Thông báo số 45-TB/TW, ngày 04/02/2002 về ý kiến của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở
  • Về Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở
  • 45-TB/TW
  • Thông báo
  • Chính sách
  • 04/02/2002
  • 04/02/2002
  • Bộ Chính trị
  • Phan Diễn
Nội dung:

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số: 45-CT/TW

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2002

 

THÔNG BÁO

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Về Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở  


Tại phiên họp ngày 01-02 và 02-02-2002, sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ trình bày về Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo như sau :

1- Về phạm vi của Đề án.

- Tán thành Đề án này đề cập đến hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, bao gồm đảng bộ, chi bộ cơ sở, chính quyền (hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân), các tổ chức chính trị - xã hội. Còn các cơ quan, doanh nghiệp... cũng là đơn vị cơ sở, nhưng không thuộc phạm vi Đề án. Nội dung Đề án cần đề cập đầy đủ và sâu hơn về hệ thống chính trị ở phường (nay đang có xu hướng phát triển đô thị hoá, số phường và thị trấn sẽ tăng lên); làm rõ những giải pháp được thực hiện cho cả xã, phường, thị trấn và cả những giải pháp chỉ áp dụng riêng đối với phường.

- Với phạm vi của Đề án như trên, Bộ Chính trị đồng ý tên của Đề án là "Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở". Kết cấu của Đề án đi thẳng vào những vấn đề bức xúc phải đổi mới để nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị. Từng vấn đề lấy yêu cầu mới để đánh giá thực trạng, làm nổi bật những điểm cần đổi mới; trên cơ sở đó đề ra chủ trương đến giải pháp.

Tuy nhiên, cân nhắc thêm ý kiến đề nghị nên có một phần riêng về đổi mới phương thức và phong cách làm việc của hệ thống chính trị ở cơ sở theo hướng : gần dân, sát dân, trực tiếp với dân và phục vụ nhân dân; nên có một mục riêng về hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn kết được vị trí, vai trò của già làng với trưởng bản cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tuy việc đánh giá tình hình Đề án không đặt thành vấn đề trung tâm. Song, cũng cần thể hiện một cách khái quát nêu rõ những bất cập về hệ thống tổ chức (cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ), năng lực lãnh đạo, quản lý và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường trước yêu cầu phát triển của nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2- Những vấn đề cơ bản và bức xúc về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị từ nay đến năm 2005.

Cấp cơ sở có vai trò rất quan trọng, là cấp chấp hành và hành động, là cấp trực tiếp với dân, có trách nhiệm tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Do vậy, việc kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở có quan hệ đến toàn bộ hệ thống chính trị các cấp; phải dùng sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị để thúc đẩy hệ thống chính trị ở cơ sở vươn lên đáp ứng yêu cầu mới.

Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở phải nhằm mục đích thực hiện chủ trương kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước; nâng cao dân sinh, dân trí và dân chủ; bảo đảm ổn định chính trị xã hội.

Với yêu cầu trên, từ nay đến năm 2005, cần tập trung giải quyết ba vấn đề cơ bản và bức xúc sau :

Một là, xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị thật sự gắn bó với dân, được dân tin cậy.

Hai là, thực hành dân chủ thực sự trong nội bộ các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở và trong quan hệ với dân, phát huy quyền làm chủ của dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ cương, trật tự theo pháp luật, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm cơ sở cho khối đại đoàn kết toàn dân.

Ba là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở công tâm, thạo việc, tận tuỵ với dân.

3- Về đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở.

- Phải làm rõ hơn vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng ở cơ sở, Đảng vừa phải là lực lượng lãnh đạo chính trị toàn diện, lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt; vừa phải là hạt nhân lãnh đạo để gắn kết và phát huy được vai trò các tổ chức trong hệ thống chính trị, khơi dậy trí tuệ và nguồn lực của nhân dân, đem lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân.

- Phải cụ thể hoá hơn nhiệm vụ của người đảng viên trong cộng đồng dân cư. Đảng viên phải thực hiện tốt các nhiệm vụ và đúng với tiêu chuẩn người đảng viên đã ghi trong Điều lệ Đảng; đồng thời, nhấn mạnh việc đáp ứng được nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, đảng viên phải là người lao động giỏi, nếu là đảng viên sản xuất kinh doanh phải là người làm kinh tế giỏi, đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; biết làm giầu chính đáng cho mình và lôi cuốn, giúp đỡ bà con làng xóm cùng nhau làm giàu, không cam chịu đói nghèo; có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Làm rõ và đậm nét trách nhiệm chính trị của đảng viên, phải hết lòng vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích chung của cộng đồng, phải là người đi đầu trong vận động, thuyết phục và tập hợp quần chúng cùng làm.

- Về đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở :

+ Phân định rõ hơn vai trò lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở với sự điều hành của chính quyền và hoạt động của các đoàn thể nhân dân, để vừa bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, vừa không quyết định làm thay công việc điều hành của chính quyền và đoàn thể. Cần nhấn mạnh tổ chức đảng phải chịu trách nhiệm toàn diện về mọi mặt của đời sống xã hội, an ninh chính trị ở xã, phường; mọi việc quan trọng ở xã, phường, tổ chức đảng phải được bàn để có biện pháp xử lý, nhưng không lấy quyết định của Đảng thay cho quyết định của chính quyền và đoàn thể.

