõ tính quanh co, phức tạp của quá trình phát triển như là một hiện tượng phổ biến.Thiếu quan điểm khoa học như vậy, người ta rất dễ bi quan, dao động khi mà tiến trình cách mạng gặp khó khăn.

Trong nhận thức chúng ta không bao giờ được tuyệt đối hoá sự khác biệt giữa các mặt đối lập. Việc tuyệt đối hoá các mặt đối lập là quan điểm siêu hình, luôn bị các nhà biện chứng phê phán kịch liệt. Sự vận động và sự phát triển bao giờ cũng là sự thống nhất giữa tính ổn định và tính thay đổi. Thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập quy định tính ổn định và tính thay đổi của sự vật. Trong quá trình nhận thức, việc nhận thức mâu thuẫn của các sự vật hiện tượng là quan trọng. Khi phân tích mâu thuẫn, phải xem xét toàn diện các mặt đối lập.

Nguồn gốc của sự vận động và phát triển nằm ở chính bên trong sự vật, đó là sự tác động qua lại của các mặt đối lập. Trong quá trình cùng tồn tại và sự tác động qua lại giữa chúng, các mặt đối lập từ chỗ cân bằng trở nên mất cân bằng và đến một lúc nào đó, vai trò chủ đạo của một mặt đối lập sẽ giảm đi trong quá trình phát triển. Mặt đối lập khác từ vị trí phụ thuộc sẽ phát triển và chiếm giữ vị trí chủ đạo. Sự phát triển của mặt đối lập này chỉ nằm ở trong phạm vi của sự vật, do đó, nếu muốn vượt lên, nó phải chuyển hoá được mặt đối lập kia. Chính sự chuyển hoá như vậy làm cho mặt đối lập thứ hai có được sức mạnh tổng thể và sự vật mới ra đời có thể đạt tới một trình độ cao hơn sự  vật cũ. Khi quan hệ sản xuất cũ được thay thế bằng quan hệ sản xuất mới cũng có nghĩa là sự diệt vong của phương thức sản xuất lỗi thời, chấm hết một hình thái kinh tế – xã hội.

Điều cuối cùng là khi khai thác “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” chúng ta phải biết gắn liền lý luận với thực tiễn. Đặc biệt là thực tiễn sinh động của thời đại mà chúng ta đang sống. Chính các ông đã từng nhắc nhở chúng ta rằng: những người cộng sản đã và sẽ không bao giờ được coi học thuyết của các ông là những gì khép kín mà là một học thuyết luôn phải cần được phát triển, không ngừng được bổ sung những kiến thức mới nhất từ thực tiễn cách mạng, từ những thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mà nhân loại đã, đang và sẽ đạt được. “Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ và những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”[11].

Công cuộc đổi mới của Việt nam đang bước vào chiều sâu càng đòi hỏi chúng ta phải thấu triệt các nguyên lý của phép biện chứng duy vật, phải biết tiếp cận phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin ở tầm bản chất chứ không dừng lại ở câu chữ trên bề mặt của di sản kinh điển. Vì vậy, phương pháp luận mà C.Mác và Ph. Ăngghen đã trình bày trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” giúp chúng ta có thể nhìn nhận con đường phát triển của đất nước ta hiện nay một cách rõ ràng hơn.

Th.S. Lê Thị Thanh Hà

Viện Kinh điển Mác – Lênin

Học viện chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.



[1] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T. 4, tr. 613

 

[2] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T. 4, tr. 603 -604

[3] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T. 4, tr. 603

[4] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T. 4, tr. 604

[5] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T. 4, tr. 605

[6] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T. 4, tr. 613

[7] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T. 4, tr. 598- 599

[8] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T. 4, tr. 604

[9] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T. 21, tr. 11

[10] VI.Lênin: toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1980, T. 26, tr.57.

[11] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, T 18, Tr. 646

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website