Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 05/1/2018 của Bộ Xây dựng quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
  • Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
  • 01/2018/TT-BXD
  • Thông tư
  • Tài nguyên - Môi trường
  • 05/01/2018
  • 20/02/2018
  • Bộ Xây dựng
  • Phan Thị Mỹ Linh
Nội dung:

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2018/TT-BXD

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2018

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHỈ TIÊU XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TĂNG TRƯỞNG XANH

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

 

Căn cứ Luật Thống kê năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thống kê;

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;

Thực hiện Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát triển đô thị;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và hướng dẫn lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo các chỉ tiêu đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, các đô thị loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V.

2. Đối tượng áp dụng:

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đô thị tăng trưởng xanh là đô thị đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị nhằm giảm những tác động có ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.

2. Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là các hoạt động xây dựng, quy hoạch đô thị; lập và thực hiện chương trình phát triển đô thị; đầu tư phát triển đô thị hướng tới đô thị tăng trưởng xanh.

3. Các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là các chỉ tiêu được áp dụng để đánh giá thực trạng phát triển đô thị tăng trưởng xanh hàng năm hoặc từng giai đoạn được so sánh với hiện trạng phát triển đô thị năm cơ sở nhằm đề xuất, phê duyệt và thúc đẩy thực hiện các chính sách, hoạt động xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

4. Năm cơ sở là năm 2015, được chọn để lập báo cáo lần đầu tiên theo các chỉ tiêu hướng dẫn tại Thông tư này.

5. Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh năm cơ sở là báo cáo được xây dựng áp dụng toàn bộ các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cho năm cơ sở.

6. Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh hàng năm là báo cáo được xây dựng áp dụng một số chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh được lập cho năm đánh giá.

7. Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo giai đoạn là báo cáo được lập áp dụng toàn bộ các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cho giai đoạn cùng kỳ với giai đoạn của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương được hoàn thành trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương cho giai đoạn tiếp theo.

8. Phương án phát triển thông thường là việc phát triển đô thị khi chưa áp dụng các chính sách và hoạt động xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Điều 3. Các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh gồm 24 chỉ tiêu được chia thành 4 nhóm. Danh mục và nội dung các chỉ tiêu được quy định chi tiết tại Phụ lục 1 và 2 ban hành kèm theo Thông tư này:

1. Nhóm chỉ tiêu kinh tế gồm 5 chỉ tiêu nhằm đánh giá hiệu quả tăng trưởng kinh tế về sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.

2. Nhóm chỉ tiêu môi trường gồm 10 chỉ tiêu nhằm đánh giá về chất lượng môi trường và cảnh quan đô thị, mức độ áp dụng các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, xả thải, phát thải khí nhà kính trong phát triển đô thị.

3. Nhóm chỉ tiêu xã hội gồm 4 chỉ tiêu nhằm đánh giá về hiệu quả nâng cao chất lượng và điều kiện sống của người dân đô thị.

4. Nhóm chỉ tiêu thể chế gồm 5 chỉ tiêu nhằm đánh giá về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị đối với công tác xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

Điều 4. Mục đích và nguyên tắc lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

1. Mục đích:

a) Đề xuất các hoạt động ưu tiên thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh;

b) Đánh giá thẩm định các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng có sử dụng nguồn vốn phục vụ mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh;

c) Là cơ sở đề xuất việc rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu cụ thể trong quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị;

d) Kiểm tra, giám sát các chương trình, kế hoạch của đô thị triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên tại các đô thị.

2. Nguyên tắc:

a) Đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, kịp thời trong việc thu thập số liệu các chỉ tiêu và lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh;

b) Việc thu thập số liệu các chỉ tiêu và lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Điều 5. Thu thập và xử lý số liệu các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

1. Nguồn số liệu cho các chỉ tiêu được thu thập trên cơ sở báo cáo do cơ quan có thẩm quyền cung cấp được quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

2. Khái niệm, phương pháp tính và các hướng dẫn đối với mỗi chỉ tiêu được quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này và thực hiện thống nhất giữa các lần lập báo cáo.

3. Số liệu tính toán các chỉ tiêu được thu thập theo kỳ công bố đối với mỗi chỉ tiêu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này. Kỳ công bố theo năm tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm.

4. Số liệu tính toán các chỉ tiêu cho báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh năm cơ sở được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm cơ sở. Báo cáo áp dụng 24 chỉ tiêu được quy định tại Phụ lục 1 và 2 của Thông tư này.

