Hồ Chí Minh bàn về nội dung và phương pháp chỉnh đốn Đảng

. Nội dung chỉnh đốn Đảng 

Theo Hồ Chí Minh, trước hết là chỉnh đốn tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Người chỉ giáo: ''Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm'', thì mới nhất trí trong nhận thức về tình hình nhiệm vụ, mới nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân, mới tăng cường đoàn kết nhất trí mà: ''đoàn kết nhất trí là sức mạnh, là then chốt của thành công''. Hồ Chí Minh quan niệm, chỉnh đốn tư tưởng là nhằm nâng cao trình độ tư tưởng và chính trị của cán bộ, đảng viên, tẩy bỏ tư tưởng phi vô sản, thống nhất tư tưởng, hành động, đoàn kết để Đảng làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của mình. 

Nội dung chỉnh huấn tư tưởng chủ yếu là: học tập lý luận Mác-Lênin, học nghị quyết của Đảng, nâng cao tinh thần và đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân... 

Cán bộ, đảng viên và quần chúng cần học lý luận cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ dẫn cách học chủ nghĩa Mác-Lênin ''là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn'' (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb CTQG,H., 1996, tr.292). Bài học mà Hồ Chí Minh rút ra là nắm được tinh thần và phương pháp cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin để vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng nước ta. 

Cán bộ, đảng viên và quần chúng phải học, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt nghị quyết của Đảng. Hồ Chí Minh nói về việc này: ''Thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng là một dịp học tập tiến bộ. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ cần căn cứ vào những văn kiện đó, liên hệ với công tác thực tế của mình, để nâng cao tư tưởng, ý thức tổ chức và kỷ luật, đồng thời đẩy mạnh công tác tiến bộ hơn nữa. Vì mỗi đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần; đảng viên kém, chi bộ kém là những khâu yếu của Đảng'' (Sđd, t.10, tr.166). Người căn dặn: thảo luận để thấm nhuần, nhất trí, cùng nhau quyết tâm thực hiện nghị quyết của Đảng, chống việc nói nghị quyết nhưng làm chưa đúng với nghị quyết, ''trống đánh xuôi, kèn thổi ngược'', mỗi người một cách, mỗi địa phương, đơn vị một kiểu. 

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh đốn Đảng. Người nhấn mạnh: ''Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước'' (Sđd, t5, tr.552). 

Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: ''Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong'' (Sđd, t.9, tr.293); chỉnh huấn là thêm dịp tốt để giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải nhận thức được rằng, Đảng không phải là tổ chức để thăng quan phát tài, vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải là làm quan cách mạng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng ta là đảng lãnh đạo cách mạng, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Người chỉ giáo cho cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân. Hồ Chí Minh đưa ra chuẩn mực của đạo đức cách mạng: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, giữ vững kỷ luật, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư... 

Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy chuẩn mực trên để phấn đấu, rèn luyện mình. Có đạo đức cách mạng thì người cách mạng mới luôn chủ động và vững vàng trước mỗi tình huống, khó khăn không khuất phục, tiền bạc không chuyển lay, thành công không tự mãn. Người có đạo đức cách mạng thường có biểu hiện khiêm tốn, giản dị, ''lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ'', lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. 

Người cán bộ, đảng viên phải biết nâng niu, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tuyệt đối không để cho chủ nghĩa cá nhân xâm lấn đánh bật đạo đức cách mạng. Để đạo đức cách mạng chiến thắng chủ nghĩa cá nhân thì mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải. Chỉnh huấn là cần thiết, là dịp tốt để cán bộ, đảng viên chấn chỉnh đạo đức tư cách của mình. Chỉnh đốn Đảng về mặt tư tưởng phải lấy nêu cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân làm căn bản. 

Chỉnh đốn tổ chức là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh đốn Đảng. Tổ chức là sức mạnh của Đảng. Đảng sinh ra để tổ chức dân chúng làm cách mạng. Muốn tổ chức dân chúng thì trước hết Đảng phải là một tổ chức chặt chẽ nhất. Vì vậy, Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công tác tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Điểm xuất phát của tổ chức đảng là chi bộ. Hồ Chí Minh cho rằng, chi bộ là nền móng của Đảng. Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng (Xem Sđd, t.12, tr.210 và tr.77). 

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: ''cần phải ra sức củng cố các chi bộ để tất cả các chi bộ trở nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi'' (Sđd, t10, tr.271). Cùng với chi bộ, Đảng bộ các cấp, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cũng cần được chỉnh đốn cả về cơ cấu, tổ chức, số lượng, chất lượng, đặc biệt là về lề lối, phong cách làm việc, cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Toàn Đảng phải kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí, vô trách nhiệm... 

