Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước
  • Về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước
  • 47/CT-TTg
  • Chỉ thị
  • Đầu tư - Xây dựng
  • 27/12/2017
  • 27/12/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
Nội dung:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/CT-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2017


CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC ĐẤU THẦU TRONG CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG MUA SẮM THƯỜNG XUYÊN SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC


Trong những năm qua, việc ban hành và triển khai thực hiện Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu của các cơ quan nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đấu thầu. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương trong những năm qua được triển khai khá tốt, tỷ lệ tiết kiệm bình quân luôn duy trì ở mức khá năm 2016 (đạt 7,11%), số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng tăng nhanh theo từng năm với tỷ lệ thực hiện cao, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường, khuyến khích, tạo điều kiện cho hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước phát triển để từng bước thay thế hàng hóa nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2017 về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, thách thức, như: Thời gian trong đấu thầu kéo dài do các nguyên nhân chủ quan, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên trong đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định, quá trình thực hiện còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm; vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ đối với những nhiệm vụ đã được phân cấp giải quyết theo thẩm quyền; việc công khai, minh bạch thông tin chưa được đảm bảo theo quy định; các hành vi vi phạm chưa được giải quyết triệt để, tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như dàn xếp, “quân xanh”, “quân đỏ”, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong hồ sơ mời thầu (HSMT), đặc biệt tình trạng cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu (quây thầu, vây thầu) vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục.

Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, đồng thời chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

I. ĐỐI VỚI CHỦ ĐẦU TƯ, BÊN MỜI THẦU

1. Thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm của mình, bảo đảm tổ chức lựa chọn nhà thầu hiệu quả, nhanh chóng theo đúng quy định. Cụ thể là:

Bảo đảm công khai, minh bạch toàn bộ quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC), tiếp nhận hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX). Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở nhà thầu trong việc mua HSMT/HSYC và nộp HSDT/HSĐX. Quán triệt và tập trung chỉ đạo chấn chỉnh ngay công tác đấu thầu bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả cao nhất theo các nội dung chủ yếu sau:

a) Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương để đảm bảo an ninh, an toàn cho quá trình phát hành HSMT/HSYC, nộp HSDT/HSĐX và thực hiện hợp đồng.

b) Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công tác phát hành HSMT/HSYC, cản trở việc nộp HSDT/HSĐX phải tổ chức xác minh, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ quan an ninh để có biện pháp xử lý kịp thời.

c) Giải quyết kịp thời, thấu đáo các kiến nghị, phản ánh của nhà thầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, không để xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại kéo dài.

d) Thực hiện đăng tải công khai HSMT/HSYC trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định, khuyến khích đăng tải trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và mời các cơ quan thông tấn, báo chí, đại diện cộng đồng dân cư trong khu vực tham gia lễ mở thầu để tăng cường tính minh bạch và giám sát cộng đồng.

đ) Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, bắt buộc phải ghi rõ thông tin tên, số điện thoại, địa chỉ bên mời thầu, số điện thoại của cán bộ phụ trách phát hành HSMT/HSYC. Trường hợp sử dụng tư vấn đấu thầu để hỗ trợ việc phát hành HSMT/HSYC, thì có thể bổ sung thêm thông tin, số điện thoại, địa chỉ của tư vấn đấu thầu. Việc phát hành HSMT/HSYC được thực hiện ở cả địa chỉ của chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thầu (nếu có). Bên mời thầu chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng nhà thầu bị cản trở không thể tiếp cận thông tin trong đấu thầu, không mua được HSMT/HSYC với lý do như không có cán bộ trực bán, không có đủ HSMT/HSYC cần phải chụp HSMT/HSYC... hoặc bị cản trở nộp HSDT/HSĐX.

e) Công khai đường dây nóng của Báo Đấu thầu theo số điện thoại 0243.768.6611 khi phát hành HSMT/HSYC để nhà thầu có thể phản ánh kịp thời về các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Tất cả các hành vi vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định từ Điều 121 đến Điều 124 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Công khai thông tin trong đấu thầu

Thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin trong đấu thầu theo đúng quy định tại Điều 8 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; Điều 7, Điều 8 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tại Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 15 tháng 3 năm 2017, văn bản số 3262/VPCP-QHĐP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ) và Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08 tháng 9 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng (TTLT 07), cụ thể như sau:

a) Các thông tin phải đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia:

- Đối với các dự án đầu tư phát triển và dự toán trong mua sắm thường xuyên bắt buộc phải đăng tải các thông tin: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thông báo mời quan tâm; thông báo mời sơ tuyển; thông báo mời thầu; thông báo mời chào hàng; thông báo hủy, gia hạn, điều chỉnh, đính chính các thông tin đã đăng tải; danh sách ngắn; kết quả lựa chọn nhà thầu; kết quả mở thầu đối với đấu thầu qua mạng;

- Đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất: Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; thông báo mời sơ tuyển; thông báo mời thầu; thông báo hủy, gia hạn, điều chỉnh, đính chính các thông tin đã đăng tải; danh sách ngắn; kết quả lựa chọn nhà đầu tư; danh mục (thông tin) dự án có sử dụng đất; danh mục (thông tin) về dự án PPP;

- Các thông tin khác gồm: Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu; thông tin giảng viên về đấu thầu; thông tin cơ sở đào tạo về đấu thầu; thông tin về cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu; cơ sở dữ liệu về nhà thầu/nhà đầu tư; thông tin về nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam; thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu.

b) Để bảo đảm công khai, minh bạch tối đa các thông tin trong công tác đấu thầu gắn với trách nhiệm của bên mời thầu, yêu cầu:

- Chủ đầu tư, bên mời thầu tự đăng tải các thông tin thuộc trách nhiệm của mình theo quy định tại TTLT 07 trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Các thông tin này sẽ được tự động trích xuất, đăng tải trên Báo Đấu thầu;

- Trường hợp bên mời thầu đã có chứng thư số nhưng do điều kiện ở vùng sâu, vùng xa, không thể tự đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bên mời thầu phải có văn bản gửi đến Báo Đấu thầu, trong đó nêu rõ lý do và có xác nhận về việc không đáp ứng hạ tầng công nghệ thông tin của cơ quan chủ quản. Theo đó, Báo Đấu thầu sẽ hỗ trợ 01 lần đăng tải và hướng dẫn quy trình sau khi nhận được văn bản đề xuất của bên mời thầu. Các lần đăng tải tiếp theo, bên mời thầu phải tự đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định;

Chủ đầu tư/bên mời thầu không tuân thủ quy định về đăng tải thông tin trong đấu thầu sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

3. Về lựa chọn nhà thầu qua mạng

a) Nghiêm túc thực hiện lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2016 và TTLT 07.

b) Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có kế hoạch, bố trí cán bộ phụ trách công tác đấu thầu tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn thực hiện đấu thầu qua mạng để triển khai thực hiện.

4. Về kiểm soát tư vấn đấu thầu

Trong hợp đồng giữa chủ đầu tư, bên mời thầu và tư vấn đấu thầu phải quy định rõ trách nhiệm của tư vấn đấu thầu, các điều kiện ràng buộc khi tư vấn đấu thầu vi phạm hoặc không đảm bảo yêu cầu chất lượng, tiến độ tại hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với tư vấn đấu thầu. Trong mọi trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu phải chịu trách nhiệm nếu lựa chọn tư vấn đấu thầu không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm dẫn đến xảy ra sai sót từ phía tư vấn đấu thầu hoặc tư vấn đấu thầu có hành vi vi phạm như dàn xếp; cố tình gây ra sai sót trong lập, thẩm định HSMT/HSYC, đánh giá HSDT/HSĐX; thông thầu.

5. Về xây dựng HSMT/HSYC và đánh giá HSDT/HSĐX

a) Đối với xây dựng HSMT/HSYC

Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

Không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất. Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế..., trong HSMT/HSYC có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Trường hợp trong HSDT/HSĐX, nhà thầu không có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương thì yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung trong quá trình đánh giá HSDT/HSĐX và chỉ được trao hợp đồng sau khi đã cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.

Không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu...

HSMT/HSYC phải được xây dựng đảm bảo khoa học, khách quan, phù hợp yêu cầu cụ thể từng gói thầu, đảm bảo theo đúng quy định, không mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của một hoặc một số nhà thầu.

b) Đối với đánh giá HSDT/HSĐX

Phải căn cứ theo quy định pháp luật về đấu thầu, theo các yêu cầu nêu trong HSMT/HSYC, nội dung HSDT/HSĐX, tài liệu làm rõ HSDT/HSĐX (nếu có), bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch. Trường hợp có những thông tin cần làm rõ, yêu cầu nhà thầu bổ sung tài liệu, làm rõ trên nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT/HSĐX đã nộp và giá dự thầu.

Tổ chức, cá nhân vi phạm đối với việc xây dựng HSMT/HSYC, đánh giá HSDT/HSĐX, tùy theo mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 121 đến Điều 124 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan.

II. ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ THẨM ĐỊNH

Hoạt động độc lập khi tiến hành thẩm định, bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng. Có quyền yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan.