5. Số liệu tính toán các chỉ tiêu cho báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh hàng năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá áp dụng 18 chỉ tiêu không bao gồm các chỉ tiêu mã số: 0201; 0206; 0301; 0302; 0304 và 0401 tại Phụ lục 1 và 2 của Thông tư này.

6. Số liệu tính toán các chỉ tiêu cho báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo giai đoạn được tính đối với năm cuối cùng của giai đoạn. Báo cáo áp dụng 24 chỉ tiêu quy định tại Phụ lục 1 và 2 của Thông tư này.

Điều 6. Nội dung báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

1. Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh năm cơ sở xác định hiện trạng phát triển đô thị làm cơ sở để so sánh, đánh giá xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trong các báo cáo tiếp theo, xác định các bên liên quan và đề xuất, kiến nghị các vấn đề cần được ưu tiên thực hiện.

2. Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh hàng năm so sánh đối chiếu các chỉ tiêu của năm đánh giá so với năm cơ sở, tập trung phân tích các chỉ tiêu có sự thay đổi, điểm mạnh cần tiếp tục phát huy, vấn đề tồn tại cần được cải thiện, đề xuất một số kiến nghị cụ thể, huy động sự tham gia có hiệu quả của các bên liên quan đã được xác định.

3. Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo giai đoạn đánh giá toàn diện kết quả thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh của giai đoạn báo cáo, tổng hợp các báo cáo hàng năm, rà soát các chỉ đạo, định hướng, quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và đề xuất các kiến nghị cho giai đoạn tiếp theo.

4. Đề cương các báo cáo được hướng dẫn tại Phụ lục 3 của Thông tư này.

Điều 7. Hoạt động ưu tiên thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

1. Rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch đô thị, lồng ghép các mô hình phát triển đô thị phù hợp với định hướng phát triển đô thị tăng trưởng xanh như đô thị xanh, đô thị kinh tế - sinh thái, đô thị thông minh, đô thị các bon thấp và các giải pháp thuộc các lĩnh vực ưu tiên nêu tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 của Điều này.

2. Phát triển giao thông đô thị xanh, giao thông công cộng và các hình thức giao thông phát thải thấp, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

3. Phát triển công trình xanh, thân thiện môi trường.

4. Sử dụng tiết kiệm và chống thất thoát, thất thu nước sạch.

5. Xử lý rác thải, chất thải theo hướng giảm xả thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng và tái chế rác thải.

6. Phát triển, ứng dụng vật liệu xây dựng và công nghệ xây dựng xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.

7. Phát triển khu đô thị xanh, sinh thái.

8. Tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu đối với các đô thị.

9. Phát triển đô thị thông minh.

10. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cán bộ quản lý, chuyên môn các cấp về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

11. Ban hành cơ chế chính sách, ưu tiên, ưu đãi, khuyến khích việc thực hiện các lĩnh vực ưu tiên nêu tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 của Điều này.

Điều 8. Tổ chức lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

1. Đối với thành phố trực thuộc Trung ương

a) Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương phân công Sở Xây dựng chủ trì làm đầu mối, định kỳ kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Sở Xây dựng lập kế hoạch xây dựng báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; tổng hợp các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh được quy định tại Phụ lục 1, 2 của Thông tư này, lập và ban hành báo cáo;

b) Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương phân công cụ thể các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân các đô thị trực thuộc cung cấp và chịu trách nhiệm đối với các số liệu, dữ liệu có liên quan đúng kỳ hạn cho cơ quan đầu mối;

c) Mẫu đề cương và nội dung báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

d) Sở Xây dựng có trách nhiệm gửi báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh đến Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Quy hoạch - Kiến trúc (đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) để làm cơ sở triển khai các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 4 và gửi Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.

2. Đối với đô thị trực thuộc tỉnh và đô thị trực thuộc huyện trong tỉnh

a) Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phân công một đơn vị có chức năng quản lý phát triển đô thị làm đầu mối, định kỳ kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; triển khai thực hiện xây dựng báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cho đô thị loại V từ năm 2020. Đơn vị đầu mối lập kế hoạch xây dựng báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cho từng đô thị và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, tổng hợp các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh được quy định tại Phụ lục 1, 2 của Thông tư này, lập và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành báo cáo;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, phân công cụ thể các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các đô thị trực thuộc huyện cung cấp và chịu trách nhiệm đối với các số liệu, dữ liệu có liên quan đúng kỳ hạn cho cơ quan đầu mối;

c) Mẫu đề cương và nội dung báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

d) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh đến Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng để làm cơ sở triển khai các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 4 và gửi Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.

