ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHÍNH PHỦ - ĐOÀN CHỦ TỊCH
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
*
Số: 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2016
|
NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13;
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13;
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13;
Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 75/2015/QH13;
Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13;
Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021,
CHƯƠNG I
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ NHẤT ĐỂ THỎA THUẬN VỀ CƠ CẤU, THÀNH PHẦN, SỐ LƯỢNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Mục 1
ĐỐI VỚI VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 1. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 03 tháng 02 năm 2016 đến ngày 17 tháng 02 năm 2016.
2. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 2. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất
1. Hội nghị cử chủ tọa trong Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thư ký hội nghị.
2. Đối với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương, đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng người của tổ chức chính trị, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Đối với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở địa phương, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trình bày dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
3. Hội nghị thảo luận để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm số dư người ứng cử, tỉ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thoả thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nếu hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì cử tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
4. Hội nghị thông qua biên bản (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT kèm theo Nghị quyết này).
5. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ở cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 3. Điều chỉnh và hướng dẫn việc giới thiệu người ứng cử
1. Căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 40 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Văn bản điều chỉnh được gửi ngay đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.
2. Trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và hướng dẫn về nội dung, thủ tục, trình tự giới thiệu người ứng cử, làm hồ sơ ứng cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Chương II của Nghị quyết này.
Mục 2
ĐỐI VỚI VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều 4. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở mỗi cấp được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 03 tháng 02 năm 2016 đến ngày 17 tháng 02 năm 2016do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 50 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 5. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất
1. Hội nghị cử chủ tọa trong Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thư ký hội nghị.
2. Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trình bày dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước cùng cấp và của đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp hoặc thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã).
Đối với những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội thì đại diện Ủy ban nhân dân cấp tổ chức hội nghị hiệp thương trình bày dự kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.
3. Hội nghị thảo luận để thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), bảo đảm số dư người ứng cử, tỉ lệ người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo quy định của Luậtbầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thoả thuận được vấn đề nào thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nếu hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì cử tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
4. Hội nghị thông qua biên bản (theo Mẫu 01/BCĐBHĐND-MT kèm theo Nghị quyết này).
Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đối với những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, biên bản hội nghị hiệp thương được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Điều 6. Điều chỉnh và hướng dẫn việc giới thiệu người ứng cử
1. Căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ nhất, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tiến hành điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã) được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình theo quy định tại Điều 51 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Văn bản điều chỉnh được gửi ngay đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.
2. Trên cơ sở điều chỉnh của Thường trực Hội đồng nhân dân từng cấp về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã) thì Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố được phân bổ người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và hướng dẫn nội dung, thủ tục, trình tự giới thiệu người ứng cử, làm hồ sơ ứng cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Chương II của Nghị quyết này.
CHƯƠNG II
CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Mục 1
ĐỐI VỚI VIỆC GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 7. Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội
1. Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 02 năm 2016 đến ngày 10 tháng 3 năm 2016.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ số lượng người giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội theo các bước sau đây:
a) Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp để dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội;
b) Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử;
c) Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc của người được dự kiến giới thiệu ứng cử, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.
Điều 8. Họp ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến người giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội
1. Thành phần dự họp:
a) Ban lãnh đạo tổ chức đối với tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội;
b) Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban chấp hành Công đoàn đối với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp;
c) Chỉ huy đơn vị đối với đơn vị vũ trang nhân dân.
2. Thủ tục, trình tự tổ chức cuộc họp:
a) Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân giới thiệu mục đích, yêu cầu cuộc họp, dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được phân bổ giới thiệu ứng cử, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và các bước tiến hành để lập danh sách giới thiệu người ứng cử;
b) Những người dự họp thảo luận về dự kiến giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội để lấy ý kiến nhận xét của hội nghị cử tri trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
c) Cuộc họp thông qua biên bản (theo Mẫu số 02/BCĐBQH-MT kèm theo Nghị quyết này).