Đơn vị thẩm định có quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm về báo cáo thẩm định. Việc thẩm định phải đảm bảo chất lượng, thời hạn và nội dung phải đầy đủ theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2015/TT-BKHĐT ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập báo cáo thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Khi thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị thẩm định căn cứ quy định tại TTLT 07 để chủ động đề xuất áp dụng đấu thầu qua mạng đối với những gói thầu đủ điều kiện; căn cứ quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP tuyệt đối không cho phép chỉ định thầu đối với những gói thầu không đáp ứng điều kiện tại Điều 22 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, đồng thời chủ động đề xuất các hình thức lựa chọn nhà thầu có tính cạnh tranh hơn đối với những gói thầu có thể chỉ định thầu nhưng áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác sẽ hiệu quả hơn.

III. ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN

1. Chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan thẩm định thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu thầu. Đẩy nhanh tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu (chú trọng đến thời gian đánh giá HSDT/HSĐX, thẩm định, phê duyệt) và thực hiện hợp đồng.

2. Nghiêm cấm việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư/bên mời thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

3. Tự quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền. Tuyệt đối không trình Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đối với những gói thầu thuộc thẩm quyền có thể lựa chọn nhà thầu theo các hình thức quy định từ Điều 20 đến Điều 25 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

4. Có trách nhiệm giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho các bộ, ngành giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu mà thuộc trách nhiệm của mình như xử lý tình huống, kiến nghị trong đấu thầu.

5. Có chế tài xử lý nghiêm và ban hành Quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu số43/2013/QH13, đảm bảo chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi mình phụ trách.

IV. CƠ QUAN, ĐƠN VỊ QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐẤU THẦU TẠI BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG, CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Các cơ quan, đơn vị quản lý công tác đấu thầu bảo đảm thực hiện tốt trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm yêu cầu chất lượng hoạt động đấu thầu, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Nội dung kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BKHĐT ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu, bao gồm: (1) Giám sát, theo dõi việc tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu và lựa chọn nhà đầu tư và (2) Kiểm tra việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu, phân cấp trong đấu thầu; kiểm tra đào tạo về đấu thầu; kiểm tra việc lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (qua mạng và không qua mạng); ký kết hợp đồng; kiểm tra tình hình thực hiện báo cáo về công tác đấu thầu; kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, theo dõi về công tác đấu thầu và các hoạt động khác liên quan đến đấu thầu.

Chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu quy mô lớn, phức tạp, các gói thầu không nằm trong hạn mức nhưng áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình kiểm tra, giám sát cần đặc biệt lưu ý kiểm tra việc công khai thông tin trong đấu thầu theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chuyên sâu về công tác đấu thầu. Các cuộc kiểm tra phải đảm bảo yêu cầu, chất lượng, giúp phát hiện sớm và đầy đủ các vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, đặc biệt là xử lý các vi phạm.

Thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện những vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Căn cứ mức độ vi phạm, đề nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp hủy, đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định theo đúng quy định tại Điều 123 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

V. CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP, CÁC TẬP ĐOÀN KINH TẾ, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm toàn diện đối với hiệu quả công tác quản lý về đấu thầu. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải quyết triệt để, khẩn trương các kiến nghị theo đúng quy định tại Điều 91 và quy trình tại Điều 92 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Thường xuyên nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Thực hiện tổng kết, báo cáo thường xuyên về công tác đấu thầu theo đúng quy định. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm của người có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Bộ trưởng các bộ, người đứng đầu các ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; người đứng đầu các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra vi phạm trong quản lý theo thẩm quyền.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp (sau đây gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương), các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước:

a) Phổ biến, quán triệt sâu sắc, toàn diện các nội dung Chỉ thị này đến chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị thẩm định, người có thẩm quyền của dự án/dự toán và cơ quan quản lý về đấu thầu tại bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý;

b) Nghiêm khắc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và không tuân thủ các nội dung tại Chỉ thị này và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về những vi phạm (nếu có);

c) Chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện những nội dung theo Chỉ thị này, đặc biệt là việc công khai thông tin và thực hiện đấu thầu qua mạng theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1402/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2016, TTLT 07 và yêu cầu tại mục 2 Phần I Chỉ thị này, đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình lựa chọn nhà thầu như thông thầu, quây thầu, vây thầu,... căn cứ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

d) Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, không bố trí vốn hoặc điều chuyển vốn sang dự án khác đối với những dự án mà do chủ đầu tư, bên mời thầu được xác định là vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến nhà thầu có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, gói thầu.

2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt đối với các gói thầu có nhiều phản ánh, kiến nghị về hành vi tiêu cực.

b) Hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình đăng ký chứng thư số và đăng tải thông tin theo quy định.

c) Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ về Báo cáo công tác đấu thầu hàng năm và đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn) trong đó có nội dung đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng, việc đăng tải công khai thông tin, xử lý các hành vi vi phạm và kết quả thực hiện các nội dung khác của Chỉ thị này.

3. Các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trực thuộc, các cơ quan thẩm định và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và các quy định pháp luật liên quan./.

 


THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc


Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website