Đổi mới phướng thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể có đặc điểm, nhiệm vụ chính trị riêng nên cách thức lãnh đạo cũng phải khác. Việc điều chỉnh phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước để đảm bảo nền kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển là hết sức quan trọng. Đó là một nội dung của các cuộc chỉnh đốn Đảng. 

Khi có chính quyền, Đảng ta là đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền bằng cách đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn của sự phát triển đất nước, bằng cách tổ chức, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách; bằng cách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ cho cả hệ thống chính trị; bằng công tác kiểm tra; thông qua đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng trong hệ thống chính trị; bằng công tác kiểm tra mà thực hiện quyền lãnh đạo của mình. 

Đảng cầm quyền nhưng không chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, Đảng chú trọng phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Đảng lãnh đạo, còn quản lý là chức năng của Nhà nước, nhân dân là người làm chủ. Ở Hồ Chí Minh, vai trò của Nhà nước, của nhân dân luôn được đề cao. Đường lối của Đảng phải xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải ''đi đúng đường lối quần chúng'', gắn bó với nhân dân. Dù trong hoàn cảnh nào, lúc thuận lợi cũng như khó khăn, Đảng không được xa dân, không quan liêu. Đó là phong cách lãnh đạo của Đảng. 

Vai trò quản lý của Nhà nước cần được phát huy đúng với chức năng của nó. Nhà nước thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng thành luật pháp, chính sách và tổ chức quản lý đất nước. 

2. Phương pháp chỉnh đốn Đảng 

Thực hiện đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh coi thực hiện đúng nguyên tắc này là phương pháp sắc bén nhất, chủ yếu nhất để chỉnh đốn Đảng. Cần thường xuyên tự phê bình và phê bình vì ''dao có mài mới sắc; vàng có thui mới trong; nước có lọc mới sạch; người có tự phê bình mới tiến bộ''. Đảng cũng phải như thế (Xem Sđd, t6, tr.209). Tự phê bình là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa (Xem Sđd, t.6, tr.209). Mục đích của tự phê bình là để sửa chữa, để tiến bộ. Nếu tự ái, không chịu thẳng thắn thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình thì bản thân chẳng những mất uy tín, mà còn gây mất uy tín cho Đảng, cho tổ chức. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình (Xem Sđd, t.10, tr.587). Tự phê bình phải thường xuyên. Người phân tích, chỉ dẫn một cách hình ảnh: ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm, tự phê bình phải thật thà, có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm, phải tìm cho ra vì sao mà sai lầm, dùng cách gì mà sửa chữa và phải kiên quyết sửa chữa (Xem Sđd, t.6, tr.211). Mỗi người căn cứ vào nhiệm vụ được phân công mà tự kiểm điểm. Coi tự phê bình và phê bình là công việc thường ngày, rất quan trọng, không làm không được, nhưng không làm một cách hình thức, không cường điệu nó lên, không hiểu sai và làm lệch lạc đi. Theo Người, tự phê bình là việc làm không dễ, nhưng phải quyết chí làm bằng được để nhằm tới nhiều mục tiêu của cách mạng: ''Tự mình, không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết chữa khuyết điểm'' (Sđd, t.6, tr.211). 

Về phê bình, Hồ Chí Minh giải trình một cách dễ hiểu, ngắn gọn và mang tính triết lý sâu sắc: phê bình ''tức là nói thật'', ''thuốc đắng dã tật, nói thật thì được việc''; khuyết điểm cũng như một chứng bệnh, phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ; muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng nhanh chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà phê bình để đoàn kết, tiến bộ, để có lợi cho công việc chung. Nguyên tắc phê bình là phải nhằm vào tư tưởng và công tác. Thái độ của người phê bình là phải đúng mực. Phải vạch rõ vì sao đồng chí mình có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Tuyệt đối không nên nói mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên ''trước mặt không nói, soi mói sau lưng''. Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Phương pháp phê bình phải đướng hoàng, chính đáng, quyết không nên viết thư giấu tên... 

Chỉnh đốn Đảng, phải làm từng bước, có trọng tâm và cách thức tiến hành thích hợp. 