Điều 9. Hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội
1. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo quy định tại các điều 1, 3 và 4 của Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Biên bản hội nghị được lập theo Mẫu số 02/BCĐBQH, ĐBHĐND-UBTVQH kèm theo Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 10. Hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội
1. Thành phần dự hội nghị:
a) Đối với tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, thành phần dự hội nghị gồm Đoàn Chủ tịch mở rộng tới người đứng đầu các tổ chức thành viên (tổ chức nào không có tổ chức thành viên thì tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc); Ban thường vụ mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hoặc Ban thường trực mở rộng tới đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc;
b) Đối với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp thì thành phần dự hội nghị gồm lãnh đạo cơ quan, đại diện Ban chấp hành Công đoàn và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc;
c) Đối với đơn vị vũ trang nhân dân, thành phần dự hội nghị gồm chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành Công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy cấp dưới trực tiếp.
2. Thủ tục, trình tự tổ chức hội nghị:
a) Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân báo cáo tình hình và kết quả hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với từng người được dự kiến giới thiệu ứng cử;
b) Những người dự hội nghị thảo luận và biểu thị sự tán thành của mình đối với từng người được giới thiệu ứng cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Trường hợp hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì cử tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu giới thiệu phải có dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
c) Hội nghị thông qua biên bản và danh sách người được giới thiệu ứng cử (theo Mẫu số 03/BCĐBQH-MT kèm theo Nghị quyết này).
Điều 11. Việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội và biên bản hội nghị
1. Căn cứ vào kết quả của hội nghị ban lãnh đạo mở rộng, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được lựa chọn, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội làm hồ sơ ứng cử theo quy định tại Điều 35 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia.
2. Chậm nhất là ngày 13 tháng 3 năm 2016, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội.
Việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hoàn thành chậm nhất là ngày 15 tháng 3 năm 2016 để đưa vào danh sách hiệp thương.
3. Việc gửi biên bản hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc và biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 41 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ở cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 42 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hoàn thành chậm nhất là ngày 13 tháng 3 năm 2016.
Mục 2
ĐỐI VỚI VIỆC GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều 12. Cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã
1. Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 02 năm 2016 đến ngày 10 tháng 3 năm 2016.
2. Người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.
3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử thực hiện việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo các bước sau đây:
a) Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị họp để dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
b) Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử;
c) Trên cơ sở ý kiến nhận xét và tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử.
4. Việc giới thiệu người của thôn, tổ dân phố để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được được thực hiện theo quy định tại Chương II của Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 13. Họp ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến người giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Thành phần dự họp:
a) Ban lãnh đạo tổ chức đối với tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội;
b) Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban chấp hành Công đoàn đối với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp;
c) Chỉ huy đơn vị đối với đơn vị vũ trang nhân dân.
2. Thủ tục, trình tự tổ chức cuộc họp:
a) Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân giới thiệu mục đích, yêu cầu của cuộc họp, cơ cấu, thành phần, số lượng người được phân bổ giới thiệu ứng cử, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân và các bước tiến hành để lập danh sách giới thiệu người ứng cử;
b) Những người dự họp thảo luận về dự kiến giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử;
c) Cuộc họp thông qua biên bản (theo Mẫu số 03/BCĐBHĐND-MT kèm theo Nghị quyết này).
Điều 14. Hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo quy định tại các điều 1, 3 và 4 của Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
2. Biên bản hội nghị được lập theo Mẫu số 02/BCĐBQH, ĐBHĐND-UBTVQH kèm theo Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 15. Hội nghị ban lãnh đạo mở rộng của cơ quan, tổ chức, đơn vị để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Thành phần dự hội nghị:
a) Đối với tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, thành phần dự hội nghị gồm Ban thường vụ mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hoặc Ban thường trực mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc hoặc lãnh đạo các tổ chức thành viên. Trường hợp tổ chức xã hội không lập Ban thường vụ thì tổ chức hội nghị Ban chấp hành;
b) Đối với Ủy ban nhân dân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị Ủy ban nhân dân mở rộng đến đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc;
c) Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Thường trực Hội đồng nhân dân, các Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân;
d) Đối với Hội đồng nhân dân cấp xã thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập và chủ trì hội nghị gồm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (nếu có);
đ) Đối với các sở, ban, ngành thì người đứng đầu cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị lãnh đạo mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, đại diện Ban chấp hành Công đoàn;
e) Đối với các đơn vị sự nghiệp thì người đứng đầu đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị lãnh đạo mở rộng đến đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc (nếu có), đại diện Ban chấp hành Công đoàn;
g) Đối với tổ chức kinh tế thì người đứng đầu tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị lãnh đạo mở rộng đến người đứng đầu các phòng, ban, phân xưởng, trạm, trại, đại diện Ban chấp hành Công đoàn;
h) Đối với đơn vị vũ trang nhân dân thì chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị gồm chỉ huy đơn vị, đại diện Ban chấp hành Công đoàn (nếu có), đại diện quân nhân và chỉ huy cấp dưới trực tiếp;
i) Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thì cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.
