Bình Yên là 1 trong 6 xã vùng căn cứ địa cách mạng (ATK) Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang), là xã có nhiều di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong những năm kháng chiến đầy gian khổ, khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc Nùng, Cao Lan, Tày ở Bình Yên đã một lòng son sắt đi theo Đảng, theo Bác, giữ gìn bí mật an toàn cho khu "cơ quan Trung ương" và bảo vệ, giúp đỡ cách mạng.
Ông Trần Quang Vinh ở thôn Lập Bình (nơi có rừng Thác Dẫng) vẫn nhắc mãi lần gặp Bác Hồ vào năm 1949. Năm ấy ông còn nhỏ. Một hôm cậu bé Vinh đi chăn trâu thì gặp Bác Hồ đang trên đường đi công tác. Bác chống gậy đi bộ cùng người chiến sỹ bảo vệ. Thấy cậu bé chăn trâu, Bác dừng lại hỏi: "Cháu mấy tuổi rồi? Đã đi học chưa? ". Cậu bé Vinh nhận ra Bác Hồ qua gương mặt, chòm râu và đôi mắt hiền từ, cậu lễ phép thưa:- Dạ thưa Bác, cháu năm nay 13 tuổi, cháu có đi học ạ. Bác vui mừng gật đầu khen cháu ngoan, biết đi học và biết giúp bố mẹ việc nhà... Những lời dạy của Bác Hồ đã theo ông Vinh đi suốt cuộc đời. Vâng lời Bác dạy dù ở mặt trận cầm súng bảo vệ Tổ quốc hay làm kinh tế xây dựng gia đình ông đều hoàn thành nhiệm vụ. Những lời dạy của Bác năm xưa đến nay đã 55 năm, tuy tuổi đã cao nhưng ông Vinh vẫn nhớ. Ông thường đem lời dạy bảo này của Bác để nhắc nhở cháu con chăm học, chăm làm để trở thành người công dân tốt.
Ở Bình Yên không riêng ông Vinh mà còn có nhiều người khác như ông Lưu Đình Thi, Lưu Văn Mai, Trần Văn Thân, Triệu Phúc Đường, Trần Ngọc Đại, bà Vi Thị Liên... cũng đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Hình ảnh Bác Hồ áo nâu, túi vải, khăn mặt vắt vai, tay chống gậy đi bộ nhanh nhẹn... mãi mãi khắc sâu trong mỗi người dân Bình Yên. Ông Trần Ngọc Đại là du kích được Bác tặng tấm ảnh có chữ ký của Người. Ông kể: Tại Thác Dẫng, sau giờ làm việc hàng ngày Bác lại cùng cán bộ, chiến sỹ làm vườn, tưới rau, nuôi gà và chơi thể thao... Ông mãi không quên hình ảnh giản dị của Bác trong những năm tháng ở Thác Dẫng.
Chủ tịch UBND xã Bình Yên Hoàng Văn Dung cho biết: Nhớ lời Bác dạy, nhân dân các dân tộc ở Bình Yên đã đoàn kết một lòng đi theo Đảng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương. Bình Yên có nhiều khởi sắc đi lên là do những năm gần đây xã đã quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong sản xuất lương thực, xã gieo cấy đúng lịch thời vụ, đưa trên 60% diện tích vào gieo trồng lúa lai, ngô lai nên đạt năng suất, sản lượng cao hơn trước, đưa bình quân lương thực hàng năm từ 327 kg/người lên trên 400 kg/người. Giải quyết được vấn đề lương thực, Bình Yên đầu tư phát triển cây chè, mía và cây ăn quả, đẩy mạnh chăn nuôi lợn, cá và nhất là nuôi bò. Xã đã mạnh dạn chuyển 27 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Để phát triển nhanh sản xuất, xã và nhân dân trong xã đã từng bước cơ khí hóa nhiều khâu công việc như mua sắm máy làm đất, mua sắm ô tô vận tải, máy kéo, xây dựng trạm bơm thủy lợi, mua sắm máy bơm điện loại nhỏ, máy xay xát, máy tuốt lúa.v.v... phục vụ sản xuất. Bình Yên hiện nay đã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế xây dựng kiên cố, khang trang. Bản nào trong xã cũng có nhà văn hóa, có trường mẫu giáo, mầm non. Chợ
Bình Yên đông vui vừa là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa vừa là nơi giao lưu văn hóa của các dân tộc trong vùng.
Nhớ Bác, thực hiện theo lời Bác dạy, khu căn cứ địa cách mạng Bình Yên đang vững bước đi theo con đường Bác Hồ đã chọn./.
Văn Minh
(TTXVN)