Góp phần nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh: Quan điểm về huấn luyện, học tập trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh
Công tác học tập, huấn luyện phải được tiến hành rộng rãi trong quần chúng cách mạng. 

Từ những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ này, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra: Công cuộc, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc ''là việc chung của toàn dân chúng, chứ không phải của một hai người''. Để chuẩn bị cho việc ''tổ chức ra quân đội công, nông'', trong số rất nhiều việc phải làm, đồng chí coi một trong những việc khẩn thiết là phải huấn luyện những tri thức cách mạng, kiến thức quân sự cho đông đảo quần chúng, công tác huấn luyện phải mang tính phổ cập rộng rãi. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: ''Mỗi người công nhân, mỗi người nông dân phải biết đánh giặc''. Nghĩa là mọi người dân phải am hiểu những kiến thức tối thiểu về quân sự, phải biết biến những công cụ sản xuất thành vũ khí: biến những làng mạc, ruộng vườn, xưởng máy thành... trận địa chống giặc. Tiến lên mức cao hơn, những lực lượng bảo vệ làng xã phải cùng nhân dân triệt để sử dụng các yếu tố bí mật, bất ngờ, lợi dụng những sơ hở của địch để tiêu diệt chúng. 

Để xây dựng lực lượng nòng cốt, từ những năm trước Tổng khởi nghĩa, Người đã tuyển chọn, cử nhiều người đi học ở nước ngoài và trực tiếp mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị, quân sự ngắn hạn. Những lớp đầu tiên được Người trực tiếp gíảng dạy về cách đánh du kích, đánh mai phục, đánh úp... Một số cán bộ có tri thức quân sự như: Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Sâm... được Hồ Chí Minh giao cho làm công tác tổ chức lớp hoặc giảng dạy. Dưới sự chỉ đạo của Người, một số tỉnh ở Việt Bắc đã mở nhiều lớp quân chính, huấn luyện quân sự-chính trị cho hàng trăm cán bộ. Tháng 5-1946, Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, trường đào tạo cán bộ quân sự đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, khai giảng khóa đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và căn dặn: ''Mong anh em ở đây, bao giờ cũng phải làm theo hai khẩu hiệu mà nó là cái mục đích của anh em: Trung với nước, hiếu với dân''. 

Song song với việc tổ chức, giảng dạy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn biên soạn nhiều tài liệu quân sự như “Chiến thuật cơ bản của du kích'', “Cách đánh du kích'', ''Phép dùng binh của Tôn Tử'', ''Kinh nghiệm du kích Nga'', ''Kinh nghiệm du kích Tầu”... để mọi người tham khảo. 

Huấn luyện quân sự rộng rãi, tạo điều kiện xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân. 

Từ luận điểm: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển cụ thể: ''Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần động viên toàn dân, vũ trang toàn dân''. Đây cũng là cơ sở để hình thành lực lượng vũ trang ba thứ quân và cũng là quan điểm của Người về xây dựng lực lượng vũ trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mỗi tỉnh, mỗi địa phương cần “thiết thực tổ chức, thiết thực huấn luyện dân quân du kích từng làng. Lấy dân quân du kích làm nền tảng, đồng thời phải kiện toàn các đội du kích thoát ly sản xuất''. “Các đội du kích thoát ly sản xuất'' này ban đầu còn là lực lượng của làng xã, dần dần do yêu cầu huấn luyện, chiến đấu, cần cơ động trong địa bàn huyện, tỉnh trở thành bộ đội địa phương. Và, phương thức huấn luyện, học tập theo luân phiên: ''Đưa cán bộ địa phương về huấn luyện, tung cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương trao đổi kinh nghiệm''. Qua học tập, rèn luyện, xây dựng và chiến đấu ''các đội du kích phát triển nhanh chóng và trở thành quân đội giải phóng nhân dân (Vệ quốc quân). Dân quân du kích không chỉ là lực lượng bổ sung quân số, dẫn đường cho bộ đội chủ lực mà còn phối hợp tác chiến ''ngăn chặn giặc, tiêu hao giặc, giữ gìn quê hương, để cho Vệ quốc quân được rảnh tay, tìm cơ hội, đánh những trận to để tiêu diệt chủ lực của giặc''. Do những hiểu biểt về quân sự, kinh nghiệm chiến đấu của dân quân du kích còn non kém, trang bị thô sơ, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: ''Đội quân chủ lực có nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang đìa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được''. 

