(ĐCSVN) - Ngày mồng 1 Tết Đinh Mùi (tức 9-2-1967), tại chùa Cảm Ứng (xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn), Hồ Chủ tịch căn dặn: Vào Đảng là để làm đầy tớ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, chứ không phải để thăng quan tiến chức, để làm giàu cho cá nhân mình". Bốn mươi năm đã qua, lời chỉ bảo của Người vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa to lớn trong xây dựng chỉnh đốn Đảng và trong công cuộc đổi mới đất nước.
"Tam Sơn là đất ba gò
Của trời vô tận, một kho nhân tài"
Nhân dân Tam Sơn rất đỗi tự hào về truyền thống hiếu học, khoa bảng và cử nghiệp với 17 tiến sỹ có tài kinh bang tế thế, trong đó có 2 trạng nguyên và "xét khoa bảng huyện Đông ngàn, chỉ xã này có đủ tam khôi" (Theo Đại Nam Nhất Thống Chí). Tam Sơn là quê hương đồng chí Ngô Gia Tự, người chiến sỹ Cộng sản kiên cường, một trong những người sáng lập Đảng ta. Cách đây 40 năm, tại Cảm Ứng tự (tức chùa Tam Sơn), Đảng bộ và nhân dân trong xã lại vinh dự được thay mặt nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Bắc (tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hợp nhất) đón Hồ Chủ tịch về thăm và chúc tết nhân dân, cán bộ trong tỉnh.
Chùa Cảm Ứng là một danh lam cổ trị, có hàng nghìn năm tuổi, từ cuối thời Tiền Lê, đầu thời Lý (thế kỷ X, XI) đã là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, tại đây nhiều vị cao tăng đã đắc đạo và có những đóng góp đáng kể vào việc tạo lập, củng cố vương triều Lý, phát triển nền văn hoá dân tộc.
Từ sáng sớm ngày 9-2-1967 (tức ngày mồng một Tết Đinh Mùi) đại biểu các tầng lớp nhân dân Tam sơn đã cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã quần áo chỉnh tề đứng chật sân chùa. Khoảng 9-10 giờ, bỗng ai đó nói to: Bác đã đến!. Mọi người hướng về mấy chiếc ô tô đang chầm chậm dừng lại đọan đường lên chùa. Từ trong xe bước ra, Bác giơ tay vẫy chào những người ra đón. Ai nấy đều hân hoan, vui mừng thấy Bác khoẻ mạnh, vẫn bộ quần áo kaki bạc mầu, giản dị, chiếc khăn len quàng cổ, đôi dép cao su đen quen thuộc.
Gặp các cụ phụ lão đang trồng cây, Bác dừng lại hỏi:
- Các cụ trồng mấy thứ cây ?
Một cụ kính cẩn:- Thưa Bác, chúng tôi trồng 6 thứ: xoan, phi lao, bạch đàn, nhãn, xà cừ, chuối.
Bác lại hỏi: - Các cụ trồng tất cả được bao nhiêu cây, sống được bao nhiêu ?
-Thưa Bác, trồng được 4 vạn cây và sống 3 vạn cây, vào khoảng 90% ạ!
Bác vui vẻ giải thích: - Ba vạn cây thì chỉ sống được 75% thôi, tôi đề nghị các cụ trồng cây nào chăm tốt cây ấy.
Bác sỹ Ngô Thị Liên, hiện là Trưởng khoa khám bệnh, bệnh viện Đông y tỉnh Bắc Ninh, xúc động kể lại: Năm ấy, bà là một trong 6 học sinh giỏi của Trường cấp II Liên Sơn (nay là Tam Sơn) được chọn cùng với đội thiếu niên quàng khăn đỏ của quê hương "Nghìn việc tốt" ra đón Bác. Cả đội thiếu niên như đàn chim non ríu rít vây quanh Bác. Như người ông đi xa mới về, Bác xoa đầu các cháu, xem mũ rơm. Dừng lại bên Nguyễn Toàn Thắng (hiện là giáo sư, tiến sỹ, Viện trưởng Viện vật lý nguyên tử), Bác hỏi:
- Cháu học lớp mấy rồi ?
Thắng lễ phép:- Dạ thưa Bác, cháu học lớp 7 ạ!
Bác lại hỏi:- Cháu học có giỏi không ? Có được giải thưởng của Bác chưa ?
- Thưa Bác có ạ !
