Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau những cuộc nổi dậy khởi nghĩa của nông dân, các sỹ phu yêu nước lãnh đạo thất bại, cách mạng Việt Nam lâm vào cảnh khủng hoảng về đường lối, nhân dân ta rên xiết trong xiềng gông của thực dân, phong kiến. Nung nấu trong lòng tình yêu Tổ quốc thầy giáo Nguyễn Tất Thành - (lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc), đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã đi tới nhiều nước, hòa mình cùng với cuộc sống, sinh hoạt của người dân lao động. Trên đất Pháp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tham gia phong trào công nhân và nhân dân lao động Pháp, viết báo và làm chủ bút tờ báo "Ngưới cùng khổ'' phản ánh nỗi thống khổ của tầng lớp dân nghèo, thợ thuyền, tố cáo chế độ thực dân phong kiến. Đặc biệt năm 1919, Người đã đưa yêu sách 8 điểm ''quyền của các dân tộc" trong đó công khai đòi trả tự do cho các tù chính trị ở Đông Dương, bãi bỏ tòa án đặc biệt, tự do báo chí, hội họp, học tập, đi ra nước ngoài và các quyền lợi khác cho dân tộc mình. Yêu sách 8 điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tấn công vào sào huyệt của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, gây tiếng vang lớn trên thế giới.
Từ một ngưới yêu nước chân chính, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sự chuyển biến sâu sắc về tư tưởng khi tiếp cận với chủ nghĩa Mác- Lênin, tìm thấy ở Chủ nghĩa Mác- Lênin chân lý giải phóng cho đồng bào mình thoát khỏi ách nô lệ của thực dân xâm lược Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III (Quốc tế cộng sản), xác định rõ ràng mục tiêu, lý tưởng đấu tranh của giai cấp công nhân, không chỉ phù hợp với lợi ích dân tộc mà còn quyết định cho thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc. Tháng 10-1923, Người dự Đại hội quốc tể Nông dân và được bầu vào BCH Quốc tế Nông dân. Năm 1924 tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đọc tham luận: Cách mạng ở những nước thuộc địa và vấn đề chủng tộc da đen... Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được Quốc tế Cộng sản chỉ định vào Ban chấp hành những người Cộng sản Châu Á phụ trách Đông phương bộ và đặc trách Cục phương Nam. Người đã biên soạn tài liệu "Đường Cách Mệnh'' để truyền bá Chủ nghĩa Mác- Lênin cho giai cấp công nhân Việt Nam. Người chỉ rõ: Con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp nhất thiết phải được tiến hành thông qua cách mạng vô sản mà nền tảng và kim chỉ nam là Chủ nghĩa Mác- Lênin. Người nói: công nông và dân chúng nói chung phải được giác ngộ, đi từ tự phát đến tự giác thì phải được trang bị bởi hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, do dó phải có Đảng cách mạng- Đảng Cộng sản và trong mọi cương lĩnh, chủ trương của Đảng đều bắt nguồn từ hệ tư tưởng Chủ nghĩa Mác- Lênin. Giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới nhưng giai cấp công nhân chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi tự nó thành lập được chính Đảng độc lập của mình. Chính Đảng của giai cấp công nhân bao gồm những người tiêu biểu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Mục đích của Đảng là lãnh đạo nhân dân đấu tranh lật đổ chế độ áp bức bóc lột, xây dựng chế độ Cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chế độ CNXH. Đó là tổ chức chặt chẽ nhất, thống nhất, tập trung nhất (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB sự thật- Hà Nội).
Từ đó Người đã dày công chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập chính Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam bằng việc xây dựng hệ thống lý luận, phác thảo đường lối của Đảng và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm hạt nhân. Sự ra đời của tổ chức "Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập chính là sự chuẩn bị một bước về tổ chức cho thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 3- 2- 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt sự bế tắc về đường lối, tạo ra bước ngoặt quyết định toàn bộ tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Chính điều này đã đánh dấu sự thành công của Nguyễn Ái Quốc trên đường dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ Chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với Chủ nghĩa Mác- Lênin. Quá trình đó còn có ý nghĩa hết sức sâu sắc đó là gắn kết cách mạng Việt Nam với phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế.
Có thể nói, quá trình tìm đướng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là quy luật tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nắm bắt và giải quyết được những yêu cầu tất yếu mà lịch sử đã đặt ra.
Thực tiễn quá trình cách mạng Việt Nam cho thấy nhờ có đường lối chiến lược đúng đắn đã đề ra ngay từ đầu của Đảng và dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mở đầu là cao trào cách mạng năm 1930- 1931 được coi là cuộc tổng diễn tập đầu tiên, tiếp tới là cao trào cách mạng vận động dân chủ (1936-1939) và kết thúc là cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945). Qua các cuộc diễn tập đó mà Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo đã dành thắng lợi nhanh chóng trong phạm vi cả nước. Cách mạng tháng Tám thành công đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông nam Châu Á, đưa lịch sử dân tộc Việt Nam sang trang mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do và Chủ nghiã xã hội...
Trên căn gác nhỏ nhà số 48 phố Hàng Ngang- Hà Nội trong 2 ngày 28 và 29-8 Bác miệt mài viết dự thảo tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam độc lập. Ngày mùng 2- 9-1945 tại Vườn hoa Ba Đình, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chi Minh - Áng văn tuyệt tác vừa là lời kết tội đanh thép chủ nghĩa thực dân, khẳng định chủ quyền dân tộc, cũng là lời hiệu triệu quốc dân đồng bào đoàn kết một lòng bảo vệ thành quả cách mạng đã được hàng triệu triệu con tim khối óc đón nhận.
Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra cho non sông đất nước, dân tộc ta kỷ nguyên mới,kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng chủ nghĩa hội. Đã 59 mùa thu đi qua, 35 năm, ngày Bác Hồ muôn vàn kính yêu mãi mãi đi xa, song từ cách mạng mùa thu năm ấy ''Cây đại thọ Bác Hồ" vẫn rợp bóng chở che cho con cháu. Kiên định con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn dân tộc ta, non sông đất nước ta đã vượt qua khói lửa của các cuộc chiến tranh ái quốc bảo vệ vững chắc nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, vững bước trên đường đổi mới, sánh vai các cường quốc năm châu.
''Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta, đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. (Điếu văn của Ban chấp hành trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 9-9-1969). Điều đó đã trở thành chân lý làm rung động con tim mỗi người Việt Nam khi nhắc đến tên người- Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Công ơn trời bể của Hồ Chủ Tịch muôn đời chói sáng, mãi khắc sâu trong trái tim Tổ quốc và dân tộc./.
Thăng Long (báo Phú Thọ)