Quyết định số 168/QĐ-TTg, ngày 7/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025
  • Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025
  • 168/QĐ-TTg
  • Quyết định
  • Kinh tế - Xã hội
  • 07/02/2017
  • 07/02/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Trịnh Đình Dũng
Nội dung:

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 168/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH ĐIỆN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành điện gắn với việc tiếp tục thực hiện chuyển đổi hoạt động của ngành điện theo cơ chế thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong điều kiện hội nhập quốc tế.

2. Xây dựng cơ cấu tổ chức ngành điện để đưa Thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

3. Nâng cao hiệu quả điều tiết hoạt động điện lực nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.

4. Áp dụng giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

II. TÁI CƠ CẤU NGÀNH ĐIỆN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018

a) Khâu phát điện

- Thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các Tổng công ty Phát điện tiếp tục trực thuộc các Tập đoàn và do các Tập đoàn nắm giữ ít nhất 51% cổ phần.

- Các Tổng công ty Phát điện sau khi cổ phần hóa chịu trách nhiệm thực hiện các dự án đầu tư nguồn điện mới được giao theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Các Tổng công ty Phát điện xây dựng và thực hiện các đề án nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh cao, sản xuất kinh doanh có lãi, tăng dần tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.

- Khuyến khích các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo đáp ứng đủ điều kiện được quyền tham gia trực tiếp Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm.

b) Khâu truyền tải điện

Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do EVN làm đại diện nắm giữ 100% vốn điều lệ.

c) Khâu phân phối điện - bán lẻ điện

- Tiếp tục duy trì mô hình tổ chức của các Tổng công ty Điện lực theo hình thức công ty TNHH MTV do EVN làm đại diện nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Xây dựng cơ chế điều tiết giữa các Tổng công ty Điện lực, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

- Thực hiện từng bước tách bạch chi phí phân phối điện và bán lẻ điện của Tổng công ty Điện lực.

d) Vận hành hệ thống điện và thị trường điện

- Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia tiếp tục thực hiện chức năng vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

- Xây dựng Đề án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN.

đ) Quản lý số liệu đo đếm điện năng trong thị trường điện

- Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thực hiện chức năng quản lý số liệu đo đếm trong Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

- Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Tổng công ty Điện lực, Công ty Mua bán điện, Trung tâm Viễn thông và Công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ thu thập, quản lý, lưu trữ số liệu đo đếm trong phạm vi quản lý theo quy định của Bộ Công Thương.

e) Cơ quan Điều tiết điện lực

Đổi mới mô hình của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát hoạt động của Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và nâng cao hiệu quả điều tiết hoạt động điện lực.

2. Giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020

a) Tiếp tục xem xét thoái phần vốn nhà nước tại các Tổng công ty Phát điện xuống dưới mức chi phối và tách các Tổng công ty Phát điện ra khỏi các Tập đoàn sau khi có đánh giá kết quả hoạt động sau 02 năm thực hiện cổ phần hóa, đảm bảo tuân thủ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.

b) Đưa các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT (nhà máy điện BOT) tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cụ thể như sau:

- Đối với nhà máy điện đã ký hợp đồng BOT: Khuyến khích nhà máy điện BOT tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

- Đối với nhà máy điện chưa ký hợp đồng BOT: Giảm công suất, sản lượng bao tiêu và tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

c) Triển khai phương án đưa các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

d) Tiếp tục thực hiện tách bạch chi phí phân phối điện và bán lẻ điện của Tổng công ty Điện lực để chuẩn bị cho vận hành Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Triển khai thực hiện cơ chế điều tiết giữa các Tổng công ty Điện lực đáp ứng yêu cầu của Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

đ) Chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, có tư cách pháp nhân và hạch toán độc lập trong EVN, hoàn thành trước khi Thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành.

III. ĐỊNH HƯỚNG CƠ CẤU NGÀNH ĐIỆN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Tiếp tục thực hiện tách bạch, hạch toán riêng về chi phí giữa hoạt động phân phối điện và hoạt động bán lẻ điện trong Tổng công ty Điện lực và xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong hoạt động bán lẻ điện giữa các đơn vị tham gia thị trường.

2. Thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty Điện lực theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ quyết định, trong đó lưu ý:

- Đảm bảo tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước tại các Tổng công ty Điện lực theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước:

- Nghiên cứu các phương án: Cổ phần hóa các Tổng công ty Điện lực, không cổ phần hóa riêng lẻ từng công ty điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực; không cổ phần hóa khâu phân phối điện, chỉ cổ phần hóa khâu bán lẻ điện.

3. Xây dựng phương án và triển khai thực hiện việc chuyển Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện thành đơn vị hoàn toàn độc lập về nhân sự, pháp lý, tài chính, không chung lợi ích với bên bán điện và bên mua điện, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

4. Tiếp tục thực hiện cơ chế điều tiết giữa các Tổng công ty Điện lực và cơ chế giá bán lẻ điện đáp ứng yêu cầu của Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Bộ Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát Luật điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các nội dung cần thiết sửa đổi, bổ sung để thực hiện các nội dung của Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020 có xét đến năm 2025.

b) Đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016 - 2020 có xét đến năm 2025 được phê duyệt.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định các phương án cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện, phù hợp với tiến độ tái cơ cấu ngành điện được phê duyệt.

d) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích các nhà máy điện BOT tham gia thị trường điện.

đ) Phê duyệt Đề án đưa các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và tổ chức thực hiện.

e) Xây dựng cơ chế khuyến khích nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo tham gia Thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo hướng mở, cho phép các nhà máy này lựa chọn tiếp tục áp dụng cơ chế giá khuyến khích theo quy định hiện hành hoặc tham gia trực tiếp Thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

g) Chỉ đạo thực hiện cơ chế tách bạch hạch toán chi phí phân phối điện và bán lẻ điện theo quy định hiện hành.

h) Nghiên cứu, đổi mới cơ chế giá điện các khâu phù hợp với các cấp độ phát triển thị trường điện lực cạnh tranh; đề xuất cơ chế giá phân phối điện phù hợp với định hướng phát triển Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

i) Xây dựng cơ chế điều tiết giữa các Tổng công ty Điện lực trong Thị trường bán buôn điện cạnh tranh; xây dựng hệ thống giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

k) Chỉ đạo xây dựng Đề án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

l) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đổi mới mô hình tổ chức Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế thu cho công tác điều tiết Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

m) Tổ chức xây dựng Thiết kế thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Giao Bộ Tài chính

a) Phối hợp với Bộ Công Thương xem xét Phương án cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét các vướng mắc khi thực hiện tái cơ cấu ngành điện và cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, bao gồm:

- Vấn đề đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các Tổng công ty Phát điện có bảo lãnh Chính phủ khi thực hiện cổ phần hóa.

- Giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Phát điện sau khi cổ phần hóa.

- Phương án chuyển đổi chủ hợp đồng vay có bảo lãnh Chính phủ từ các Tập đoàn sang Tổng công ty Phát điện sau khi cổ phần hóa.

c) Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ chế điều tiết giữa các Tổng công ty Điện lực trong Thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cơ chế thu cho công tác điều tiết Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Trịnh Đình Dũng

 

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
2045 - CV/BTCTW
29/12/2016
29/12/2016

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website