Phát biểu đề dẫn của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Việt Nam tại Hội thảo trao đổi lý luận thường niên lần thứ 8 giữa Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng Cộng sản Nhật Bản với chủ đề "Sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay"
Thưa các đồng chí,
Hội thảo trao đổi lý luận lần thứ 8 giữa hai Ðảng chúng ta diễn ra vào thời điểm rất nhiều ý nghĩa. Ðó là lúc những người cộng sản và mác-xít trên toàn thế giới long trọng kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác và 170 năm ra đời tác phẩm Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản. Với chủ đề "Sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay", Hội thảo này là dịp để chúng ta bày tỏ tình cảm trân trọng đối với C.Mác - nhà tư tưởng vĩ đại của những người cộng sản, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân loại tiến bộ. Hội thảo cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại đầy đủ hơn sức sống của chủ nghĩa Mác, chia sẻ các kết quả tổng kết nghiên cứu lý luận và vận dụng thực tiễn, từ đó nhận thức sâu sắc hơn, khẳng định những giá trị bền vững trong học thuyết Mác, để chúng ta tiếp tục kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng đã chọn và vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI.
C.Mác đã để lại cho nhân loại một kho tàng tri thức lý luận rất đồ sộ và phong phú trên nhiều lĩnh vực, nhưng điển hình nhất là triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học (1). Hơn 170 năm qua, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử nhân loại và chịu sự công kích, chống phá từ nhiều kẻ thù tư tưởng khác nhau, chủ nghĩa Mác vẫn tồn tại, đứng vững và luôn được bổ sung, phát triển bởi những người mác-xít chân chính.
Với sự sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong lịch sử triết học. Lần đầu tiên, các quy luật phát triển của xã hội loài người được giải thích một cách khoa học, khách quan, xuất phát từ các quy luật vận động và phát triển của nền sản xuất xã hội. Triết học Mác không hề hạ thấp mà còn nhấn mạnh sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất; kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng; ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội; chính trị đối với kinh tế, v.v. Hơn nữa, triết học Mác luôn quan niệm: vấn đề không chỉ là giải thích thế giới mà quan trọng hơn là cải tạo thế giới bằng hoạt động thực tiễn, phục vụ con người. Kế thừa những người đi trước song vượt lên khỏi tư duy của chủ nghĩa "duy vật tầm thường" và chủ nghĩa "duy kinh tế", C.Mác đã sáng tạo ra học thuyết khoa học biện chứng về phát triển(2).
C.Mác và người đồng sự chí cốt của ông, Ph.Ăng-ghen, đã phân tích rõ và chỉ ra mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa: đó là mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với tính tư nhân tư bản chủ nghĩa của việc chiếm hữu tư liệu sản xuất. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển, mâu thuẫn này không mất đi mà càng bộc lộ dưới nhiều hình thức khác nhau. Bằng chứng là, ngày nay nhiều quốc gia tư bản giàu có vẫn đứng trước rủi ro của các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chu kỳ, cơ cấu, khủng hoảng mô hình phát triển, khủng hoảng thể chế. Chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ, các cú sốc tài chính, v.v. tình trạng bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, xung đột xã hội tiếp tục gia tăng và rất khó điều hòa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chính trị cường quyền, sự áp đặt của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang tạo ra những bất bình trong cộng đồng quốc tế, dẫn đến nguy cơ xung đột ở nhiều nơi. Hệ thống quản trị toàn cầu vận hành trên những nguyên tắc lỗi thời đang không thể xử lý được những thách thức cấp bách của nhân loại như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố và nhiều vấn đề toàn cầu mới nảy sinh khác.
Học thuyết Mác là vũ khí lý luận và tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột và bất công. Với việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư, C.Mác đã chỉ ra bản chất, hình thức biểu hiện và cách thức mà nhà tư bản bóc lột người công nhân và nhân dân lao động. Giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có khả năng liên minh, đoàn kết với các giai tầng khác để thực hiện sứ mệnh lịch sử lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, xây dựng một chế độ xã hội không còn người bóc lột người. Muốn vậy, trước hết, giai cấp công nhân phải tự mình đứng lên giải phóng chính mình(3). Với lập luận đó ở thời đại của ông, C.Mác đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành thực sự khoa học; hình thành ở chủ nghĩa Mác lý luận về sự giải phóng: giải phóng con người, giải phóng giai cấp và giải phóng nhân loại. Sự giải phóng đó chỉ có thể tìm thấy ở chủ nghĩa xã hội, như trong Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản đã chỉ ra, một xã hội mà ở đó "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" (4). Ngày nay, khi nhân loại đang hướng về những mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững, phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người là trung tâm càng chứng tỏ rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác để giải phẫu xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại vẫn đúng, lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn; đồng thời càng khẳng định một trong những giá trị vĩ đại nhất của chủ nghĩa Mác là tư tưởng nhân văn vì con người, mà trước hết là vì những người lao động.
