Đoàn kết và bình đẳng các dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc là vấn đề hết sức quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định rằng vấn đề này được Người quán triệt trong toàn bộ các bài viết, bài nói cũng như quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng dưới sự chỉ đạo của Người. 
Chúng ta có thể khái quát lại tư tưởng của Người về đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc thành những nội dung chính sau: 

1. Đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân lộc là mục tiêu, là sức mạnh tạo ra sự bình đẳng. 

Bài học sâu sắc mà Người đã tổng kết là: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng thì phải có lực lượng, lực lượng đó phải đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng thành công xã hội mới. Muốn có lực lượng phải thực hành đoàn kết, vì “đoàn kết là lực lượng”. Bởi vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh đoàn kết là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn, lâu dài, quyết định thành bại của cách mạng. Trong khuôn khổ dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối. Đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh cộng hưởng to lớn, vượt trội, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc và những quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động. Quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động không phân biệt miền núi, miền xuôi, đồng bào đa số hay đồng bào thiểu số, theo Bác là: độc lập tự do, ấm no hạnh phúc. Những quyền lợi đó được biểu hiện cụ thể trong từng thời kỳ của lịch sử dân tộc như ruộng đất về tay dân cày, hòa bình, cơm áo, giáo dục, nhà ở, đời sống được cải thiện v.v... 

Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện theo nguyên tắc: tin dân, dựa vào dân. Khái niệm “dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm mọi người Việt Nam, là mọi “con dân nước Việt”, là "mỗi một con Rồng cháu Tiên” không phân biệt "già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, quý, tiện, dân tộc”. Tin dân, dựa vào dân trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh gồm những nội dung: dân là gốc, là nền tảng của đại đoàn kết; dân là chủ thể của đại đoàn kết; dân là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của khối đại đoàn kết, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng; dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng Cộng sản, của hệ thống chính trị cách mạng. 

2. Bình đẳng dân tộc là cơ sở vững chắc cho đại đoàn kết toàn dân. 

Bình đẳng dân tộc không chỉ gắn liền với giải phóng giai cấp, mà còn gắn liền với vấn đề giải phóng con người và các quyền bình đẳng của con người. Người đã chỉ ra rằng: “Chủ nghĩa xã hội là tất cả mọi người, các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng. Muốn được như vậy thì tất cả mọi người, gái cũng như trai, tất cả mọi dân tộc phải hiểu rằng: nói chung thì mình là người chủ tập thể của nước nhà. Điều này có nghĩa là quyền bình đẳng các dân tộc chỉ có thể thực hiện được khi nước ta hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, ấm no, hạnh phúc. Bác khẳng định: Nước nhà là nước nhà của nhân dân ta, nhân dân ta là người chủ nước nhà. 

Rõ ràng một khi quyền bình đẳng các dân tộc trong một quốc gia độc lập được thực hiện, tức là đáp ứng được mọi lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của tất cả các tầng lớp trong xã hội, trong tất cả đồng bào các dân tộc Việt Nam, thì đây chính là cơ sở để xóa bỏ mọi sự chia rẽ, xích mích, thành kiến dân tộc để các dân tộc thực sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. 

3. Đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển. 

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 3/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Người phân tích rằng: Nhờ sức mạnh đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn sự phân chia giống nòi, tiếng nói gì nữa. 

Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa. Người xác định những quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của đồng bào các dân tộc, đó là: đoàn kết hơn nữa để chống xâm lăng và tăng gia sản xuất. Các dân tộc có quyền bình đẳng. Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những hủ tục cũ, những điều bất bình đẳng trước đây. "Anh em thiểu số chúng ta sẽ được: 

1) Dân tộc bình đẳng: Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình đẳng trước sẽ sửa chữa đi. 
2) Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt: 
a) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng. 
b) Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc. Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình". 
Tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc để cùng tiến bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh làm rõ thêm trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Plâycu ngày 19/4/1946. Người kêu gọi: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Quan hệ dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một vấn đề chính trị xã hội thấu tình, đạt lý, thấm đượm tâm lý đạo đức truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người yêu cầu các dân tộc Việt Nam: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm khắc phục những biểu hiện cản trở đoàn kết dân tộc. Đặc biệt là "phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc. Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh”. 

4. Phát triển kinh tế, văn hóa, xóa bỏ chênh lệch về kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc. 

Do sự khác nhau về lịch sử phát triển, hậu quả của chính sách thực dân, phong kiến, cũng như điều kiện khí hậu, đất đai, giao thông ở các vùng khác nhau, nên có tình trạng chênh lệch lớn về các mặt trong đời sống giữa các dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, giữa miền núi và miền xuôi, giữa vùng cao và vùng đồng bằng, giữa các dân tộc thiểu số với nhau. 

Để nhanh chóng đưa vùng cao, vùng sâu, vùng xa thoát khỏi tình cảnh nghèo nàn lạc hậu, thường xuyên nghèo đói, thiếu việc làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bào rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt”. 

Người chủ trương phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng ta. Người đã dày công rèn luyện tổ chức Đảng ta trở thành hạt nhân đoàn kết dân tộc trong đấu tranh giành chính quyền. Trước lúc đi xa Người còn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng và Nhà nước ta đã, đang phát huy cao độ đại đoàn kết các dân tộc theo tư tưởng của Người, xây dựng và triển khai thực hiện một hệ thống chính sách kinh tế - xã hội đồng bộ, có hiệu quả từng bước đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Điều đó phù hợp với nội dung mà Hiến pháp 2002 đã khẳng định: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số". 

TS. Hoàng Văn Chức 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website