Ph. Ăngghen (1820 - 1895) là nhà lý luận chính trị và nhà khoa học người Đức, người đã cùng với C. Mác sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản. Ông và C. Mác là đồng tác giả bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, nhưng Ph. Ăngghen lại đề nghị học thuyết của hai người được mang tên C. Mác, đó là sự khiêm nhường hiếm thấy của một thiên tài.
Mặc dù học rất xuất sắc nhưng khởi đầu, Ph. Ăngghen chỉ có bằng tú tài vì ông vâng lời cha, nghỉ học để làm nghề kinh doanh. Từ thực tiễn, ông nhận ra sự bất công của xã hội tư bản, mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp tư sản với những người lao động làm thuê. Với trái tim nhân hậu và bầu nhiệt huyết của một thanh niên khát khao chân lý, ông đã từng bước nâng cao trình độ bằng cách tự học. Và ông đã vượt lên, đạt tới trình độ thực học của một trí thức tiêu biểu của giai cấp vô sản và nhân loại.
Quan sát đời sống của giai cấp công nhân, Ph. Ăngghen đã phân tích các quan hệ xã hội, quan hệ giai cấp trong xã hội lúc đó và chỉ ra mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở đó, Ph. Ăngghen lần đầu tiên đưa ra tư tưởng về tính tất yếu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; tính quốc tế của cuộc cách mạng này.
Trong những tác phẩm viết chung với C. Mác cũng như những tác phẩm của riêng mình, những luận điểm quan trọng nhất của triết học mác-xít đã được Ph.Ăng-ghen trình bày một cách có hệ thống, đầy sức thuyết phục. Đồng thời, Ph. Ăngghen cũng đã chỉ ra ý nghĩa lớn lao của triết học đối với hoạt động thực tiễn của con người. “Gia đình thần thánh” là tác phẩm lý luận viết chung đầu tiên của Ph. Ăngghen và C. Mác, có vị trí quan trọng trong quá trình hình thành các quan điểm triết học và chính trị xã hội của học thuyết Mác.
Trong tác phẩm này, Ph. Ăngghen đã cùng với C. Mác một lần nữa khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản và chỉ ra rằng, chính địa vị của giai cấp vô sản trong xã hội tư sản hiện đại đã quy định vai trò, sứ mệnh đó. Tiếp tục phát triển những tư tưởng đã trình bày trong “Gia đình thần thánh”, ở “Hệ tư tưởng Đức”, tác phẩm viết chung thứ hai của Ph. Ăngghen và C. Mác, thế giới quan và phương pháp luận mới - quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử đã được trình bày một cách đầy đủ, toàn diện và có hệ thống dưới hình thức phê phán những quan điểm triết học của phái Hê-ghen trẻ.
Trên cơ sở quan niệm duy vật về lịch sử, Ph. Ăngghen và C. Mác đã đặt ra những vấn đề về cách mạng vô sản, những nét cơ bản của xã hội cộng sản tương lai. Những kết luận khoa học được trình bày trong tác phẩm đó là cơ sở lý luận cho hoạt động thực tiễn cách mạng của hai ông.
Với sự chỉ đạo sát sao và sáng suốt của C. Mác và Ph. Ăngghen, Đại hội lần thứ II của Liên đoàn Những người cộng sản (29/11/1847) đã kết thúc thắng lợi với việc thông qua bản Điều lệ, trong đó, thể hiện toàn bộ những kế hoạch cải tổ Liên đoàn do C. Mác và Ph. Ăngghen đề xướng. Đại hội đã trao cho C. Mác và Ph. Ăngghen nhiệm vụ soạn thảo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” cũng chính là cương lĩnh của Liên đoàn. Ph. Ăngghen đã cùng với C. Mác hoàn thành nhiệm vụ này một cách xuất sắc (1848).
Sau khi C. Mác từ trần (1883), Ph. Ăngghen đã tập trung sức lực và trí tuệ tiếp tục sự nghiệp tổ chức, giác ngộ giai cấp công nhân, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác. Một trong những cống hiến to lớn của Ph. Ăngghen là ông đã đảm đương một khối lượng công việc vô cùng nặng nề, khó khăn để chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản quyển II, quyển III bộ “Tư bản” - tác phẩm kinh tế - chính trị học vĩ đại nhất của thế kỷ.
Đánh giá công lao của Ph. Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân thế giới, V. I. Lênin viết: “Sau C. Mác, Ph. Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”. Tuy vậy, với đức tính khiêm nhường, đã nhiều lần Ph. Ăngghen tuyên bố ông chỉ là một “cây vĩ cầm nhỏ bé” bên cạnh C. Mác. Thực tế, với những tác phẩm viết riêng, cùng những tác phẩm viết chung và những tác phẩm viết sau khi C. Mác từ trần, chứng tỏ Ph. Ăngghen là “một nhà bác học thiên tài” (từ của C. Mác gọi Ph. Ăngghen).
Tài năng và đức độ của ông, tình bạn cao cả, vĩ đại của ông với C. Mác là tấm gương sáng cho những người cộng sản và nhân loại trên toàn thế giới.
Theo Báo Hà Tĩnh online