Trung tướng, GS triết học Lê Xuân Lựu
Báo cáo Chính trị Đại hội IX của Đảng khẳng định : "Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác -
Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Đồng thời, Báo cáo Chính trị chỉ ra : "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại". Báo cáo Chính trị cũng khái quát hệ thống quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Để góp phần làm rõ hơn bản chất và nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, trong phạm vi bài báo nhỏ này, xin đi sâu vào 2 vấn đề cốt lõi : Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng nước ta, việc bổ sung và phát triển nó.
A - Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh
Qua nhiều công trình nghiên cứu và nhiều cuộc thảo luận, đến nay hầu như đã có sự nhất trí về 3 nguồn gốc sau đây của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa và nhân ái Việt Nam, những tinh hoa văn hóa nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nhưng khi đề cập đến vai trò, vị trí của mỗi yếu tố vẫn còn ý kiến khác nhau.
Để thấy được yếu tố nào là nguồn gốc nền tảng và chủ yếu nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, không thể đâu khác ngoài việc tìm nó ở sự hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh ; ở hoạt động của Người trong suốt cả cuộc đời cách mạng và ở những khẳng định của Người về vai trò nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với Đảng Cộng sản ; vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và đối với thắng lợi mà cách mạng Việt Nam đã giành được.
Chúng ta biết rằng, sau hàng chục năm bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nghiên cứu và tiếp thu nó. Từ đó đã diễn ra một bước ngoặt trong tư tưởng cách mạng của Người, hình thành ở Người chủ nghĩa yêu nước kiểu mới dựa trên hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lê-nin con đường giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay.
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là nguồn gốc duy nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng là nguồn gốc nền tảng và chủ yếu nhất. Chính nguồn gốc này đã đưa tinh thần yêu nước ở Hồ Chí Minh lên tầm cao mới của thời đại, vượt ra khỏi những hạn chế của nhiều sĩ phu yêu nước trước đây. Và cũng chính trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và phát triển chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống văn hóa và nhân ái Việt Nam, những tinh hoa văn hóa nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng của mình, truyền bá nó vào Đông Dương, mà đã hoạt động không mệt mỏi để thành lập Đảng Cộng sản. Suốt cả cuộc đời hoạt động của Người, Người đã chăm lo giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho cán bộ, đảng viên, cho nhân dân ta để làm cho nó thực sự trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta, trở thành hệ tư tưởng thống trị trong Đảng và trong xã hội ta. Người đặc biệt quan tâm xây dựng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên lòng tuyệt đối trung thành với bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nhờ vậy mà Đảng ta luôn luôn có được đường lối, chủ trương chính sách đúng đắn, ít phạm sai lầm về chính trị ; đội ngũ đảng viên, nhân dân tiếp thu và thực hiện tốt đường lối, nhiệm vụ nên cách mạng nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Khi nói về vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra : Cách mạng muốn thành công thì phải có đảng cách mạng lãnh đạo. Đảng đó phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng của mình ; vì rằng : "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin".
Khi nói về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã khẳng định : Đó là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Khi tổng kết kinh nghiệm thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Người đã kết luận : Chúng ta giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng : ... chúng ta giành được thắng lợi đó trước hết là nhờ có cái vũ khí không gì thay đổi được là chủ nghĩa Mác - Lê-nin" v.v...
Tất cả những điều nêu ra trên đã chứng minh rằng : tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nguồn gốc nền tảng và chủ yếu nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh.
B - Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, bổ sung và phát triển nó
Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhưng nó không phải là phép màu có sẵn, đủ đáp án cho mọi cuộc cách mạng, mà nó chỉ là kim chỉ nam sinh động cho hành động. Những người cộng sản phải vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn của cách mạng nước mình để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cách mạng đang đặt ra.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn lấy thực tiễn của cách mạng Việt Nam, tính chất của thời đại làm cơ sở cho tư duy khoa học của mình. Người tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhưng sự trung thành đó là trung thành với bản chất cách mạng và khoa học của nó, chứ không phải trung thành một cách giáo điều máy móc. Sự trung thành đó thể hiện ở sự sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc sau khi nửa nước được giải phóng.
Tư tưởng của Người và chiến lược, sách lược về cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, về chiến tranh giải phóng dân tộc, về xây dựng Đảng ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến đã được thể hiện hầu như trọn vẹn, còn cuộc cách mạng xã hội chỉ mới được một phần, vì miền Bắc mới bước vào chặng đường đầu của thời kỳ quá độ và công cuộc xây dựng đó chủ yếu nhằm làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xác định đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ; trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng và trong công cuộc xây dựng Đảng ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến rất lớn lao :
1 - Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết thành công đường lối cách mạng ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.
