Quyết định số 391/QĐ-TTg, ngày 31/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học Việt - Nhật
  • Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học Việt - Nhật
  • 391/QĐ-TTg
  • Quyết định
  • Giáo dục - Đào tạo
  • 31/03/2017
  • 31/03/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Vũ Đức Đam
Nội dung:

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 391/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT - NHẬT


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học;

Căn cứ Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Đại học quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ trường đại học;

Căn cứ Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên;

Căn cứ Quyết định số 1186/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Việt Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội;

Xét đề nghị của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt Nhật.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Vũ Đức Đam

 

--------

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NHẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 391/QĐ-TTg ngày 31 tháng 03 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định cơ cấu tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt Nhật.

Điều 2. Vị trí pháp lý

1. Trường Đại học Việt Nhật (sau đây gọi tắt là Trường) là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; được thành lập theo Quyết định số 1186/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Trường có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội.

2. Trường tổ chức và hoạt động theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học và học viện; Điều lệ trường đại học; Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên và Quy chế này.

Điều 3. Mục tiêu

1. Trường định hướng phát triển thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu ở châu Á nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến.

2. Trường tổ chức tiếp nhận chuyển giao tri thức từ Nhật Bản; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản; đóng góp, thúc đẩy sự phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung và Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng.

Điều 4. Chức năng và nhiệm vụ

1. Chức năng

Đào tạo các trình độ đại học và sau đại học chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và là thế mạnh của Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản; góp phần thực hiện mục tiêu của Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Nhiệm vụ

a) Tổ chức đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và khoa học liên ngành; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; của tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế.

b) Tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển và tiếp nhận chuyển giao tri thức trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và khoa học liên ngành phục vụ đào tạo và cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

c) Thực hiện hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức; đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp Nhật Bản; huy động các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước để phát triển mạnh khoa học và công nghệ.

d) Thúc đẩy phát triển ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; làm cầu nối thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản; quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Nhật Bản cũng như trong khu vực Châu Á và trên toàn thế giới.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giao.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ

Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Trường

1. Hội đồng trường.

2. Ban giám hiệu.

3. Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn khác.

4. Các phòng chức năng.

5. Các khoa, viện; trung tâm, nghiên cứu khoa học và ng nghệ; phân hiệu, văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước (nếu có); tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng và cung cấp dịch vụ; công viên khoa học công nghệ và tạp chí khoa học (sau đây gọi chung là đơn vị trực thuộc).

6. Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể.

Điều 6. Hội đồng trường

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường:

a) Thông qua chiến lược phát triển và kế hoạch hoạt động trung hạn của Trường để trình Đại học Quốc giHà Nội phê duyệt;

b) Huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân ở trong và ngoài nước phục vụ xây dựng và phát triển Trường;

c) Giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho Trường; việc triển khai thực hiện các quy chế, quy định quản lý nội bộ quan trọng của Trường; các đề án thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc Trường;

d) Thông qua quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành của Điều lệ trường đại học và của Đại học Quốc gia Hà Nội;

đ) Thực hiện việc đánh giá hằng năm kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng; kiến nghị Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng.

2. Các thành viên của Hội đồng trường do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội bổ nhiệm theo đề nghị của hai bên (Đại học Quốc gia Hà Nội và đại diện phía Nhật Bản); có thể được bổ nhiệm lại. Hội đồng trường gồm 20 thành viên (trong đó có 01 Chủ tịch, không quá 02 Phó Chủ tịch và 01 Thư ký). Hội đồng trường gồm 10 đại diện của phía Việt Nam và 10 đại diện của phía Nhật Bản do mỗi bên giới thiệu theo các thành phần là nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nhân có uy tín. Quyền lợi của thành viên Hội đồng trường được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.

3. Chủ tịch Hội đồng trường là người Việt Nam; Phó Chủ tịch, Thư ký và thành viên Hội đồng trường có thể là người không mang quốc tịch Việt Nam. Chủ tịch và Thư ký Hội đồng trường không kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng của Trường. Chủ tịch Hội đồng trường được sử dụng con dấu của Trường.

4. Nhiệm kỳ của Hội đồng trường là 05 năm và theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng. Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt.

5. Ban kiểm soát:

a) Ban kiểm soát do Chủ tịch Hội đồng trường thành lập, có từ 03 đến 05 thành viên, trong đó Trưởng ban là thành viên Hội đồng trường. Quyền lợi của thành viên Ban kiểm soát được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường;

b) Ban kiểm soát có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Chủ tịch Hội đồng trường giám sát hoạt động của các thành viên Hội đồng trường và Ban giám hiệu trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Quy chế làm việc của Ban kiểm soát do Chủ tịch Hội đồng trường ban hành.

