Kỷ niệm 58 năm Ngày Bình dân học vụ (8-9-1945-8-9-2003)- Nhớ lời Bác: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”
Từ khi ban hành bộ luật đầu tiên về giáo dục năm 1917, thực dân Pháp đã bãi bỏ các trường học chữ Hán, bãi bỏ thi Hương và thi Hội năm 1919 và bắt đầu học chữ quốc ngữ. Quy mô giáo dục lúc đó quá nhỏ: chỉ có một số con nhà giàu có mới theo học được, vẻn vẹn 2,6% dân số (khoảng 22 triệu người) chủ yếu đào tạo thầy cai, thầy ký và quan lại nhỏ phục vụ cho bộ máy cai trị. Đến năm 1930, theo số liệu của Nha học chính Đông Pháp: “Hơn 95% dân số Việt Nam không biết một thứ chữ gì”. 
Trong tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” viết từ 1921 đến 1925, Nguyễn Ái Quốc đã viết và nói về “chính sách ngu dân” ở chương IX: “Làm cho dân ngu để dễ trị, đó là chính sách ngu dân mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất” rằng “cứ 1000 làng, có đến 1500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện thì chỉ có vẻn vẹn 10 trường học (trường tiểu học lớp 1 - 2 - 3)”. 
Vào năm 1930, trong lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc nêu khẩu hiệu “Thực hành giáo dục toàn dân”, tức là phải phổ cập giáo dục. 
Thực hành lời Nguyễn Ái Quốc kêu gọi, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH) mở nhiều lớp học chữ quốc ngữ cho nhân dân lao động và thanh niên. Trong cao trào cách mạng 1930-1931, công cuộc chống nạn thất học được đẩy mạnh tại các khu Xô-viết. Năm 1938, vào ngày 25-5, lập Hội truyền bá học chữ quốc ngữ, từ Hà Nội đến nhiều tỉnh và thành phố, thu hút hàng vạn người đi học, kết hợp học chữ và phát triển phong trào đấu tranh chống thực dân, giành độc lập. Những yêu cầu khẩn cấp “trường học cho mọi người”, “truyền bá giáo dục”, “chống nạn thất học” đã góp phần tích cực nâng cao dân trí, giác ngộ cách mạng trong nhân dân tiến tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 
Ngay sau ngày độc lập 2-9-1945, ngày 3-9 Hội đồng Chính phủ do Bác Hồ chủ trì họp buổi đầu tiên. Người đưa ra ý kiến: “nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào ta mù chữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. 
Thực hiện chỉ thị của Bác, ngày 8-9-1945 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ đã ký Sắc lệnh số 17: Đặt ra một Bình dân học vụ (BDHV) trong toàn cõi Việt Nam. 
Tiếp đó là các sắc lệnh: 
- Sắc lệnh số 19: Thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. 
- Sắc lệnh số 20: Việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong 1 năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. 
Đầu tháng 10-1945, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học. Người nói: “Hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được? Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí. Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, anh chưa biết thì em bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tu gia… Phụ nữ lại càng cần phải học… phải cố gắng để… xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử…”. 
Lời kêu gọi của vị lãnh tụ kính yêu rất hợp với mong muốn của nhân dân lao động lâu nay bị kìm hãm trong sự ngu dốt, nay được đổi đời đang hăng hái tham gia mọi công việc cách mạng để bảo vệ độc lập, tự do mới giành được. Tư tưởng nhân nghĩa của Bác và lòng dân đã hòa quyện với nhau tạo thành một cao trào chống mù chữ vào cuối năm 1945, trong lúc nạn đói đã từng cướp đi sinh mạng 2 triệu đồng bào ta chưa thật sự chấm dứt và ở miền Nam Tổ quốc, tiếng súng xâm lăng của thực dân, đế quốc lại đã nổ. 
Bí quyết lớn ở tư tưởng Hồ Chí Minh là lòng tin vào sự hiếu học của dân nên trong lúc đất nước còn muôn vàn khó khăn đã tạo nên một kỳ tích vang dội cả thế giới: chỉ sau một năm hoạt động BDHV để chống nạn thất học (8-9-1945-8-9-1946) đã có 2.520.678 người, chủ yếu là người lớn tuổi, đã thoát nạn mù chữ. Đó là việc thực hiện đúng chính sách Dân vận mà Người đã nêu lên từ cách đây hơn nửa thế kỷ, đó là thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vấn đề lúc này đặt ra là lấy đâu ra trường lớp, bàn ghế để tổ chức lớp học, lấy đâu ra học phẩm, giấy bút để phát không cho dân nghèo, lấy đâu ra cho đủ giáo viên và cái khó tưởng chừng khó vượt qua là làm sao để động viên được dân nghèo, chủ yếu là phụ nữ đang cần tiền, cần thời gian để kiếm miếng cơm, manh áo hơn là cần chữ. Quốc khố thì cạn kiệt, nhân dân thì đang thiếu đói. Nhưng rồi với lòng tin tưởng tuyệt đối ở nhân dân khi nhân dân được giác ngộ thì dù khó khăn đến đâu, với khí thế Cách mạng Tháng Tám được sự dìu dắt của Bác Hồ, từ cán bộ đến mọi tầng lớp nhân dân cùng bàn bạc, tìm mọi biện pháp giải quyết. 