Bắt đầu từ chỉnh đốn cán bộ. Cán bộ cao cấp chỉnh trước. Chỉnh huấn cán bộ cao cấp do Trung ương trực tiếp lãnh đạo. Với cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo và triển khai các đợt chỉnh huấn của cán bộ cấp cao. Chỉnh từ trên xuống dưới, từ trong Đảng ra ngoài quần chúng. Trên đã mẫu mực thì dưới sẽ chỉnh tề. Đảng sáng trong thì xã hội sẽ tốt đẹp, đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Mấu chốt của chỉnh đốn là cán bộ, trọng tâm của chỉnh đốn là chi bộ đảng. 

Từ cán bộ lãnh đạo cao cấp đến cán bộ chủ chốt ở địa phương, cơ sở thực hiện nghiêm túc chỉnh huấn, đảng viên và quần chúng noi gương làm theo. Chi bộ thực hiện chỉnh Đảng có kết quả thì chi bộ càng trong sạch, vững mạnh. Chỉnh Đảng gắn với chỉnh đốn chi bộ, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh tức là chỉnh Đảng thành công. 

Xây dựng và nêu gương người tốt, việc tốt, tổ chức tốt là một biện pháp để tuyên truyền, vận động chỉnh đốn Đảng. 

Niềm tin của nhân dân hình thành từ mắt thấy, tai nghe, từ con người và việc làm cụ thể, từ tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tốt. Niềm tin đó cực kỳ sâu sắc và bền lâu mà không có sự tuyên truyền nào có sức thuyết phục hơn sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Đảng ta mạnh mẽ bởi được dân tin, dân kính, dân ủng hộ. Để dân tin, dân kính, dân ủng hộ thì cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp, cán bộ chủ chốt, phải gương mẫu trong công việc và cuộc sống. ''Đảng viên đi trước, làng nước theo sau'' - nhân dân ta thường nói như thế và Bác Hồ đã từng nhắc lại câu đó để nhắc nhở, cổ vũ, động viên tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng. 

Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kỷ luật, khen thưởng cũng là một biện pháp chỉnh đốn Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng: Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Chỉnh đốn Đảng là công tác cực kỳ quan trọng, vì vậy phải có sự lãnh đạo, có kiểm tra sát sao. Kiểm tra để phát hiện được nhân tố tích cực, những nhân tố mới để nhân rộng, đồng thời phát hiện được hạn chế, khuyết điểm để khắc phục. 

Tổ chức đảng cấp trên kiểm tra cấp dưới, cấp ủy kiểm tra cán bộ, đảng viên tiến hành chỉnh đốn. Bác Hồ và Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra việc chỉnh huấn đối với cán bộ cao cấp. Năm 1952, Bác Hồ viết: ''Cán bộ quyết định mọi việc. Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí'' (Sđd, t.6, tr.480). Trung ương kiểm tra địa phương, địa phương kiểm tra đơn vị, cơ sở, nhân dân giám sát việc cán bộ, đảng viên thực hiện chỉnh đốn. Kiểm tra phải đúng nguyên tắc, quy chế. Sau khi kiểm tra phải có kết luận. Cá nhân, tổ chức có thành tích được tuyên dương, khen thưởng. Ngược lại, tổ chức và cá nhân mắc khuyết điểm thì cần xử lý đúng sai rõ ràng, tốt xấu phân minh, kiểm tra thật sự đạt yêu cầu, chỉnh huấn mới có kết quả. 

Tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác cũng là một phương thức chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và nội dung của cuộc chỉnh đốn, quy định chế độ báo cáo tình hình thực hiện chỉnh đốn ở Đảng bộ địa phương, ban, ngành và đơn vị cơ sở. Nắm thông tin hằng tháng, hằng quý và năm về vấn đề đã làm được, đang làm và cả vấn đề không làm được; những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm cụ thể. Yêu cầu báo cáo phải đúng thực tế, số liệu chính xác, có điển hình người tốt, việc tốt. Nhờ có báo cáo đánh giá tình hình chỉnh đốn thường xuyên ở cấp ủy đảng địa phương, ban, ngành, đơn vị cơ sở ấy mà Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng chỉ đạo sát công tác chỉnh đốn, uốn nắn kịp thời những yếu kém, lệch lạc, động viên, khích lệ những nhân tố tích cực, nhân rộng điển hình tốt, đưa chỉnh đốn đi đúng hướng, đạt được mục đích đặt ra. 

Trong và sau cuộc chỉnh đốn Đảng, Trung ương và Hồ Chí Minh rất coi trọng việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Trong nhiều báo cáo tại các Hội nghị Trung ương và Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng, Hồ Chí Minh đều dành một phần để đánh giá về chỉnh đốn Đảng, từ đó đề ra nội dung, nhiệm vụ của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp theo. 

Hiền Lương
Phân viện Báo chí - tuyên truyền
Tạp chí Lý luận chính trị

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website