Điều 7. Ban giám hiệu

1. Ban giám hiệu Trường gồm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng. Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng thuê quản lý trên cơ sở đề nghị của Hội đồng trường; có nhiệm kỳ là 05 năm. Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng không giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp.

2. Hiệu trưởng là người đại diện cao nhất của Trường theo pháp luật Việt Nam; chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động của Trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và Quy chế này.

3. Phó Hiệu trưởng do Hiệu trưởng đề xuất với Hội đồng trường. Phó Hiệu trưởng là người giúp việc Hiệu trưởng trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của Trường. Phó Hiệu trưởng có nhiệm vụ trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng và pháp luật đối với công việc đã giải quyết.

4. Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng có thể là người không mang quốc tịch Việt Nam. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quy định.

Điều 8. Hội đồng khoa học và đào tạo, các hội đồng tư vấn khác

1. Hội đồng khoa học và đào tạo của Trường có nhiệm vụ tư vấn cho Ban giám hiệu và Hội đồng trường trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ.

2. Hội đồng khoa học và đào tạo do Hiệu trưởng quyết định thành lập, bao gồm Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo của các đơn vị trực thuộc Trường và các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài Trường. Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học và đào tạo do Hiệu trưởng ban hành.

3. Các hội đồng tư vấn khác do Hiệu trưởng quyết định thành lập, có nhiệm vụ tư vấn cho Ban giám hiệu và Hội đồng trường về các lĩnh vực có liên quan.

Điều 9. Các phòng chức năng

1. Các phòng chức năng trực thuộc Trường là các đơn vị tham mưu, giúp việc cho Ban giám hiệu, do Hiệu trưởng quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể sau khi có ý kiến của Hội đồng trường và theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các phòng chức năng do Hiệu trưởng quy định.

Điều 10. Các đơn vị trực thuộc

1. Các đơn vị trực thuộc Trường là các đơn vị trực tiếp triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và tư vấn trong các lĩnh vực liên quan phù hợp với chiến lược phát triển của Trường, do Hiệu trưởng quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể sau khi có ý kiến của Hội đồng trường và theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Các đơn vị trực thuộc Trường có thể có con dấu và tài khoản riêng. Quy định về tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Trường do Hiệu trưởng ban hành sau khi có ý kiến đồng ý của Hội đồng trường.

Điều 11. Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể

Trường được thành lập các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong Trường theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong Trường có nhiệm vụ tham gia góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục của Trường, phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học.

Điều 12. Quyền hạn của Trường về công tác nhân sự

1. Trường có các quyền hạn và nghĩa vụ về công tác nhân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và của Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Trường được quyết định mời, ký hợp đồng lao động với nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia có uy tín ở trong và ngoài nước tham gia quản lý hành chính cấp đơn vị trực thuộc Trường.

Điều 13. Giảng viên, nghiên cứu viên

1. Đội ngũ giảng viên của Trường bao gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên có hợp đồng giảng dạy ít nhất 01 học phần tại Trường.

2. Giảng viên trong nước và ngoài nước có hợp đồng giảng dạy hoặc do trường đại học đối tác nước ngoài phái cử sang giảng dạy ít nhất 01 học phần chuyên ngành tại Trường được tính là giảng viên cơ hữu trong đề án mở ngành, chuyên ngành của Trường (nhưng có số lượng không quá 50% tổng, số giảng viên theo quy định).

3. Tiêu chuẩn giảng viên, nghiên cứu viên do Trường quy định phù hợp với quy định của Nhà nước, của Đại học Quốc gia Hà Nội và yêu cầu đặc thù ngành nghề đào tạo của Trường, trong đó ưu tiên tiêu chuẩn năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ.

4. Giảng viên, nghiên cứu viên của Trường có thành tích giảng dạy, nghiên cứu khoa học xuất sắc, được Trường và Đại học Quốc gia Hà Nội công nhận thì được quyền đăng ký 01 học kỳ/03 năm công tác dành riêng cho nghiên cứu khoa học, thỉnh giảng quốc tế.

Chương III

HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Điều 14. Ngôn ngữ giảng dạy

Tiếng Việt Nam, tiếng Anh và tiếng Nhật Bản là các ngôn ngữ được sử dụng chính thức trong Trường.

Điều 15. Mở ngành, chuyên ngành và ban hành chương trình đào tạo

1. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt quy hoạch ngành và chuyên ngành đào tạo của Trường.