2. Thủ tục, trình tự tổ chức hội nghị:
a) Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân báo cáo tình hình và kết quả hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với từng người được dự kiến giới thiệu ứng cử;
b) Những người dự hội nghị thảo luận và biểu thị sự tán thành của mình đối với từng người được giới thiệu ứng cử bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định. Trường hợp hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì cử tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu giới thiệu phải có dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
c) Hội nghị thông qua biên bản và danh sách người được giới thiệu ứng cử (theo Mẫu số 03/BCĐBHĐND-MT kèm theo Nghị quyết này).
Điều 16. Việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và biên bản hội nghị
1. Căn cứ vào kết quả của hội nghị ban lãnh đạo mở rộng, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được lựa chọn, giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân làm hồ sơ ứng cử theo quy định tại Điều 35 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia.
2. Chậm nhất là ngày 13 tháng 3 năm 2016, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Việc nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo khoản 2, khoản 3 Điều 36 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hoàn thành chậm nhất là ngày 15 tháng 3 năm 2016 để đưa vào danh sách hiệp thương.
3. Việc gửi biên bản hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc, biên bản hội nghị ban lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị và biên bản hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố được thực theo quy định tại khoản 6 Điều 52 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, hoàn thành chậm nhất là ngày 13 tháng 3 năm 2016.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ HAI ĐỂ THỎA THUẬN LẬP DANH SÁCH SƠ BỘ NHỮNG NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Mục 1
ĐỐI VỚI VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 17. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 16 tháng 3 năm 2016 đến ngày 18 tháng 3 năm 2016.
2. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở địa phương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 44 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 18. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai
1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đối với hội nghị hiệp thương ở trung ương), Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (đối với hội nghị hiệp thương ở địa phương) báo cáo về tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tình hình người tự ứng cử ở địa phương (nếu có).
2. Hội nghị thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội căn cứ vào các nội dung sau đây:
a) Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội;
b) Kết quả điều chỉnh lần thứ nhất của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
c) Kết quả thỏa thuận tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất;
d) Hồ sơ, biên bản của cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến;
đ) Ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
3. Hội nghị bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc (nếu có) của người tự ứng cử; nêu ra các vấn đề cần xác minh, làm rõ đối với những người ứng cử.
4. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT và 05/BCĐBQH-MT kèm theo Nghị quyết này).
5. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 43 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ở cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Mục 2
ĐỐI VỚI VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều 19. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở mỗi cấp được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 16 tháng 3 năm 2016 đến ngày 18 tháng 3 năm 2016 do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 20. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai
1. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo về tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), tình hình người tự ứng cử (nếu có).
2. Hội nghị thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân căn cứ vào các nội dung sau đây:
a) Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân;
b) Kết quả điều chỉnh của Thường trực Hội đồng nhân dân về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được giới thiệu ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
c) Kết quả thỏa thuận tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất;
d) Hồ sơ và biên bản giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi đến;
đ) Ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Hội nghị bàn kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc (nếu có) của người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; nêu ra các vấn đề cần xác minh, làm rõ đối với những người ứng cử.
4. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (theo Mẫu số 01/BCĐBHĐND-MT và 05/BCĐBHĐND-MT kèm theo Nghị quyết này).
5. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương và danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đối với những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội thì biên bản hội nghị hiệp thương được gửi ngay đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Ủy ban bầu cử cùng cấp.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN NHẬN XÉT VÀ TÍN NHIỆM CỦA CỬ TRI ĐỐI VỚI NGƯỜI ỨNG CỬ
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều 21. Tổ chức hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội
1. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức họp với đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã nơi có người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú và đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử để hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri.
2. Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử cư trú thường xuyên do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trao đổi với cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ứng cử để tổ chức hội nghị cử tri.
3. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (nếu có) được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 3 năm 2016 đến ngày 12 tháng 4 năm 2016 theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Chương I củaNghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 22. Tổ chức hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương họp với người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử; đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới trực tiếp (đối với cấp xã, thì mời các Trưởng ban công tác Mặt trận trên địa bàn), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cư trú thường xuyên để hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử có tên trong danh sách sơ bộ và ý kiến cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người tự ứng cử (nếu có), người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
2. Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử cư trú thường xuyên do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.
Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trao đổi với cơ quan, tổ chức, đơn vị có người được giới thiệu ứng cử để tổ chức hội nghị cử tri.
3. Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc của người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (nếu có), người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 3 năm 2016 đến ngày 12 tháng 4 năm 2016 theo quy định tại Điều 54, Điều 55 củaLuật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Chương I của Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Điều 23. Xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Trách nhiệm xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 46 và Điều 55 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Chậm nhất là ngày 12 tháng 4 năm 2016, việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được tiến hành xong.
Điều 24. Điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội
Chậm nhất là ngày 28 tháng 3 năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 47 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Văn bản điều chỉnh được gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương để làm cơ sở cho việc hiệp thương lần thứ ba.
CHƯƠNG V
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ HIỆP THƯƠNG LẦN THỨ BA ĐỂ LỰA CHỌN, LẬP DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI ĐỦ TIÊU CHUẨN ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Mục 1
ĐỐI VỚI VIỆC HIỆP THƯƠNG, GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 25. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba
1. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 13 tháng 4 năm 2016 đến ngày 17 tháng 4 năm 2016.
2. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở địa phương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 49 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 26. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba
1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đối với hội nghị hiệp thương ở trung ương), Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (đối với hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh) báo cáo về tình hình và kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với những người ứng cử, trong đó cần nêu rõ những trường hợp người ứng cử không được sự tín nhiệm của cử tri và những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu.
2. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo dự kiến danh sách người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.
Trường hợp không thoả thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nếu hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì cử tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
3. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (theo Mẫu số 01/BCĐBQH-MT và 04/BCĐBQH-MT kèm theo Nghị quyết này).
4. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 48 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; ở cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là ngày 22 tháng 4 năm 2016.
Mục 2
ĐỐI VỚI VIỆC HIỆP THƯƠNG,
GIỚI THIỆU NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Điều 27. Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở mỗi cấp được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 13 tháng 4 năm 2016 đến ngày 17 tháng 4 năm 2016 do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp triệu tập và chủ trì được thực hiện theo quy định tại Điều 56 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 28. Nội dung, thủ tục tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba
1. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo về tình hình và kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với những người ứng cử, trong đó cần nêu rõ những trường hợp người ứng cử không được sự tín nhiệm của cử tri và những trường hợp cần xem xét do có vụ việc cử tri nêu.
2. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương báo cáo dự kiến danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp không thoả thuận được thì hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Nếu hội nghị quyết định biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì cử tổ kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu biểu quyết phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương. Chỉ các đại biểu thuộc thành phần hiệp thương có mặt tại hội nghị mới được quyền biểu quyết.
3. Hội nghị thông qua biên bản và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (theo Mẫu số 01/BCĐBHĐND-MT và 05/BCĐBHĐND-MT kèm theo Nghị quyết này).
4. Việc gửi biên bản hội nghị hiệp thương và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chậm nhất là ngày 22 tháng 4 năm 2016.
Đối với những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội thìbiên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Ủy ban bầu cử cùng cấp.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Trách nhiệm và hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định của Nghị quyết này.
3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện những nhiệm vụ được quy định trong Nghị quyết này.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Sinh Hùng
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng
|
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Thiện Nhân
|