Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me trong tình hình mới
  • Về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me trong tình hình mới
  • 19-CT/TW
  • Chỉ thị
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • 10/01/2018
  • 01/01/2018
  • Ban Bí thư
  • Trần Quốc Vượng
Nội dung:

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 19-CT/TW

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2018

 

CHỈ THỊ

CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHƠ-ME TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

Hơn 25 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18-4-1991 của Ban Bí thư khóa VI về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khơ-me từng bước được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vùng đồng bào Khơ-me được quan tâm. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người Khơ-me được chú trọng, số lượng cán bộ, đảng viên chủ chốt là dân tộc Khơ-me tăng hơn. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Khơ-me đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi còn chậm. Một số chế độ, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc Khơ-me còn bất cập, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc Khơ-me còn nhiều khó khăn; vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; tái mù chữ có chiều hướng gia tăng. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là người Khơ-me vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đối với vùng đồng bào dân tộc Khơ-me; nguồn lực đầu tư cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khơ-me còn hạn chế; chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; công tác chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ người Khơ-me chưa được quan tâm đúng mức.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời để vùng đồng bào dân tộc Khơ-me được phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khơ-me. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác dân vận, Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển, thực hiện đề án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các xã biên giới, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khơ-me sinh sống. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu; giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của đồng bào, bảo đảm định canh, định cư và giảm nghèo bền vững.

3- Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản xóa mù chữ cho đồng bào. Xây dựng chương trình, quy chế thống nhất về nội dung giảng dạy, tuyển sinh đối với Trường bổ túc văn hóa Pali và chữ Khơ-me ở các cấp học và Học viện Phật giáo Nam tông Khơ-me.

Đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở y tế, nhất là các trạm y tế xã, đội ngũ y sĩ, bác sĩ, y tá là người Khơ-me. Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế và các chương trình y tế quốc gia vùng đồng bào Khơ-me.

Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng Khơ-me trong các chương trình phát thanh, truyền hình; quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khơ-me; duy trì, phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống.

4- Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Quan tâm bảo vệ di sản văn hóa chùa chiền dân tộc Khơ-me, kết hợp với việc xây dựng nhà văn hóa trong vùng đồng bào Khơ-me; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sửa chữa, trùng tu chùa chiền cho đồng bào dân tộc Khơ-me.

Quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chức sắc; phát huy vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, ban quản lý chùa và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khơ-me đối với công tác vận động đồng bào. Hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông; xây dựng nhà hành lễ và nhà hỏa táng hiện đại cho đồng bào Khơ-me. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sư sãi tại các chùa Phật giáo Nam tông Khơ-me.

5- Thực hiện tốt công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khơ-me; bố trí hợp lý giữa cán bộ dân tộc Khơ-me với cán bộ dân tộc khác phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; chú trọng phát triển Đảng, đoàn viên, hội viên vùng đồng bào dân tộc Khơ-me.

Chăm lo xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người uy tín, sư sãi tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Khơ-me và các chức sắc tôn giáo. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

6- Làm tốt công tác vận động, nắm chắc tình hình nhân dân; tích cực giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện tại cơ sở có liên quan đến yếu tố chùa chiền, tôn giáo ở địa phương, không để phát sinh những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động Khơ-me Cam-pu-chia Crôm. Chú trọng công tác quản lý biên giới, quản lý địa bàn, đặc biệt là vấn đề quốc tịch và quản lý hộ khẩu.

7- Tổ chức thực hiện

- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương vùng đồng bào dân tộc Khơ-me và các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện Chỉ thị.

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc Khơ-me trong tình hình mới; cân đối các nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khơ-me.

- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện công tác cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng chương trình hành động thực hiện tốt Chỉ thị.

- Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị này.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ

(đã ký)

Trần Quốc Vượng


Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
58/2018/NĐ-CP
18/04/2018
05/06/2018

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website