*
Tạm biệt các cháu thiếu niên, Bác vào sân chùa nói chuyện với hơn 400 cán bộ chủ chốt của tỉnh, các huyện, thị xã và đại biểu nhân dân xã Tam Sơn.
Theo tài liệu "Bác Hồ với Bắc Ninh" do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Ninh xuất bản tháng 5 năm 2000, sau khi khen ngợi những ưu điểm của Hà Bắc trong sản xuất lương thực, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bắn rơi 55 máy bay Mỹ, Bác nói :"Hà Bắc có nhiều ưu điểm và cũng có nhiều khuyết điểm. Có những khuyết điểm là do đâu ? Do cán bộ chưa gương mẫu". Được biết Hà Bắc còn 56% đảng viên chưa phải là "đảng viên 4 tốt", Bác phân tích: "Đảng viên không 4 tốt thì vào Đảng để làm gì? Đảng ta là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân, để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng. Vào đảng là để làm đầy tớ, phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, chứ không phải để thăng quan, tiến chức, để làm giàu cho cá nhân mình". Bác căn dặn: "Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải tôn trọng dân chủ, nhưng đồng bào phải đòi quyền dân chủ của mình. Mình làm cách mạng là để thực hiện dân chủ, không phải làm cách mạng để thành "cán chủ". Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy cái tệ quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí...Mong rằng các đồng chí đảng viên, đoàn viên, cán bộ cố làm như những lời Bác vừa nói và đồng bào phải giám đốc, phải đốc thúc cán bộ, đảng viên, đoàn viên làm như thế".
Bốn mươi năm trôi qua, "cây đa Bác Hồ" được trồng ngay trong ngày Bác về thăm, được cán bộ và nhân dân xã Tam Sơn, nhất là các thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng- quê hương của phong trào "Nghìn việc tốt"- trong nom, chăm sóc, nay cành lá xum xuê, toả bóng xuống ao Mắt Rồng lăn tăn sóng biếc. Vừa qua, Đảng uỷ, UBND xã Tam Sơn đã đầu tư nhiều triệu đồng nạo vét, cải tạo lại ao, bó vỉa và lát gạch xung quanh ao, tu sửa di tích chùa Cảm Ứng, tạo nên một phong cảnh "Sơn thuỷ hữu tình" bên cây đa lịch sử. Dưới tán Cây đa Bác Hồ, nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng và học sinh đã được nghe kể lại lần Bác về Tam Sơn, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, được nhân dân Việt Nam kính trọng và nhân loại toàn thế giới khâm phục.
"Cây đa Bác Hồ", một biểu tượng tinh thần động viên, cổ vũ đảng bộ và nhân dân xã Tam Sơn, vượt qua khó khăn thử thách, xây dựng và phát triển. Từ độc canh lúa, nhân dân Tam Sơn đã tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, bố trí lại cơ cấu cây trồng, chuyển gần 90% diện tích canh tác sang cấy lúa nếp thương phẩm, nâng giá trị thu nhập 1 ha lên gần 40 triệu đồng, trên 200 hộ nuôi gà công nghiệp, Tam Sơn vẫn là một xã duy trì thường xuyên phong trào trồng cây, mỗi năm trồng mới hàng chục nghìn cây, 66,1% lao động đã chuyển sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đường liên xã đã được rải nhựa, các đường liên thôn và đường làng, ngõ xóm đều đổ bê tông hoặc lát gạch. Học sinh được đến lớp và phổ cập đúng độ tuổi, trên 10% dân số có trình độ cao đẳng, đại học, trong đó có hơn 20 tiến sỹ, 2 giáo sư, 1 anh hùng lao động, một số đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Toàn xã đã xoá được hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 4%. Tam Sơn là một trong những làng văn hoá tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh. Đảng bộ xã Tam Sơn gồm 150 đảng viên, nhiều năm liền là đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hầu hết đảng viên nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, gữ gìn phẩm chất, đạo đức, sống hoà mình với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân, được nhân dân tin yêu, mến phục.
Bốn mươi năm đã trôi qua, những lời chỉ bảo, căn dặn ân cần của Bác tại chùa Cảm Ứng (xã Tam Sơn) ngày mồng một Tết Đinh Mùi-1967, vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa to lớn trong xây dựng chỉnh đốn Đảng và trong công cuộc đổi mới đất nước./.
HỒNG MINH (CTV)