Quyết định số 76/QĐ-TTg, ngày 11/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
  • Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
  • 76/QĐ-TTg
  • Quyết định
  • Kinh tế - Xã hội
  • 11/01/2016
  • 11/01/2016
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Hoàng Trung Hải
Nội dung:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:76/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016;

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả; góp phần bảo vệ môi trường, xóđói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững được triển khai một cách đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, đồng thời lồng ghép vào nội dung của các chương trình hiện có.

2. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu của vòng đời sản phẩm; ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.

3. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững;

- Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, xây dựng và thực hiện lộ trình áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch đạt 60% đến 70%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%; hoạt động đổi mới sinh thái được triển khai thí điểm thành công trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từng bước mở rộng quy mô và phạm vi áp dụng; tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong GDP từ 42% đến 45%;

- Giảm thiểu việc phát sinh chất thải trong hoạt động phân phối. Phấn đấu khoảng 50% các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn thực hiện và áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm đến khoảng 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến khoảng 50% tại các chợ dân sinh; thực hiện chứng nhận các mô hình phân phối xanh; phát triển thành công và từng bước nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng bền vững, chuỗi giá trị xanh cho một số nhóm sản phẩm;

- Nâng dần tỷ trọng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường trong cơ cấu hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; doanh nghiệp xuất khẩu được cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn về môi trường và phát triển bền vững của nhà nhập khẩu;

- Người tiêu dùng và cộng đồng được cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm thân thiện với môi trường, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững; nâng tỷ trọng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường trong cơ cấu chi tiêu công của Chính phủ; hoàn thiện khung pháp lý quy định, hướng dẫn thực hiện mua sắm công xanh;

- Phấn đấu 90% phế liệu nhựa, giấy, dầu thải và sắt thép trong nước được tái chế; 85% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 75% chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thu hồi để tái sử dụng và tái chế và 50% chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

b) Giai đoạn 2021 - 2030

Triển khai đồng bộ các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; các mô hình, thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững được phổ biến và áp dụng rộng rãi tại cộng đồng và các doanh nghiệp. Cơ bản chuyển đổi được mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững

- Lồng ghép các nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương, các chương trình phát triển bền vững, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo;

- Xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và phân phối các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường; xây dựng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi việc tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường; xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp, thúc đẩy hợp tác công tư trong việc thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng hệ thống chỉ tiêu quốc gia theo dõi, đánh giá thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững;

- Xây dựng và hoàn thiện chính sách thúc đẩy hoạt động mua sắm công xanh; ban hành danh mục các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường ưu tiên trong mua sắm công;

- Xây dựng chính sách thương mại quốc tế, chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại song phương và đa phương;

- Xây dựng và hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy các hoạt động tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải.

2. Thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững

- Khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh việc thay thế sử dụng các nguồn tài nguyên có thể cạn kiệt bằng các nguồn tài nguyên, năng lượng mới, có thể tái tạo;

- Tiếp tục thực hiện sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường; đổi mới công nghệ và loại bỏ theo lộ trình các công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động sản xuất bền vững;

- Áp dụng phương thức tiếp cận vòng đời sản phẩm trong triển khai các hoạt động đổi mới sinh thái tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, phòng ngừa và giảm thiểu chất thải;

- Phát triển sản xuất các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp môi trường.

3. Xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường

- Áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động phân phối các sản phẩm, dịch vụ; giảm sử dụng các bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh; đẩy mạnh việc thay thế sử dụng các bao bì khó phân hủy bằng các loại bao bì thân thiện môi trường;

- Nghiên cứu, hỗ trợ triển khai thí điểm, tổ chức phổ biến, nhân rộng một số mô hình phân phối các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và thực hiện cấp chứng nhận mô hình phân phối xanh, thân thiện môi trường;

- Thúc đẩy liên kết bền vững giữa nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trong việc sản xuất, phân phối và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môitrường;

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các đối tượng tham gia vào hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng các sản phẩm.

4. Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam theo hướng bền vững

- Đánh giá tiềm năng thị trường và khả năng cung ứng các sản phẩm thân thiện môi trường của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam; nghiên cứu các cơ hội xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam khi được dán nhãn xanh Việt Nam, nhãn tiết kiệm năng lượng và nhãn sinh thái khác;

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm được dán nhãn xanh Việt Nam, nhãn tiết kiệm năng lượng và các nhãn sinh thái khác;

- Tăng cường năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và khả năng đáp ứng các quy định về môi trường, phát triển bền vững của các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam;

- Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật đối với doanh nghiệp trong việc xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu về môi trường và phát triển bền vững; xây dựng mô hình doanh nghiệp xuất khẩu bền vững;

5. Thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững

- Tuyên truyền, vận động xây dựng lối sống thân thiện môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, các bon thấp, hài hòa, thân thiện môi trường;

- Tổ chức các kênh thông tin và thực hiện quảng bá sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường tới người tiêu dùng; tăng cường đào tạo và phổ biến các kiến thức, chính sách, pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho cán bộ, doanh nghiệp và người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững;

- Nâng cao vai trò hỗ trợ của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng;

- Tiếp tục thực hiện hoạt động dán nhãn xanh Việt Nam, nhãn tiết kiệm năng lượng và các loại nhãn sinh thái khác; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, chứng nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường;

- Thực hiện hoạt động mua sắm xanh, ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động về mua sắm công xanh; nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm và nhân rộng mô hình mua sắm công xanh;

- Phát triển và phổ biến các mô hình thực hành lối sống bền vững.

6. Thực hiện giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về tái chế, tái sử dụng chất thải cho cộng đồng và doanh nghiệp;

- Thực hiện quản lý tổng hợp chất thải rắn theo cơ chế thị trường, thu phí theo khối lượng chất thải rắn phát sinh;

- Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các hoạt động giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất và thương mại, dịch vụ; tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu;

- Thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình thực hiện giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong cộng đồng, doanh nghiệp.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động ưu tiên của Chương trình; thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình trong các chương trình, kế hoạch hành động của quốc gia và các ngành, địa phương thực hiện Chiến lược phát triển bền vững và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các chương trình có liên quan.

Chi tiết các hoạt động ưu tiên thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong các chương trình hiện có.

3. Nguồn vốn thực hiện Chương trình:

- Kinh phí để thực hiện Chương trình được huy động từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, tài trợ, các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và những nguồn vốn hợp pháp khác;

- Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm huy động, quản lý nguồn lực kinh phí được huy động từ các nguồn vốn nói trên theo quy định hiện hành để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình;

- Nhà nước ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan:

- Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động ưu tiên của Chương trình này;

- Xây dựng và hoàn thiện các chính sách thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, mạng lưới phân phối, các chính sách thương mại khuyến khích, hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường;

- Triển khai các chương trình: Đổi mới sinh thái; phát triển sản xuất một số sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; phát triển hệ thống phân phối bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm theo hướng bền vững; phát triển chuỗi cung ứng bền vững đối với các sản phẩm đồ uống, dệt may và da giầy;

- Xây dựng bộ chỉ tiêu quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng dẫn và phổ biến áp dụng;

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả; hiệu quả thực hiện Chương trình và đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nội dung, nhiệm vụ Chương trình trong trường hợp cần thiết.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; chính sách thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; thực hiện hoạt động nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; triển khai kế hoạch hành động về giảm thiểu, tái chế tái sử dụng chất thải.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện các nội dung hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai việc lồng ghép nội dung đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào chương trình giáo dục đào tạo các cấp, chương trình đào tạo nghề, giáo dục chuyên nghiệp.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan tổ chức việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm nông sản thực phẩm.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chủ động tổ chức thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững; chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch hành động và cụ thể hóa nhiệm vụ của Chương trình để lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương;

- Huy động, bố trí các nguồn kinh phí của địa phương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình theo quy định;

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình được phân công; định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả về Bộ Công Thương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(Đã ký)


Hoàng Trung Hải

 

------------------------------

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC HOẠT ĐỘNG ƯU TIÊN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Hoàn thiện khung pháplý, chính sách thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững

a

Mục tiêu

Tạo hành lang pháp lý khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc đầu tư, thực hiện các nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững

b

Đối tượng

Cáccơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững

c

Nội dung chính

1. Rà soát, hướng dẫn việc lồng ghép các nội dung, hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, ngành và địa phương, các chương trình phát triển bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo.

2. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ trong đầu tư sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.

3. Xây dựng các chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường và cơ chế khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

4. Xây dựng và hoàn thiện chính sách thúc đẩy hoạt động mua sắm công xanh; ban hành danh mục các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường ưu tiên trong mua sắm công.

5. Rà soát và đề xuất chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các kênh phân phối, mạng lưới mua hàng xanh; phát triển các chui cung ứng bền vững.

6. Xây dựng và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế, chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thân thiện môi trường phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế và khu vực, các hiệp định môi trường, hiệp định thương mại song phương và đa phương.

7. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phối hợp, hợp tác công tư trong triển khai thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững.

8. Xây dựng và hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy các hoạt động tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải.

d

Đơn vị chủ trì và phối hợp

Chủ trì:

Bộ Công Thương: Nội dung số 1, 2, 5 và 6.

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nội dung số 3, 7 và 8.

Bộ Tài chính: Nội dung số 4.

Phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

đ

Thời gian

2015 - 2020

e

Nguồn ngân sách

Ngân sách nhà nước, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác

2. Nâng cao nhận thc, nănglực thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững

a

Mục tiêu

Nâng cao nhận thức của cộng đồng, năng lực của doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan trong việc tham gia, thực hiện các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững

b

Đối tượng

Cộng đồng, doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan

c

Nội dung chính

1. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

2. Đào tạo và phổ biến các kiến thức, chính sách, pháp luật về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho cán bộ, doanh nghiệp và người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

3. Tổ chức các hình thức tuyên dương, khen thưởng các điển hình thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; tổ chức các cuộc thi nhằm kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

4. Lồng ghép nội dung giáo dục về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào trong chương trình giáo dục quốc gia, chương trình đào tạo nghề và giáo dục chuyên nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học, trường đào tạo nghề.

5. Phổ biến và nhân rộng các mô hình thực hành tiêu dùng và sản xuất bền vững trong cộng đồng.

d

Đơn vị chủ trì và phối hợp

Chủ trì:

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nội dung 1, 2, 3, 5.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nộidung 4.

Phối hợp: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan.

đ

Ngân sách

Ngân sách nhà nước, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác

3. Đổi mới sinh thái

a

Mục tiêu

Áp dụng phương thức tiếp cận vòng đời sản phẩm trong việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và năng lượng, khả năng cạnh tranh đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

b

Đối tượng

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp

c

Nội dung chính

1. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sinh thái trong các doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện đổi mới sinh thái cho các doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan.

3. Đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện đổi mới sinh tháitrong các doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đổi mới sinh thái cho các ngành/lĩnh vực.

4. Hỗ trợ xây dựng và phổ biến mô hình trình diễn thực hiện đi mới sinh thái trong các doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

d

Đơn vị chủ trì và phối hợp

Chủ trì: Bộ Công Thương

Phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải

đ

Thời gian

2015 - 2020

e

Nguồn ngân sách

Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác

4. Phát triển sản xuất các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường

a

Mục tiêu

Thúc đẩy việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bền vững

b

Đối tượng

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường

c

Nội dung chính

1. Đánh giá hiện trạng phát triển, năng lực cung ứng và nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; đề xuất danh mục các sản phẩm thân thiện môi trường được ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển.

2. Nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ sạch, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường và công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.

3. Xây dựng và hướng dẫn áp dụng các cơ chế ưu đãi đặc thù thu hút các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.

d

Đơn vị chủ trì và phối hợp

Chủ trì: Bộ Công Thương

Phối hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính và các Bộ chuyên ngành.