Điều 9. Kinh phí tổ chức thực hiện và lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

1. Kinh phí cho việc thu thập số liệu, tính toán, phân tích và lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh năm cơ sở, báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh hàng năm và báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo giai đoạn được cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Dự toán chi phí được xác định và phê duyệt trên cơ sở nội dung, khối lượng công việc phải thực hiện và khả năng chi trả của địa phương.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân các đô thị trực thuộc và các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh làm căn cứ triển khai các hoạt động xây dựng đô thị tăng trưởng xanh tại các đô thị trực thuộc.

2. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trên địa bàn.

3. Sở Xây dựng các thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; xác định rõ các nhiệm vụ công việc cụ thể lập báo cáo, tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn (nếu có) lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh năm cơ sở và theo giai đoạn theo quy định pháp luật hiện hành.

4. Các đô thị chủ động đề xuất, hợp tác với các tổ chức, đơn vị, cơ quan trong nước và quốc tế để hỗ trợ, tài trợ cho công tác đánh giá hiện trạng, lập báo cáo, theo dõi và giám sát thực hiện các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

5. Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động các nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ để hướng dẫn, phổ biến và triển khai thí điểm xây dựng đô thị tăng trưởng xanh đối với các đô thị.

6. Bộ Xây dựng chủ trì, tổ chức triển khai, hướng dẫn, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia tại các đô thị.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2018.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết./.

 



KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

Phan Thị Mỹ Linh

 

------------

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CHỈ TIÊU XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TĂNG TRƯỞNG XANH
(Ban hành kèm theo Thông t
ư số 01/2018/TT-BXD ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh)

STT

Mã số

Nhóm, tên chỉ tiêu

01. Kinh tế

1

0101

Tỷ lệ chi sử dụng điện so với tổng chi tiêu của hộ

2

0102

Tỷ lệ thấtthoátnước sạch

3

0103

Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ sử dụng tài nguyên tự nhiên

4

0104

Tỷ lệ đầu tư dự án mới thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

5

0105

Tỷ lệ công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh

02. Môi trường

6

0201

Diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị

7

0202

Diện tích mặt nước tự nhiên đô thị suy giảm

8

0203

Tỷ lệ đường đô thị sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo để chiếu sáng

9

0204

Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng

10

0205

Tỷ lệ phương tiện giao thông cá nhân hạn chế phát thải

11

0206

Tỷ lệ đường giao thông dành riêng cho xe đạp

12

0207

Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

13

0208

Tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

14

0209

Số đơn vị hành chính cấp phường, xã chịu thiệt hại trực tiếp do biến đổi khí hậu

15

0210

Số khu vực bị ô nhiễm môi trường nặng cần xử lý

03. Xã hội

16

0301

Tỷ lệ tăng dân số toàn đô thị so với tỷ lệ tăng diện tích đất phi nông nghiệp

17

0302

Tỷ lệ hộ có nhàở kiên cố

18

0303

Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch

19

0304

Số lượng không gian công cộng

04. Thể chế

20

0401

Quy hoạch chung đô thị được lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu

21

0402

Chiến lược, kế hoạch hành động, chính sách cụ thể được ban hành hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu

22

0403

Tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến

23

0404

Tỷ lệ cán bộ quản lý đô thị các cấp đã được đào tạo bồi dưỡng về tăng trưởng xanh

24

0405

Các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu

 

PHỤ LỤC 2

NỘI DUNG CHỈ TIÊU VỀ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TĂNG TRƯỞNG XANH
(Ban hành kèm theo Thông t
ư số 01/2018/TT-BXD ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh)

01. Kinh tế

0101. Tỷ lệ chi sử dụng điện so với tổng chi tiêu của hộ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ chi sử dụng điện so với tổng chi tiêu của hộ là số tiền và giá trị hiện vật mà hộ dân cư chi cho dịch vụ điện so với tổng chi tiêu của hộ trong thời gian nhất định.

Công thức tính:

Tỷ lệ chi sử dụng điện so với tổng chi tiêu của hộ (%)

=

Tổng số tiền và giá trị hiện vật mà hộ dân cư chi cho dịch vụ điện

x 100

Tổng chi tiêu của họ

 

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố: 2 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0102. Tỷ lệ thất thoát nước sạch

1. Khái niệm, phương pháp tính

Nước sạch là nước máy được sản xuất từ các nhà máy xử lý nước và cung cấp cho người dân, đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Xây dựng.