C.Mác là một thiên tài, lý luận của ông tuy có tầm nhìn xa nhưng vẫn bị quy định bởi những điều kiện lịch sử cụ thể. Chúng ta không thể đòi hỏi C.Mác phải tiên lượng được hết, suy nghĩ và giải quyết thay cho các thế hệ sau những vấn đề chưa hề đặt ra trong thời đại của ông. Ph.Ăng-ghen đã từng lưu ý: "Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc" (5). Do vậy, những người mác-xít phải biết tổng kết thực tiễn thời đại mình để vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác phù hợp với từng điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, dân tộc.
Tính lịch sử - cụ thể luôn là điểm then chốt trong phương pháp tiếp cận của học thuyết Mác. Bởi theo ông, lịch sử bắt đầu từ đâu thì tư duy bắt đầu từ đó; lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, được tổng kết, khái quát từ thực tiễn. Bản thân C.Mác và Ph.Ăng-ghen cũng thường xuyên bổ sung, hoàn thiện lý luận của mình bằng thực tiễn hoạt động cách mạng. Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản ra đời năm 1848 là kết quả của sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với việc tổng kết thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân châu Âu giữa thế kỷ XIX. Trong Lời tựa viết cho lần xuất bản Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản bằng tiếng Ðức vào năm 1872, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã nhấn mạnh, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng các nguyên lý trong Tuyên ngôn cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời. Ðó chính là thái độ mẫu mực, cách ứng xử khoa học nhất đối với việc vận dụng và phát triển lý luận trong thực tiễn.
Xuất phát từ thực tiễn cụ thể của bối cảnh nước Nga trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lê-nin đã bổ sung, phát triển lý luận của C.Mác và hình thành nên chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng mười Nga vĩ đại mở đầu cho sự chuyển biến của chủ nghĩa xã hội từ học thuyết trở thành hiện thực, từ hiện thực của một nước trở thành hiện thực của một hệ thống thế giới, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Mác và tiếp nối là chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã thực sự trở thành ngọn đèn pha rọi sáng, chấm dứt thời kỳ "mò mẫm như trong đêm tối" của hàng triệu nhân dân lao động và người dân ở các nước thuộc địa tìm đường giải phóng cho mình và cho dân tộc mình. Sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa với những thành tựu phát triển to lớn là chỗ dựa cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, xóa bỏ ách thống trị của chế độ thực dân. Ðồng thời, thực tiễn phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những quốc gia mới giành được độc lập đã bổ sung, làm phong phú thêm hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê-nin trong thế kỷ XX. Với những giá trị tiến bộ, lý luận của Mác được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới, ảnh hưởng sâu rộng đến các quốc gia, dân tộc, các nền văn hóa, hệ tư tưởng của các đảng phái, phong trào xã hội và đến niềm tin, khát vọng của từng cá nhân. Dù ở các châu lục khác nhau, với những trình độ phát triển khác nhau, trong nhiều bối cảnh lịch sử, đặc thù, các đảng cộng sản và giai cấp công nhân ở mỗi nước đều có thể tìm thấy những căn cứ lý luận chung ở chủ nghĩa Mác về khả năng làm tăng thật nhanh lực lượng sản xuất lên; về kiểu tổ chức một mô hình xã hội công bằng, bình đẳng; về sự tự do, giải phóng con người, giải phóng giai cấp; về quan hệ giữa các dân tộc, quốc gia trên cơ sở của hòa bình, đoàn kết quốc tế, v.v(6).
Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Ðông Âu là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, song đây không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, lại càng không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ðó chỉ là sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội giáo điều, xa dân, xa rời những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhất là những nguyên tắc lịch sử - cụ thể, nguyên tắc thực tiễn và sự thiếu thích ứng với những thay đổi thường xuyên của đời sống chính trị - xã hội. Ðó còn là hệ quả của những sai lầm về đường lối phát triển kinh tế - xã hội; sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị và sự buông lỏng công tác chính trị - tư tưởng, công tác cán bộ của đảng cầm quyền trong quá trình cải tổ. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định "Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới"(7). Thực tiễn cải cách và phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, những chuyển biến tích cực về niềm tin và thái độ đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa, cùng với nỗ lực không ngừng đấu tranh, tìm tòi con đường phát triển mới của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới là những minh chứng không thể bác bỏ sức sống mãnh liệt và giá trị của học thuyết Mác.
Thưa các đồng chí,
Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo và bổ sung nhiều luận điểm mới cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Lãnh tụ Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hình thành một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Người đã nghiên cứu sâu sắc bản "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lê-nin, tiếp thu hợp lý tinh thần Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản trong bối cảnh lịch sử mới của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Người đã tìm thấy giá trị về quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong bản Tuyên ngôn Ðộc lập của nước Mỹ và Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp. Người đã nghiên cứu Chủ nghĩa Tam dân của nhà cách mạng Tôn Trung Sơn và hiểu rằng khát vọng "dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc" khó có thể đạt và duy trì bền vững qua con đường cách mạng dân chủ tư sản. Bởi vậy, Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam đã xác định con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiếp theo là cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, kiên định giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Ðảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã liên tục giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn thế giới và Việt Nam đã chứng tỏ rằng: lúc nào, ở đâu chủ nghĩa Mác được vận dụng đúng đắn, sáng tạo thì ở nơi đó, lúc đó tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội vượt qua được những thử thách phát triển để tiếp tục đi lên. Ngược lại, ở đâu và lúc nào, chủ nghĩa Mác bị hiểu sai, vận dụng máy móc giáo điều, thì con đường đó gặp nhiều khó khăn, thậm chí thụt lùi, thất bại. Xuất phát từ thực tiễn phát triển của Việt Nam, phù hợp với quy luật và xu thế phát triển chung của nhân loại, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng công cuộc Ðổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Công cuộc Ðổi mới là sản phẩm sáng tạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Ðó là chặng đường cách mạng mới của toàn Ðảng, toàn dân tộc Việt Nam, mang tầm vóc và ý nghĩa phát triển to lớn vì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Thành công của công cuộc Ðổi mới ở Việt Nam là biểu trưng cho sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Trong thực tiễn lãnh đạo công cuộc Ðổi mới, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước đi và từng chính sách phát triển. Với xuất phát điểm là một nước có thu nhập thấp, trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã rất chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh nhằm xóa đói, giảm nghèo, tạo ra lực lượng vật chất dồi dào và phong phú hơn cho việc thực hiện phân phối và phân phối lại, đảm bảo công bằng xã hội. Hiện nay, Việt Nam đang cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thực hiện phát triển bao trùm và bền vững đất nước. Thực tiễn phát triển của thế giới và Việt Nam cho thấy, nếu chỉ chú ý đến tăng trưởng kinh tế mà thiếu quan tâm đến tiến bộ, công bằng xã hội thì không thể tạo lập được nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm đến tiến bộ, công bằng xã hội mà thiếu đi nguồn lực vật chất làm điều kiện, tiền đề, thì có nguy cơ dẫn tới sự cào bằng trong nghèo khổ (8).
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Ðảng Cộng sản Việt Nam thống nhất nhận thức rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam. Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, có thể phát triển và thích ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau. Kinh tế thị trường phát triển đạt tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản song không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản và cũng không đối lập với chủ nghĩa xã hội. Dù có những khiếm khuyết và mặt trái không thể phủ nhận, song thị trường vẫn chứng tỏ là một cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo và phát triển tốt nhất hiện nay. Một quốc gia vận dụng các quy luật thị trường để phát triển kinh tế có thể chưa chắc thành công, song một quốc gia muốn thành công và phát triển bền vững thì dứt khoát không thể không phát triển kinh tế thị trường. Tự thân kinh tế thị trường không đưa đến chủ nghĩa xã hội, nhưng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công chắc chắn phải phát triển kinh tế thị trường (9).