đ

Thời gian

2015 - 2020

e

Nguồn vốn

Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác

5. Phát triển hệ thống phân phối bền vững

a

Mục tiêu

Xanh hóa hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa và phát triển các kênh phân phối và mạnglưới mua hàng xanh

b

Đối tượng

Các doanh nghiệp phân phối

c

Nội dung chính

1. Đánh giá hiện trạng cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường; hệ thống hạ tầng và các hoạt động phục vụ phân phối các sản phẩm, dịch vụ.

2. Hỗ trợ triển khai xây dựng và phổ biến nhân rộng một số mô hình thí điểm phân phối các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

3. Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đối với hệ thống phân phối.

4. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và thực hiện cấp chứng nhận cho các mô hình phân phối xanh, thân thiện với môitrường.

d

Đơn vị chủ trì vàphối hợp

Chủ trì: Bộ Công Thương.

Phối hợp: Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố.

đ

Thời gian

2015 - 2020

e

Nguồn vốn

Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác

6. Phát triển chuỗi cungng bền vững

a

Mục tiêu

Hình thành, phát triển các mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng một số sản phẩm nông sản thực phẩm, đồ uống, dệt may và da giầy

b

Đối tượng

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông sản thực phẩm, đồ uống, dệt may và da giầy

c

Nội dung chính

1. Khảo sát, đánh giá hiện trạng và lựa chọn pháttriển thí điểm một số chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm thuộc các các lĩnh vực nông sản và thực phẩm, dệt may và da giầy.

2. Hỗ trợ áp dụng thí điểm và phổ biến nhân rộng các mô hình về chuỗi cung ứng bền vững các sản phẩm, dịch vụ của nền kinh tế.

3. Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa các nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trong việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm,dịch vụ thân thiện môi trường.

d

Đơn vị chủ trì và phối hợp

Chủ trì:

Bộ Công Thương: Xây dựng và phát triển chuỗi cungng bền vững cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực đồ uống, dệt may và da giầy.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông sản thực phẩm.

đ

Thời gian

2015 - 2020

e

Nguồn vốn

Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác

7. Nâng cao nănglực cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm theo hướng bền vững

a

Mục tiêu

Nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu và khả năng tiếp cận thị trường, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các sản phẩm của Việt Nam đượcdán nhãn sinh thái, góp phần thay cơ cấu xuất khẩu Việt Nam theo hướng bền vững

b

Đối tượng

Các doanh nghiệp xuất khẩu

c

Nội dung chính

1. Đánh giá tiềm năng thị trường và khả năng cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường của Việt Nam; nghiên cứu các cơ hội thương mại, xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam khi được dán nhãn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng và nhãn sinh thái khác.

2. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm được dán nhãn sinh thái của Việt Nam.

3. Xây dựng cơ sở dữ liệu, các tài liệu hướng dẫn về hệ thống các quy định, tiêu chuẩn bền vững của các thị trường xuất khẩu.

4. Hướng dẫn, hỗ trợ kthuật đối với doanh nghiệp áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu về môi trường và pháttriển bền vững.

5. Xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chứng nhận mô hình doanh nghiệp xuất khẩu bền vững.

d

Đơn vị chủ trì và phối hợp

Chủ trì: Bộ Công Thương.

Phối hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ.

đ

Thời gian

2015 - 2020

e

Nguồn vốn

Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác

g

Thời gian

2015 - 2020

8. Kế hoạch giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải

a

Mục tiêu

Thúc đẩy các công tác quản lý chất thải theo hướng bền vững

b

Đối tượng

Các doanh nghiệp sản xuất,doanh nghiệp tái chế, cộng đồng

c

Nội dung chính

1. Hướng dẫn, thí điểm thực hiện và phbiến các kỹ thuật, mô hình thực hành giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh thương mại, dịch vụ.

2. Hướng dẫn, đẩy mạnh việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; triển khai nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng và doanh nghiệp.

3. Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về 3R cho cộng đồng và doanh nghiệp.

d

Đơn vị chủ trì và phối hợp

Chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phối hợp: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan

đ

Thời gian

2015 - 2020

e

Nguồn vốn

Ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác

 

 

 

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
71/2015/TT-BTNMT
24/12/2015
15/02/2016

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website