Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của tôn giáo và sự vận dụng của đảng ta trong thời kỳ đổi mới

Kế thừa những quan niệm đúng đắn của các nhà triết học duy vật đi trước, Mác - Ăngghen đã vạch ra một cách khoa học nguồn gốc, bản chất, tính chất và vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Khi bàn về vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội, Mác - Ăngghen cho rằng, sự ra đời của tôn giáo một mặt là sự phản ánh hiện thực khách quan, mặt khác nó còn là sự phản kháng xã hội hiện thực với quá nhiều bất công, đau khổ. Mác - Ăngghen, khi bàn đến vai trò của tôn giáo, cũng đã lưu ý đến khía cạnh tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, nhu cầu của sự phát triển xã hội trong những thời kỳ lịch sử nhất định.

Ăngghen, khi nghiên cứu đạo Cơ Đốc sơ kỳ cũng đã thừa nhận nó như là sự phản ánh khát vọng của những người nô lệ và trong bản thân nó có những điểm tương đồng với lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Ông viết: “Trong lịch sử đạo Cơ Đốc sơ kỳ có những điểm giống đáng lưu ý với phong trào công nhân hiện đại, đạo Cơ Đốc nảy sinh như là một phong trào của những người bị áp bức; lúc đầu nó là tôn giáo của những người nô lệ và nô lệ đã được tha, của người nghèo và người vô quyền, của các dân tộc bị La Mã chinh phục hoặc đuổi đi tản mát. Cả đạo Cơ Đốc lẫn chủ nghĩa xã hội công nhân đều tuyên truyền sự giải phóng con người trong tương lai khỏi cảnh nô lệ và nghèo khổ”(1).

Trên lập trường duy vật vô thần triệt để, chủ nghĩa Mác - Lênin dù có thừa nhận những giá trị tích cực nhất định của tôn giáo, song vẫn phê phán nó, vì xét cho cùng, tôn giáo vẫn hướng con người vào một thế giới ảo tưởng, an ủi họ quên nỗi đau khổ ở cuộc sống hiện thực và hứa hẹn sự đền bù cho họ ở một thế giới siêu nhiên. Trong khi đó, để khắc phục những khổ đau ở cuộc sống trần thế, con người cần phải có phương tiện hiện thực, có nghị lực, dũng cảm sáng tạo vượt qua trong xã hội hiện thực. Ăngghen đã chỉ ra điểm khác nhau căn bản giữa đạo Cơ Đốc và chủ nghĩa xã hội, đó là: “Đạo Cơ Đốc tìm sự giải thoát ấy trong cuộc sống trên trời, ở thế giới bên kia sau khi chết, còn chủ nghĩa xã hội thì tìm nó ở thế giới bên này, ở việc tổ chức lại xã hội”(2).

Theo Mác - Ăngghen, sự phản kháng của tôn giáo về cơ bản vẫn mang tính tiêu cực, thụ động, nó khuyên con người chấp nhận hiện thực để mỗi người tự hoàn thiện mình, tách khỏi mọi mối quan hệ của xã hội hiện thực.

Tiếp tục quan điểm của Mác - Ăngghen, V. I. Lênin bổ sung, phát triển, hoàn thiện thêm và chỉ ra vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội, về cơ bản, là tác động tiêu cực. Tôn giáo dạy cho con người chịu đựng những đau khổ để chờ đợi những điều tốt đẹp ảo tưởng, không có thực: “Những điều thiêng liêng của đạo chính thống quý báu là ở chỗ nó dạy người ta chịu đựng đau khổ “không một tiếng kêu ca”! Thực tế, điều thiêng liêng đó có lợi cho giai cấp thống trị biết chừng nào!…tôn giáo dạy người ta chịu đựng “không một tiếng kêu ca”cái địa ngục trần gian để chờ đợi một thiên đường nào đấy”(3).

Lênin cho rằng, một mặt tôn giáo đem lại cho con người sự an ủi mơ hồ, răn dạy họ nhẫn nhục trong cuộc sống thực để hy vọng được đền bù ở cõi sống khác, mặt khác tôn giáo là sự biện hộ cho các thế lực bóc lột và khuyên những người bị bóc lột hãy cam chịu cuộc sống hiện tại. Người viết: “Đối với những ai suốt đời vẫn lao động và sống trong cảnh thiếu thốn, tôn giáo dạy họ phải sống theo tinh thần cam chịu và nhẫn nhục trong cuộc sống dưới trần gian, bằng cách làm cho họ hy vọng sẽ được đền đáp khi lên thiên đường. Còn đối với những kẻ sống bằng lao động của người khác, tôn giáo dạy họ hãy làm điều thiện ở thế gian, biện hộ một cách rẻ tiền cho toàn bộ cuộc đời bóc lột của chúng, và bán rẻ cho chúng những tấm thẻ để lên thiên đường của những người hạnh phúc”(4).

Lênin đã chỉ ra rằng, khi tôn giáo bị giai cấp tư sản lợi dụng làm công cụ chính trị thì nó trở thành “thứ rượu tinh thần, làm cho những người nô lệ của tư bản mất phẩm cách con người và quên mất hết những điều họ đòi hỏi để được sống một cuộc đời đôi chút xứng đáng với con người”(5).