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế (10). Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện ở việc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hướng vào con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, vì lợi ích của nhân dân, mọi người dân được tham gia và mọi người dân được hưởng lợi. Ðây cũng chính là thuộc tính nhân văn, đặc trưng riêng có của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hơn 30 năm qua, từ một nước kém phát triển, có thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức dưới 100 đô-la Mỹ vào những năm đầu Ðổi mới, đến năm 2010, Việt Nam đã vượt qua ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 1.000 đô-la Mỹ, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và đến năm 2018, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 đô-la Mỹ. Chỉ trong vòng hơn hai thập niên sau khi tiến hành Ðổi mới, khoảng 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tỷ lệ người nghèo đã giảm từ gần 60% vào đầu những năm 1990 xuống mức dưới 10% hiện nay (11). Năm 2017, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã vượt 220 tỷ đô-la Mỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 420 tỷ đô-la Mỹ (12). Cùng với thu nhập được nâng cao, đời sống vật chất, sức khỏe, giáo dục và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Từ chỗ bị bao vây, cô lập, cấm vận, Việt Nam đã có quan hệ đối ngoại rộng mở, trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm Ðổi mới đã tiếp tục khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; sự vững vàng, kiên định trên nền tảng tư tưởng của Ðảng, vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tiền đề và điều kiện tiên quyết nhất để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam, của Việt Nam và do người Việt Nam thực hiện, với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp tiên tiến vào giữa thế kỷ XXI.
Thưa các đồng chí,
C.Mác đã rời xa chúng ta nhưng tư tưởng của ông vẫn còn sống mãi cùng nhân loại, bởi bản chất khoa học, cách mạng, phát triển và nhân văn của tư tưởng đó vẫn hoàn toàn đúng đắn. Nhiều giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác mang sức sống trường tồn vẫn tiếp tục tỏa sáng, như: phương pháp biện chứng duy vật, quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết phát triển, chủ nghĩa nhân văn vì con người, học thuyết về chủ nghĩa xã hội, v.v.
Thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thế giới đang tụ về những giá trị chung phù hợp với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội, như: đảm bảo phát triển bao trùm và bền vững, không để một ai bị tụt lại phía sau; phát triển toàn diện con người, v.v. Bởi vậy, học thuyết Mác vẫn là luận cứ khoa học đầy sức thuyết phục, luôn thôi thúc chúng ta xây dựng khát vọng và tầm nhìn phát triển hướng tới một xã hội tiến bộ, công bằng và nhân văn, với những giá trị cốt lõi, phổ quát của nhân loại, như: vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người (13).
Với tinh thần khoa học và khách quan, chúng ta cần nghiên cứu, trao đổi để tiếp tục phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác trong xây dựng khát vọng và tầm nhìn phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong thế kỷ XXI. Chúng ta có sứ mệnh tiếp tục lan tỏa học thuyết Mác trên tinh thần của một học thuyết khoa học, cách mạng và phát triển; học thuyết cải tạo và thay đổi thế giới; học thuyết giải phóng con người; và đương nhiên, như chính học thuyết Mác đã chỉ ra, tư duy và định hình đường lối phát triển của chúng ta phải luôn thích ứng với sự thay đổi, phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới để thành công.
Xin chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Trân trọng cảm ơn!
(1) Nguyễn Xuân Thắng, Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học quốc tế "Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại", Hà Nội, tháng 5-2018.
(2) Nguyễn Xuân Thắng, "Giá trị lý luận và sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay", Chuyên san Hội đồng Lý luận Trung ương, 2018.
(3) Nguyễn Xuân Thắng, "Giá trị lý luận và sức sống của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay", 2018, đã dẫn.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995; tr.628.
(5) C.Mác - Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 36, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999; tr.796.
(6) Nguyễn Xuân Thắng, Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học "Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản - Giá trị lý luận và thực tiễn trong thời đại ngày nay", Hà Nội, tháng 2-2018.
(7) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001; Tr.14.
(8) "Phát triển bền vững, thực hiện công bằng xã hội, nhìn từ thực tiễn đổi mới ở
Việt Nam", Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Trường đại học tổng hợp La Habana, Cuba, tháng 3-2018.
(9) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Trường đại học tổng hợp La Habana, Cuba, tháng 3-2018, đã dẫn.
(10) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Ðảng, Hà Nội, 2016.
(11) Ngân hàng Thế giới, Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Hà Nội, 2012.
Ngân hàng Thế giới, Bước tiến mới: giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Hà Nội, 2018.
(12) Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2017,
Hà Nội, 2017.
(13) Nguyễn Xuân Thắng, Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học quốc tế "Di sản tư tưởng của Các Mác và ý nghĩa thời đại", tháng 5-2018, đã dẫn.