Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 3/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
  • Về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
  • 12/CT-TTg
  • Chỉ thị
  • Đầu tư - Xây dựng
  • 03/04/2017
  • 03/04/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Nguyễn Xuân Phúc
Nội dung:

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KHU HÀNH CHÍNH TẬP TRUNG TẠI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương và một số cơ chế chính sách nhằm xây dựng và từng bước hiện đại hóa công sở của các cơ quan hành chính nhà nước để thực hiện mục tiêu cải cách, hiện đại hóa nền hành chính. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng công sở nhà nước đã được ban hành tương đối đầy đủ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng đã quan tâm triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới công sở; một số địa phương đã triển khai thủ tục và thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động, cải thiện điều kiện làm việc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp; góp phần chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, trong công tác đầu tư xây dựng công sở và khu hành chính tập trung còn có một số tồn tại, hạn chế: Một số dự án đầu tư chưa phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; việc xử lý, sắp xếp các trụ sở cũ và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả; quy mô đầu tư chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định, gây lãng phí.

Để khắc phục các tồn tại, bất cập và bảo đảm hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm ngân sách nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Tạm dừng khởi công mới các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thuộc nhóm A trong giai đoạn 2017 - 2020, trừ những trường hợp đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Dự án có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 -2020 của địa phương; đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; phù hợp với khả năng tự cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 và thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác;

- Phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có phương án tổng thể về xử lý, sắp xếp lại công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.

2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung thuộc nhóm A đã khởi công xây dựng và đang thực hiện dở dang:

a) Các địa phương được phép tiếp tục triển khai đối với trường hợp sau đây:

- Các dự án chuyển tiếp có sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đảm bảo bố trí được nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, không yêu cầu hỗ trợ ngân sách trung ương; việc triển khai dự án không ảnh hưởng đến các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Các dự án chuyển tiếp đang được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công chuyển đổi hình thức đầu tư sang hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CPngày 14 tháng 02 năm 2015  của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư hoặc được điều chỉnh quy mô dự án phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương.

- Các dự án thực hiện theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư được ký kết hợp đồng trước ngày ban hành Chỉ thị này.

b) Trường hợp dự án chuyển tiếp thuộc nhóm A nhưng không đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, không thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư hoặc điều chỉnh quy mô dự án, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương thì phải tạm dừng thực hiện dự án.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung thuộc nhóm B và nhóm C đang triển khai thực hiện: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng hoặc tiếp tục triển khai trên cơ sở bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật có liên quan và khả năng cân đối vốn đầu tư.

4. Việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung phải gắn với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính, công chức, công vụ; nâng cao hệ số cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Khuyến khích đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) để thay thế cho đầu tư từ ngân sách nhà nước.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ được phép quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:

a) Trụ sở các cơ quan hành chính hiện tại không đáp ứng yêu cầu sử dụng theo một trong các tiêu chí sau:

- Diện tích làm việc của cán bộ, công chức dưới 70% so với tiêu chuẩn, định mức quy định.

- Trụ sở hiện có đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng không đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng (thuộc cấp nguy hiểm B, C, D theo TCVN 9381:2012 Hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà).

- Không phù hợp với công năng sử dụng.

- Trụ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng hoặc theo yêu cầu sắp xếp lại do không đủ về diện tích đất xây dựng, bố trí rải rác, ở vị trí không thuận lợi, không bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật.

b) Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định và hiệu quả đầu tư của dự án; chống thất thoát, lãng phí. Việc đầu tư xây dựng công sở, khu hành chính tập trung phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc; đảm bảo hiệu quả sử dụng; tránh phô trương hình thức, lãng phí tài sản công gây bức xúc xã hội.

c) Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn khai thác từ quỹ nhà, đất do xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hoặc sử dụng quỹ nhà, đất tại vị trí cũ để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện, theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT) thì nguồn vốn khai thác từ quỹ nhà, đất do xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hoặc giá trị quỹ nhà, đất tại vị trí cũ sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư phải đáp ứng tối thiểu 50% nhu cầu vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung mới.

d) Trường hợp địa phương thuộc diện, đặc biệt khó khăn, không có khả năng cân đối ngân sách địa phương, trụ sở cơ quan hành chính đang sử dụng thuộc một trong các tiêu chí quy định tại điểm a khoản 5 Chỉ thị này có nhu cầu thực sự cần thiết đầu tư khu hành chính tập trung; dự án, đảm bảo các yêu cầu về quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức sử dụng theo quy định, cần ngân sách trung ương hỗ trợ một phần thì phải báo cáo, được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bằng văn bản.

6. Trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương:

a) Bộ Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện kiểm tra, rà soát tình hình quy hoạch, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung trên địa bàn cả nước, kể cả các dự án đang xin chủ trương đầu tư hoặc xin tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn xây dựng công sở và khu hành chính tập trung.

- Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất tình hình đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng khu hành chính tập trung tại các địa phương.

b) Bộ kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, thẩm định nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn có nhu cầu thực sự cần thiết đầu tư khu hành chính tập trung để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong các dự án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung của các địa phương theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

c) Bộ Tài chính;

Hướng dẫn việc sử dụng quỹ đất, các cơ sở nhà, đất cũ để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án khu hành chính tập trung tại các địa phương theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Kiểm tra, rà soát thực trạng công sở của các cơ quan hành chính nhà nước tình hình quy hoạch, nhu cầu đầu tư xây dựng khu hành chính trên địa bàn; xem xét, quyết định chủ trương, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu hành chính theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại Chỉ thị này.

- Chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; đồng thời, triển khai thực hiện (phương án xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đã được phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg  ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc thực hiện các quy định tại Chỉ thị này; trường hợp để xảy ra vi phạm phải thực hiện kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc thực hiện và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này.

 

 

 

THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website