Tỷ lệ thất thoát nước sạch là tỷ lệ nước sạch hao hụt trong quá trình vận hành, phân phối đến các hộ tiêu thụ.

Công thức tính:

Tỷ lệ thất thoát nước sạch (%)

=

Tổng lượng nước tại thiết bị đầu - Tổng lượng nước tại thiết bị cuối

x 100

Tổng lượng nước cấp tại nhà máy

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0103. Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ sử dụng tài nguyên tự nhiên

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ sử dụng tài nguyên tự nhiên là chỉ tiêu cho biết tổng giá trị thu ngân sách nhà nước từ sử dụng tài nguyên tự nhiên chiếm bao nhiêu phần trăm tổng thu ngân sách nhà nước trong một thời kỳ trên địa bàn của toàn đô thị, tính bằng đơn vị %.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là toàn bộ các khoản thu mà chính quyền địa phương huy động vào quỹ ngân sách trong một thời kỳ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước, không bao gồm những khoản thu bị ràng buộc bởi trách nhiệm hoàn trả cho đối tượng nộp.

Thu ngân sách nhà nước từ sử dụng tài nguyên tự nhiên là tổng giá trị các khoản thu thuế tài nguyên và các khoản thu từ đất gồm các nguồn thu quy định tại điểm a, c, d, đ, e, g, s khoản 1 điều 37 Luật Ngân sách nhà nước năm 2013, theo nhiệm vụ thu ngân sách đã được phân cấp cho đô thị.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn đô thị là tổng thu ngân sách theo nhiệm vụ thu ngân sách đã được phân cấp cho đô thị.

Công thức tính:

Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ sử dụng tài nguyên tự nhiên (%)

=

Tổng thu ngân sách nhà nước từ sử dụng tài nguyên tự nhiên

x 100

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn đô thị

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0104. Tỷ lệ đầu tư dự án mới thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

1. Khái niệm, phương pháp tính

Các dự án đầu tư thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là các dự án thực hiện một hoặc nhiều các hoạt động ưu tiên, bao gồm:

1. Phát triển giao thông đô thị xanh, giao thông công cộng và các hình thức giao thông phát thải thấp, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

2. Phát triển công trình xanh, thân thiện môi trường.

3. Sử dụng tiết kiệm và chống thất thoát, thất thu nước sạch.

4. Xử lý rác thải, chất thải theo hướng giảm xả thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng và tái chế rác thải.

5. Phát triển, ứng dụng vật liệu xây dựng và công nghệ xây dựng xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch.

6. Phát triển khu đô thị xanh, sinh thái.

7. Tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu đối với các đô thị.

8. Phát triển đô thị thông minh.

Tỷ lệ đầu tư dự án mới thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là chỉ tiêu biểu hiện tỷ lệ so sánh tổng vốn đầu tư các dự án đầu tư mới thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trên tổng vốn dự án đầu tư mới trên địa bàn toàn đô thị trong một thời gian nhất định.

Dự án đầu tư mới bao gồm các dự án đăng ký đầu tư mới và các dự án đăng ký tăng thêm vốn đầu tư.

Công thức tính:

Tỷ lệ đầu tư dự án mới thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh (%)

=

Tổng vốn đầu tư các dự án đầu tư mới thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

x 100

Tổng vốn dự án đầu tư mới trên địa bàn toàn đô thị

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0105. Tỷ lệ công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh là tỷ lệ giữa số công trình xây dựng đã nghiệm thu và được cấp chứng chỉ công trình xanh so với tổng số công trình xây dựng được nghiệm thu trên địa bàn toàn đô thị trong khoảng thời gian nhất định.

Công trình xây dựng nghiệm thu là các công trình xây dựng thuộc đối tượng quy định tại Điều 32, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/5/2015 về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Công thức tính:

Tỷ lệ công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh (%)

=

Số công trình xây dựng đã nghiệm thu và được cấp chứng chỉ công trình xanh

x 100

Tổng số công trình xây dựng được nghiệm thu

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

02. Môi trường

0201. Diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị

1. Khái niệm, phương pháp tính

Diện tích đất cây xanh công cộng là diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng ngoài đơn vị ở trong khu vực nội thành, nội thị của các đô thị bao gồm: công viên, vườn hoa phục vụ một hay nhiều đơn vị ở, toàn đô thị hoặc cấp vùng (bao gồm cả các công viên chuyên đề); diện tích mặt nước nằm trong khuôn viên các công viên, vườn hoa, trong đó chỉ tiêu mặt nước khi quy đổi ra chỉ tiêu đất cây xanh/người không chiếm quá 50% so với tổng chỉ tiêu diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng ngoài đơn vị ở.

Diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị là tỷ lệ tổng diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị so với tổng dân số khu vực nội thành, nội thị trong cùng một thời gian nhất định.

Công thức tính:

Diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị (m2/người)

=

Tổng diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị

x 100

Tổng dân số khu vực nội thành, nội thị

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0202. Diện tích mặt nước tự nhiên đô thị suy giảm

1. Khái niệm, phương pháp tính

Diện tích mặt nước tự nhiên đô thị suy giảm là diện tích mặt nước tự nhiên đô thị bao gồm mặt nước ao, hồ, kênh mương, sông, suối, rạch trong ranh giới hành chính của đô thị bị suy giảm trong một thời gian nhất định do các nguyên nhân như thay đổi chức năng sử dụng, đầu tư xây dựng công trình, lấn chiếm trái phép, sạt lở do thiên tai, biến đổi khí hậu.

Công thức tính:

Diện tích mặt nước tự nhiên đô thị suy giảm (m2)

=

Tổng số diện tích mặt nước tự nhiên của đô thị năm trước năm đánh giá (m2)

-

Tổng số diện tích mặt nước tự nhiên của đô thị năm đánh giá (m2)

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0203. Tỷ lệ đường đô thị sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo để chiếu sáng

1. Khái niệm, phương pháp tính

Là tỷ lệ chiều dài các tuyến đường được áp dụng các thiết bị và công nghệ chiếu sáng tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo trên tổng chiều dài đường đô thị (tính từ đường khu vực trở lên) được chiếu sáng trong ranh giới các phường, thị trấn.

Công thức tính:

Tỷ lệ đường đô thị sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo để chiếu sáng (%)

=

Tổng chiều dài các tuyến đường đô thị sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo để chiếu sáng

x 100

Tổng chiều dài đường đô thị được chiếu sáng

 

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0204. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng là tỷ lệ số lượng khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn đô thị so với tổng nhu cầu đi lại bình quân của người dân. Chỉ tiêu này chỉ áp dụng đối với đô thị loại II trở lên.

Công thức tính:

Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng (%)

=

Tổngsố lượt khách sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng

x 100

Tổngsố nhu cầu đi lại bình quân trong năm

Trong đó,

Nhu cầu đi lại bình quân (lượt)

= Dân số toàn đô thịxHệ số đi lại bình quân

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0205. Tỷ lệ phương tiện giao thông cá nhân hạn chế phát thải

1. Khái niệm, phương pháp tính

Phương tiện giao thông cá nhân hạn chế phát thải bao gồm xe ô tô hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên (CNG), xe ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện và xe đạp và các phương tiện giao thông cá nhân khác hạn chế phát thải.

Tỷ lệ phương tiện giao thông cá nhân hạn chế phát thải là tỷ số phần trăm số lượng phương tiện giao thông cá nhân hạn chế phát thải so với tổng số phương tiện cá nhân trên địa bàn đô thị.

Công thức tính:

Tỷ lệ phương tiện giao thông cá nhân hạn chế phát thải (%)

=

Số lượng phương tiện giao thông cá nhân hạn chế phát thải

x 100

Tổngsốphương tiện cá nhân

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0206. Tỷ lệ đường giao thông dành riêng cho xe đạp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ đường giao thông dành riêng cho xe đạp là tỷ lệ giữa tổng chiều dài đường giao thông dành riêng cho xe đạp và tổng chiều dài đường giao thông đô thị. Chỉ tiêu này chỉ áp dụng đối với đô thị loại II trở lên.

Công thức tính:

Tỷ lệđường giao thông dành riêng cho xe đạp(%)

=

Tổng chiều dài đường xe đạp

x 100

Tổng chiều dài đường đô thị

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0207. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng là tỷ lệ giữa tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật so với tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt của đô thị hàng ngày.

Công thức tính:

Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (%)

=

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

x 100

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của đô thị

2. Phân tổ chủ yếu:

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0208. Tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

1. Khái niệm, phương pháp tính

Nước thải là nước đã qua sử dụng và được xả thải ra môi trường xung quanh. Xử lý nước thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật làm giảm, loại bỏ, tiêu hủy các thành phần có hại trong nước thải, đảm bảo nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường.

Tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là Tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 80% tổng công suất cấp nước sạch đô thị.

Công thức tính:

Tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (%)

=

Tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

x 100

80% tổng công suất cấp nước sạch đô thị

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0209. Số đơn vị hành chính cấp phường, xã chịu thiệt hại trực tiếp do biến đổi khí hậu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Là tổng số các đơn vị hành chính cấp phường, xã của đô thị chịu thiệt hại trực tiếp do tác động biến đổi khí hậu, thiên tai như ngập lụt, triều cường, lũ quét, sạt lở đất, xâm nhập mặn xảy ra trong năm.

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0210. Số khu vực bị ô nhiễm môi trường nặng cần xử lý

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số khu vực bị ô nhiễm môi trường nặng cần xử lý là số khu vực trong đô thị có tình trạng môi trường bị ô nhiễm nặng gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân cần được xử lý cấp thiết.

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

03. Xã hội

0301. Tỷ lệ tăng dân số toàn đô thị so với tỷ lệ tăng diện tích đất phi nông nghiệp đô thị

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất quy định tại Khoản 2 Điều 10 của Luật đất đai năm 2013.

Tỷ lệ tăng dân số toàn đô thị so với tỷ lệ tăng diện tích đất phi nông nghiệp đô thị cho biết tương quan giữa dân số và việc chuyển đổi đất phi nông nghiệp trong đô thị trong một khoảng thời gian nhất định.

Công thức tính:

Tỷ lệ tăng dân số toàn đô thị so với tỷ lệ tăng diện tích đất phi nông nghiệp đô thị

=

Tỷ lệ tăng dân số toàn đô thị

Tỷ lệ tăng diện tích đất phi nông nghiệp đôthị

Trong đó:

Tỷ lệ tăng dân số toàn đô thị

=

Dân số toàn đô thị năm cuối giai đoạn

Dân sốtoàn đô thị năm đầu giai đoạn

 

Tỷ lệ tăng diện tích đất phi nông nghiệp đô thị

=

Diện tích đất phi nông nghiệp đô thị năm cuối giai đoạn

Diện tích đất phi nông nghiệp đô thị năm đầu giai đoạn

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0302. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố

1. Khái niệm, phương pháp tính

Nhà ở kiên cố là nhà có cả ba kết cấu chính: cột, mái, tường đều được làm bằng vật liệu bền chắc.

Công thức tính:

Tỷ lệhộ có nhà ở kiên cố(%)

=

Số hộ có nhà ở kiên cố

x 100

Tổng số hộ gia đình

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0303. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch là phần trăm dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp thống cấp nước tập trung trong tổng dân số đô thị.

Công thức tính:

Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch (%)

=

Tổng dân số đô thị được cung cấp nước sạch

x 100

Tổng dân số đô thị

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0304. Số lượng không gian công cộng

1. Khái niệm, phương pháp tính

Không gian công cộng đô thị bao gồm: không gian sinh hoạt cộng đồng, công viên, vườn hoa, quảng trường khu vực đi bộ (được tổ chức là không gian mở, có điểm vui chơi, giải trí phục vụ đời sống tinh thần của dân cư đô thị).

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

04. Thể chế

04Ọ1. Quy hoạch chung đô thị được lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Là các Quy hoạch chung đô thị mà trong đó các mục tiêu về tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép trong mục tiêu, các chỉ tiêu và giải pháp quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0402. Chiến lược, kế hoạch hành động, chính sách cụ thể được ban hành hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chiến lược, kế hoạch hành động, chính sách cụ thể được ban hành hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu là các quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc phê duyệt, ban hành các chiến lược, kế hoạch hành động, chính sách ưu tiên khuyến khích hoặc quy định điều chỉnh các hành động hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0403. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến

1. Khái niệm, phương pháp tính

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

a) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

b) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

c) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

d) Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Chỉ tiêu này cho biết mức độ thực hiện theo chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử của các cơ quan Nhà nước trong quản lý đô thị của chính quyền địa phương.

Công thức tính:

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (%)

=

Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ3 và4

x 100

Tổng số các dịch vụ công tại đô thị

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0404. Tỷ lệ cán bộ quản lý đô thị các cấp đã được đào tạo bồi dưỡng về tăng trưởng xanh

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đào tạo bồi dưỡng về tăng trưởng xanh là các khóa đào tạo ngắn hạn hay định kỳ và các chương trình nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, chuyên môn có liên quan đến tăng trưởng xanh của đô thị.

