Học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người thầy vĩ đại về công tác dân vận, rất quan tâm việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong cách mạng dân tộc dân chủ cũng như trong cách mạng XHCN. 

Trước hết, Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ". Nhân dân theo quan niệm của Hồ Chí Minh là mọi người Việt Nam "con rồng cháu tiên" không phân biệt già trẻ, gái, trai giàu nghèo trong đó công nhân và nông dân chiếm đại đa số. Nhân dân có quyền và có trách nhiệm, nghĩa vụ làm chủ. Nhân dân có quyền làm chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Nhân dân có quyền làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân và "công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn rất mạnh ý nghĩa, giá trị, mục tiêu của việc bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Người coi dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân "có phát huy cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”; có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến; làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. 

Giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân đều có quyền và trách nhiệm làm chủ. Đối với công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Muốn thực hiện đúng vai trò làm chủ, giai cấp công nhân phải quản lý tốt kinh tế, quản lý tốt xí nghiệp, làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải xã hội ngày càng nhiều với chất lượng tốt, giá thành hạ. Đối với nông dân, lực lượng đông đảo nhất của dân tộc, chiếm gần 80% số dân, Người khẳng định: Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở. Như vậy việc thực hành dân chủ phải gắn với bảo đảm lợi ích vật chất và văn hóa của người lao động, lực lượng quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh "chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Đối với trí thức, Người chỉ rõ: Lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong củng cố hoàn thành dân chủ mới để tiến đến CNXH. Đối với thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Ngày nay thanh niên là công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do..., là người chủ tương lai của nước mình. Người khuyên thanh niên không nên đòi hỏi ở nước nhà mà chỉ nên hỏi rằng mình đã làm gì cho nước nhà. Và nêu rõ thanh niên có quyền học tập, vui chơi, giải trí, v.v... Đối với phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng "giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông". Đối với các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, Người yêu cầu: Làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lấy công việc của mình, để mau chóng phát triển kinh tế và văn hóa của mình, để thực hiện dân chủ về mọi mặt. 

Xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân là một điều kiện rất quan trọng để quyền làm chủ của dân được thực hiện một cách có hiệu quả. Chính quyền là do "dân cử ra". Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là “phục vụ nhân dân”, là "phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân", "đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết". Về trách nhiệm của dân đối với chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ”. 

Muốn bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để làm cho dân chủ có định hướng đúng- dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ thật sự, dân chủ gắn liền với kỷ luật kỷ cương, lấy Hiến pháp và pháp luật làm khung pháp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Đảng ta đấu tranh để làm gì? Là muốn cho tất cả mọi người được ăn no, được mặc ấm, được tự do. Người yêu cầu, "cán bộ, đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải kính yêu nhân dân. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân". Người chỉ rõ: "Phải mở rộng dân chủ; phải mở rộng phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ duới lên". Người khẳng định chỉ có Đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật sự dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. 

Các đoàn thể nhân dân là “tổ chức của dân, phấn đấu cho dân , bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết với nhân dân, với Chính phủ, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thật sự trong xí nghiệp"; làm sao để bà con nông dân hiểu mình là người chủ tập thể, làm chủ hợp tác xã, làm chủ Nhà nước. Người gợi ý: “Khi ai có điều gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam”. 

Về giải pháp thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự". "Chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân". Người khẳng định: Thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ tự do. 

Dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy truyền thống làm chủ của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) "Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" nêu rõ: "Không ngừng hoàn thiện các cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cụ thể hóa để thực hiện phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong tất cả các loại hình tổ chức và đơn vị cơ sở thuộc các cấp, các ngành, kể cả trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Khắc phục mọi biểu hiện vi phạm dân chủ, coi nhẹ dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Phát huy dân chủ đồng thời đề cao pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong toàn xã hội". Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi) cũng nêu rất rõ nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ làm chủ của công dân. 

Để tiếp tục bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo chúng tôi cần thực thi có hiệu quả một số giải pháp sau: 

Một là, tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị quán triệt sâu sắc Tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát huy quyền làm chủ nhân dân, coi việc mở rộng dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới. 

Hai là, sau hơn 5 năm triển khai, thực hiện, Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã từng bước đi vào cuộc sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân góp phần phát huy nội lực, quyền làm chủ của dân, góp phần từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của cư dân trên địa bàn xã, phường và cơ quan. doanh nghiệp; góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân theo hướng dân chủ hơn, sát dân hơn, lấy việc phục vụ nhân dân là thước đo phẩm chất năng lực của cán bộ, đảng viên. Tuy vậy, việc thực thi QCDC cơ sở mới chỉ là bước đầu, chưa vững chắc, chưa rộng khắp, chưa đồng đều giữa các địa phương, cơ sở. Mới có khoảng 20% số cơ sở xã, phường, thị trấn thực hiện tốt, có hiệu quả QCDC. So với xã, phường, thị trấn, việc thực hiện QCDC ở cơ quan và doanh nghiệp đạt mức thấp hơn cả chiều sâu và chiều rộng. Vì vậy, cần sớm tổ chức sơ kết đánh giá đúng những mặt làm được và chưa làm được, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để tiếp tục thực hiện có chất lượng và hiệu quả QCDC ở cơ sở. 

Ba là, Nhà nước cần tiếp tục thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân thành các văn bản pháp luật. Thường xuyên kiểm tra việc bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của các ngành, các cấp chính quyền. Mặt trận, các đoàn thể nhân dân phải là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân theo luật pháp đã quy định, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

NGUYỄN THẠC HÂN 

(Ban Dân vận Trung ương)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website