THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1430/QĐ-TTg
|
Hà Nội,ngày 20 tháng 09 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRUNG ƯƠNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng) gồm thành phần quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 1 Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây gọi tắt là Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg) và khoản 1 Điều 1 Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg.
Danh sách thành viên Hội đồng và việc thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Thủ trưởng bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức có thành viên tham gia Hội đồng.
Điều 2. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng. Các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Hội đồng họp định kỳ 2 lần/năm, họp đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng hoặc theo ý kiến của tối thiểu 1/2 thành viên Hội đồng. Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng.
Hội đồng có Ban Thư ký giúp việc. Việc thành lập, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thư ký giúp việc Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
Điều 3. Trách nhiệm của cơ quan thường trực của Hội đồng
1. Tham mưu giúp Hội đồng triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg; giúp Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 3, Điều 4 Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và khoản 3 Điều 1 Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg.
2. Chủ trì xây dựng, trình Chủ tịch Hội đồng ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của Hội đồng, kết luận và các văn bản khác của Hội đồng; theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai các văn bản này.
3. Chuẩn bị nội dung và điều kiện cần thiết phục vụ các phiên họp của Hội đồng và Ban Thư ký giúp việc Hội đồng.
4. Tổng hợp, báo cáo, thống kê về công tác phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của Hội đồng.
5. Giúp Chủ tịch Hội đồng thực hiện việc quản lý, sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Hội đồng theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng giao.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 1060/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và Quyết định số 1500/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Nguyễn Xuân Phúc
|