Nghị định số 89/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế
  • Quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế
  • 89/2016/NĐ-CP
  • Nghị định
  • Tài chính - Ngân hàng
  • 01/07/2016
  • 01/07/2016
  • Chính phủ
  • Nguyễn Xuân Phúc
Nội dung:

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 0tháng 7 năm 2016

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐẠI LÝ ĐỔI NGOẠI TỆ, HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ NHẬN VÀ CHI, TRẢ NGOẠI TỆ CỦA TỔ CHỨC KINH TẾ

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hi ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ bao gồm hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ và hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ.

Điều 2Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ.

2. Tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ.

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tín dụng ủy quyền là tổ chức tín dụng được phép ủy quyền cho tổ chức kinh tế làm đại lý đổi ngoại tệ hoặc làm đại lý chi, trả ngoại tệ.

3. Tổ chức kinh tế (không bao gồm tổ chức tín dụng) là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.

Điều 4. Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ

Tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ. Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ:

1. Được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau:

a) Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên;

b) Cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy);

c) Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật;

d) Văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam;

đ) Khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.

3. Có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ sau đây:

a) Có nơi giao dịch riêng biệt (phòng hoặc quầy giao dịch không gắn liền với các hoạt động kinh doanh khác, chỉ chuyên làm dịch vụ đổi ngoại tệ);

b) Nơi giao dịch phải trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc tối thiểu bao gồm điện thoại, máy fax, két sắt, bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ.

4. Nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ phải có Giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả.

5. Có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ.

6. Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý đổi ngoại tệ.

7. Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép và tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận đặt đại lý đổi ngoại tệ ở một hoặc nhiều địa điểm trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Điều 5. Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ

1. Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ:

a) Được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Có trang thiết bị và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đối với hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ như: Máy tính, điện thoại, máy fax;

c) Có hợp đồng với đối tác nước ngoài về dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ;

d) Có phương án thực hiện dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ do người đại diện hợp pháp ký.

2. Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận gia hạn thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ:

a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ đã được cấp còn hiệu lực tối thiểu 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

c) Không vi phạm chế độ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tối thiểu 04 quý từ thời điểm được cấp văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ hoặc văn bản chấp thuận gia hạn gần nhất đến thời điểm xin gia hạn.

Điều 6. Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ

1. Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ:

a) Được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Có trang thiết bị và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đối với hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ như: Máy tính, điện thoại, máy fax;

c) Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý chi, trả ngoại tệ.

2. Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận gia hạn đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ:

a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Văn bản chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ đã được cấp còn hiệu lực tối thiểu 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ;

c) Không vi phạm chế độ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tối thiểu 04 quý từ thời điểm được cấp văn bản chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc văn bản chấp thuận gia hạn gần nhất đến thời điểm xin gia hạn.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(Đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
13/2016/TT-BCT
11/07/2016
25/08/2016
75/2016/NĐ-CP
01/07/2016
01/07/2016

Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi số trong các cơ quan đảng

(ĐCSVN) - Ngày 27/3, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số trong các cơ quan đảng ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, trong đó đề ra mục tiêu và lộ trình cụ thể trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2028 đối với hạ tầng số, ứng dụng số, dữ liệu số; công tác nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên môi trường số; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực.

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương.

Khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW tại địa phương

(ĐCSVN) - Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đề nghị các tỉnh uỷ, thành uỷ khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Từ ngày 20/3 không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3

(ĐCSVN) - Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 15-HD/UBKTTW về sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 về thực hiện một số điều trong Quy định 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2025.

Kế hoạch về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

(ĐCSVN) - Ngày 20/3/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã ban hành Công văn số 43-CV/BCĐ (Công văn số 43-CV/BCĐ) về Kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Điều chỉnh phạm vi, đối tượng áp dụng chính sách, chế độ trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa ký Thông báo kết luận số 75-TB/TW ngày 7/3/2025 của Bộ Chính trị về điều chỉnh phạm vi và đối tượng áp dụng chính sách, chế độ...

Liên kết website