Nếu như ở các nước tư bản phát triển, mâu thuẫn cơ bản trong xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, thì ở một nước thuộc địa như nước ta, mâu thuẫn cơ bản trong xã hội là mâu thuẫn giữa dân tộc và ách thống trị của chủ nghĩa thực dân.
Nếu như vấn đề dân tộc là vấn đề thứ yếu trong nội dung của chủ nghĩa Mác so với vấn đề giải phóng giai cấp công nhân, thì ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến, vấn đề dân tộc lại có một vị trí khác.
Khi nước ta còn là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra mối quan hệ giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc và cho rằng : một khi đất nước bị ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, thì không có lợi ích giai cấp nào nằm ngoài lợi ích dân tộc và bất cứ một giai cấp nào muốn trở thành giai cấp thống trị, trước hết phải tự mình trở thành dân tộc, nên đã nắm lấy và giương cao ngọn cờ dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trước tiên và chủ yếu cho cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đồng thời, nhận thức được tính chất của thời đại mới, mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười, Người khẳng định, chân lý của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Người đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng thế giới, đề ra đường lối của cách mạng Việt Nam là thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, rồi tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Người chỉ ra mối liên hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng "chính quốc". Người coi cách mạng "chính quốc" và cách mạng thuộc địa như đôi cánh của một con chim và Người cũng đã nêu lên khả năng cách mạng thuộc địa có thể thành công trước cách mạng "chính quốc".
Rõ ràng ở Người, có sự kết hợp nhuần nhuyễn và sâu sắc vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, dân tộc với quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, cách mạng thuộc địa với cách mạng "chính quốc".
Tư tưởng "không có gì quý hơn độc lập tự do" của Người bao trùm lên các quá trình cách mạng Việt Nam : Đường lối của Người xuyên suốt cuộc cách mạng là "giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Quan niệm của Người trong cuộc đấu tranh là "cách mạng là tiến công", "kết hợp chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế trong sáng", "độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, nhưng biết tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế".
Trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, tư tưởng của Người là triệt để thực hiện các nguyên tắc sau đây :
Sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng ; Mặt trận dân tộc thống nhất lấy liên minh công nông làm nền tảng và không ngừng củng cố, mở rộng theo yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng đến sự lãnh đạo của giai cấp công nhân ; mặt trận nhân dân 3 nước Đông Dương ; mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam ; triệt để lợi dụng mâu thuẫn kẻ thù, phân hóa chúng cao độ trong quá trình cách mạng.
Phải chăm lo xây dựng nhà nước vững mạnh. Nhà nước đó là nhà nước "của dân, do dân và vì dân". Nhà nước đó dựa trên cơ sở công nông liên minh, do giai cấp công nhân lãnh đạo, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và quản lý xã hội bằng pháp luật.
Người cho rằng, để phát huy được tính tích cực, sáng tạo của quần chúng nhân dân, phải thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, kiên quyết đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền, hách dịch, tham ô, lãng phí... Người coi đó là những thứ "giặc nội xâm".
Trên nền tảng lực lượng cách mạng là đoàn kết toàn dân, lấy liên minh công nông làm nòng cốt, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân mang bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, có phẩm chất cách mạng tốt đẹp, có năng lực chiến đấu giỏi "trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Phương pháp cách mạng của Người là : biết thắng kẻ địch từng bước, biết phát huy sức mạnh tổng hợp, biết tạo thời cơ và nắm thời cơ.
2 - Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta phải trải qua hai cuộc kháng chiến mới giành được thắng lợi. Kế thừa truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, học tập kinh nghiệm chiến tranh của các nước anh em, vận dụng sáng tạo học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn của chiến tranh cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, phải lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy thô sơ thắng hiện đại.
Hạt nhân của sự sáng tạo trong tư tưởng quân sự của Người là phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân - sức mạnh đó là sức mạnh của các yếu tố : chính trị, tinh thần, tổ chức, con người, vũ khí - kỹ thuật và cách đánh của lực lượng vũ trang và các hình thức, phương pháp đấu tranh của quần chúng nhân dân.
