Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng hướng tới làm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng không những được tăng cường mà còn có chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
Người chú trọng hai vấn đề chính yếu đối với Đảng: rèn luyện tư cách của Đảng chân chính cách mạng và cách lãnh đạo của Đảng.
Về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ 12 điều:
"1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.
2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.
3. Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương.
4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không.
5. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
6. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng.
Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng.
7. Mỗi công việc của Đảng phải giữ tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát.
Nếu không vậy thì không biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách thức tổ chức, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng.
8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên.
9. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.
10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần từ hủ hoá ra ngoài.
11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới.
Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.
12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.
Muốn cho Đảng được vững bền
Mười hai điều đó chớ quên điều nào".
Những điều chỉ dẫn trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn nguyên giá trị đối với nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng. Toàn Đảng, từng tổ chức Đảng, từng cấp uỷ và từng đảng viên luôn luôn đối chiếu, soi mình vào những lời dạy đó của Người sẽ làm cho Đảng không ngừng được nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo.
Có thể coi 12 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra như những chuẩn mực về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đương nhiên, những điều đó cần được cụ thể hoá phù hợp với điều kiện lịch sử và nhiệm vụ chính trị hiện nay của công cuộc đổi mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng Cách lãnh đạo của Đảng. ở nhiều tác phẩm, nhiều bài viết, bài nói chuyện, Người đã đề cập sâu sắc và tỉ mỉ, cụ thể vấn đề này.
Trước hết Người nói về lãnh đạo và kiểm soát. Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng mà lại phải học hỏi quần chúng. "Nghĩa là: người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình". Người nhấn mạnh đến việc lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người "không quan trọng".
Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào? Theo Người, cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh. Lãnh đạo đúng nghĩa là:
"1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.
2. Phải tổ chức thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.
3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được".
Người lãnh đạo phải thấu hiểu, phải nhìn từ trên xuống và cũng lắng nghe ý kiến từ dưới lên. Như vậy, sự lãnh đạo đúng đòi hỏi: Phải ra quyết định đúng đắn trên cơ sở nắm vững lý luận, quan điểm, trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn và lắng nghe ý kiến của nhân dân và với cách nhìn toàn diện, bao quát và cụ thể. Phải tổ chức thực hiện cho đúng đắn, tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, những quyết định cụ thể của từng tổ chức Đảng và cấp uỷ Đảng. Phải kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quyết định.
Hồ Chí Minh cũng bàn kỹ việc lãnh đạo thế nào? "Bất kỳ công việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng".
Thế nào là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng? Người cho rằng: bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng. "Song, nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ, thiết thực". Việc lãnh đạo, chỉ đạo chung, bao quát phải đi liền với thực hiện có trọng điểm, từ kinh nghiệm của điểm mà phát triển chỉ đạo ra diện rộng. Đó là cách lãnh đạo chắc chắn và có hiệu quả. Điều đó cũng đòi hỏi người lãnh đạo cùng với nắm những vấn đề chung, chỉ đạo chung phải chú ý những vấn đề cụ thể, thiết thực. Hồ Chí Minh nhấn mạnh "Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phân" . Đó là một cách vừa lãnh đạo vừa học tập.
Thế nào là liên hợp lãnh đạo với quần chúng? Câu hỏi đó được Hồ Chí Minh đặt ra nhiều lần và được lý giải cặn kẽ đồng thời cũng khái quát thành một nguyên tắc trong sự lãnh đạo của Đảng. "Bắt kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Đảng), người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành". Hồ Chí Minh chỉ rõ, nếu chỉ có sự hăng hái của nhóm trung kiên, mà không liên hợp với sự hăng hái của quần chúng, nhóm trung kiên sẽ phải chạy suốt ngày mà không kết quả mấy. Nếu chỉ có sự hăng hái của quần chúng mà không có sự hăng hái của nhóm trung kiên để tổ chức và dìu dắt, thì sự hăng hái của quần chúng sẽ không bền và không thể tiến tới.
Phân tích lực lượng quần chúng, Hồ Chí Minh cho rằng bất kỳ nơi nào quần chúng cũng có ba hạng người: hăng hái, vừa vừa và kém. Những người vừa vừa là nhiều hơn hết. Những người hăng hái và kém thì ít hơn. "Vì vậy, người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến nên". Người cũng cho rằng, nhóm trung kiên đó do công tác và tranh đấu trong quần chúng mà nảy nở ra chứ không phải tự ngoài quần chúng, xa cách quần chúng mà có được.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng "Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích làm cho quần chúng giữ vững và thực hành". Cứ như thế, theo Hồ Chí Minh, lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. "Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt". Người cũng cho rằng, vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp với thực tế. "Vì vậy, trong công việc chỉnh đốn Đảng, cũng như trong mọi công việc khác, quyết phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng". Chính điều đó "phá tan cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy".