Theo lời dạy của Người và thực hiện chủ trương “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung'' của Bộ Tổng chỉ huy, sau cuộc phản công chiến lược Thu Đông năm 1947 ở Việt Bắc, nhiều đơn vị lớn của bộ đội chủ lực đã phân tản về cảc tỉnh giúp đỡ bộ đội địa phương xây dựng và huấn luyện. 

Trong huấn luyện cũng như trong chiến đấu, công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng con người phát triển toàn diện. Người nhắc nhở bộ đội phải thường xuyên: “Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thành thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng. Con người trong cả ba thứ quân, con người của ''đoàn thể'', con người trong các tổ chức cách mạng, phải được huấn luyện chu đáo, có kỷ luật sắt. Nếu hàng triệu người mà một lòng một chí đánh giặc cứu nước thì sẽ tạo nên thế chiến tranh nhân dân, có sức mạnh vô địch. Đó là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó thì kẻ địch nào cũng phải tan rã''. 

Học phải đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiến chiến đấu. 

Trong thư gửi Quân sự tập san, tờ tạp chí thường đăng các bài về kinh nghiệm chiến đấu, hướng dân học tập, huấn luyện cho các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thường hay bị mù quáng''. 

Theo Người thì: Học tập “cốt thiết thực chu đáo hơn tham nhiều'' và ''quý hồ tinh, bất quý hồ đa''. Nhiều cán bộ, chiến sĩ nêu guơng sáng trong học tập và biến các tri thức nghiên cứu học tập, huấn luyện thành kết quả tốt đẹp trong chiến đấu, công tác đã được Người biểu dương, khen thưởng kịp thời. Người thường xuyên theo dõi kết quả huấn luyến, của các đơn vị. Trong học tập và thực hành, mỗi cá nhân, đơn vị “cần nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm''. Chủ tịch Hồ Chí Mính luôn coi trọng việc “ôn cố'' để “tri tân''. Mỗi người cần học tập những kinh nghiệm, những cách đánh, mưu kể của cha ông; những kinh nghiệm (thành công và thất bại) trong các trận đánh, các chiến dịch đã qua để kế thừa và phát triển trong tác chiến hiện đại và tương lai. Người thường chấn chỉnh tư tưởng ngại nghiên cứu học tập rút kinh nghiệm trong bộ đội, chỉ thích “ăn to'', “đánh to'', phó mặc cho may rủi. Tại hội nghị chiến tranh du kích Bắc Bộ (tháng 7-1952), Người nêu: ''Khuyết điểm nữa của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích'' là “thiếu nghiên cứu hiểu rõ tình hình, khả năng ta và địch một cách tỷ mỷ để định mục đích và cách đánh thích hợp. Nên thực hành mắc nhiều khuyết điểm''. 

Bám sát nhiệm vụ, bám sát chiến trường 

Hiệu suất chiến đấu ở chiến trường là thước đo hiệu quả học tập, huấn luyện ở thao trường, giảng đường. Năm đầu sau Toàn quốc kháng chiến, do chưa có điều kiện tổ chức huấn luyện chu đáo, một số đơn vị, địa phương đã ham đánh quy mô lớn, phòng ngự kiểu ''trận địa chiến'' như vậy đều bị địch phá vỡ. Bộ đội chẳng những không diệt được nhiều địch, bảo vệ được dân, mà có trận bị tổn thất lớn. Trong Thư gửi cán bộ Khu Một, ngày 19-12-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét, một trong những nguyên nhân để “chiến công kém'' của năm vừa qua: “Đó là vì cán bộ quân sự chưa học tập được nhiều chiến lược, chiến thuật khôn khéo, chưa có mưu cơ, dũng cảm bằng nguời''. 

