BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
*
Số 64 - HD/BTGTW
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2018
|
HƯỚNG DẪN
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW
của Ban Bí thư khóa XII “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng,
hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”
-----
Căn cứ Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09-02-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới", Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn việc thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tính kiên định cho cấp ủy đảng các cấp, cán bộ, đảng viên trong học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, tạo nền tảng quan trọng để đất nước ổn định và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
2. Yêu cầu
- Các cấp ủy đảng tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII trong cán bộ, đảng viên; bám sát nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị của Ban Bí thư, căn cứ đặc điểm tình hình và nhiệm vụ chính trị để xây dựng kế hoạch thực hiện, coi trọng việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào định hướng phát triển và hoạt động thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị một cách thiết thực và hiệu quả.
- Bám sát thực tiễn, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực lý luận chính trị.
II. NỘI DUNG
1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện
1.1. Tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt
Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị, chủ trì hội nghị cán bộ chủ chốt để nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị bằng nhiều hình thức.
- Thành phần: Các đồng chí tỉnh ủy viên (thành ủy viên); bí thư, phó bí thư, trưởng và phó trưởng ban tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc; hiệu trưởng, hiệu phó các trường chính trị, giám đốc, phó giám đốc các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
- Nội dung: nghiên cứu, quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị số 23-CT/TW gắn với một số chỉ thị, hướng dẫn của Ban Bí thư trên lĩnh vực lý luận chính trị mới được ban hành (Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 08-02-2018 của Ban Bí thư về "Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận"; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-01-2018 của Ban Bí thư "về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng").
Đối với các thành ủy trực thuộc Trung ương, tiếp tục quán triệt Hướng dẫn số 55-HD/BTGTW, ngày 21-12-2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương về "việc tổ chức trao đổi, đối thoại với các cá nhân có nhận thức khác với chủ trương, đường lối của Đảng".
- Thời gian: Hoàn thành trong tháng 6/2018.
1.2. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện
Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tham mưu cho ban thường vụ cấp ủy xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị.
- Nội dung, yêu cầu: xác định cụ thể những nội dung, giải pháp triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW tại địa phương, đơn vị theo các nhóm giải pháp mà Chỉ thị nêu ra. Chú ý cụ thể hóa phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị, xác định tiến độ, phân công trách nhiệm thực hiện trên các lĩnh vực: tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào định hướng phát triển; công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; công tác tuyên truyền; công tác kiểm tra, giám sát; công tác sơ kết, tổng kết…
Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, căn cứ điều kiện, nhiệm vụ chính trị và đặc thù của mình xây dựng kế hoạch riêng và triển khai trong toàn lực lượng.
Thời gian: Hoàn thành trong tháng 7/2018.
2. Nội dung kế hoạch của cấp ủy
2.1. Công tác nghiên cứu lý luận
Cấp ủy các cấp lãnh đạo chỉ đạo tổ chức và triển khai các chương trình, đề tài, đề án tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phục vụ việc xây dựng nghị quyết, chỉ thị, kết luận của địa phương, đơn vị và các chủ trương, đường lối của Trung ương.
Yêu cầu: Chương trình, đề tài, đề án tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phải thiết thực phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Coi trọng nghiên cứu những vấn đề lý luận thực tiễn; ưu tiên các chương trình, đề tài nghiên cứu bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các đề tài nghiên cứu góp phần tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011.
Phát huy dân chủ trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo tinh thần Quy định số 285-QĐ/TW, ngày 25-4-2015 của Bộ Chính trị khóa XI về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước; bám sát Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09-10-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
Có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu lý luận chính trị. Quan tâm đầu tư kinh phí phù hợp, trang thiết bị cho tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chính trị.
2.2. Học tập lý luận chính trị
- Tự học tập, nâng cao trình độ lý luận và năng lực thực tiễn: Có giải pháp để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trẻ đều phải thường xuyên học tập lý luận chính trị. Cán bộ, đảng viên chủ động xây dựng kế hoạch tự học tập lý luận chính trị để nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác trong thực tiễn.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị: Cấp ủy đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Yêu cầu: Rà soát kỹ đối tượng được cử đi, coi trọng chất lượng đào tạo; nghiêm túc thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01-02-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Kết luận sô 57-KL/TW ngày 8/3/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
2.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
- Cấp ủy chỉ đạo công tác tuyên truyền, ban tuyên giáo các cấp tham mưu giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương tới địa phương mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền lý luận chính trị. Tận dụng hiệu quả của công nghệ thông tin, Intemet và mạng xã hội. Nội dung tập trung vào ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những vấn đề Đảng ta vận dụng sáng tạo và phát triển trong lịch sử và trong công cuộc đổi mới hiện nay; kết quả đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ. Đa dạng hóa về hình thức như: các diễn đàn, tọa đàm, các câu lạc bộ, các cuộc thi trắc nghiệm, thi tự luận trên mạng Intemet; xây dựng và vận hành các trang thông tin điện tử, Fanpage, group Facebook; xây dựng và phát triển các ứng dụng trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh, thiếu niên.
2.4. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
- Cấp ủy chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
- Tăng cường quản lý và định hướng thông tin, phối hợp các lực lượng, tập trung đấu tranh theo các nội dung, lĩnh vực và nhóm đối tượng cụ thể. Chú trọng tới mảng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách, đạo đức của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh tụ của Đảng, anh hùng dân tộc.
- Tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kịp thời định hướng thông tin để cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
- Riêng đối với những cá nhân có nhận thức khác với chủ trương, đường lối của Đảng, các thành ủy trực thuộc Trung ương thực hiện theo Hướng dẫn số 55-HD/BTGTW, ngày 21-12-2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương về "việc tổ chức trao đổi, đối thoại với các cá nhân có nhận thức khác với chủ trương, đường lối của Đảng".
2.5. Công tác kiểm tra
Cấp ủy lãnh đạo kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị, lồng ghép vào chương trình kiểm tra hằng năm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ Hướng dẫn này, cấp ủy các cấp chủ động triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư tại ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Định kỳ 6 tháng, một năm, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đã đề ra và điều chỉnh, bổ sung các giải pháp cụ thể thực hiện kế hoạch có hiệu quả, thiết thực hơn trong năm tới. Trong quá trình thực hiện, khi xuất hiện những vấn đề cần bổ sung từ thực tiễn, đề nghị các cấp ủy phản ánh kịp thời về Ban Tuyên giáo Trung ương để nghiên cứu, bổ sung Hướng dẫn./.
|
K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
(đã ký)
Võ Văn Phuông
|