Hồ Chí Minh cũng nêu rõ người lãnh đạo học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Người cho rằng, dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của Đảng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Người nhấn mạnh:
"Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được
Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên".
Theo Hồ Chí Minh, làm việc với dân chúng có hai cách:
"1. Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo.
Có nhiều cán bộ làm theo cách đó. Họ còn tự đắc rằng: làm như thế, họ vẫn "làm tròn nhiệm vụ", làm được mau, lại không rầy rà.
Họ quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị là thất bại.
2. Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm.
Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công".
Hồ Chí Minh phân tích một cách cặn kẽ để chỉ ra sự nhận thức không đúng trong cách lãnh đạo, làm việc của cán bộ, đảng viên. "Có người nói rằng: mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ".
Lắng nghe ý kiến, bàn bạc với dân chúng, học hỏi dân chúng nhưng không theo đuôi dân chúng. Hồ Chí Minh nêu rõ: "Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh... Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng".
Nhấn mạnh quyết tâm "bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh", Hồ Chí Minh đề ra những nguyên tắc trong thực hiện sự lãnh đạo của Đảng:
"1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.
2. Tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.
3. Chớ khư khư giữ theo "sáo cũ". Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.
4. Chúng ta tuyệt đối không theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hoá nó thành cách chỉ đạo nhân dân.
5. "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên".
Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng là từ lực lượng của nhân dân, vì lợi ích, sự sung sướng và hạnh phúc của nhân dân. Sự nghiệp của Đảng và nhân dân là thống nhất. Đảng cũng không có lợi ích nào khác là lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân. Vì vậy, xử lý đúng đắn nhất mối quan hệ giữa Đảng và dân vừa là nội dung, phương pháp lãnh đạo của Đảng vừa và sự bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ và kinh nghiệm bản thân đã đưa ra những chỉ dẫn, những ý kiến rất giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, toàn diện về nội dung lãnh đạo, cách lãnh đạo của Đảng. Những chỉ dẫn đó có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Những điều chỉ dẫn của Bác không những có giá trị đối với sự lãnh đạo của Trung ương mà còn rất cụ thể, thiết thực đối với từng tổ chức Đảng, từng cấp uỷ Đảng và đối với từng cán bộ, đảng viên.
Thước đo trình độ, hiệu quả lãnh đạo của Đảng là kinh tế của đất nước phát triển, chính trị-xã hội ổn định, lòng tin của nhân dân được nâng cao, đời sống vật chất và văn hoá, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, hệ thống chính trị vững mạnh, quốc phòng an ninh được tăng cường, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của đất nước không ngừng tăng lên trên trường quốc tế. Hãy nhìn nhận những kết quả đáng tự hào đó để thấy rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách một Đảng cầm quyền. Đại hội IX của Đảng (4-2001) và nhiều Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khoá IX đã có những bước đổi mới quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng từ phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội để quyết định những vấn đề lớn của đất nước, đến cải tiến quy trình ra Nghị quyết chú ý đến tính cụ thể, thiết thực của các vấn đề đặt ra. Từ quá trình chỉ đạo thực tiễn đến việc chú trọng tổng kết thực tiễn kết hợp với nghiên cứu lý luận để có những điều chỉnh trong nhận thức và hành động. Chú trọng tăng cường quan hệ giữa Đảng và dân và từng bước khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy Đảng và Nhà nước các cấp. Cần có cách nhìn tổng thể để thấy những cái được lớn, đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo để không ngừng hoàn thiện nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng. ở các địa phương, nội dung và cách lãnh đạo của Đảng bộ, cấp uỷ lại càng phải cụ thể, thiết thực theo như chỉ dẫn của Bác Hồ. Làm sao cho mỗi xã, phường, huyện, quận, tỉnh, thành phố, thực hiện tốt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để người dân còn đói nghèo, lam lũ, đẩy lùi tệ nạn xã hội và tiêu cực làm cho nhân dân sung sướng, hạnh phúc. Làm được như thế nghĩa là sự lãnh đạo đúng đắn và có hiệu quả./.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc
Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng