Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
  • Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
  • 45-NQ/TW
  • Nghị quyết
  • Kinh tế - Xã hội
  • 17/02/2005
  • 17/02/2005
  • Bộ Chính trị
  • Nông Đức Mạnh
Nội dung:

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số: 45-NQ/TW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước


 

I- Tình hình xây dựng và phát triển thành phố

1- Cần Thơ là thành phố giàu tiềm năng, có lịch sử hình thành khá lâu đời, giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân dân Cần Thơ giàu lòng yêu nước và cách mạng, có truyền thống lịch sử rất đáng tự hào. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Cần Thơ có vị trí chiến lược quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước, Cần Thơ đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng và phát triển thành phố, góp phần tích cực đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện thành phố Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

2- Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ tỉnh Cần Thơ, nay là thành phố Cần Thơ đã luôn đoàn kết, phát huy tốt các nguồn lực, đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, khắc phục khó khăn, giành được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch; các mặt xã hội đều có bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh - quốc phòng được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đạt nhiều kết quả tích cực.

Một năm qua, kể từ khi chia tách tỉnh, kế thừa thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân thành phố Cần Thơ đã sớm ổn định tổ chức, triển khai nhanh các nhiệm vụ, tiếp tục đạt nhiều tiến bộ mới trên các mặt.

Những thành tựu trên đây là tiền đề để thành phố vươn lên hoàn thành vượt mức các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, từng bước xác lập vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố Cần Thơ cũng còn một số mặt yếu kém cần ra sức khắc phục :

Trước hết, kinh tế phát triển chưa thực sự vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố, quy mô còn nhỏ, chất lượng và hiệu quả chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỉ trọng nông nghiệp trong GDP còn cao, các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng lớn chậm phát triển; khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, chưa có sản phẩm chủ lực và ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy tốc độ phát triển đạt khá cao nhưng chất lượng phát triển, các chỉ tiêu về GDP, xuất nhập khẩu tính trên đầu người... đều còn thấp so với các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng và một số tỉnh khác.

Tiềm năng của các thành phần kinh tế chưa được phát huy tốt. Tỉ lệ huy động vốn đầu tư xã hội còn quá thấp so với bình quân chung cả nước và các thành phố trực thuộc Trung ương.

Vai trò trung tâm, sức lan toả và thu hút của Cần Thơ đối với kinh tế trong vùng còn hạn chế.

Một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt, như giải quyết việc làm cho người lao động, tệ nạn xã hội, trật tự đô thị, an toàn giao thông, môi trường. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực còn rất thấp.

Công tác xây dựng Đảng, nhất là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở có mặt còn yếu kém, cần tiếp tục củng cố và tăng cường.

Những yếu kém trên do một số nguyên nhân chủ yếu sau :

- Việc xác định và nhận thức về vị trí, vai trò của thành phố Cần Thơ còn chậm và chưa đầy đủ. Công tác quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế mũi nhọn để tạo điều kiện cho thành phố phát huy được vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa được chú ý đúng mức. Các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa được khai thác tốt.

- Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một số cấp uỷ, chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ còn hạn chế.

II- Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2020

1- Thành phố Cần Thơ bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn, nhưng cũng có nhiều thách thức gay gắt, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Đảng bộ và nhân dân thành phố cần tiếp tục quán triệt và vận dụng tốt Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 20-01-2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010 vào điều kiện cụ thể của mình. Trên cơ sở đó, phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.

2- Để thực hiện phương hướng và mục tiêu trên, Đảng bộ thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau :

2.1- Làm tốt công tác quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.

2.2- Tận dụng mọi cơ hội, khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao.

- Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng tri thức, khoa học - công nghệ cao, ít gây ô nhiễm. Trước mắt, coi trọng phát triển một số ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động để giải quyết việc làm; ưu tiên công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp điện tử, tin học, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản, cơ khí đóng tàu và những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Phát triển mạnh các ngành dịch vụ như : giao thông - vận tải, bưu chính - viễn thông, thương mại, tài chính, tín dụng, bảo hiểm, khoa học - công nghệ... để từng bước trở thành trung tâm dịch vụ lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

- Tiến hành quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hướng mạnh vào xuất khẩu và cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao; coi trọng phát triển công nghệ sinh học và tạo giống; cung cấp các sản phẩm truyền thống chất lượng cao, xây dựng nhiều thương hiệu đặc sản nông nghiệp của thành phố.

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, phấn đấu đưa Cần Thơ trở thành trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu, buôn bán, hợp tác với nước ngoài của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; thu hút mạnh hơn đầu tư trong và ngoài nước, tiến tới mở rộng đầu tư của thành phố đến các tỉnh và ra nước ngoài.

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng phát triển. Đẩy nhanh việc sắp xếp, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

2.3- Huy động các nguồn lực, trong đó đầu tư từ ngân sách được ưu tiên để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kiến thiết đô thị. Xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông suốt; chú trọng phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thuỷ, đẩy nhanh tiến độ mở rộng, nâng cấp sân bay Trà Nóc thành sân bay quốc tế, xây dựng cụm cảng Cần Thơ sớm trở thành cảng trung tâm của vùng; nâng cấp mạng lưới điện, thông tin liên lạc, hạ tầng đô thị gắn với bảo vệ môi trường, đạt tiêu chuẩn một thành phố văn minh, hiện đại, mang đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

2.4- Chăm lo phát triển con người một cách toàn diện. Phấn đấu đến cuối năm 2005, thành phố Cần Thơ đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số phát triển con người (HDI) và năm 2010 đuổi kịp các thành phố lớn trong nước.

Mở rộng quy mô, cơ cấu hợp lý và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo một cách đồng bộ; chú trọng đào tạo nghề, đào tạo cao đẳng, đại học để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh trong vùng.