Tư tưởng về chiến tranh nhân dân của Người hết sức phong phú, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao, kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với đấu tranh vũ trang, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, đánh địch khắp nơi, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh của các binh đoàn chủ lực, kết hợp đánh lớn, đánh vừa đánh nhỏ và đánh địch khắp nơi, kết hợp tác chiến với địch vận. Về lực lượng vũ trang gồm 3 thứ quân : bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.
Tất cả các hình thức và biện pháp đấu tranh của chiến tranh nhân dân là một thể thống nhất tạo thành sức mạnh tổng hợp để tiến công tiêu diệt quân thù. Tư tưởng chiến lược tiến công đó là hạt nhân cơ bản của nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Tư tưởng tiến công đó bắt nguồn từ truyền thống bất khuất của dân tộc ta, từ tinh thần "không có gì quý hơn độc lập tự do" và ý chí "quyết chiến, quyết thắng" của quân và dân ta và khả năng thực hiện nó một khi biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh toàn dân và toàn diện.
Đi đôi với phát huy sức mạnh tổng hợp, Người còn chỉ ra phương pháp biết đánh thắng địch từng bước cho đúng ; biết tạo thời cơ, nắm thời cơ và có phương hướng chiến lược chính xác. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, phương hướng chiến lược đó là : đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Thực tiễn của cuộc chiến tranh đã diễn ra như vậy.
Những sáng tạo trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong cuộc chiến đấu của một dân tộc, người không đông, đất không rộng, kinh tế nghèo nàn, khoa học kỹ thuật lạc hậu, phải lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy thô sơ thắng hiện đại, để đánh bại 2 tên đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực kinh tế, quốc phòng đồ sộ, có khoa học - kỹ thuật hiện đại, có đội quân nhà nghề được huấn luyện kỹ và được trang bị đến tận răng là một sự kiện nổi bật của thế kỷ XX, và là một cống hiến xuất sắc vào học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
3 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Cũng là những nguyên lý mác xít lê-nin-nít về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, nhưng ở Người có rất nhiều sáng tạo đặc sắc.
Nếu như ở các nước tư bản phát triển, Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân thì ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Trong điều kiện xã hội thuộc địa nửa phong kiến của nước ta, nền sản xuất nhỏ là chủ yếu và sự ra đời của Đảng là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước thì tất yếu thành phần xã hội của đội ngũ đảng viên không giống như thành phần xã hội của đội ngũ đảng viên ở các nước tư bản phát triển. Nếu như thành phần xã hội của đội ngũ đảng viên ở các nước tư bản phát triển là công nhân, chủ yếu là công nhân đại công nghiệp, thì thành phần xã hội của đội ngũ đảng viên của Đảng ta chủ yếu là từ nông dân và tiểu tư sản.
Để khắc phục nhược điểm này, Người chỉ ra : tuy Đảng ta không thành phần chủ nghĩa, nhưng không thể không cải thiện thành phần giai cấp trong Đảng bằng cách tăng cường kết nạp đảng viên từ giai cấp công nhân, đồng thời phải lấy phương hướng chủ yếu trong xây dựng Đảng là chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính tiên phong của người cộng sản cho đội ngũ đảng viên một cách thường xuyên và có hệ thống.
Để xây dựng bản chất giai cấp công nhân của Đảng, Người chỉ rõ, phải xây dựng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Xây dựng về chính trị là phải thường xuyên giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đó làm rõ ta, bạn, thù, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, giải quyết đúng đắn, mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa chủ nghĩa yêu nước và tình cảm quốc tế chủ nghĩa, giữa lý tưởng độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Đặc biệt là làm rõ mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc để giải quyết đúng đắn mối quan hệ trong nội bộ Đảng, trong nội bộ phong trào cách mạng và làm cho cán bộ, đảng viên không mơ hồ giai cấp, không hữu khuynh, cũng như không cực đoan "tả" khuynh mà biết chăm lo tập hợp lực lượng cách mạng vào mặt trận dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nông làm nền tảng và biết ngăn ngừa chủ nghĩa dân tộc cực đoan bắt nguồn từ một xã hội nông dân và tiểu tư sản.
Xây dựng Đảng về tư tưởng là chăm lo giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin - hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, làm cho nó trở thành hệ tư tưởng thống trị trong Đảng. Hệ tư tưởng đó trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thế giới quan và phương pháp luận khoa học để xem xét và giải quyết các vấn đề của cách mạng và của đời sống.
