Nhà báo lão thành Hoàng Tùng, Ông đã bước vào tuổi 85, còn minh mẫn, vẫn có nét "duyên thầm" khi kể chuyện. Ông nói thật hấp dẫn, dí dỏm làm cho người nghe gần với mình hơn . Nhất là khi nghĩ đến Bác Hồ, ông còn nhớ nhiều kỷ niệm ...
Ông kể rằng: "Hồi đó (1935 - 1937), tôi vốn là một thầy giáo dạy tư ở một vùng quê chiêm trũng. Với tuổi trẻ "trai mười bảy..." sôi nổi, muốn bay nhảy, thích làm những việc quá sức mình. Thế rồi, tôi được giác ngộ do những bậc cách mạng đàn anh đưa tôi vào hoạt động bí mật trong phong trào thanh niên dân chủ. Năm 1940, người chuẩn bị kết nạp tôi vào Đảng Cộng sản bị địch bắt đưa đi đày cùng với tôi ở nhà tù Sơn La. Trong nhà tù, tôi được Đảng giao nhiều công việc, năm 1943 được Chi bộ nhà tù kết nạp vào Đảng. Sau gần 5 năm trong tù, khi trở về tôi tiếp tục hoạt động cách mạng và có "chân” trong thành ủy Hà Nội lúc bấy giờ (1945).
Cách mạng Tháng Tám thành công. Để chuẩn bị đón Trung ương Đảng và Bác Hồ về Hà Nội, tôi và một số anh may mắn được cử đi đón Bác Hồ trước khi Người về nội thành Hà Nội - tại một vùng cách Hà Nội hơn 10 km. Để giữ bí mật với nhân dân nơi mình ở, khi gặp Bác, tôi gọi Bác là Cụ và xưng tôi. Trông Cụ lúc đó già và gầy nhưng đôi mắt rất sáng, đi lại lanh lẹn. Trời nhá nhem tối, khi cơm nước xong, tôi dẫn Bác vào nơi nghỉ của một gia đình ở sâu trong xóm. Bác bắt tay tôi, tôi cầm tay Bác ... Tôi xúc động quá, sung sướng quá..., rồi tôi thưa với Bác: "Thưa Cụ ! Xin được mời Cụ nghỉ ở cái sập này cho sướng ...". Lúc sau, tôi được đồng chí N. góp ý: "Đừng nói như vậy, ông cụ không thích đâu”. Tôi hoảng quá nhưng bù lại vẫn có một cảm giác ấm áp khi được gần Bác và báo cáo tóm tắt với Bác về tình hình trong nội thành. Lúc thì Bác hỏi, lúc thì tôi trả lời và được Bác gật đầu khen: "Anh em mình làm như thế được đấy!". Kỷ niệm ghi nhớ trong đời tôi lần đầu tiên được Bác bắt tay, tôi không bao giờ quên.
Lần thứ hai: Thời gian gần 25 năm tôi được gần gũi và giúp việc Bác Hồ, chuyện được Bác bắt tay hoặc được nắm tay Bác thì có nhiều, vì công việc của tôi gắn nhiều tới việc thông tin, tuyên truyền; nhiều lần Bác cho gọi tới "chỉ đạo" ... Nhưng lần bắt tay thứ hai này đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, tình nghĩa sâu nặng của Bác đối với tôi, suốt đời tôi không thể quên!
Đó là trước lúc Bác Hồ của chúng ta đi xa khoảng 2 - 3 ngày, tôi được một đồng chí cán bộ báo cho biết Bác cho gọi tôi. Biết tin này, tôi tuy vui mà lòng bàng hoàng và cảm nhận có điều gì đáng lo. Tôi vội gạt mọi công việc đang làm dở để đến gặp Bác ... Đến nơi, tôi thấy có mấy anh trong Bộ Chính trị đứng bên giường Bác. Nhìn thấy tôi, Bác giơ tay ra, như ý muốn nói chú vào gần đây. Khi nhìn Bác trên giường bệnh, tôi không sao cầm được nước mắt. Bác vẫn còn nhớ đến tôi. Tôi nắm tay Bác, nghẹn ngào... rồi tôi rút tay lại và lùi ra phía sau. Tôi xúc động như sắp phải vĩnh biệt cha mình, nước mắt ràn rụa.
Thế đấy ! Từ lần được bắt tay đón Bác tháng 8/1945, lúc cách mạng mới thành công đến lần bắt tay thứ hai này cũng là lần cuối cùng Bác nắm tay tôi, tôi cầm tay Bác khi Người sắp đi xa (tháng 8/1969). Bác ra đi, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi vào giai đoạn quyết định.
Đó là kỷ niệm hai lần được bắt tay Bác Hồ trong đời tôi không bao giờ quên được!”.
Kể xong câu chuyện trên, nét mặt ông trầm xuống, mắt nhòa lệ. Ông đưa khăn tay chấm mắt ... Tôi như cảm thấy Bác Hồ đang về bên ông ... Tôi cũng lặng đi khi nhìn ông. Câu chuyện ông vừa kể đã đọng lại trong ông nhiều năm tháng, nay tôi mới được nghe ông kể lại.
Các bài viết của ông mang nhiều bút danh khác nhau, ở nhiều thể loại, những bài phân tích, bình luận tình hình trong nước, tình hình thế giới ... Ông là một cây bút chính luận sắc sảo của làng báo cách mạng Việt Nam - nhà báo lão thành Hoàng Tùng./.