“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” với việc định hình chủ nghĩa Mác

Thứ nhất, vận dụng và phát triển chủ nghĩa duy vật lịch sử

Trong “Lời tựa” của “Tuyên ngôn” xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1888, Ph. Ăngghen viết: “Trong mỗi thời đại lịch sử, phương thức chủ yếu của sản xuất kinh tế và trao đổi, cùng với cơ cấu xã hội do phương thức đó quyết định, đã cấu thành cơ sở cho lịch sử chính trị của thời đại”(1). Tư tưởng duy vật lịch sử đó được thể hiện xuyên suốt trong “Tuyên ngôn”. Có thể nói, với “Tuyên ngôn”, chủ nghĩa duy vật lịch sử được phát triển cả về nội dung và phương pháp luận. Trong tác phẩm này, C. Mác và Ph. Ăngghen đã vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng để làm rõ các quy luật phát triển của xã hội loài người, bao gồm: quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật cơ sở kinh tế của xã hội quyết định kiến trúc thượng tầng của xã hội; quy luật tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội (chứ không phải là ngược lại); quy luật kinh tế quyết định chính trị (xét đến cùng); quy luật về sự thay thế lẫn nhau như một quá trình lịch sử - tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội. Căn cứ vào các mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa và các quy luật chung (như nêu ở trên), các ông vạch rõ các hình thái kinh tế - xã hội vừa có tính tất yếu, vừa có tính nhất thời về mặt lịch sử. Chúng vừa có những cơ sở lịch sử đầy đủ để phát sinh, tồn tại, phát triển, đồng thời cũng không tránh khỏi bị các hình thái kinh tế - xã hội mới, cao hơn thay thế.

C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thay thế phương thức sản xuất phong kiến là do nhu cầu của xã hội về phát triển lực lượng sản xuất. Giai cấp tư sản đóng vai trò có tính cách mạng trong lịch sử bằng việc lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời và hơn thế, “tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của các thế hệ trước gộp lại”. Nhưng do những hạn chế lịch sử, cụ thể là do khung khổ chật hẹp của sở hữu tư bản tư nhân đối với tư liệu sản xuất nên “những lực lượng sản xuất mà xã hội sẵn có, không thúc đẩy quan hệ sở hữu tư sản phát triển nữa; trái lại, chúng đã trở thành quá mạnh đối với quan hệ sở hữu ấy, cái quan hệ sở hữu lúc đó đang cản trở sự phát triển của chúng”(2). Sự phát triển của đại công nghiệp không ngừng làm mất đi cái cơ sở mà chế độ sở hữu tư bản tư nhân dựa vào đó để tồn tại. Nó làm cho chế độ tư bản chủ nghĩa sẽ tất yếu bị thay thế bằng một chế độ xã hội mới cao hơn, phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, đó là chế độ cộng sản chủ nghĩa. Đó là quy luật phát triển khách quan của lịch sử nhân loại, mà không tùy thuộc vào ý chí của bất kỳ cá nhân nào.

Thứ hai, phát hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

Trong “Tuyên ngôn”, C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, giai cấp công nhân đóng vai trò chủ yếu trong việc tạo ra những điều kiện vật chất để chủ nghĩa tư bản có thể tồn tại, phát triển. Thế nhưng, khủng hoảng kinh tế và các tệ nạn xã hội làm cho đời sống công nhân ngày càng bị bần cùng hóa, không được bảo đảm tương xứng với sự phát triển của xã hội. Địa vị xã hội của giai cấp vô sản thúc đẩy họ phải lật đổ chế độ lao động làm thuê của chủ nghĩa tư bản. Hai ông rút ra kết luận: “Giai cấp vô sản, tầng lớp ở bên dưới nhất của xã hội hiện tại, không thể vùng dậy, vươn mình lên nếu không làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành xã hội quan phương”(3).