Công thức tính:

Tỷ lệ cán bộ quản lý đô thị được đào tạo về tăng trưởng xanh (%)

=

Số lượt cán bộ quản lý đô thị các cấp đã được đào tạo về tăng trưởng xanh

x 100

Tổng số cán bộ quản lý đô thị

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

0405. Các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu là các chương trình, kế hoạch, dự án, hoạt động tuyên truyền; giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cộng đồng về tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, được thực hiện bởi chính quyền đô thị hoặc các tổ chức chính trị xã hội.

Đối với báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo giai đoạn, chỉ tiêu này được tính lũy kế từ đầu giai đoạn.

2. Phân tổ chủ yếu

3. Kỳ công bố:

- Năm;

- 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp:

- Các thành phố trực thuộc Trung ương: Sở Xây dựng

- Các tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp huyện

 

PHỤ LỤC 3

MẪU ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TĂNG TRƯỞNG XANH
(Ban hành kèm theo Thông t
ư số 01/2018/TT-BXD ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh )

PHỤ LỤC 3A. MẪU ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TĂNG TRƯỞNG XANH NĂM CƠ SỞ

1. Phần mở đầu

- Phạm vi lập Báo cáo.

- Tóm tắt, khái quát các vấn đề chính của Báo cáo.

2. Tổng hợp các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh:

a) Giới thiệu chung về đô thị:

- Tên đô thị; Tỉnh/TP trực thuộc Trung ương; Loại đô thị.

- Diện tích toàn đô thị (km2); Diện tích nội thành/nội thị (km2).

- Cơ cấu kinh tế (Công nghiệp, Nông nghiệp, Dịch vụ); Mức tăng trưởng kinh tế trung bình (%/năm); Thu nhập bình quân đầu người (triệu đồng/người/năm).

- Dân số toàn đô thị, Dân số nội thành/nội thị (không áp dụng đối với thị trấn), Tỷ lệ đô thị hóa (%).

- Tổng số hộ dân cư (toàn đô thị, nội thành/nội thị); Tỷ lệ hộ nghèo (toàn đô thị, nội thành/nội thị); Tỷ lệ hộ cận nghèo (toàn đô thị, nội thành/nội thị); Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo (toàn đô thị).

b) Hiện trạng số liệu các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh của đô thị năm cơ sở.

3. Phân tích đánh giá xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

a) Đánh giá hiện trạng phát triển đô thị:

Đánh giá theo 4 nhóm chỉ tiêu và 24 chỉ tiêu cụ thể hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư này, trong đó làm rõ:

- Xu hướng tăng trưởng kinh tế đô thị so với định hướng tăng trưởng xanh: đánh giá tổng hợp tình hình thực hiện những vấn đề ưu tiên trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua việc sử dụng, khai thác tài nguyên tại đô thị, mức tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ nước để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế, tình hình và chất lượng đầu tư xây dựng theo hướng tăng trưởng xanh;

- Môi trường đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh: xem xét đánh giá tác động của tăng trưởng kinh tế đối với môi trường đô thị, tình hình chất lượng môi trường cảnh quan đô thị, giá trị tài nguyên, diễn biến các rủi ro về thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng các biện pháp bảo vệ môi trường, phát huy sử dụng các nguồn năng lượng các-bon thấp, phát thải thấp, khả năng ứng dụng các công nghệ và vật liệu tiên tiến.

- Xã hội đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh: xem xét đánh giá tác động của tăng trưởng kinh tế đối với chất lượng và điều kiện sống dân cư đô thị, các dịch vụ tiện ích của đô thị và khả năng tiếp cận dịch vụ phục vụ dân cư đô thị.

- Năng lực đáp ứng về thể chế của đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh: xác định các vấn đề cần được thực hiện trên cơ sở so sánh giữa phát triển đô thị theo phương án phát triển thông thường và phát triển đô thị tăng trưởng xanh, (ví dụ như: các quy định về quản lý công nghệ được áp dụng, giảm phát thải khí nhà kính, các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư tăng trưởng xanh, các cơ chế khuyến khích áp dụng các công nghệ, vật liệu tiên tiến).

b) Phân tích:

Các nội dung phân tích cần tập trung vào một số nội dung sau:

- Thách thức cũng như các cơ hội trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh đối với đô thị.