2. Trường được tự chủ trong mở ngành, chuyên ngành theo quy hoạch và lộ trình do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt. Trường được quyết định ban hành chương trình đào tạo và chịu trách nhiệm về điều kiện bảo đảm chất lượng trước Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Điều 16. Quy mô đào tạo, tổ chức tuyển sinh và tổ chức đào tạo

1. Trường được tự chủ trong xác định quy mô đào tạo tương ứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật và phù hợp với chiến lược phát triển của Trường.

2. Trường được tự chủ trong tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo và ban hành hướng dẫn tổ chức đào tạo phù hợp với đặc thù của Trường:

Điều 17. Văn bằng

Bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và tiến sĩ cho người học được đào tạo tại Trường do Hiệu trưởng cấp hoặc do đối tác cấp phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Điều 18. Nghiên cứu khoa học

Trường được quyết định chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển của Trường. Trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức để phục vụ và nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Trường chủ động phát triển các nguồn lực phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ.

Chương IV

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 19. Tài chính

Trường là đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường được quyền huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển Trường, được quyết định sử dụng nguồn kinh phí theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.

Điều 20. Tài sản

Trường được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường có trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chương V

NỘI DUNG KHÁC

Điều 21. Thanh tra, kiểm tra, chế độ báo cáo

Trường triển khai thực hiện các quy định về thanh tra, kiểm tra, chế độ báo cáo theo quy định đối với đơn vị thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tại Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 22. Hợp tác và phát triển

1. Trường được tự chủ trong hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định đối với đơn vị thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tại Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

2. Trường có các quyền lợi và nghĩa vụ trong việc sử dụng chung và chia sẻ các nguồn lực, liên thông, liên kết với các đơn vị khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội để phát triển.

Điều 23. Trách nhiệm xã hội

Trường có trách nhiệm xã hội sau đây:

1. Tham khảo ý kiến của xã hội trong việc xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính cho người học, hoạt động giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục tốt đối với các ngành và trình độ đào tạo.

2. Phổ biến và thực hiện chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

3. Tăng cường bình đẳng giới, tạo điều kiện học tập thuận lợi cho người học bị khuyết tật, người học gặp khó khăn và người học là dân tộc thiểu số.

4. Đề cao tinh thần bảo vệ môi trường trong việc lập kế hoạch, quy hoạch, xây dựng và bảo trì cơ sở vật chất và thiết bị.

5. Chăm lo đời sống văn hóa - xã hội, thể thao cho công chức, viên chức và người lao động của Trường.

6. Công bố trên website của Trường, giải trình với xã hội và cấp có thẩm quyền những thông tin liên quan đến:

a) Hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuyển dụng nhân sự, sử dụng cơ sở vật chất và thiết bị;

b) Chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức tuyển sinh, tổ chức đào tạo, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo và những quy định riêng liên quan đến học tập, quyền lợi và nghĩa vụ của người học;

c) Chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; chế độ, chính sách nhằm bảo đảm đời sống cho công chức, viên chức, người lao động và điều kiện học tập, sinh hoạt cho người học;

d) Các khoản thu, chi đầu tư cho cơ sở vật chất và thiết bị;

đ) Dữ liệu thống kê hằng năm về người học tốt nghiệp đại học, người học tiếp tục học sau đại học và đi làm.

Điều 24. Đánh giá và bảo đảm chất lượng

1. Trường thực hiện tự đánh giá thông qua những tiêu chí đánh giá gồm các chỉ số mục tiêu do Trường xây dựng. Những tiêu chí này bao gồm các bảng chỉ số theo dõi hoạt động và năng lực của Trường.

2. Đơn vị bảo đảm chất lượng của Trường có trách nhiệm hằng năm đánh giá công tác quản lý và vận hành của Trường trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tuyển dụng nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ người học, khuyến cáo, kiến nghị thực hiện các quy trình nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

3. Trường được đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục bởi các cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, của Nhật Bản hoặc của các nước tiên tiến trên thế giới nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, học thuật, quản lý và dịch vụ.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đối với Trường theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Trách nhiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội

Đại học Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát Trường trong việc thực hiện Quy chế này.

Điều 27. Trách nhiệm của Trường Đại học Việt Nhật

Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật có trách nhiệm soạn thảo các quy định, hướng dẫn quản lý nội bộ cụ thể hóa các quy định tại Quy chế này để triển khai thực hiện trong các lĩnh vực hoạt động và trình Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.

Điều 28. Sửa đổi Quy chế

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, Hội đồng trường có trách nhiệm đề xuất với Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét, giải quyết theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quy chế này cho phù hợp./.

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website