BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 26/2017/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2017
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Giáo dục Đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội.
Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2016 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Quy định tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nội dung và hình thức tổ chức hoạt động văn hóa trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, bao gồm: các trường tiểu học, trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông có nhiều cấp học; trung tâm giáo dục thường xuyên; các trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, các đại học, học viện, trường đại học (sau đây gọi là cơ sở giáo dục); tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.
2. Văn hóa quần chúng là các hình thức sinh hoạt văn hóa phục vụ quần chúng và do đông đảo quần chúng tham gia.
3. Hoạt động văn hóa là các hình thức sinh hoạt văn hóa quần chúng phong phú và đa dạng nhằm nâng cao đời sống tinh thần, hướng con người vươn lên theo qui luật của cái đúng, cái đẹp, cái tốt, của chuẩn mực giá trị chân, thiện, mĩ.
4. Hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên là các hoạt động văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu về văn hóa cho học sinh, sinh viên.
Điều 3. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
a) Góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức; hình thành thói quen, ý thức tốt nhằm hoàn thiện nhân cách học sinh, sinh viên;
b) Tạo điều kiện để học sinh, sinh viên giao lưu, học hỏi, tiếp thu giá trị văn hóa các vùng, miền và tinh hoa văn hóa nhân loại; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng cảm thụ văn hóa - nghệ thuật, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ Sở giáo dục;
c) Góp phần điều chỉnh những hành vi ứng xử lệch lạc, thiếu chuẩn mực văn hóa của mọi thành viên trong cơ sở giáo dục; ngăn chặn các hành vi bạo lực, các tệ nạn xã hội, các hành vi trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
2. Yêu cầu
a) Hoạt động văn hóa phải được tổ chức, thực hiện thường xuyên; đảm bảo việc tham gia các hoạt động văn hóa phù hợp nhu cầu của học sinh, sinh viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện;
b) Các hoạt động văn hóa được gắn với các sự kiện, ngày lễ trọng đại của đất nước, sự kiện lịch sử, truyền thống của nhà trường, của địa phương và các hoạt động khác theo quy định của ngành Giáo dục.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức hoạt động văn hóa
1. Đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội; tôn trọng đặc trưng, sắc thái văn hóa các dân tộc vùng miền, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
3. Bảo đảm đúng các chức năng của văn hóa, phù hợp với độ tuổi, tâm sinh lý của học sinh, sinh viên; thực hiện hài hòa với các hoạt động khác trong các cơ sở giáo dục.
4. Tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên.
5. Tổ chức lồng ghép các hoạt động văn hóa gắn với các sự kiện, ngày hội, ngày lễ, ngày truyền thống của cơ sở giáo dục, địa phương nơi học sinh, sinh viên sinh sống.
Chương II
NỘI DUNG, HÌNH THỨC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA
Điều 5. Nội dung các hoạt động văn hóa
1. Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa; ca ngợi các thành tựu của cách mạng Việt Nam; giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo lý làm người; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống văn hóa của người Việt Nam.
2. Ca ngợi quê hương đất nước, con người Việt Nam; biểu dương, vinh danh những tấm gương điển hình tiên tiến, nhân tố tích cực trong ngành Giáo dục.
3. Phát triển các loại hình văn hóa và những giá trị nhân văn của văn hóa Việt Nam.
4. Phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với bản thân, gia đình, nhà trường, quê hương và đất nước; đáp ứng nhu cầu, sở thích lành mạnh của học sinh, sinh viên.
5. Phê phán những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực trong mối quan hệ giữa con người với con người, với môi trường xung quanh, với di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại; phê phán các biểu hiện lệch lạc, đua đòi, ham chơi, thích hưởng thụ; phòng chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực và bất bình đẳng giới trong học đường.
Điều 6. Các hình thức tổ chức hoạt động văn hóa cơ bản
1. Phát triển văn hóa đọc; tổ chức hoạt động tại thư viện nhà trường, phòng đọc, phòng tra cứu; trang bị tủ sách tại các lớp học; tìm hiểu tri thức văn hóa thông qua hệ thống sách, báo, tạp chí và các phương tiện thông tin, truyền thông khác.
2. Tổ chức nói chuyện chuyên đề về văn hóa - xã hội; tổ chức tìm hiểu về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc.
3. Tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, sáng tạo thẩm mỹ như: văn học, âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh và các lĩnh vực nghệ thuật khác; hoạt động thể thao, trò chơi giải trí...
4. Tổ chức tuyên truyền, cổ động thông qua các hình thức: Bảng tin, áp phích, khẩu hiệu, các ấn phẩm; đài phát thanh, trang thông tin, tranh cổ động và các hình thức khác phù hợp.
5. Tổ chức giao lưu giữa học sinh, sinh viên trong nước và ngoài nước; tổ chức xã hội khác.
6. Tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim định kỳ cho học sinh, sinh viên; tổ chức lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với các sự kiện, ngày hội, ngày lễ, ngày truyền thống của cơ sở giáo dục, địa phương nơi học sinh, sinh viên sinh sống.
7. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhân đạo, tình nguyện vì cộng đồng, bảo vệ môi trường và các hoạt động khác.
8. Tổ chức các hoạt động văn hóa khác phù hợp với pháp luật, truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Các sở giáo dục và đào tạo
1. Xây dựng kế hoạch, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tổ chức hoạt động văn hóa thường xuyên trong các cơ sở giáo dục trong phạm vi quản lý tại địa phương; đôn đốc, kiểm tra và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này.
2. Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan ở địa phương trong việc thực hiện Thông tư này.
Điều 8. Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm
1. Xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa thường xuyên cho học sinh, sinh viên.
2. Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên, các nguồn thu hợp pháp khác; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động văn hóa trong trường học và tham gia cấp cụm, cấp quốc gia theo quy định.
3. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể và các cơ quan quản lý của địa phương; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các tổ chức khác trong trường để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Thông tư.
Điều 9. Chế độ báo cáo
1. Các sở giáo dục và đào tạo báo cáo kết quả công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước tháng 6 hằng năm.
2. Các cơ sở đào tạo sư phạm, giáo dục đại học báo cáo tình hình chỉ đạo, kết quả tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước tháng 7 hằng năm.
Điều 10. Kiểm tra
Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan quản lý văn hóa theo thẩm quyền tổ chức kiểm tra việc tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên theo quy định.
Điều 11. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Kết quả triển khai thực hiện Thông tư Quy định tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục của các đơn vị hằng năm là một nội dung đánh giá thi đua, khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục.
2. Căn cứ kết quả tham gia các hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục có hình thức khen thưởng kịp thời đối với tập thể và cá nhân học sinh, sinh viên, cán bộ, nhà giáo có thành tích xuất sắc trong việc tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa.
3. Những cá nhân có thành tích xuất sắc trong hội diễn, liên hoan văn nghệ các cấp được khen thưởng, được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định hiện hành.
4. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các điều khoản khi triển khai, thực hiện Thông tư này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Kinh phí
1. Nguồn Ngân sách nhà nước cấp.
2. Các khoản tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
3. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác của cơ sở giáo dục (nếu có).
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 12 năm 2017.
2. Thông tư này thay thế Quyết định số 60/2008/QĐ-BGDĐT ngày 05/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Thị Nghĩa
|