Tôn giáo được Lênin xem xét gắn liền với thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước Nga và châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Chính vì vậy, Lênin nói đến vai trò tiêu cực của tôn giáo và giáo hội cũng trong một tình huống rất cụ thể: tôn giáo và giáo hội tôn giáo bị giai cấp tư sản lợi dụng làm công cụ để bảo vệ chế độ bóc lột, đầu độc quần chúng bị áp bức. Lúc này, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản đã trở nên gay gắt và trong xã hội đó, “Tôn giáo là một trong những hình thức áp bức về tinh thần, luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng đè nặng lên quần chúng nhân dân khốn khổ vì phải lao động suốt đời cho người khác hưởng, vì phải chịu cảnh bần cùng cô độc”(6).

Do điều kiện và yêu cầu của cách mạng đương thời, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu các khía cạnh khác như văn hóa, tâm lý, tình cảm, đạo đức... của tôn giáo. Do đó, các ông rất ít đề cập đến vai trò tích cực của tôn giáo trong đời sống xã hội. Đây là một trong những vấn đề đòi hỏi các đảng cộng sản và giai cấp công nhân cần phải tiếp tục vận dụng phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin đi sâu tìm hiểu tôn giáo từ nhiều góc độ khác nhau để có cách nhìn khách quan, khoa học về hiện tượng xã hội này.

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề tôn giáo vào thực tế. Người không chỉ nhìn tôn giáo dưới góc độ chính trị, ý thức hệ, mà Người đã phát hiện và chỉ ra những giá trị văn hóa, đạo đức tích cực của tôn giáo. Nhận thức sâu sắc vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội, bao hàm cả hai mặt tích cực và mặt tiêu cực, Hồ Chí Minh luôn tìm cách khai thác, phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo để phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời đấu tranh khắc phục những tiêu cực.

Hồ Chí Minh đấu tranh với các thế lực lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị. Bởi Người nhận thức được rất rõ ràng rằng, trong một quốc gia đa tôn giáo, khi mà nhiệm vụ giải phóng dân tộc đang được đặt lên hàng đầu thì việc tập hợp sức mạnh của toàn dân không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề sống còn của cách mạng. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ việc phê phán, đấu tranh một cách trực diện với giáo lý tôn giáo sẽ không có lợi cho việc đoàn kết toàn dân. Cách làm của Mác, Ăngghen, Lênin và Hồ Chí Minh đều đúng trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Điều đó càng thể hiện rõ, Hồ Chí Minh đã rất thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm đó vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam.  

Tuy nhiên, trong lịch sử Việt Nam hiện đại, đã từng có một thời kỳ, do siêu hình, máy móc,  chúng ta đã có những ứng xử không phù hợp với tôn giáo, vai trò tích cực của tôn giáo đã không được phát huy trong đời sống xã hội, hơn thế nữa còn gây nên nhiều hiểu lầm, tiêu cực trong đồng bào có đạo, làm giảm niềm tin của đồng bào đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Với tinh thần mạnh dạn đổi mới, khắc phục những hạn chế, sai lầm trong nhận thức trước đây, Đảng ta, lần đầu tiên trong Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính ngày 16-10-1990 đã khẳng định: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới… Có thể coi đây là bước đột phá, khởi đầu trong việc đổi mới nhận thức về vấn đề tôn giáo của Đảng ta, bởi luận điểm này là cơ sở lý luận quan trọng để hạn chế các biểu hiện sai sầm trong nhận thức và ứng xử với tôn giáo, làm cho chính sách của Nhà nước về tôn giáo ngày càng đúng đắn và được đông đảo đồng bào có đạo đồng tình, ủng hộ.

Đó là sự trở lại với quan điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã bổ sung thêm những nghiên cứu về vai trò của tôn giáo mà trước đây các nhà kinh điển Mác - Lênin chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu.

Qua các kỳ Đại hội VII, VIII, IX , X và XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, tinh thần đổi mới nhận thức về vấn đề tôn giáo vẫn liên tục được phát triển và hoàn thiện thêm.

Khi thừa nhận tín ngưỡng, tôn giáo là hiện tượng xã hội còn tồn tại lâu dài, Đảng ta ý thức được rằng, tôn giáo vẫn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Tôn giáo vẫn phát huy ảnh hưởng của nó trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Trong trường hợp này, thái độ đúng đắn nhất, biện chứng nhất là khuyến khích phát huy các yếu tố tích cực của tôn giáo, làm cho các yếu tố này thực sự có ý nghĩa khi tham gia vào quá trình phát triển, hoàn thiện con người và xã hội Việt Nam hiện đại. Do vậy, cũng trên tinh thần đổi mới nhận thức về vấn đề tôn giáo, Đảng ta không chỉ thừa nhận những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong các tôn giáo mà còn luôn khuyến khích phát huy những giá trị đó trong việc xây dựng xã hội mới. Chỉ thị 37/CT-TWcủa Bộ Chính trị ngày 2-7-1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã khẳng định “Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tín đồ được đảm bảo. Những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”(7).