Xây dựng Đảng về tổ chức là nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Tập trung ở đây là tập trung trên cơ sở dân chủ, chứ không phải tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán cá nhân. Dân chủ ở đây không phải là dân chủ hình thức hay dân chủ cực đoan, mà là dân chủ thực sự nhằm phát huy trí tuệ của mọi người đóng góp vào việc chung nhất là đề ra đường lối, chủ trương chính sách của Đảng. Thực hiện tập trung dân chủ là nhằm làm cho sự thống nhất về tư tưởng được bảo đảm bằng sự thống nhất về tổ chức.
Cùng với phương hướng xây dựng trên đây, Người còn hết sức quan tâm đến việc lãnh đạo thực hiện nguyên tắc lãnh đạo và nguyên tắc sinh hoạt để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng thực sự là của tập thể, chứ không phải do cá nhân áp đặt và phê bình, tự phê bình thực sự là quy luật phát triển của Đảng.
Người đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Ngay sau khi giành được chính quyền, Người gửi thư cho các địa phương chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của từng nơi. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tại Hội nghị cán bộ lần thứ 6 (tháng 11-1949), Người đặt ra nhiệm vụ trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng và trong Di chúc của Người trước lúc đi xa, Người đã căn dặn lại điều này.
Tư tưởng về Đảng Cộng sản : "vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" là tư tưởng xuyên suốt sự nghiệp xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó đòi hỏi phải xây dựng Đảng cả về phẩm chất và năng lực.
Người coi "Đảng Cộng sản là hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc". Đảng phải thường xuyên chăm lo nâng cao trí tuệ để đề ra được đường lối đúng đắn, đưa cách mạng đến thắng lợi, làm cho "Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Đó là mục tiêu chiến đấu của Đảng, vì Đảng "không có mục đích nào khác ngoài lợi ích của quần chúng nhân dân".
Đảng chỉ có thể tập hợp được lực lượng quần chúng một khi Đảng có chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn, bảo đảm cho cách mạng thành công, làm cho mọi người "có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc". Vì thế, Đảng phải có lý luận tiên phong, biết làm giàu trí tuệ của mình bằng toàn bộ trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng "Đảng là trí tuệ, là văn minh", "là người đầy tớ của nhân dân", Đảng phải "một lòng một dạ phục vụ nhân dân", "Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài" mà phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, "làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng", là tư tưởng xuyên suốt sự nghiệp xây dựng Đảng của Người. Người coi đó là mục tiêu chiến đấu, lý do ra đời, tồn tại và là nguồn sức mạnh của Đảng.
Để làm được điều đó, Đảng phải thực sự trung thành với giai cấp và dân tộc, có mối liên hệ máu thịt với nhân dân. Mối liên hệ này chẳng những được bắt nguồn từ đường lối, chủ trương chính sách đúng đắn phản ánh được nguyện vọng và lợi ích của quần chúng nhân dân, mà còn thông qua hoạt động và cuộc sống hàng ngày của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất và năng lực của cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng sâu sắc đến niềm tin và sự gắn bó của quần chúng nhân dân với Đảng. Vì thế, Người chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cả về phẩm chất và năng lực. Đặc biệt là chăm lo xây dựng "tư cách người cách mạng". Tư cách đó có phần đối với mình, đối với người và đối với việc. Nó bao gồm đạo đức : cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư ; tận tụy quên mình ; kiên trì, bất khuất ; khiêm tốn, giản dị, thương yêu người, nâng đỡ người, gần gũi mọi người. Để xây dựng được tư cách người cách mạng, người cộng sản phải chống chủ nghĩa cá nhân vì nó là căn "bệnh mẹ" đẻ ra muôn vàn bệnh tật khác.
Đảng phải chăm lo xây dựng phong cách cho cán bộ, đảng viên. Những phong cách đó là : Lời nói phải đi đôi với việc làm ; đảng viên phải nêu gương cho quần chúng : "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" ; lý luận đi đôi với thực tiễn, nhận thức thế giới để cải tạo thế giới.
Việc xây dựng thành công Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến là yếu tố hàng đầu để Đảng ta có thể lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và là cống hiến về lý luận và thực tiễn vào học thuyết xây dựng Đảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sau là nhà yêu nước vĩ đại, là người cộng sản chân chính, nhà lãnh đạo thiên tài có nhiều sáng tạo xuất sắc trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những tinh hoa tư tưởng của Người là một tài sản vô giá của Đảng ta, của dân tộc ta, mãi mãi soi sáng cho sự nghiệp của chúng ta và là những cống hiến xuất sắc về lý luận và thực tiễn vào kho tàng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Tạp chí Cộng sản, số 10, tháng 5/2001