“Tuyên ngôn” xác định: Lịch sử (C. Mác và Ph. Ăngghen chú thích rõ là lịch sử kể từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy tan rã) của tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Trên cơ sở phân tích về mặt lịch sử quan hệ các giai cấp trong xã hội tư bản chủ nghĩa, C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, giữa xã hội tư bản và những xã hội trước kia có sự khác nhau rõ rệt về mâu thuẫn giai cấp, cụ thể là trong xã hội tư bản, mâu thuẫn giai cấp ngày càng trở nên tối giản hơn nhưng lại gay gắt hơn, đó là sự phân chia thành hai trận tuyến lớn đối địch nhau, tức hai giai cấp lớn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Các ông nhấn mạnh: Theo đà phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất được giải phóng, giai cấp tư sản trở thành giai cấp phản động, cản trở sự phát triển hơn nữa của lực lượng sản xuất. Vũ khí mà giai cấp tư sản dùng để lật đổ chế độ phong kiến nay lại chĩa thẳng vào bản thân mình. Bởi thế, giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí để giết mình, mà “còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó”, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản.

Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, giai cấp công nhân khác với mọi giai cấp đối lập khác là ở chỗ, nó là sản phẩm của nền đại công nghiệp, là “giai cấp cách mạng thực sự”, là “giai cấp chủ nhân ông của tương lai”. Trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về giai cấp vô sản, và do đó, “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.

Đặc biệt, “Tuyên ngôn” khẳng định, sau khi giành được chính quyền, “giai cấp vô sản sẽ được tổ chức thành giai cấp thống trị”. Mục tiêu chủ yếu của giai cấp vô sản là ra sức phát triển lực lượng sản xuất, nhằm “tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”, giải phóng những người lao động và đem lại sự tự do cho cá nhân và xã hội về mặt kinh tế. Qua đó, cải biến triệt để xã hội cũ và quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, nhằm xóa bỏ tận gốc chế độ người bóc lột người, triệt để giải phóng xã hội và phát triển toàn diện con người, từng bước tiến tới xóa bỏ các giai cấp, kể cả giai cấp vô sản, và hình thành các “cộng đồng lao động tự do”. Chỉ có như vậy, giai cấp công nhân mới thực sự hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình.

Thứ ba, làm rõ vai trò tiên phong của chính đảng của giai cấp công nhân

Trong “Tuyên ngôn”, C. Mác, Ph. Ăngghen nhấn mạnh, những người cộng sản không phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác. Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản; không đặt ra những nguyên tắc riêng biệt nhằm khuôn phong trào vô sản theo những nguyên tắc đó. Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: 1- Trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; 2- Trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào. Các ông yêu cầu người cộng sản phải kết hợp giữa lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt của giai cấp công nhân, giữa tính kiên định về nguyên tắc và tính linh hoạt về sách lược để tổ chức thành mặt trận thống nhất rộng rãi nhất chống lại kẻ thù chủ yếu nhất.

Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, để vai trò của chính đảng vô sản được giữ vững trong mặt trận thống nhất, phải bảo đảm 3 nguyên tắc: 1- Người cộng sản không được vứt bỏ quyền sử dụng thái độ phê phán đối với những hiện tượng nói suông và ảo tưởng xuất hiện trong quá trình cách mạng. Và cùng với việc phản bác những quan niệm hoang đường của giai cấp tư sản nhằm xuyên tạc và công kích chủ nghĩa cộng sản, cần phải phê phán các trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa phi vô sản, như chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản, chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa cộng sản không tưởng; 2- Người cộng sản không một phút nào được quên giáo dục cho công nhân một ý thức hết sức sáng rõ về cuộc đấu tranh không khoan nhượng với giai cấp tư sản; 3- Người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình.

Trên cơ sở kiên định với những nguyên tắc đó, “Tuyên ngôn” là sự trình bày công khai của những người cộng sản trước toàn thế giới các quan điểm, mục đích, ý đồ của mình, để đập lại câu chuyện hoang đường về “bóng ma cộng sản”.

“Tuyên ngôn” là kết quả kết hợp tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen với phong trào công nhân nhằm góp phần giải thích và cải biến thế giới

Về khách quan, “Tuyên ngôn” là kết quả phản ánh phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đạt đến giai đoạn cạnh tranh tự do toàn diện vốn là đặc điểm cốt lõi của chủ nghĩa tư bản. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất chật hẹp trong khuôn khổ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản ngày càng bộc lộ gay gắt. Về chủ quan, “Tuyên ngôn” là sự trưởng thành về lập trường, tư tưởng và phương pháp hoạt động sáng tạo cả về lý luận lẫn thực tiễn của C. Mác và Ph. Ăngghen. Thực tiễn phát triển của phong trào công nhân khi đó đòi hỏi phải có một chính đảng cộng sản lãnh đạo và hệ thống lý luận soi đường. Bởi thế, sự ra đời của “Tuyên ngôn” đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đó.

“Tuyên ngôn” là sự kết hợp giữa tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen và phong trào công nhân để tạo thành chủ nghĩa Mác. Trong “Tuyên ngôn”, C. Mác và Ph. Ăngghen đã gắn kết chức năng thế giới quan với chức năng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử thành một thể thống nhất trong việc xem xét đời sống xã hội và tư duy loài người, để trở thành khoa học giải thích thế giới và tham gia vào quá trình cải biến thế giới. Từ đó, “Tuyên ngôn” đã tích cực phát huy vai trò phương pháp luận của mình trong thực tế xã hội trên các phương diện sau:

Thứ nhất, giải thích và tham gia cải biến chủ nghĩa tư bản.

Một trăm bảy mươi năm qua, kể từ khi “Tuyên ngôn” ra đời đến nay, chủ nghĩa tư bản tiếp tục phát triển, nhưng người ta vẫn thấy sự phân tích về quá trình phát sinh, phát triển và dự báo về vận mệnh của chủ nghĩa tư bản được nêu trong “Tuyên ngôn” là đúng đắn. Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, bản tính sinh sôi của tư bản đòi hỏi phải không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, và buộc giai cấp tư sản phải “chạy” khắp toàn cầu. Những biến đổi mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã được bàn luận nhiều từ khi có những biện pháp kết hợp “bàn tay hữu hình” của nhà nước tư sản với “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929 - 1933, đặc biệt là từ khi diễn ra cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại (từ thập niên 1950 đến nay). Về đại thể, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã cơ bản khắc phục được tính tự phát và không ngừng tự giác tiến hành điều chỉnh sự phát triển của lực lượng sản xuất, thể chế vận hành nền kinh tế - xã hội, kể cả quan hệ sản xuất; từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.

Chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa - lũng đoạn toàn cầu, mà hạt nhân là chủ nghĩa tư bản độc quyền - lũng đoạn tiền tệ, đã tận dụng “tư bản quản lý”, “tư bản công nghệ” với tư cách là người lao động làm thuê “quý tộc” được trả lương khá cao, đồng thời phát triển nhóm công nhân có cổ phần, cổ phiếu. Nó đồng thời chi phối các quá trình toàn cầu hóa thông qua “siêu cường” Mỹ, các tổ chức G7, EU, OECD,... Nhưng bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn là bóc lột giá trị thặng dư, gồm cả bóc lột lao động thặng dư và bóc lột siêu kinh tế. Mặc dù mức độ bóc lột giá trị thặng dư tuyệt đối có được điều chỉnh, nhưng tỷ suất bóc lột giá trị thặng dư không ngừng tăng. Ví dụ, ở Mỹ, tỷ suất này tăng từ khoảng 110% đến 130% trong các thập niên đầu thế kỷ XX lên 230% vào những năm 1950 và 360% vào những năm 1980; gần đây, tỷ suất này ở mức khoảng 500% (4).