Nhận thức đúng vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội và những đóng góp của nó cho nền văn hóa, đạo đức của dân tộc, Đảng ta, trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã chủ trương “Khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện... trong tôn giáo”(8). Chủ trương này tiếp tục được khẳng định và phát triển thêm qua các kỳ Đại hội IX, X, XI. Đại hội XI khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước; tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hoá tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(9).

Tuy nhiên, Đảng ta cũng nhận thức rõ, bên cạnh vai trò tích cực, tôn giáo còn chứa đựng và tiềm ẩn trong nó nhiều mặt tiêu cực có thể gây nên những tác động xấu đối với đời sống chính trị, xã hội, đó là vấn đề mê tín, dị đoan được đan xen, dung dưỡng trong sinh hoạt tôn giáo và đặc biệt là vấn đề lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị... Vì vậy, bên cạnh việc thừa nhận và khuyến khích phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tích cực trong tôn giáo, Đảng ta cũng kiên quyết đấu tranh “tuyên truyền giáo dục khắc phục tệ mê tín dị đoan; chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu”(10).

Hội nghị Trung ương 7 khóa IX khẳng định: “Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật”(11). Đại hội XI tiếp tục khẳng định chủ trương: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”(12).

Như vậy, kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và dựa trên đặc điểm, tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Đảng ta đã nhìn nhận vấn đề tôn giáo với tư duy mới và nhờ đó đã đưa lại những cách làm mới trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ nhận thức của Đảng ta về vấn đề tôn giáo có sự vận động, phát triển rõ nét, đồng thời nó cũng chứng tỏ bản lĩnh và sự trưởng thành vượt bậc của Đảng ta. Sự đổi mới nhận thức của Đảng ta về vấn đề tôn giáo nói chung, về vai trò của tôn giáo nói riêng hoàn toàn không xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo. Hơn nữa, sự đổi mới nhận thức này còn là sự tiếp tục những công việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đương thời đã từng trăn trở, đó là cần phải bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác và củng cố chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông.

Từ nhận thức đúng đắn về nhu cầu tôn giáo của quần chúng, về vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng chân chính của đồng bào có đạo. Đảng, Nhà nước cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo phát huy giá trị nhân văn, nhân bản của tôn giáo trong xây dựng cuộc sống; động viên đồng bào các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”; đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đấu tranh với các hành vi lợi dụng tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Thực tế cho thấy, khi vai trò tích cực của tôn giáo được thừa nhận và khuyến khích phát huy đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo được niềm tin, sự phấn khởi lớn trong đồng bào có đạo. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường, củng cố vững chắc hơn. Đồng bào có đạo trên khắp các vùng miền cả nước đã và đang tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo, hăng hái tham gia vào các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều gia đình tín đồ tôn giáo từ nghèo đói triền miên đã vươn lên thoát nghèo. Nhiều vùng đồng bào có đạo từ nghèo đói đã trở nên giàu có và trở  thành điển hình của cả nước. Hàng chục vạn gia đình tín đồ, hàng ngàn làng, xã, khu dân cư của đồng bào có đạo được công nhận là gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, khu dân cư an toàn.

Những năm qua, đồng bào các tôn giáo cũng có những đóng góp rất tích cực vào các hoạt động xã hội. Rất nhiều phòng khám chữa bệnh, cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ em, người khuyết tật của các tôn giáo đã và đang góp phần chia sẻ những khó khăn với Nhà nước trong công tác an sinh... là những minh chứng rõ nhất cho thấy các tôn giáo ở Việt Nam đã và đang phát huy vai trò tích cực của mình trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, tôn giáo vẫn còn những vấn đề nảy sinh tiêu cực trong đời sống chính trị - xã hội. Sự phát triển của đạo Tin lành với nhiều vấn đề phức tạp về chính trị - xã hội trong khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ Phật giáo với âm mưu phục hồi hoạt động của hệ phái giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; vấn đề lợi dụng tôn giáo gắn với sắc tộc để kích động tư tưởng ly khai tự trị trong cộng đồng người Mông, người Chăm, người Khmer và trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên; những hoạt động khó quản lý của các hiện tượng tôn giáo mới, “đạo lạ” ở nhiều địa phương trên cả nước và gần đây nhất là những điểm nóng của Công giáo liên quan đến vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự… là những dấu hiệu cho thấy, nếu chúng ta không có được những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời thì tôn giáo có thể sẽ có những tác động rất tiêu cực tới sự ổn định của xã hội. Vì vậy, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc hoạch định và thực thi đường lối, chính sách đối với tôn giáo trong điều kiện mới của dân tộc và thời đại nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững độc lập dân tộc, đưa đất nước phát triển theo đúng định hướng là việc làm thực sự có ý nghĩa hiện nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2014

(1), (2) C.Mác - Ph.Ăngghen Toàn tập, t.22, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.663, 663.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.331.

(4), (5), (6) Sđd, t.12, tr.170, 170, 169.

(7) Chỉ thị 37/CT-TW ngày 2-7-1998, về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

(8), (10) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.67, 67.

(9), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.51, 81.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.50-51.

 

TS Hoàng Thị Lan

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website