Cái khó nhất là động viên được người biết chữ dạy người không biết chữ và những con người này đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cao cả đó. 
Những chiến sĩ diệt dốt ấy được Bác Hồ gọi là “Vô danh anh hùng”, “Họ làm việc không có lương, không vì một danh vọng gì. Lòng hy sinh của họ không bờ bến: hy sinh việc nhà, những phút nghỉ ngơi, những cuộc giải trí và nếu cần cả tiền riêng…” (trích bức thư Bác Hồ ngày 1-5-1946 gửi cán bộ, giáo viên BDHV). Năm 1958, khi hoàn thành kế hoạch xóa mù chữ cho hơn 10 triệu người, Bác Hồ gửi một bức ảnh màu của Người có chữ ký và lời đề “Tặng chiến sĩ diệt dốt” làm phần thưởng cho giáo viên BDHV có thành tích. Người đánh giá “Những công việc đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”. “Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”. 
Bận trăm công ngàn việc như thế nhưng Bác không hô hào chung chung. Bác rất nhiều lần đến thăm các lớp học BDHV và Bổ túc văn hóa (BTVH), đặc biệt là ở các lớp học của những đơn vị tiên tiến, ở các lớp học của bà con nghèo gặp nhiều khó khăn. Nhưng rồi giặc Pháp gây hấn. Theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, toàn dân ta đã nhất tề tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn, Đảng và Bác Hồ vẫn không quên lãnh đạo toàn dân chiến thắng giặc dốt. Các lớp học đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, đi theo các đoàn dân công tiếp vận, theo tuyến giao liên, theo anh bộ đội, bên bếp lửa nhà sàn, trong những lán nhỏ dưới rừng già và thôn bản. Bình dân học vụ còn bám trụ trong lòng địch, trong những vùng tạm bị chiếm, cho đến ngày tiếp quản Thủ đô 1954. 
Sau kế hoạch 3 năm (1956-1958), nhân dân miền Bắc đã xóa xong nạn mù chữ, tiến lên BTVH. Ngày 7-12-1959, Hồ Chủ tịch gửi thư cho cán bộ và giáo viên BTVH: “Muốn xây dựng CNXH thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có văn hóa. Vì vậy, công cuộc BTVH là cực kỳ cần thiết”. Để thực hiện chỉ thị của Người, hàng loạt các trường PTLĐ (phổ thông lao động) và BTCN (bổ túc công nông) ra đời để thực hiện một nội dung rất quan trọng, có tầm nhìn chiến lược của Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người là phải chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, sử dụng, phát động sức mạnh của con người, của nhân dân. Đó là những trường dạy văn hóa cấp II, cấp III cho cán bộ của Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ cấp huyện trở lên và trong tất cả các đơn vị quân đội. Họ là những cán bộ, thanh niên chiến sĩ ưu tú, các anh hùng, chiến sĩ thi đua xuất thân từ công nông. Những người này sau khi tốt nghiệp cấp III, được đào tạo tiếp lên các trường đại học trong và ngoài nước. Rất nhiều người phấn đấu nay đã và đang trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, những nhà quản lý giỏi, những nhà khoa học có tên tuổi trong nước và thế giới. 
Qua nhiều chiến dịch diệt dốt và bổ túc văn hóa, từ chỗ 95% nhân dân không biết một thứ chữ gì, đến ngày 28-12-2000, Nhà nước ta đã công bố với nhân dân, với thế giới, nay hơn 94% nhân dân ta đã xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn quốc gia. Đây là một chặng đường nâng cao dân trí rất đáng tự hào, một mốc son trong lịch sử văn hóa nước nhà. Chính vì những thành tích to lớn ấy, nhân ngày 8-9-1997, ngày Quốc tế chống nạn mù chữ, Hội đồng giải thưởng Quốc tế về xóa nạn mù chữ của tổ chức Liên hợp quốc về giáo dục-khoa học và văn hóa (UNESCO) tổ chức xét duyệt tại Pa-ri (Pháp) và đã quyết định tặng giải thưởng hạng danh dự về xóa mù chữ Roi Sejong cho Việt Nam. Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia trên thế giới được trao giải thưởng danh dự này. 
Một sự trùng lặp kỳ lạ là ngày Quốc tế chống nạn mù chữ 8-9 hàng năm cũng là ngày kỷ niệm bình dân học vụ-ngày giáo dục người lớn tuổi-8-9 ở nước ta. 
Không ai có thể phủ nhận ý nghĩa sâu sắc của tư tưởng nhân nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trong việc chăm lo bồi dưỡng văn hóa cho hàng triệu, triệu trái tim của nhân dân. Chính nhờ đi theo tư tưởng và hành động của Người mà nhân dân ta đã được xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, đã viết được ước mơ ngàn đời của mình, là cơ sở để góp phần xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các tệ nạn xã hội. Chúng ta đã xóa được cho 94% thì 6% còn lại-nhất định nhân dân và Nhà nước ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ, phổ cập tiểu học cho đồng bào ta theo tư tưởng, mong ước và phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Nguyễn Thìn Xuân

(Báo Quân đội nhân dân)
 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website