THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:64/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ THÀNH VIÊN TỔ CHỨC QUỐC TẾ VỀ LUẬT PHÁT TRIỂN (IDLO)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 04 năm 2016;
Căn cứ Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 05 tháng 09 năm 2016 của Chính phủ về việc gia nhập Tổ chức quốc tế về Luật phát triển;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành “Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO) của Việt Nam” (Kế hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu
- Đảm bảo sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động của IDLO, góp phần thiết thực thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy hợp tác đa phương, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
- Khai thác tối đa các lợi ích thành viên của IDLO nhằm hỗ trợ hoạt động xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật và nâng cao năng lực cho cán bộ pháp luật.
2. Yêu cầu
- Quá trình triển khai Kế hoạch phải chủ động, đồng bộ với lộ trình cụ thể, khả thi để thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam với IDLO, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế.
- Kế hoạch cần xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO.
- Việc triển khai kế hoạch cần đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Tư pháp - Cơ quan đầu mối quốc gia với các Bộ, ngành hữu quan trong nước và giữa các cơ quan của Việt Nam với IDLO trong quá trình thực hiện Quy chế thành viên IDLO.
II. NHIỆM VỤ
1. Phát huy vai trò thành viên tích cực của IDLO:
- Tham dự Hội nghị quốc gia thành viên thường niên của IDLO;
- Tham gia các hoạt động do IDLO chủ trì trong một số lĩnh vực pháp luật là thế mạnh của IDLO: pháp quyền và tiếp cận công lý, bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, phòng, chống buôn bán người và các lĩnh vực khác trên cơ sở chính sách ưu tiên của IDLO, ưu tiên của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và đề xuất của các cơ quan liên quan của Việt Nam;
- Tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của Việt Nam với tư cách là thành viên IDLO và các thông tin, nghiên cứu, báo cáo, tài liệu của IDLO;
- Nghiên cứu khả năng trao quyền ưu đãi, miễn trừ cho tổ chức và nhân viên của IDLO để hỗ trợ các hoạt động của IDLO tại Việt Nam phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam.
2. Tăng cường hợp tác với IDLO:
- Triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam với IDLO;
- Đàm phán, ký kết và triển khai các chương trình, dự án hợp tác với IDLO phù hợp với điều kiện, nhu cầu và thế mạnh của hai Bên nhằm hỗ trợ hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho cán bộ pháp luật của Việt Nam.
3. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp của Việt Nam để đảm bảo thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO của Việt Nam:
- Tổ chức và tham dự các khóa tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng đối ngoại liên quan cho cán bộ pháp luật và tư pháp của Việt Nam do Việt Nam và/hoặc IDLO tổ chức.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Tư pháp
Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối quốc gia trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên của IDLO của Việt Nam theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016; có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này trên phạm vi cả nước; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này.
2. Các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan
Các Bộ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp với Bộ Tư pháp chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục ban hành kèm theo, đảm bảo thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.
3. Về kinh phí đảm bảo
Kinh phí thực hiện Kế hoạch này từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động hợp tác với IDLO.
Vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, các Bộ, cơ quan được giao chủ trì nhiệm vụ tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này xây dựng dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp vào dự toán của cơ quan mình gửi Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính có trách nhiệm xem xét, tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO của Việt Nam do các bộ, ngành đề xuất, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, định kỳ rà soát, đánh giá hàng năm và tổng kết 5 năm tình hình thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO, Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO, các hoạt động hợp tác với IDLO và các nước thành viên, và đề xuất các giải pháp mới nhằm thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO, nâng cao hiệu quả hợp tác với IDLO và các nước thành viên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Nguyễn Xuân Phúc
|
---------
PHỤ LỤC
DANH SÁCH CÁC NHIỆM VỤ VÀ CƠ QUAN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ THÀNH VIÊN TỔ CHỨC QUỐC TẾ VỀ LUẬT PHÁT TRIỂN (IDLO) CỦA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)
STT
|
Nội dung công việc
|
Cơ quan chủ trì
|
Cơ quan phối hợp
|
Thời gian
|
Đầu ra
|
1.
|
Phát huy vai trò thành viên tích cực của IDLO
|
1.1
|
Tham dự Hội nghị quốc gia thành viên thường niên của IDLO:
+ Cử đại diện tham gia chủ động và tích cực tại các Hội nghị quốc gia thành viên thường niên của IDLO để kiểm điểm định kỳ các hoạt động của IDLO, thống nhất định hướng chính sách của tổ chức, phê duyệt kế hoạch hoạt động, ngân sách, bầu ra thành viên các cơ quan của IDLO và trao đổi, thống nhất các vấn đề của IDLO được đưa ra lấy ý kiến các nước thành viên.
|
Bộ Tư pháp
|
Các bộ, ngành có liên quan
|
Hàng năm
|
Sự tham gia chủ động, tích cực vào các Hội nghị thường niên; qua đó khẳng định vai trò của Việt Nam trong IDLO và tại Hội nghị thường niên; Báo cáo kết quả tham gia theo quy định.
|
1.2.
