Thông tư số 258/2016/TT-BTC, ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy
  • Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy
  • 258/2016/TT-BTC
  • Thông tư
  • Thuế - Lệ phí
  • 11/11/2016
  • 01/01/2017
  • Bộ Tài chính
  • Vũ Thị Mai
Nội dung:

 

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:  258/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 11năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ THẨM ĐỊNH PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

 

Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy, như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy áp dụng cho các dự án (không bao gồm dự án quy hoạch xây dựng), công trình và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi chung là dự án) được quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ.

2. Thông tư này áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy được hiểu là Cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu các giải pháp, nội dung thiết kế dự án với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế về phòng cháy và chữa cháy được phép áp dụng tại Việt Nam theo thủ tục, trình tự và nội dung thực hiện được quy định tại Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ (sau đây gọi chung là thẩm duyệt).

Kết quả của thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy là việc cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ra Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế dự án, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới; văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của hạng mục công trình, thiết kế xây dựng mới hạng mục công trình của dự án thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ (Sau đây gọi chung là văn bản thẩm duyệt).

2. Cải tạo công trình, hạng mục công trình là việc nâng cấp chất lượng, mở rộng hoặc điều chỉnh cơ cấu diện tích và các hệ thống kỹ thuật của công trình, hạng mục công trình đang sử dụng. Nội dung cải tạo là thay đổi một hoặc các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Điều 13 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ.

3. Thay đổi tính chất sử dụng của công trình, hạng mục công trình là việc thay đổi về công năng sử dụng, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của công trình, hạng mục công trình so với công năng đang hoạt động. Nội dung thay đổi tính chất sử dụng là thay đổi một hoặc các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Điều 13 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ.

4. Hạng mục công trình là một phần công trình có công năng riêng và có thể vận hành một cách độc lập với các hạng mục công trình khác và việc sử dụng hạng mục này nhằm đáp ứng một yêu cầu cụ thể nào đó của công trình. Một công trình cũng có thể có một hay nhiều hạng mục công trình.

5. Hoán cải là việc thay đổi quy mô, tính chất hoạt động và đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ, kết cấu, các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy của phương tiện giao thông cơ giới.

Điều 3. Người nộp phí

Tổ chức, cá nhân khi đề nghị thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy phải nộp phí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Tổ chức thu phí

Tổ chức thu phí là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy gồm:

1. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với các tỉnh chưa thành lập Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy).

Điều 5. Phương pháp tính mức thu phí thẩm định phê duyệt

1. Mức thu phí thẩm định phê duyệt đối với dự án xác định theo công thức sau:

Mức thu phí thẩm định phê duyệt

=

Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt

x

Tỷ lệ tính phí

Trong đó:

Tổng mức đầu tư dự án được xác định theo theo quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, chi phí sử dụng đất (tính toán trước thuế).

- Tỷ lệ tính phí được quy định tại các Biểu mức thu phí I, II kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp dự án có tổng mức đầu tư nằm giữa các khoảng giá trị tổng mức đầu tư của dự án ghi trong Biểu mức thu phí I, II kèm theo Thông tư này thì tỷ lệ tính phí được tính theo công thức sau:

Nit= Nib- {

Nib- Nia

x (Git- Gib)}

Gia- Gib

Trong đó:

- Nit là tỷ lệ tính phí của dự án thứ i theo quy mô giá trị cần tính (Đơn vị tính: %).

- Git là giá trị tổng mức đầu tư của dự án thứ i cần tính phí thẩm duyệt (Đơn vị tính: Tỷ đồng).

- Gia là giá trị tổng mức đầu tư cận trên giá trị tổng mức đầu tư của dự án cần tính phí thẩm duyệt (Đơn vị tính: Tỷ đồng).

- Gib là giá trị tổng mức đầu tư cận dưới giá trị tổng mức đầu tư của dự án cần tính phí thẩm duyệt (Đơn vị tính: Tỷ đồng).

- Nia là tỷ lệ tính phí của dự án thứ i tương ứng Gia (Đơn vị tính: %).

- Nib là tỷ lệ tính phí của dự án thứ i tương ứng Gib (Đơn vị tính: %).

3. Mức thu phí thẩm định phê duyệt phải nộp đối với một dự án được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, mức tối thiểu là 500.000 đồng/dự án và tối đa là 150.000.000 đồng/dự án.

4. Mức thu phí thẩm định phê duyệt đối với dự án đầu tư xây dựng thiết kế cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình, hạng mục công trình; hoán cải phương tiện giao thông cơ giới; xây dựng mới hạng mục công trình được xác định theo giá trị tổng mức đầu tư cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình, hạng mục công trình; hoán cải phương tiện giao thông cơ giới; thiết kế xây dựng mới hạng mục công trình.

Điều 6. Kê khai, nộp phí

1. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.

Điều 7. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí được trích lại 80% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ. Trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí bao gồm cả các nội dung chi như sau:

a) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công tác thẩm duyệt và thu phí: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, tiền làm việc trong môi trường độc hại, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định)Chi làm thêm giờ cho cá nhân thực hiện thẩm duyệt và thu phí.

b) Chi thuê hoặc mua phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy phục vụ công tác thẩm duyệt theo quy định của pháp luật và Bộ Công an; xây dựng hoặc thuê trụ sở để thực hiện công tác thẩm duyệt, lưu trữ hồ sơ thẩm duyệt.

c) Chi liên quan đến công tác thẩm duyệt như: Chi họp hội đồng khoa học, hội đồng thẩm định dự án; thuê tổ chức thực hiện thẩm định dự án; mua và dịch tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác thẩm định phê duyệt.

2. Số tiền còn lại nộp (20%) vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 8. Quy định chuyển tiếp

1. Các dự án nộp hồ sơ đề nghị thẩm duyệt trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng sau khi Thông tư này có hiệu lực thi hành mới được cấp văn bản thẩm duyệt thì:

a) Trường hợp mức thu phí tại Thông thư này cao hợp mức thu phí quy định tại Thông tư số150/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì áp dụng mức thu phí quy định tại Thông tư số 150/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

b) Trường hợp mức thu phí tại Thông thư này thấp hợp mức thu phí quy định tại Thông tư số 150/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì áp dụng mức thu phí quy định tại thì áp dụng mức phí theo quy định tại Thông tư này.

Trường hợp mức phí đã nộp theo quy định tại Thông tư số 150/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính lớn hơn mức phí phải nộp theo quy định tại Thông tư này thì cơ quan thu phí có trách nhiệm rà soát, trả lại cho người nộp phí số tiền phí chênh lệch tại thời điểm tổ chức, cá nhân đến nhận văn bản thẩm duyệt. Thủ tục thực hiện trả lại số tiền chênh lệch như sau:

- Tổ chức thu phí ra văn bản thông báo số phí chênh lệch gửi tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định phê duyệt và Kho bạc nhà nước nơi đăng ký tài khoản thu phí. Số tiền phí chênh lệch trả lại cho người nộp phí được sử dụng từ nguồn tiền phí được để lại của tổ chức thu phí.

- Kho bạc nhà nước quản lý tài khoản thu phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thực hiện trả lại tiền phí chênh lệch cho người nộp phí.

2. Số tiền phí thẩm duyệt đã thu được trích lại theo quy định tại Thông tư số 150/2014/TT-BTCngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhưng chưa chi và được chuyển sang năm sau thì được sử dụng theo quy định của Thông tư này sau khi có hiệu lực thi hành.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư số 150/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy.

2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

Vũ Thị Mai

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website