Sau chiến dịch Việt Bắc, toàn quân thực hiện phong trào thi đua ''rèn luyện quân đội lập chiến công'' do Bộ Tổng chỉ huy và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nhờ thế, chất lượng huấn luyện, chiến đấu của bộ đội ta đã có bước tiến bộ mới. Trình độ kỹ thuật đánh vận động chiến đuợc nâng lên, phong trào chiến tranh du kích cũng phát triển rộng khắp trong toàn quốc. Bản lĩnh chiến đấu của bộ đội, năng lực tổ chức, chỉ huy của cán bộ và cơ quan có nhiều tiến bộ. 

Về quy mô, hầu hết các đơn vị đã tổ chức đánh tập trung từ tiểu đoàn (đầu năm 1949) tiến lên tác chiến tập trung cấp trung đoàn vào năm 1950. Đến chiến dịch Biên Giới, Thu Đông l950, ta đã đánh tập trung nhiều trung đoàn, có phối hợp với pháo binh, diệt gọn hai binh đoàn quân Pháp tinh nhuệ. Công tác huấn luyện đã giúp bộ đội ta trưởng thành, quen dần với cách đánh quy mô lớn cấp đại đoàn ở chiến dịch Trung Du, Hoà Bình và Điện Biên Phủ. 

Về chiến thuật, những năm đầu kháng chiến; các lực lượng vũ trang ta lấy “du kích làm trọng'' nên chỉ tổ chức những trận phục kích, tập kích nhỏ, nhằm những chỗ sở hở đề đánh úp quân địch. Đến năm 1950, các đơn vị trong toàn quân đã “đẩy vận động chiến đi tới và khi đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công''. Điển hình thời kì này là các trận vận động chiến của bộ đội trên Đường số 4, ở Cốc Xá, điểm cao 477... Chiến thuật đánh “bôn tập'' của bộ đội ta cũng được nâng lên từ đánh các cứ điểm nhỏ và vừa, tiến tới đánh các cụm cứ điểm. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, kiên cố nhất của thực dân Pháp. Khi lực lượng đã phát triển, nhiều đơn vị đã hình thành cách đánh sở trường của mình như: chuyên đánh giao thông, đánh công sự vững chắc, đơn vị chuyên đánh vận động, “chốt thép''... Về địa bàn, các trận đánh và chiến dịch cũng được phát triển từ rừng núi về xuôi, từ nông thôn ra thành thị. Từ năm 1950 trở về trước, bộ đội ta thường thắng địch ở địa hình rừng núi, vì ta có thể phát huy sở trường trong khi địch gặp nhiều khó khăn, nhất là khó phát huy được thế mạnh binh khí kỹ thuật. Đến chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các chú đã nỗ lực thi đua lập công. Các chú càng ra sức học tập kinh nghiệm đánh đồng bằng để giành thắng lợi to lớn hơn nữa''. Trong toàn quân đã xuất hiện những đơn vị bám đất, bám dân, diệt địch ở địa hình đồng bằng trống trải. “Đại đoàn Đồng Bằng'' ra đời đã đáp ứng được yêu cầu phát triển chiến đấu ở địa hình đồng bằng. Học đi đôi với hành và bám sát nhiệm vụ, bám sát chiến trường là quan điểm lớn về huấn luyện, học tập trong tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó là sợi chỉ hồng xuyên suốt trong quá trình xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang đến khi quân đội ta đã trưởng thành với các quân, binh chủng hiện đại. 

Từ xưa đến nay, dân tộc ta thường phải chống lại kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự rất mạnh, có quân đội đông hơn gấp nhiều lần và được trang bị hiện đại. Ngay từ buổi đầu kháng chiến toàn quốc và suốt 9 năm chiến tranh chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công giáo dục, rèn luyện quân đội ta từ khi “còn là một quân đội thơ ấu, tính dũng cảm có thừa, nhưng thiếu vũ khí, thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt...” để từng bước trở thành một quân đội hùng mạnh, tinh nhuệ trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao. 

Những quan điểm về huấn luyện, học tập trong tư tưởng quân sự của Người không chỉ giúp quân dân ta giành thắng lợi trên những chặng đuờng đã quamà thực sự đã thấm sâu vào máu thịt và trở thành tri thức chỉ đạo mọi hoạt động hằng ngày của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website