Trong quá trình tự điều chỉnh và phát triển của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa - lũng đoạn toàn cầu, đã xuất hiện và phát triển những yếu tố kinh tế - xã hội mới, loại bỏ và phủ định chủ nghĩa tư bản. Từ thời C. Mác đã có hai hình thức loại bỏ, phủ định chủ nghĩa tư bản ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản là: 1- Sự loại bỏ, phủ định mang tính tiêu cực: C. Mác nhận thấy sự phát triển của chế độ cổ phần là sự loại bỏ tư bản với tính cách là tư sản tư nhân trong khuôn khổ của chính phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; 2- Sự loại bỏ, phủ định mang tính tích cực: các nhân tố kinh tế - xã hội mới bên trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chủ yếu là các hợp tác xã công nhân. Theo C. Mác, “công lao to lớn của phong trào này là đã chứng tỏ trên thực tế khả năng thay thế chế độ lao động phục tùng tư bản... bằng chế độ liên hiệp những người sản xuất tự do và bình đẳng, một chế độ cộng hòa và tốt đẹp”(5).

Thứ hai, giải thích và tham gia cải biến phong trào công nhân.

Các nhân tố kinh tế - xã hội mới, nhất là các hợp tác xã công nhân, tuy chưa phải là “nhân tố xã hội chủ nghĩa”, nhưng cho thấy rằng, “ngày nay thì chủ nghĩa xã hội nhìn sang chúng ta từ tất cả các khung cửa của chủ nghĩa tư bản hiện đại,...”, và chúng là “sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ đi vào chủ nghĩa xã hội”(6). Với sự phát triển của các hợp tác xã công nhân, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, theo quan điểm của “Tuyên ngôn”, tiếp tục được thể hiện ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản.

Quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của “Tuyên ngôn” về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân còn được thể hiện ở chỗ, tại nhiều nước kém phát triển và đang phát triển đã diễn ra những thử nghiệm lớn về việc thủ tiêu chế độ người bóc lột người, trước tiên là thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân - thông qua đảng cộng sản dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin - lãnh đạo; tiếp đó, thiết lập chế độ công hữu đối với những tư liệu sản xuất chủ yếu; bước đầu xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ đặc quyền trong văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực xã hội khác; xây dựng chế độ phúc lợi toàn dân và sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người lao động; mở ra con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa và đẩy mạnh hiện đại hóa; tạo điều kiện kế thừa di sản văn hóa dân tộc và tiếp thu tri thức của nền văn minh nhân loại; bảo vệ hòa bình thế giới và làm thay đổi lực lượng bảo vệ hòa bình thế giới; ngăn chặn một cách hiệu quả chính sách xâm lược và hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc. Từ những năm 1990 trở lại đây, nhiều nước xã hội chủ nghĩa tiến hành cải cách, đổi mới phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội thông qua nền kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa), nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, giải thích và tham gia cải biến lịch sử thế giới.

“Tuyên ngôn” cho rằng, chính tư bản buộc giai cấp tư sản khai thác thị trường thế giới và thúc đẩy phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành phương thức sản xuất chủ đạo trên phạm vi toàn cầu; thúc đẩy mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản vận động mang tính thế giới và qua đó, quá trình phát tán văn minh tư sản thấm đầy máu và lửa trên toàn cầu.

C. Mác và Ph. Ăngghen xây dựng lý luận lịch sử thế giới trong giai đoạn quốc tế hóa sản xuất tư bản chủ nghĩa, chứ chưa phải giai đoạn toàn cầu hóa kinh tế như ngày nay. Nhưng phải nói rằng, lý luận lịch sử thế giới của chủ nghĩa Mác có tính chỉnh thể và khác về chất so với lý luận toàn cầu hóa đang được lưu hành phổ biến hiện nay. Do xuất phát từ quan điểm giải phóng - phát triển toàn diện con người nên lý luận lịch sử thế giới của chủ nghĩa Mác xem xét toàn bộ quá trình vận động, biến đổi của xã hội có tính loài người, hay "loài người xã hội hóa".