- Mở rộng, nâng cấp mạng lưới y tế, chú ý đúng mức đến việc xây dựng hệ thống y tế cơ sở, làm tốt công tác y tế dự phòng, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ việc khám và chữa bệnh cho nhân dân Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

- Chăm lo phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - thông tin. Chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các hoạt động phát thanh, truyền hình, Internet, báo chí, xuất bản; ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của văn hoá ngoại lai. Tạo lập môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, xây dựng con người Cần Thơ trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch. Phát triển thể thao thành tích cao, nhất là các môn thành phố có truyền thống, có ưu thế, sớm xây dựng thành phố trở thành trung tâm thể thao của vùng.

- Đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của các vùng có nhiều khó khăn, vùng ngập lũ và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2.5- Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Củng cố, xây dựng lực lượng quân đội, công an thành phố trong sạch, vững mạnh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, ngăn chặn và kịp thời đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

2.6- Tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền tảng chính trị vững chắc cho sự phát triển thành phố.

III- Tổ chức thực hiện

1- Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ theo mục tiêu và phương hướng như trên trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân thành phố, cũng là trách nhiệm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các địa phương trong cả nước.

2- Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau :

2.1- Sớm tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 gắn với định hướng phát triển theo lợi thế và tiềm năng của từng địa phương, trong đó thành phố Cần Thơ là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng như Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định.

2.2- Chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, giúp đỡ thành phố trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển các ngành và lĩnh vực trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thành phố phát triển. Đồng thời khẩn trương xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong vùng nhằm tạo không gian kinh tế thống nhất cho toàn vùng, trong đó Cần Thơ là một cực phát triển, đóng vai trò trung tâm phối hợp hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác để khai thác tiềm năng, thế mạnh của cả vùng.

3- Về một số vấn đề cụ thể :

3.1- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương bố trí vốn, nếu cần thiết thì phát hành trái phiếu chính phủ để tạo nguồn vốn và xúc tiến đầu tư các chương trình, dự án quan trọng then chốt, nhất là các dự án hạ tầng thiết yếu của thành phố Cần Thơ và của khu vực đã được đề cập trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3.2- Bố trí đầu tư xây dựng một số công trình mới, quan trọng có tác dụng lan toả, như mở rộng và nâng cấp sân bay Trà Nóc thành sân bay quốc tế, xây dựng cảng Cái Cui và cụm cảng Cần Thơ thành cảng trung tâm vùng, gắn với chỉnh trị luồng Định An; xây dựng các tuyến đường Bốn Tổng - Một Ngàn, Mậu Thân - Trà Nóc, nối đường 91 với Nam sông Hậu, tuyến quốc lộ 1A vòng cung - nối lộ 80, tuyến lộ Cần Thơ - Xà No - Vị Thanh, nâng cấp mở rộng quốc lộ 91, xây dựng bờ kè sông Hậu và sông Cần Thơ (đoạn qua nội đô) để chống sạt lở và tạo cảnh quan cho thành phố.

Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo hướng phát triển đa ngành; thành lập Phân viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại Cần Thơ, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu khoa học hiện có và xây dựng mới một số viện nghiên cứu chuyên ngành để phục vụ yêu cầu phát triển của vùng, như : kinh tế, công nghệ sinh học, các ngành công nghệ cao (cơ khí, hoá chất, công nghệ thông tin). Xây dựng một số trung tâm y tế và bệnh viện chuyên sâu về ung bướu, phụ sản, tim mạch... phục vụ cho cả vùng.

Xây dựng khu trung tâm văn hóa đáp ứng yêu cầu là nơi giáo dục truyền thống, tổ chức lễ hội, du lịch vui chơi, giải trí cho cả vùng và gìn giữ bản sắc văn hóa miền Tây Nam Bộ. Xây dựng trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.

3.3- Về cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư :

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo để nâng mặt bằng vốn đầu tư cho thành phố Cần Thơ tương ứng với các thành phố trực thuộc Trung ương, ít nhất cũng bằng mức của các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng. Trong khi chưa điều chỉnh được tỉ lệ điều tiết theo Luật ngân sách, trước mắt trong 2 năm 2005, 2006 xử lý bằng nguồn đầu tư bổ sung từ ngân sách Trung ương cho các dự án đầu tư theo chương trình mục tiêu. Đồng thời, bổ sung nguồn trái phiếu chính phủ cho các công trình trọng điểm của thành phố. Ưu tiên dành vốn ODA để đầu tư cho một số cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố, như : hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, thiết bị y tế, giáo dục - đào tạo...

Xem xét để phân cấp mạnh hơn cho thành phố. Thành phố có phương án trình Chính phủ phê duyệt cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn thành phố đặt ra, những vấn đề mới phát sinh.

 

Cho phép thành phố thực hiện phát hành trái phiếu đô thị để tạo vốn đầu tư một số công trình trọng điểm có khả năng thu hồi vốn; được sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị với phương thức phù hợp và quản lý chặt chẽ. Trong trường hợp cần thiết được vay từ các nguồn tài chính Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng thành phố theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các ngành tiếp tục nghiên cứu, xem xét một số đề xuất của thành phố như việc xác định tứ giác "Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau" là vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của cả nước, vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu công suất 3 triệu tấn/năm, xây dựng các trường đại học chuyên ngành.

4- Ban Bí thư và Thường trực Chính phủ định kỳ làm việc với tập thể lãnh đạo thành phố để chỉ đạo xử lý kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ
TỔNG BÍ THƯ

Nông Đức Mạnh


 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
22-NQ/TW
10/04/2013
10/04/2013
86/2015/QH13
19/11/2015
01/07/2016
83/2015/QH13
25/06/2015
25/06/2015
81/2015/QH13
24/06/2015
01/01/2016

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website