- Xác định và đánh giá các hoạt động hiện tại có liên quan tới đô thị tăng trưởng xanh có thể phù hợp với địa phương.

- Xác định các nguồn lực có tính khả thi cao.

- Xác định vai trò, nhiệm vụ cụ thể của các bên liên quan trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

4. Kết luận, kiến nghị

a) Kết luận:

b) Kiến nghị: Đề xuất danh mục các hoạt động về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

5. Phụ lục kèm theo báo cáo:

- Số liệu chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

- Danh mục các hoạt động ưu tiên về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

- Các tài liệu, văn bản và các số liệu liên quan.

PHỤ LỤC 3B. MẪU ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TĂNG TRƯỞNG XANH HÀNG NĂM

1. Phần mở đầu

- Phạm vi lập Báo cáo.

- Tóm tắt, khái quát các vấn đề chính của Báo cáo.

2. Phân tích đánh giá xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

So sánh đối chiếu của các chỉ tiêu của năm đánh giá so với năm cơ sở, báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh hàng năm cần ngắn gọn, tập trung nêu rõ:

- Phân tích các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, lưu ý các chỉ tiêu có sự thay đổi so với năm trước xây dựng báo cáo.

- Đánh giá những kết quả chủ yếu đạt được trong năm về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, trong đó xác định các điểm mạnh, thách thức và cơ hội.

3. Kết luận, kiến nghị, đề xuất

Các đề xuất, kiến nghị cụ thể, huy động sự tham gia có hiệu quả của các bên liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

4. Phụ lục kèm theo báo cáo:

- Số liệu chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

- Tổng hợp danh mục đề xuất bổ sung (nếu có) các hoạt động về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

- Các tài liệu văn bản và các số liệu liên quan.

PHỤ LỤC 3C. MẪU ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO XÂY DỰNG ĐÔ THỊ TĂNG TRƯỞNG XANH THEO GIAI ĐOẠN

1. Phần mở đầu

- Phạm vi lập Báo cáo.

- Tóm tắt, khái quát các vấn đề chính của Báo cáo.

2. Tổng hợp Bộ chỉ số xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

a) Giới thiệu chung về đô thị:

- Tên đô thị; ……………; Loại đô thị;

- Diện tích toàn đô thị (km2); Diện tích nội thành/nội thị (km2);

- Cơ cấu kinh tế (Công nghiệp, Nông nghiệp, Dịch vụ); Mức tăng trưởng kinh tế trung bình (%/năm); Thu nhập bình quân đầu người (triệu đồng/người/năm);

- Dân số toàn đô thị, Dân số nội thành/nội thị (không áp dụng đối với thị trấn), Tỷ lệ đô thị hóa (%);

- Tổng số hộ dân cư (toàn đô thị, nội thành/nội thị); Tỷ lệ hộ nghèo (toàn đô thị, nội thành/nội thị); Tỷ lệ hộ cận nghèo (toàn đô thị, nội thành/nội thị); Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo (toàn đô thị).

b) Tổng hợp số liệu các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh của đô thị theo giai đoạn.

3. Phân tích đánh giá xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo giai đoạn cần tập trung vào một số nội dung sau:

- Phân tích kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tổng hợp các báo cáo hàng năm và báo cáo năm cơ sở;

- Đánh giá toàn diện xu hướng tăng trưởng xanh của đô thị: Phân tích các thay đổi trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh thông qua các chỉ tiêu được quy định tại Thông tư này, đánh giá sự tăng trưởng đô thị theo các nhóm như kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế để thấy được xu thế phát triển của đô thị, sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng đô thị trong giai đoạn 5 năm;

- Rà soát các chỉ đạo, định hướng, quy hoạch, chương trình phát triển đô thị.

4. Kết luận, kiến nghị, đề xuất

Các đề xuất, kiến nghị cho giai đoạn tiếp theo, bao gồm:

a) Đề xuất các chỉ tiêu cần đạt được trong giai đoạn tới; Đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung tiếp tục triển khai thực hiện trong 5 năm tiếp theo;

b) Đề xuất cơ chế chính sách nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trong các năm tiếp theo;

c) Đề xuất các chương trình, kế hoạch hành động, thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cho hàng năm, 5 năm tiếp theo và ưu tiên huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh.

5. Các phụ lục kèm theo báo cáo:

- Các tài liệu, văn bản và các số liệu liên quan;

- Đề xuất danh mục các hoạt động ưu tiên về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website