BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
Số 271-QĐ/TW
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2014
|
QUY ĐỊNH
Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài trực thuộc Đảng ủy Ngoài nước
- Căn cứ Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư;
- Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài;
- Căn cứ đặc điểm của đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài trực thuộc Đảng ủy Ngoài nước,
Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài trực thuộc Đảng ủy Ngoài nước như sau:
I. CHỨC NĂNG
Điều 1. Đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là cơ quan đại diện) và tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, tôn trọng luật pháp và phong tục, tập quán nước sở tại; tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan; xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.
II. NHIỆM VỤ
Điều 2. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị
1- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan đại diện tham gia xây dựng và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, nhất là đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
2- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan đại diện nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia hội nhập quốc tế, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; có các biện pháp bảo vệ lợi ích, bí mật quốc gia, chủ động phòng, chống các quan điểm trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
3- Lãnh đạo, tuyên truyền, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, luôn hướng về quê hương, đất nước; chấp hành luật pháp và tôn trọng phong tục tập quán nước sở tại; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 3. Công tác chính trị tư tưởng
1- Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan đại diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam; tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thông tin kịp thời để cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nắm và hiểu về tình hình đất nước; phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; tăng cường hợp tác, hữu nghị với nhân dân nước sở tại và bạn bè quốc tế.
2- Chủ động nắm diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát hiện, giáo dục những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý thức tổ chức kỷ luật, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách.
3- Lãnh đạo, giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng trong cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập quốc tế với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 4. Công tác tổ chức, cán bộ và xây dựng đảng bộ, chi bộ
1- Lãnh đạo, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng bộ, chi bộ và cấp ủy; kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức đảng và đảng viên có thành tích xuất sắc.
2- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy và nội quy của cơ quan; cấp ủy có ý kiến với người đứng đầu cơ quan đại diện và cấp có thẩm quyền trong việc sắp xếp tổ chức, nhận xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo quy định; xây dựng đội ngũ cấp ủy có phẩm chất, năng lực bảo đảm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
3- Làm tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên; công tác phát triển đảng viên; tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên và tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt chế độ thu, nộp đảng phí theo quy định.
Điều 5. Công tác quần chúng
1- Lãnh đạo xây dựng các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi đoàn thể; vận động đoàn viên, hội viên nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong công tác và cuộc sống.
2- Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tổ chức quần chúng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bằng các hình thức, phương pháp đa dạng và phù hợp, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, gây chia rẽ nội bộ.
Điều 6. Công tác kiểm tra, giám sát
1- Lãnh đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên, việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và phá luật của Nhà nước Việt Nam. Chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát của đảng bộ, chi bộ và đảng viên; kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
2- Cấp ủy lãnh đạo các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành, giữ gìn kỷ luật đảng; thi hành kỷ luật tổ chức đảng hoặc đảng viên đúng phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục và thẩm quyền, đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời.
III. CÁC MỐI QUAN HỆ
Điều 7. Đối với Đảng ủy Ngoài nước
Đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Ngoài nước. Hằng tháng (hoặc đột xuất) cấp ủy báo cáo với Đảng ủy Ngoài nước về tình hình, phương hướng hoạt động của đảng bộ, chi bộ; đối với những vấn đề khó, mới nảy sinh ở cơ sở cần kịp thời báo cáo Đảng ủy Ngoài nước xin ý kiến chỉ đạo.
Điều 8. Đối với người đứng đầu cơ quan đại diện
1- Cấp ủy phối hợp với người đứng đầu cơ quan đại diện lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tham gia với người đứng đầu cơ quan đại diện trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và vận động, tập hợp cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Người đứng đầu cơ quan đại diện có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện để cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt Quy định này.
2- Định kỳ hoặc khi có yêu cầu, cấp ủy trao đổi với người đứng đầu cơ quan đại diện về tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan; người đứng đầu cơ quan đại diện có trách nhiệm thông báo với cấp ủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan.
3- Cấp ủy phối hợp với người đứng đầu cơ quan đại diện xem xét, quyết định những vấn đề liên quan đến nội bộ cơ quan và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, người đứng đầu cơ quan đại diện quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời báo cáo Bộ Ngoại giao và Đảng ủy Ngoài nước.
4- Cấp ủy phối hợp và thống nhất ý kiến với người đứng đầu cơ quan đại diện trước khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác ở nước sở tại.
Điều 9. Đối với tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy doanh nghiệp trong nước đang hoạt động ở nước ngoài
1- Tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy doanh nghiệp trong nước đang hoạt động ở nước ngoài khi thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể, kết thúc hoạt động hoặc có thay đổi, biến động về đảng viên phải thông báo với cấp ủy cơ sở nước sở tại biết để phối hợp quản lý; đồng thời, định kỳ hằng quý thông báo tình hình hoạt động của tổ chức đảng với cấp ủy nước sở tại.
2- Cấp ủy cơ sở ở nước sở tại định kỳ trao đổi thông tin với tổ chức đảng của doanh nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện để tổ chức đảng của các doanh nghiệp ở nước ngoài hoạt động có hiệu quả.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1- Đảng ủy Ngoài nước chủ trì phối hợp với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương xây dựng quy chế phối hợp công tác; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài thực hiện Quy định này và quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ đối với từng loại hình đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.
2- Căn cứ Quy định này và hướng dẫn của Đảng ủy Ngoài nước; đảng ủy, chi ủy cơ sở hoạt động ở nước ngoài rà soát, bổ sung quy chế làm việc để thực hiện.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với nội dung Quy định này đều bãi bỏ.
Quy định này được phổ biến đến chi bộ để thực hiện.
|
T/M BAN BÍ THƯ
(đã ký)
Lê Hồng Anh
|