+ Cần bổ sung, làm rõ trong đề án về chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ cơ sở cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

- Về đổi mới công tác cán bộ, đa số ý kiến đồng tình với những nội dung nêu trong Đề án, như : tổ chức thăm dò tín nhiệm và lấy giới thiệu trong dân về các chức danh chủ chốt trước khi bầu; bí thư cấp uỷ cơ sở nên đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân hoặc chủ tịch uỷ ban nhân dân; có thể bầu các chức danh chính quyền trước, sau đó mới bầu các chức danh trong Đảng. Tuy nhiên, phải đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp công tác tổ chức và cán bộ. Nên cân nhắc kỹ việc thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch uỷ ban nhân dân, trước mắt chỉ vận dụng thí điểm ở một số nơi có đủ điều kiện.

4- Về đổi mới và nâng cao hiệu lực của chính quyền cơ sở.

- Xác định rõ hơn chức năng quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã trong quản lý kinh tế - xã hội, không trực tiếp chỉ đạo hay can thiệp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhưng cần thấy rõ, việc xác định ranh giới giữa quyền quản lý nhà nước với quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh ở cấp cơ sở không giống như cấp tỉnh và cấp huyện, mà chính quyền cấp xã vừa là người quản lý, điều hành bằng pháp luật, vừa là người đứng ra tổ chức mọi công việc cho nhân dân trên địa bàn.

- Làm rõ vai trò, vị trí của thôn, tổ, khu phố trong việc giúp chính quyền xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các yêu cầu tự quản của nhân dân. Tuy thôn, tổ, khu phố không phải là một cấp hành chính, nhưng là cầu nối và là nơi phối hợp giữa sự quản lý của chính quyền xã, phường, thị trấn với quyền tự quản của cộng đồng dân cư. Khi quyền dân chủ và dân trí của dân càng được nâng cao, thì nhu cầu tự quản của dân càng mở rộng và vai trò thôn, tổ dân phố càng trở nên có ý nghĩa. Vì vậy, trong đề án cần phải nghiên cứu tổ chức của thôn, tổ dân phố như thế nào cho phù hợp.

- Đổi mới cơ chế bầu cử và nâng cao chất lượng đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã. Các ý kiến đều đồng tình với đề án (như tăng số lượng đại biểu hội đồng nhân dân lên từ 25-30 người). Việc tăng tỉ lệ người ngoài đảng là đại biểu hội đồng nhân dân là cần thiết, song không nên quy định là 30-40%.

- Tăng cường các điều kiện, phương tiện và kinh phí hoạt động cho cấp xã. Vấn đề này, trong đề án có thể nêu một số mục tiêu cụ thể cho đến năm 2005.

5- Về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Cần nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung trong đề án một số vấn đề sau :

- Từ thực tiễn hoạt động, nên tổng kết rút kinh nghiệm về những cách làm mới vừa qua (như giao các đề án, chương trình phù hợp cho các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện...) để từ đó khuyến khích, tạo điều kiện cho cách làm này, nhằm tránh việc hành chính hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể.

- Đổi mới cơ chế nhà nước tài trợ một phần kinh phí cho các tổ chức chính trị - xã hội theo cách : cân đối trong ngân sách địa phương và do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức trợ cấp này cho các đoàn thể ở địa phương (như cách một đã nêu trong đề án).

6- Đổi mới chính sách đối với cán bộ cơ sở.

- Đa số ý kiến đồng tình phải có chính sách và chế độ đãi ngộ thoả đáng cho cán bộ xã, đồng ý với việc xác định cán bộ xã có bộ phận chuyên trách và không chuyên trách (bộ phận chuyên trách có từ 17-21 người); cán bộ chuyên trách được hưởng các chế độ tương tự như công chức nhà nước, được trả lương thay vì trả sinh hoạt phí; có thang, bảng lương riêng cho cán bộ cơ sở... Một số ý kiến còn băn khoăn về việc đề án không làm rõ chế độ cho người không chuyên trách; sự hành chính và quan liêu hoá khi bộ phận cán bộ chuyên trách ở cơ sở được xếp vào "cán bộ, công chức cơ sở", chế độ và thời gian hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ cơ sở; Tiểu ban cần nghiên cứu để hoàn chỉnh đề án.

- Về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cơ sở, các ý kiến cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng và bức xúc hiện nay. Cần đổi mới căn bản cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở (từ chương trình, nội dung, phương thức và phân cấp đào tạo) cho thật rõ ràng và thiết thực vào các chức danh quy định để cán bộ có khả năng xử lý mọi vấn đề, mọi tình huống có thể xảy ra ở xã, phường. Cần coi đây là giải pháp lớn trong đề án và phải đặt vấn đề cán bộ một cách toàn diện, không chỉ là chính sách cán bộ.

7- Về đổi mới sự chỉ đạo của cấp trên đối với cơ sở.

Đồng ý với những nội dung nêu trong đề án, song cần nhấn mạnh vào hai vấn đề :

- Trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về "đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở", cần tập trung ngay vào việc điều chỉnh, sửa đổi Luật và các văn bản pháp quy có liên quan đến hệ thống chính trị cơ sở (như Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Pháp lệnh công chức...) để Nghị quyết sớm thực thi đi vào cuộc sống.

- Phải thực sự đổi mới phong cách làm việc, trước hết là ở cấp tỉnh và cấp huyện, tập trung hướng về cơ sở, gần dân, sát dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

*

*         *

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo trên và ý kiến phát biểu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại cuộc họp này, Tiểu ban hoàn chỉnh đề án, dự thảo Nghị quyết để gửi Trung ương trước ngày 06-02-2002.


T/M BỘ CHÍNH TRỊ

Phan Diễn

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
29-CT/TW
17/10/2003
17/10/2003
102/2016/NĐ-CP
01/07/2016
01/07/2016

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website