|
Tham gia các hoạt động do IDLO chủ trì trong một số lĩnh vực pháp luật là thế mạnh của IDLO:
- Cử cán bộ tham dự và chủ trì, phối hợp với IDLO tổ chức các hội thảo, hội nghị, phiên họp, diễn đàn của IDLO về những chủ đề pháp luật mà Việt Nam có thể khai thác, tranh thủ phục vụ cho xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
|
|
|
Từ năm 2018
|
Báo cáo kết quả tham dự các hội thảo, hội nghị, phiên họp chuyên đề; bài viết, bản tin, tài liệu về các hoạt động, kinh nghiệm của các quốc gia thành viên IDLO trong từng lĩnh vực tham gia
|
1.2.1
|
Lĩnh vực pháp quyền, tiếp cận công lý: Tập trung vào các nội dung sau: trao quyền pháp lý; quyền con người, cải cách pháp luật, quản trị tốt và tăng cường hiệu quả của phương pháp giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (hòa giải cơ sở, hòa giải thương mại, trọng tài)
|
Bộ Tư pháp
|
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành có liên quan
|
Từ năm 2018, theo kế hoạch của IDLO
|
|
1.2.2
|
Lĩnh vực bình đẳng giới, bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em
|
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội
|
Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ, ngành có liên quan
|
Từ năm 2018, theo kế hoạch của IDLO
|
|
1.2.3.
|
Lĩnh vực phòng, chống buôn bán người
|
Bộ Công an
|
Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành có liên quan
|
Từ năm 2018, theo kế hoạch của IDLO
|
|
1.2.4.
|
Các lĩnh vực khác là thế mạnh của IDLO, phù hợp chính sách ưu tiên của Việt Nam trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và đề xuất của các cơ quan liên quan của Việt Nam trên cơ sở trao đổi, đề xuất cụ thể tại từng thời điểm
|
Bộ Tư pháp
|
Các Bộ, ngành có liên quan
|
Tại từng thời điểm đề xuất
|
|
1.3.
|
Tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của Việt Nam với tư cách thành viên IDLO và các thông tin, nghiên cứu, báo cáo, tài liệu của IDLO
|
Bộ Tư pháp
|
Các Bộ, ngành có liên quan
|
Thường xuyên
|
Các bài viết, bản tin, tài liệu, báo cáo được chia sẻ rộng rãi và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan.
|
1.4.
|
Nghiên cứu khả năng trao quyền ưu đãi, miễn trừ cho tổ chức và nhân viên của IDLO để hỗ trợ cho các hoạt động của IDLO tại Việt Nam phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam
|
Bộ Ngoại giao
|
Bộ Tư pháp
|
2018-2019, theo yêu cầu của IDLO
|
Báo cáo đề xuất khả năng trao quyền ưu đãi, miễn trừ cho tổ chức và nhân viên của IDLO để hỗ trợ cho các hoạt động của IDLO tại Việt Nam
|
2.
|
Tăng cường hợp tác với IDLO:
|
2.1.
|
Triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam với IDLO;
|
Bộ Tư pháp
|
|
Thường xuyên, theo Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Tư pháp và IDLO
|
- Các hoạt động hợp tác giữa IDLO và Bộ Tư pháp được thực hiện.
|
2.2.
|
Đàm phán, ký kết và triển khai các chương trình, dự án hợp tác với IDLO nhằm hỗ trợ hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho cán bộ pháp luật của Việt Nam
|
Bộ Tư pháp
|
Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan
|
Từ 2018, trên cơ sở khả năng hỗ trợ của IDLO
|
- Các hoạt động hợp tác giữa IDLO và Việt Nam được thực hiện.
|
3
|
Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp của Việt Nam để đảm bảo thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO của Việt Nam
|
3.1.
|
Tổ chức và tham dự các khóa tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng đối ngoại liên quan cho cán bộ pháp luật của Việt Nam do Việt Nam và/hoặc IDLO tổ chức.
|
Bộ Tư pháp
|
Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan
|
Thường xuyên
|
Năng lực của đội ngũ cán bộ pháp luật tham gia triển khai các quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO được nâng cao
|
4.
|
Bố trí nguồn lực kinh phí đảm bảo cho các hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ IDLO
|
4.1.
|
Bố trí kinh phí thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động của Việt Nam trong IDLO.
|
Bộ Tài chính
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành được phân công thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch này
|
Hàng năm
|
|
4.2.
|
Tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động hợp tác với IDLO.
|
Bộ Tư pháp
|
Hàng năm
|
|
5.
|
Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO
+ Định kỳ rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO, Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO, các hoạt động hợp tác với IDLO và các nước thành viên trên thực tế; rút kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp mới nhằm thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác với IDLO và các nước thành viên.
|
Bộ Tư pháp
|
Các Bộ, ngành có liên quan
|
Định kỳ tháng 12 hàng năm và tổng kết 5 năm
|
- Báo cáo hàng năm lồng ghép trong Báo cáo kết quả hợp tác về pháp luật và tư pháp hàng năm của Bộ Tư pháp gửi Bộ Ngoại giao tổng hợp, trình Chính phủ;
- Báo cáo tổng kết 5 năm của Bộ Tư pháp trình Chính phủ.
|