Toàn cầu hóa hiện nay chủ yếu là do tư bản thúc đẩy, song không có nghĩa là toàn cầu hóa đồng nhất với chủ nghĩa tư bản. Cũng giống như kinh tế thị trường, toàn cầu hóa (hay quốc tế hóa trước đây) đều có thể kết hợp với chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội. Xét đến cùng, việc kết hợp này là do điều kiện lịch sử và tiến trình phát triển khách quan của lịch sử quyết định. Yêu cầu của lịch sử nhân loại là phát triển bền vững. Nhưng kiểu phát triển tư bản chủ nghĩa hay toàn cầu hóa theo kiểu tư bản chủ nghĩa hiện nay không đáp ứng được yêu cầu đó. Lịch sử thế giới được thể hiện sống động trong thời đại toàn cầu hóa, nhưng không phải theo xu hướng hình thành "mặt phẳng" theo kiểu toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa, mà tất yếu dẫn đến sự hình thành xu thế phát triển thống nhất nhưng đa dạng. Quy luật chung của sự phát triển lịch sử thế giới không loại trừ tính đặc thù về hình thức và tính phát triển rút ngắn cá biệt. V. I. Lênin chỉ rõ: "Từ chủ nghĩa đế quốc ngày nay chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày mai, nhân loại sẽ trải qua những con đường muôn mầu muôn vẻ như thế. Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ..., vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội"(7).

Ngày nay, sự phát triển lên chủ nghĩa xã hội không phải chỉ diễn ra theo một con đường, một mô hình, một trung tâm, mà diễn ra theo con đường phát triển có đặc điểm dân tộc rất đa dạng, phong phú. Mỗi mô hình chủ nghĩa xã hội của một nước đều thích ứng với thực tế lịch sử của khu vực và của nước đó. Vượt lên từ những khủng hoảng, thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI biết kế thừa những thành quả chủ yếu của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” trong thế kỷ XX, đồng thời chủ động, tích cực đổi mới, cải cách theo hướng kết hợp sáng tạo các nguyên lý cơ bản mà “Tuyên ngôn” đã nêu với điều kiện lịch sử dân tộc và đặc điểm thời đại, để xây dựng được lý luận phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với mỗi nước, đồng thời chống chủ nghĩa giáo điều “tả khuynh”, ngăn chặn chủ nghĩa cơ hội “hữu khuynh”.

Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI, theo tinh thần mà C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ trong “Tuyên ngôn”, quá trình tổ chức giai cấp công nhân thành chính đảng của giai cấp công nhân “luôn luôn bị sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau phá vỡ. Nhưng nó luôn được tái lập và luôn luôn mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, hùng mạnh hơn”(8).

“Tuyên ngôn” đã được đưa vào Di sản tư liệu lịch sử thế giới của UNESCO. Ngày nay, ở Mỹ, theo một khảo sát tổng hợp những cuốn sách, tài liệu mà sinh viên Mỹ bắt buộc phải đọc trong năm 2016, “Tuyên ngôn” bỏ xa các cuốn sách phía sau để trở thành tài liệu về lý thuyết xã hội được giáo viên Mỹ giảng dạy rộng rãi nhất trong hơn một triệu bài giảng, cả về số bài giảng lẫn tần suất được giảng dạy (9). Điều đó góp phần nói lên tính chất và tác dụng giải thích cũng như cải biến thế giới của “Tuyên ngôn” do C. Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo cách đây 170 năm./.

-----------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 21, tr. 523

(2), (3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 604, 611

(4) Xem: Thái Đức Chiêu: Tương lai của phong trào xã hội Âu - Mỹ và ảnh hưởng của nó đối với phong trào xã hội chủ nghĩa, Tạp chí “Nghiên cứu chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”, số 3, năm 2012, tiếng Trung Quốc

(5) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, 1994, t.16, tr. 264

(6) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 34, tr. 258

(7) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 30, tr. 160

(8) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 614

(9) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (truy cập tháng 12-2017)

 

PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website